Có một “phiên tòa” hậu Điện Biên Phủ ở Pháp

Khi Điện Biên Phủ im tiếng súng và cảm giác bàng hoàng ban đầu trôi qua, nước Pháp bắt đầu băn khoăn với câu hỏi, ai phải chịu trách nhiệm về thất bại. Một Ủy ban điều tra đã được thành lập vào tháng 3/1955 theo yêu cầu của những người trong cuộc.

Khi Điện Biên Phủ im tiếng súng và cảm giác bàng hoàng ban đầu trôi qua, nước Pháp bắt đầu băn khoăn với câu hỏi, ai phải chịu trách nhiệm về thất bại. Một Ủy ban điều tra đã được thành lập vào tháng 3/1955 theo yêu cầu của những người trong cuộc. Lật lại một số thư từ và báo cáo của tướng lĩnh, chính trị gia Pháp thời kỳ đó, có thể thấy một nước Pháp chia rẽ nhưng muốn nhanh chóng chôn vùi cuộc chiến Đông Dương.

Tướng René Cogny (người cầm gậy), Christian de Castries (không đội mũ), và tướng Henri Navarre (giữa).
Tướng René Cogny (người cầm gậy), Christian de Castries (không đội mũ), và tướng Henri Navarre (giữa).

Tuy không phải là chiến dịch dài nhất trong lịch sử quân sự của nước Pháp, nhưng Điện Biên Phủ đáng được so sánh với những thất bại đánh dấu lịch sử nước Pháp, như trận chiến Azincourt khi quân Pháp đã bị quân Anh đánh bại năm 1415 trong cuộc chiến 100 năm, hay trận Sedan, trong đó liên quân Phổ cầm tù hoàng đế Napoleon III năm 1870, theo đánh giá của nhà nghiên cứu lịch sử Pierre Journoud, Viện nghiên cứu chiến lược, Học viện Quốc phòng Pháp. Sau khi chiến tranh Đông Dương chấm dứt, nước Pháp vẫn chưa hiểu được tại sao một đạo quân viễn chinh trang bị tốt và cố thủ trong tập đoàn cứ điểm vững chắc như Điện Biên Phủ, lại có thể bị khuất phục trước cuộc tấn công của đội quân với vũ khí nghèo nàn và gần như mới chỉ được tổ chức lại trước đó không lâu. Những hệ lụy địa chính trị đối với nước Pháp sau sự kiện này đã rõ, nhưng với dư luận, câu hỏi đặt ra lúc bấy giờ là, ai phải chịu trách nhiệm?


Ủy ban điều tra bất đắc dĩ


Báo chí Pháp xoáy sâu vào một vấn đề không còn là một bí mật nữa: mâu thuẫn sâu sắc giữa hai chỉ huy quân sự cao cấp tại chiến trường Đông Dương: tướng Henri Navarre và tướng René Cogny. Người thứ nhất là tổng chỉ huy, tác giả của kế hoạch Navarre xây dựng tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, chấp nhận đối đầu trực diện với Việt Minh, còn người thứ hai chỉ huy trưởng các lực lượng Lục quân Pháp tại miền Bắc Việt Nam, cũng là người chịu trách nhiệm chỉ huy trực tiếp Điện Biên Phủ. Hai tướng Pháp lao vào cuộc tranh cãi không ngớt đổ trách nhiệm cho nhau. Báo chí vào cuộc và đổ thêm dầu vào cuộc cãi vã nảy lửa.

Đã trải qua nhiều chiến trận trong hai cuộc chiến tranh thế giới, tướng Navarre được bổ nhiệm nắm quyền chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp tại Viễn Đông từ tháng 5/1953 thay cho tướng Salan, với nhiệm vụ quan trọng là tìm lối thoát danh dự cho nước Pháp cuộc chiến. Navarre gần như ngay lập tức phải đối mặt với tình hình chiến trường bi đát do sự lớn mạnh không ngừng của Việt Minh, trong khi ông gần như không hiểu biết gì về thực địa do phần lớn cuộc đời binh nghiệp trải qua tại Đức và Angiêri.

Bộ đội cùng đồng bào các dân tộc Tây Bắc xẻ núi, làm đường vào trận địa.
Bộ đội cùng đồng bào các dân tộc Tây Bắc xẻ núi, làm đường vào trận địa.

