Tại các cuộc họp hội đồng và hội nghị cán bộ viên chức, nhiều giáo viên Trường Tiểu học Hà Linh phải ngồi ngoài hành lang do phòng quá chật chội...
Ngày 11/10, Trường Tiểu học Hà Linh sáp nhập với Trường Tiểu học Truông Bát. Niềm hy vọng về việc tăng quy mô, nâng cao chất lượng giáo dục đang được nhen lên cũng là lúc nhà trường phải đối mặt với nỗi lo cơ sở vật chất vừa thiếu vừa xuống cấp.
Những giờ họp chung đầu tiên của cả 2 điểm trường, giáo viên phải ngồi cả ngoài hành lang bởi văn phòng – nơi sinh hoạt chung chỉ rộng hơn 30m2, không đủ chỗ cho 46 người ngồi. Dãy nhà được xem là nhà hiệu bộ của trường được tận dụng từ dãy phòng học cũ nên ngoài văn phòng chung cũng chỉ có thêm 1 phòng hiệu trưởng, 1 phòng phó hiệu trưởng nhưng cũng đã xập xệ, xuống cấp... Tuy nhiên, đó chỉ là một phần nhỏ trong muôn vàn khó khăn của nhà trường.
Phòng làm việc của Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hà Linh
Cô Lê Thị Hợi - Hiệu trưởng Trường tiểu học Hà Linh cho biết: “Ngay sau khi sáp nhập, có 5 lớp điểm lẻ ở vùng Hương Thu (thuộc các thôn 10, 11, 12) chuyển về điểm chính Hà Linh. Chính vì thế, dù năm nay được sự hỗ trợ của nguồn trái phiếu chính phủ với 4 phòng học mới thì hiện tại, trường vẫn còn thiếu 1 phòng học, các phòng chức năng, phòng phục vụ học tập, nhà đa chức năng… Điểm chính đã khó, điểm lẻ ở Truông Bát cũng chẳng khá hơn khi cơ sở vật chất được xây dựng đã lâu nên việc dạy và học vẫn phải duy trì ở những phòng tạm bợ”.
Phòng để đồ dùng chức năng (được tận dụng từ 1 phòng học cũ) của Trường Tiểu học Hà Linh đã bị nứt nẻ
Trường nằm ở trên đồi cao nên không ảnh hưởng bởi lũ lụt. Thế nhưng theo thời gian, sân chơi, bãi tập đã xuống cấp trầm trọng, việc tổ chức các hoạt động ngoài giờ cho học sinh cũng rất hạn chế. Cùng với nhiều trường học trên địa bàn huyện, thời gian qua, trường cũng đã được hỗ trợ bể bơi thông minh, tuy nhiên, những khó khăn về nguồn nước, kinh phí để xây dựng mái che, công trình phụ trợ… đã làm cho công tác dạy, học bơi cho học sinh chưa thể triển khai.
Cơ sở vật chất là nỗi trăn trở nhiều năm nay của đội ngũ lãnh đạo, giáo viên Trường THCS Hà Linh
Không chỉ bậc tiểu học, sở vật chất khó khăn cũng là nỗi trăn trở từ nhiều năm nay của giáo viên Trường THCS Hà Linh. Thầy Lê Hữu Việt - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Với tổng số 436 học sinh nhưng chỉ 11 phòng học kiên cố nên chúng tôi bắt buộc phải bố trí 2 lớp học ở dãy phòng đã xuống cấp. Ngày nắng ráo còn đỡ, ngày mưa gió là thầy trò lại ôm cặp sơ tán khắp nơi. Vẫn biết dạy và học trong những phòng học ấy không đảm bảo an toàn nhưng chúng tôi cũng chẳng còn cách nào”.
Dãy phòng học được xây dựng từ năm 1982 nay đã xuống cấp nghiêm trọng đang chờ được giải tỏa
Được biết, cơ sở vật chất ở Trường THCS Hà Linh cái cũ nhất được đầu tư xây dựng từ năm 1982, nay đã xuống cấp trầm trọng; dãy mới nhất là nhà hiệu bộ được xây dựng từ năm 2005 nay đã bị thấm trần. Các phòng học cao tầng do xây dựng đã lâu nên diện tích không đủ rộng, nhiều lớp phải kê bàn ngồi sát lên bục giảng, hệ thống cửa sổ, cửa chính bị hư hỏng.
Để đảm bảo an toàn cho các em, tháng 10/2017, trường đã kiến nghị huyện thành lập đoàn kiểm tra nhằm thanh lý 2 dãy nhà cấp 4 đã xuống cấp. Nhưng đến nay, nhà trường vẫn chưa nhận được phản hồi, trong khi hàng ngày phải lo đảm bảo an toàn cho học sinh.
Ở dãy nhà cao tầng duy nhất, các phòng học được xây từ lâu, diện tích không đảm bảo nên nhiều lớp học phải kê bàn sát bục giảng của giáo viên
“Không có sự hỗ trợ từ những chương trình, dự án, nguồn thu từ nhân dân 2 năm nay cũng không có bởi đây là trường liên xã, chúng tôi không có văn bản hướng dẫn thu nên việc tu sửa nhỏ, đầu mỗi năm học đều lấy 1 phần từ kinh phí thường xuyên nhưng nguồn này cũng chẳng đáng bao nhiêu so với tình trạng xuống cấp của cơ sở vật chất” - Hiệu trưởng nhà trường cho hay.
Thầy Lê Đăng Trung - giáo viên bộ môn Vật lý cho biết: “Ở những bộ môn này, việc học phải đi đôi với hành, nhưng không có phòng thực hành nên giáo viên rất vất vả trong sắp xếp, bố trí đồ dùng dạy học, thời gian giờ dạy, ảnh hưởng đến việc truyền thụ kiến thức tới học sinh”.
Không có nhà xe nên phương tiện đi lại của các em học sinh THCS đành phải phơi mưa, phơi nắng
Khá hơn so với 2 bậc học nói trên, Trường MN Hà Linh năm học vừa qua cũng đã đưa vào sử dụng nhà học 2 tầng từ nguồn chương trình trái phiếu Chính phủ. Xóa đi nỗi lo về cơ sở vật chất trong mỗi mùa mưa bão, nhưng để được công nhận đạt chuẩn quốc gia, trường mầm non Hà Linh vẫn cần phải tiếp tục được đầu tư.
Bí thư Đảng ủy xã Hà Linh Lê Hồng Quân cho biết: “Đến thời điểm hiện tại, ở cả 3 bậc học vẫn chưa có trường nào đạt chuẩn. Để khắc phục tình trạng thiếu cơ sở vật chất và xây dựng chuẩn ở các nhà trường, đảm bảo hoàn thành tiêu chí trường học trong xây dựng nông thôn mới cần nguồn kinh phí khoảng hơn 20 tỷ đồng. Đó là một yêu cầu khó đối với vùng đặc biệt khó khăn như Hà Linh”.