Bà Dương Thị Hằng - Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội LHPN Hà Tĩnh: Xây dựng tổ chức hội trở thành ngôi nhà ấm cúng đối với hội viên
Kỷ niệm ngày thành lập Hội LHPN Việt Nam 20/10 là dịp để mỗi cán bộ, hội viên phụ nữ các cấp ôn cố tri tân, thấm sâu hơn niềm tự hào về truyền thống vẻ vang, trách nhiệm lớn lao của hội.
Hội phụ nữ các cấp, ban nữ công các ngành phải luôn là ngôi nhà ấm cúng, là điểm tựa, niềm tin để hội viên gửi gắm tâm tư tình cảm, nguyện vọng của mình. Hội phải là nơi để chị em có cơ hội được phát huy tiềm năng, sức sáng tạo, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, đất nước mạnh giàu. Mặc dầu hiện nay, đời sống của cán bộ, hội viên một số địa phương còn khó khăn, chính sách cho cán bộ hội chưa thỏa đáng, nhưng tôi tin, với phẩm chất tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam và truyền thống 86 năm đáng tự hào của hội, phụ nữ toàn tỉnh sẽ dốc hết nhiệt tình, sức lực và trí tuệ xây dựng hội ngày càng vững mạnh, góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh nhà.
Bà Phạm Thị Hiên - Chủ tịch Hội LHPN huyện Cẩm Xuyên: Trăn trở, hành động vì phụ nữ nghèo
Để giúp người nghèo nói chung và phụ nữ nghèo nói riêng, trước hết, chúng ta phải xem họ như người thân của mình. Mỗi địa chỉ, chúng tôi phải bám sát, tìm hiểu thật cặn kẽ những thuận lợi, khó khăn, hạn chế của đối tượng để khai thác và tìm giải pháp khắc phục.
Đã có rất nhiều địa chỉ, tổ chức hội phải vào cuộc trước, sau đó mới “kéo” được người nhà đối tượng cùng chung sức. Từ năm 2008 lại nay, hội phụ nữ các cấp huyện Cẩm Xuyên đã làm được gần 90 ngôi nhà cho đối tượng phụ nữ bị thiểu năng trí tuệ, tàn tật. Hội cũng đã và đang tập trung các giải pháp giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ vươn lên thoát nghèo bền vững... Tuy nhiên, chúng tôi vẫn luôn trăn trở, tìm giải pháp để nâng cao nhận thức, giúp thay đổi tư duy cho phụ nữ nghèo ở các vùng nông thôn, miền núi để từ đó cải thiện cuộc sống.
Bà Hoàng Thị Tương - Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn Phú Nghĩa, xã Thạch Bằng (Lộc Hà): Mong muốn hỗ trợ phụ nữ vùng biển có việc làm ổn định
Sau sự cố môi trường biển, để giúp chị em vượt qua khó khăn, ngoài việc tiếp tục duy trì, củng cố mối đoàn kết, gắn bó giữa các hội viên, động viên nhau vươn lên trong cuộc sống, tôi còn vận động chị em phát huy hiệu quả nguồn vốn tín dụng tiết kiệm mà chi hội quản lý.
Nguồn vốn 1,5 tỷ đồng tuy không nhiều, nhưng đã đáp ứng nhu cầu vay cho gần 90% hội viên. Số tiền vay nhỏ, từ 3-10 triệu đồng, nhưng đã tạo nguồn lực giúp chị em phát triển đàn gà, con lợn để có thêm nguồn thu nhập. Tôi cũng đã có sáng kiến thành lập tổ phụ nữ làm dịch vụ phục vụ đám cưới... Tuy nhiên, đó chỉ là giải pháp tình thế. Vì thế, chúng tôi mong muốn cấp ủy, chính quyền các cấp và hội LHPN cấp trên tạo cơ hội, hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề phù hợp, hoặc giúp chúng tôi phát triển các mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã SXKD để tạo việc làm lâu dài, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Bà Lương Thị Tuệ - nguyên Chủ tịch Hội LHPN tỉnh: Chủ động chuẩn bị đội ngũ cán bộ kế cận có khả năng và nhiệt huyết
Từng gắn bó với phong trào chung của phụ nữ, tôi thấy, để làm tốt công tác hội, người cán bộ trước hết phải có tâm, có tầm, cần cù, chịu khó, biết sáng tạo và năng động trong cách nghĩ, cách làm. Phải thường xuyên sâu sát cơ sở, đặc biệt là những vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa để nắm bắt thực tiễn, từ đó, đề ra những chủ trương sát, đúng, đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của hội viên.