Một tháng sau thất bại Điện Biên Phủ, ngày 4/6/1954, Pháp quyết định rút Navarre khỏi Bộ chỉ huy quân sự tại Đông Dương để hợp nhất chính quyền quân sự và chính trị thành một bộ máy thống nhất, đặt dưới sự chỉ huy chung của tướng Ely, Tổng tham mưu trưởng quân đội Pháp và được bổ nhiệm làm Cao ủy, trong khi tướng Cogny vẫn giữ nguyên chức vụ cũ. Trở về Paris, tưởng rằng sẽ được bố trí đứng đầu một Bộ chỉ huy mới, Navarre đã thất vọng mặc dù trước đó, thủ tướng Joseph Laniel đã đảm bảo với ông về điều này. Trong một bức điện thư đề ngày 3/6/1954, người đứng đầu chính phủ Pháp hứa hẹn: “Tôi sẽ yêu cầu bộ trưởng Quốc phòng bố trí cho ông một chức vụ mới, theo đó chắc chắn ông sẽ được tham khảo trước”. Không rõ trao đổi giữa thủ tướng Laniel và bộ trưởng chiến tranh thời kỳ đó là Jacques Chevalier đi đến đâu, nhưng bộ Quốc phòng Pháp kiên quyết phản đối bổ nhiệm Navarre đứng đầu một bộ tư lệnh mới. Thái độ bị từ chối đó đi cùng với tâm lý - dù có hay không - mà tướng Navarre cho rằng, ông đã trở thành một “vật tế thần lý tưởng”, người bị đổ mọi trách nhiệm cho thất bại tại Điện Biên Phủ nói riêng và Đông Dương nói chung cho dù mới chỉ nắm quyền vẻn vẹn gần một năm, thay cho một bộ phận tầng lớp chính trị Pháp và các tướng lĩnh quân sự liên quan.

Theo nhận xét của tiến sỹ Ivan Cadeau, Trung tâm lịch sử quân đội Pháp, trong cuộc hội thảo về Đông Dương do Viện hàn lâm khoa học hải ngoại Pháp tổ chức cuối tháng 3/2014, chính trong hoàn cảnh đó cộng với suy nghĩ rằng cuộc đời binh nghiệp của mình coi như đã chấm dứt, ngày 12/8/1954, tướng Navarre, cho rằng mình không phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về sai lầm chính trị và quân sự, đã yêu cầu thành lập một ủy ban điều tra về các trách nhiệm của tất cả các cấp trong các sự kiện đã dẫn đến thất bại tại Điện Biên Phủ. Không được chính phủ trả lời, ngày 22/10 cùng năm, Navarre tiếp tục gửi yêu cầu một lần nữa. Tuy nhiên, chính quyền Pháp cho rằng không nên tổ chức một cơ quan điều tra mà hậu quả của nó chắc chắn sẽ xới lại quá khứ, theo họ, có thể ảnh hưởng đến một số chính trị gia khác, mặt khác có thể gây đau lòng khi cuộc chiến Đông Dương đã kết thúc và một cuộc chiến tranh khác đang bắt đầu thành hình tại Bắc Phi. Ngay cả thống chế Alphonse Juin, người có thời gian dài là cấp trên của Navarre và nguyên Tổng tham mưu trưởng quân đội Pháp, cũng viết thư gửi bộ trưởng Quốc phòng Emmanuel Temple gợi ý “Hãy để những nỗi đau dịu bớt và để cho thời gian trôi đi”.

Tuy nhiên, dư luận không thể dễ dàng lãng quên một chiến dịch lớn đến như vậy. Báo chí Pháp lao vào mổ xẻ nguyên nhân thất bại và tất nhiên, cái tên Navarre bao giờ cũng được nhắc đến đầu tiên, kể cả mâu thuẫn giữa ông với Cogny. Đầu tháng 1/1955, ký giả Lucien Bodard, được cho là thân cận với tướng Cogny, đã đăng trên tờ France Soir (Nước Pháp buổi chiều) một loạt bài gán trách nhiệm thất bại cho tướng Navarre. Bài báo đã đăng nguyên văn tuyên bố của viên Tổng chỉ huy lực lượng Pháp tại Đông Dương với các tướng lĩnh và sỹ quan đề nghị rút quân khỏi Điện Biên Phủ: “Tôi sẽ không rút, vì đó là chiến lược của tôi”. Một bức biếm họa trên tờ L’Express tháng 5/1954, đã vẽ chân dung Navarre mâu thuẫn giữa hai chỉ huy hàng đầu quân đội Pháp tại Việt Nam, kèm theo dòng chữ mô tả về mâu thuẫn: “Một bên, tướng Navarre tổng chỉ huy, khắc khổ và lạnh lùng, còn bên kia là tướng Cogny, năng động, cao 1,94m”.

