Hướng tới kỷ niệm 90 năm ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng 1/8 (1930-2020)
Báo Hà Tĩnh trân trọng giới thiệu tới bạn đọc những chặng đường phát triển vẻ vang của ngành Tuyên giáo Hà Tĩnh.
Nữ thanh niên xung phong Ngã ba Đồng Lộc năm 1968 (Ảnh tư liệu)
Từ năm 1965-1968, Đảng bộ Hà Tĩnh đã lãnh đạo Nhân dân trong tỉnh thực hiện chuyển hướng mọi hoạt động sang thời chiến, xây dựng kinh tế, tăng cường tiềm lực, sẵn sàng chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, đảm bảo chi viện cho cách mạng miền Nam.
Công tác tuyên huấn của Đảng bộ gắn với tuyên truyền, vận động phong trào “Phá kỷ lục 26/3, Bình Hà quyết tâm đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược”; về “Đại hội những người sản xuất giỏi và chiến đấu giỏi”; về Bài nói chuyện của Bác Hồ với đoàn cán bộ Hà Tĩnh (ngày 6/7/1966); về Lời kêu gọi chống Mỹ cứu nước ngày 17/7/1966 “không có gì quý hơn độc lập, tự do” của Chủ tịch Hồ Chí Minh; gắn với triển khai các Nghị quyết Trung ương 11, 12..., Đảng bộ đã phát động phong trào toàn dân ra quân thực hiện lời Bác dạy, làm cho phong trào Hà Tĩnh “nổi bật lên”... Đợt học tập đã tạo được những chuyển biến mới trong các cấp ủy, trong cán bộ, đảng viên và quần chúng về các mặt sản xuất và chiến đấu.
Trên đà chuyển biến tốt về tư tưởng của quần chúng, Tỉnh ủy tiếp tục mở đợt sinh hoạt với chủ đề: “Ơn nặng thù sâu”,“Không có gì quý hơn độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội” rồi tiếp đến thực hiện dân chủ hóa kế hoạch; các đợt báo công, lập công được tiến hành với quy mô rộng. Ngoài ra, Đảng bộ còn tổ chức những đợt sinh hoạt, những cuộc vận động phong trào phù hợp với từng lĩnh vực, từng ngành, đoàn thể.
Đáng chú ý nhất là qua cuộc vận động xây dựng Đảng bộ cơ sở và chi bộ “4 tốt”, đảng viên “4 tốt”, “3 xây, 3 chống”, “3 điểm cao” trong các ngành công nghiệp, thương nghiệp; các phong trào “Thanh niên 3 sẵn sàng”, “Phụ nữ 3 đảm đang”, “Chiến sĩ giỏi” trong quân đội đã động viên được tinh thần yêu nước, dám hy sinh, sẵn sàng nhận nhiệm vụ sản xuất, chiến đấu trong lực lượng thanh niên, phụ nữ, quân đội…
Đi đôi với công tác tuyên truyền, giáo dục qua các đợt sinh hoạt chính trị, công tác huấn luyện từ tỉnh đến cơ sở trong thời kỳ 1965 - 1968 đã được Tỉnh ủy và các cấp ủy chú trọng. Các cơ quan Báo Hà Tĩnh, Thông tin, Văn hóa... đã thường xuyên bám sát nội dung tuyên truyền của tỉnh. Phong trào văn hóa, văn nghệ phát triển đồng đều, toàn diện, mạnh nhất là văn nghệ. Phong trào đọc sách báo, làm theo sách báo phát triển khá, có tác dụng giáo dục tư tưởng và học tập kỹ thuật; hoạt động của các ngành trong khối khoa giáo đạt được nhiều thành tích.
Công tác y tế, vệ sinh phòng bệnh chuyển biến tốt. Mạng lưới y tế cơ sở được củng cố và tăng cường phục vụ kịp thời yêu cầu cấp cứu chấn thương và chữa bệnh trong thời chiến. Phong trào thể dục, thể thao yêu nước chống Mỹ mà nội dung chủ yếu là phong trào 5 luyện (chạy, nhảy, bơi, bắn, võ) phát triển khá, góp phần phục vụ có hiệu quả sản xuất và chiến đấu. Ban tuyên giáo các cấp đã phát huy được một bước chủ nghĩa anh hùng cách mạng, nâng cao được lòng tự hào của quần chúng trong việc góp công, góp của bảo vệ và xây dựng Tổ quốc, xây dựng hợp tác xã và quê hương.
Những đoàn xe qua Ngã ba Đồng Lộc (Ảnh tư liệu)
Nhằm đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn cách mạng mới, hệ thống tổ chức tuyên giáo được củng cố và tăng cường từ tỉnh xuống huyện và cơ sở. Cán bộ tuyên giáo các cấp được bồi dưỡng nghiệp vụ. Lực lượng giảng viên, báo cáo viên, tuyên truyền viên, thông tin viên được quan tâm đào tạo. Cán bộ Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy được củng cố, tăng cường. Ban có các bộ phận: Tuyên truyền nông thôn, Tuyên truyền xí nghiệp, Huấn học và Văn phòng. Ban tuyên giáo các huyện cũng được kiện toàn. Ban tuyên giáo của các đảng bộ xã cũng được thành lập do đồng chí bí thư đảng ủy hoặc trực đảng làm trưởng ban.
Giai đoạn 1968 - 1975, công tác tuyên giáo đã góp phần tích cực vào việc động viên mọi người hăng hái tham gia lao động sản xuất, khôi phục kinh tế, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, cùng cả nước tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn, khắc phục tư tưởng chủ quan, mất cảnh giác đối với âm mưu, thủ đoạn của đế quốc Mỹ. Trong thành công chung của công cuộc bảo vệ, xây dựng Tổ quốc có sự đóng góp to lớn của đội ngũ cán bộ tuyên giáo từ tỉnh đến cơ sở.
Thời kỳ này, hệ thống tổ chức và cán bộ ban tuyên giáo có nhiều đổi mới. Từ năm 1969, bộ phận khoa giáo trong ban tuyên giáo được thành lập từ tỉnh đến huyện, các bộ phận khác vẫn duy trì như trước đây. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy có 24 -25 đồng chí, ban tuyên giáo các huyện, thị ủy cũng được tiếp tục kiện toàn, có khoảng 6-8 cán bộ.
Mười năm (1965-1975) là chặng đường đầy khó khăn, gian khổ do kẻ thù đẩy cuộc chiến tranh phá hoại đến đỉnh điểm, sự tàn phá của thiên tai và xuất phát về kinh tế quá thấp, nhưng Đảng bộ và quân dân Hà Tĩnh vẫn bền gan, bền lòng với tư thế tiến công, phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng đã viết nên trang sử rất đỗi tự hào. Đây là thời kỳ công tác chính trị tư tưởng, công tác tuyên truyền, giáo dục, huấn luyện của Đảng bộ đã giành được nhiều thành công rực rỡ, hào hùng, ghi nhiều dấu ấn vào lịch sử của tỉnh nhà.
Đề cương tuyên truyền của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy
(Còn nữa)