Ngoài việc tạo dựng mối quan hệ đoàn kết, gắn bó trong đội ngũ cán bộ, hội viên các cấp, người đứng đầu cũng cần chú trọng việc chuẩn bị cho mình một đội ngũ cán bộ kế cận có khả năng và nhiệt huyết để đảm đương tốt những nhiệm vụ mà hội cấp trên đề ra. Đây chính là bài học kinh nghiệm quan trọng để phong trào phụ nữ Hà Tĩnh luôn đảm bảo tính kế thừa và phát huy những kết quả của thế hệ đi trước, xứng đáng là đơn vị anh hùng trong thời kỳ đổi mới.
Bà Lê Thị Hải Yến - Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh: Phát huy vai trò của nữ công nhân, viên chức, lao động trên các lĩnh vực KT-XH tỉnh nhà
Chiếm 50% tổng số CNVC-LĐ trong toàn tỉnh, góp mặt ở hầu hết các ngành, nghề, lĩnh vực, đội ngũ nữ CNVC-LĐ đóng vai trò quan trọng và có những đóng góp tích cực cho công tác phụ nữ nói riêng, phát triển KT-XH nói chung. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của LĐLĐ tỉnh, Hội LHPN tỉnh, phong trào nữ công đã phát huy được vai trò, năng lực, sức sáng tạo của chị em trên nhiều bình diện.
Mặc dù chiếm tỷ lệ không cao so với tổng số hội viên, nhưng đây là lực lượng hội tụ đầy đủ các yếu tố về tri thức, điều kiện hoạt động để làm tốt công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp chị em khác; tham mưu cho cấp trên ban hành các chính sách phù hợp, sát đúng với từng lĩnh vực. Phát huy những phẩm chất truyền thống cao đẹp của người phụ nữ Việt Nam, nữ CNVC-LĐ ngày nay không chỉ “giỏi việc nước, đảm việc nhà”, khẳng định được giá trị của bản thân mà còn khuyến khích, giúp đỡ các chị em khác cùng đóng góp cho xã hội.
Chị Nguyễn Thị Kim Dung - Chủ tịch Hội LHPN xã Hương Điền (Vũ Quang): Lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của chị em
Xã tái định cư Hương Điền có số lượng phụ nữ khá ít nên việc tập hợp hội viên không hề đơn giản. Xác định đây là nhiệm vụ hàng đầu và xuyên suốt, ngoài sự vào cuộc của BCH Hội Phụ nữ xã và các chi hội, tôi đã vận động các hội viên nòng cốt cùng đến tận từng nhà để lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng của chị em.
Chị Nguyễn Thị Kim Dung (áo trắng) động viên hội viên phát triển các mô hình kinh tế.
Những gì có thể giải đáp, hỗ trợ, Hội Phụ nữ xã trực tiếp thực hiện, còn những vướng mắc, đề xuất lớn hơn, chúng tôi báo cáo lên cấp ủy, chính quyền địa phương xin chỉ đạo và phản hồi lại với chị em. Khi chị em cảm thấy hội phụ nữ đã chia sẻ những khó khăn, trăn trở và đáp ứng phần nào những mong muốn, gửi gắm của họ, dần tự nguyện tham gia tổ chức hội. Trong quá trình sinh hoạt, chúng tôi chỉ đạo và cùng các chi hội lựa chọn những nội dung phù hợp với tâm lý, độ tuổi, tạo sức hấp dẫn. Đến nay, Hội Phụ nữ xã Hương Điền đã thu hút trên 95% chị em tham gia sinh hoạt; nhiều phong trào, hoạt động hội phụ nữ đã được tổ chức sôi nổi, hiệu quả.