Không chấp nhận thái độ từ chối từ chính phủ và đứng trước nguy cơ thanh danh bị hoen ố do búa rìu dư luận, tướng Navarre bước ra khỏi vòng tròn im lặng và trả lời phỏng vấn trên tuần báo Jours de France số ra ngày 20/1/1955, để giải thích cho các quyết định của mình. Đến lúc này, đối với chính phủ Pháp, mối đe dọa toàn bộ những sự kiện liên quan, những tranh cãi giữa hai tướng Navarre và Cogny cũng như mâu thuẫn trong nội bộ quân đội Pháp sẽ bị tướng Navarre phơi bày rộng rãi cho dư luận, thông qua một bài viết trên báo Pháp Le Figaro, đã khiến thủ tướng Mendès France cuối cùng buộc phải chấp nhận thành lập một Ủy ban điều tra.

(Còn nữa...)

Tiến Nhất (PV TTXVN tại Pháp)

Nguồn: baotintuc.vn

Đọc thêm

Điện Biên Phủ - khúc tráng ca bất tử

Điện Biên Phủ - khúc tráng ca bất tử

Cách đây 71 năm, ngày 7/5/1954, Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” trở thành mốc son chói lọi trong lịch sử Việt Nam, mãi mãi là niềm tự hào, kiêu hãnh của một dân tộc anh hùng, không bao giờ khuất phục trước mọi kẻ thù.
Thư cảm ơn của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng

Thư cảm ơn của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng

Nhân dịp tổ chức thành công diễu binh, diễu hành kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025), ngày 30/4, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã có thư cảm ơn. Trân trọng giới thiệu toàn văn bức thư này.
“Gác lễ", bảo vệ bình yên cho quê hương

“Gác lễ", bảo vệ bình yên cho quê hương

Cán bộ, chiến sỹ các đơn vị vũ trang ở Hà Tĩnh luôn đảm bảo sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ vùng trời, vùng biển, biên giới, đất liền để Nhân dân yên tâm vui lễ.
Xây dựng lực lượng vũ trang đảm bảo “tinh - gọn - mạnh”

Xây dựng lực lượng vũ trang đảm bảo “tinh - gọn - mạnh”

Phát huy truyền thống quê hương cách mạng và khí thế thi đua “thần tốc - quyết thắng” chào mừng 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, LLVT Hà Tĩnh tiếp tục phát triển theo hướng “tinh - gọn - mạnh”, có chất lượng tổng hợp tốt, sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ) cao.
Trận đầu thắng Mỹ - ký ức người trong cuộc

Trận đầu thắng Mỹ - ký ức người trong cuộc

Mỗi dịp tháng Tư về, ngôi nhà của Đại úy Lê Văn Kiệm (SN 1945, xã Thạch Sơn, Thạch Hà, Hà Tĩnh) - cựu chiến binh Tiểu đoàn 8 pháo cao xạ Bình Hà lại trở thành điểm hẹn của biết bao đồng đội.
Nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh nhân dân trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước của Đảng ta

Nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh nhân dân trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước của Đảng ta

Thắng lợi hoàn toàn và trọn vẹn của cuộc chiến 20 năm chống đế quốc Mỹ bằng Đại thắng mùa Xuân năm 1975 là kết tinh ý chí, sức mạnh, truyền thống oanh liệt giữ nước của toàn dân tộc. Đặc biệt là nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh nhân dân tài tình, linh hoạt của Đảng ta, làm nên sức mạnh tổng hợp để chiến thắng mọi kẻ thù hùng mạnh và tàn bạo nhất trong lịch sử.
Tác nghiệp giữa lằn ranh sinh tử

Tác nghiệp giữa lằn ranh sinh tử

Gần nửa thế kỷ trôi qua, ký ức về những ngày tháng cầm máy ảnh tác nghiệp trong mưa bom bão đạn, vượt biên giới sang nước bạn Lào để “vào hang bắt cọp” vẫn còn in đậm trong tâm trí người phóng viên chiến trường - nhà báo, thiếu tá Trương Quang Hường (TP Hà Tĩnh).
Mãn nhãn buổi tổng duyệt lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước

Mãn nhãn buổi tổng duyệt lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước

Sáng 27/4, buổi tổng duyệt lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đã diễn ra trên đường Lê Duẩn (Quận 1, TP Hồ Chí Minh). Sự kiện quy tụ khoảng 13.000 người thuộc 48 khối, đại diện cho các lực lượng vũ trang, công nhân, nông dân, trí thức, thanh niên và các tổ chức đoàn thể.
Tự hào người lính Sư đoàn Sông Lam

Tự hào người lính Sư đoàn Sông Lam

Vinh dự là những người lính trực tiếp chiến đấu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tiếp quản chính quyền sau ngày giải phóng, những người lính của Sư đoàn Sông Lam năm xưa luôn mang trong mình niềm tự hào.