Đẩy mạnh tuyên truyền
Trao đổi với chúng tôi về triển vọng khi TX Kỳ Anh triển khai chương trình: “Mỗi xã một sản phẩm”, bà Nguyễn Hoài Nam - Trưởng phòng Quản lý đô thị và kinh tế (QLĐT&KT) thị xã cho biết: “Cơ hội từ chương trình sẽ rất lớn, khi các xã, phường trong thị xã xác định được các sản phẩm chủ lực, từ sản phẩm nhỏ lẻ, manh mún trở thành chuỗi liên kết, tạo ra lợi nhuận bền vững”.
Thị xã Kỳ Anh đang tập trung ứng dụng KHCN để sản xuất, chế biến và bảo quản các sản phẩm truyền thống của địa phương
Xác định đây là chương trình quan trọng, có ý nghĩa rất lớn đối với địa phương, TX Kỳ Anh đã chủ động công tác chuẩn bị. Theo đó, Phòng QLĐT&KT cùng các phòng, ban chuyên môn thị xã đã tham mưu cho UBND thị xã một số nội dung cần thực hiện trước mắt và lâu dài, đặc biệt, đẩy mạnh công tác tuyên truyền ngay những bước đi đầu tiên này. Đồng thời, bố trí cán bộ tham gia triển khai thực hiện chương trình theo hướng chuyên nghiệp, chuyên trách; ban hành các chính sách phù hợp, thiết thực để huy động nguồn lực xã hội, nhất là nguồn lực từ nhân dân, các tổ chức kinh tế, vốn ngoài ngân sách để thực hiện.
Mặt khác, thị xã tập trung ứng dụng KHCN để sản xuất, chế biến và bảo quản sản phẩm; thực hiện tốt công tác xúc tiến thương mại (xây dựng hệ thống các cửa hàng giới thiệu và bán các sản phẩm của chương trình). Tiếp đó là thực hiện tốt công tác truyền thông, tuyên truyền, hướng dẫn các xã lựa chọn, đăng kí các sản phẩm thế mạnh, có thể tham gia chương trình.
Bà Đặng Thị Luận - Giám đốc HTX chế biến nước mắm Luận Nghiệp (Kỳ Ninh) mong muốn sản phẩm của đơn vị mình được chọn thí điểm của chương trình OCOP
Cũng theo bà Nguyễn Hoài Nam, chương trình OCOP sẽ tạo động lực rất lớn để địa phương thực hiện và nâng chất lượng các tiêu chí NTM. Với lợi thế nguồn thuỷ hải sản phong phú, thị xã Kỳ Anh có nhiều sản phẩm mang lại giá trị kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân. Sắp tới, địa phương không chỉ xây dựng mỗi xã một sản phẩm mà phải nhiều hơn nhằm nâng cao hơn nữa giá trị sản phẩm ở nông thôn.
Khởi động OCOP 2019 - 2020
Để đặt những viên gạch đầu tiên nhằm xây dựng hiệu quả mô hình OCOP, thị xã Kỳ Anh đã đặt ra những mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể mang tính chiến lược nhằm tạo cơ sở để mỗi địa phương nâng cấp sản phẩm chính của mình, khuyến khích tinh thần sáng tạo, tư duy đổi mới của nông dân để nâng cao giá trị sản phẩm. Trên cơ sở nền tảng các sản phẩm đặc hữu, thị xã Kỳ Anh đang lựa chọn một số sản phẩm để đưa vào thực hiện chương trình quốc gia mỗi xã một sản phẩm.
Với mục tiêu phát triển mới tối thiểu 2 sản phẩm được chứng nhận đạt chuẩn OCOP hạng 3-4 sao trong năm 2019, TX Kỳ Anh đã chọn 2 sản phẩm làm điểm là nước mắm của Hợp tác xã thu mua và chế biến thủy hải sản Chiến Thắng - Kỳ Ninh và nước mắm của HTX Dịch vụ hậu cần nghề cá Mạnh Cường.
Mục tiêu hướng tới trong năm 2020 và các năm kế tiếp là các sản phẩm: trứng gà, sơ chế thuỷ sản, hoa mai Kỳ Nam, chuỗi du lịch... nằm trong chiến lược định hướng của địa phương. Việc lựa chọn sản phẩm để xây dựng dựa trên cơ sở các sản phẩm đã có thị trường ổn định và đạt các tiêu chuẩn an toàn. Quá trình thực hiện sẽ tính đến việc nâng cấp các sản phẩm này trở thành sản phẩm mang tính quốc gia.
Nước mắm cốt cá cơm - một trong những sản phẩm chủ lực của HTX Luận Nghiệp
Tuy nhiên, để triển khai chương trình mang tính đồng bộ, hiệu quả, thị xã phải giải những bài toán căn bản đó là làm sao thay đổi nhận thức của người dân, giúp họ hiểu vai trò chủ thể mình và việc tạo ra giá trị kinh tế khi chính họ có thể tham gia vào OCOP. Bên cạnh đó, sản xuất của bà con lâu nay còn manh mún, nhỏ lẻ, gây khó khăn cho việc kiểm soát quy trình sản xuất của sản phẩm, khó khăn khi kết nối thị trường.
Theo ông Phan Duy Vĩnh - Phó Chủ tịch UBND thị xã Kỳ Anh: “Triển khai chương trình “mỗi xã 1 sản phẩm” là thiết thực, có ý nghĩa thúc đẩy đầu tư phát triển sản xuất, gắn chế biến, tiêu thụ, kết nối thị trường, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm và là cơ sở để phát triển kinh tế bền vững trên địa bàn.
Chương trình ví như làn gió mới giúp các cá nhân, hộ sản xuất, hợp tác xã phát huy sự sáng tạo của mình trong quá trình sản xuất; làm bệ đỡ cho các sản phẩm nông nghiệp vươn xa hơn thị trường truyền thống lâu nay. Đồng thời, là cơ sở nâng cao tiêu chí thu nhập, tổ chức sản xuất trong xây dựng nông thôn mới. Sau khi tỉnh ban hành bộ tiêu chí đánh giá sản phẩm OCOP, thị xã sẽ tổ chức tuyên truyền, quán triệt sâu rộng và tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả chương trình trên địa bàn thị xã Kỳ Anh"./.