Phó trưởng đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh Nguyễn Văn Sơnphát biểu góp ý
Trước hết, đại biểu thống nhất với Báo cáo của Chính phủ và Thẩm tra của các Uỷ ban của Quốc hội, đồng thời khẳng định, 2019 là năm “bứt phá” để hoàn thành kế hoạch KT-XH giai đoạn 2016 – 2020 theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Chính phủ và các địa phương đã tích cực, mạnh mẽ, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành;
Tập trung, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, giải quyết những vấn đề cấp bách, thúc đẩy triển khai các dự án kết cấu hạ tầng, nâng cao hiệu quả cải cách hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, đối ngoại tiếp tục mở rộng với kết quả ngoạn mục: 12/12 chỉ tiêu, trong đó 7 chỉ tiêu đạt và 5 chỉ tiêu vượt, tình hình KT-XH tiếp tục chuyển biến tích cực, đạt nhiều kết quả quan trọng và toàn diện trên các lĩnh vực, nâng cao uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Bên cạnh kết quả đạt được, đại biểu đồng tình cao 7 nhóm tồn tại, khó khăn và thách thức, Chính phủ đã thẳng thắn chỉ ra trong báo cáo đánh giá, đồng thời nhấn mạnh thêm một số hạn chế, bất cập như: Tốc độ tăng trưởng có dấu hiệu tăng chậm lại, kinh tế vĩ mô nhiều yếu tố chưa thực sự vững chắc. Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công vẫn đạt thấp. Tình hình sản xuất kinh doanh một số lĩnh vực gặp khó khăn, số lượng doanh nghiệp trong nước ngừng hoạt động không phát sinh thuế lớn.
Nền kinh tế trong nước chịu tác động đan xen nhiều mặt bởi các diễn biến kinh tế quốc tế ngày càng phức tạp, ảnh hưởng lớn bởi chiến tranh thương mại Trung - Mỹ. Công tác quy hoạch, kế hoạch chưa đầy đủ, kịp thời, thiếu tính chiến lược. Việc quản lý đất đai, tài nguyên chưa chặt chẽ, nhiều sai phạm. Lĩnh vực nông nghiệp khó khăn do ảnh hưởng của dịch tả lợn Châu Phi kéo dài, thiên tai, hạn hán. Ứng phó biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường còn chậm…
Đại biểu tán thành với 12 nhóm giải pháp chủ yếu của Chính phủ đã báo cáo, cũng như ý kiến các vị đại biểu quốc hội khác đã phát biểu, đồng thời tham gia một số vấn đề Chính phủ cần quan tâm triển khai trong thời gian tới.
Thứ nhất, Chính phủ cần quan tâm đúng mức đầu tư nguồn lực và chỉ đạo quyết liệt cho công tác quy hoạch theo Luật Quy hoạch mới để có sự tích hợp đầy đủ quy hoạch quốc gia - quy hoạch vùng và quy hoạch của địa phương một cách đồng bộ, bảo đảm cho sự phát triển chiến lược KT-XH và đặc biệt là đại hội các cấp sắp tới.
Thứ hai, về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã theo Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 24/12/2018 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 653/2019/NQ-UBTVQH14 ngày 12/3/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu đề nghị phải xem đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng khẩn trương giai đoạn 2019 – 2020, cần có quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, tạo được sự thống nhất trong hệ thống chính trị và sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân, và phải sớm hoàn thành trước thềm Đại hội Đảng và bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp cho nhiệm kỳ 2020 – 2025 sắp tới.
Thứ ba, cử tri và nhân dân rất băn khoăn về quá trình sắp xếp, đổi mới, sáp nhập bộ máy và công tác cán bộ thiếu căn cơ, không đồng bộ, đề nghị Bộ Nội vụ tham mưu Chính phủ xem xét sửa đổi quy định tại Khoản 1, Điều 14a Nghị định số 34/2019/NĐ-CP ngày 24/4/2019 về nội dung: ở thôn, tổ dân phố có không quá 3 người được hưởng phụ cấp hàng tháng từ ngân sách nhà nước là bí thư, trưởng thôn, trưởng ban công tác mặt trận; các chức danh còn lại hưởng bồi dưỡng khi trực tiếp từ đoàn phí, hội phí đã khoán cho các đoàn thể và từ các nguồn quỹ khác (nếu có).
Quy định như vậy là không phù hợp với thực tiễn, không những không khuyến khích được những người thực hiện các nhóm nhiệm vụ hoạt động phong phú tại thôn, tổ dân phố nhất là trong điều kiện thực hiện chủ trương sáp nhập thôn, tổ dân phố hiện nay cùng với sáp nhập các nhóm nhiệm vụ, giảm các đầu mối mà không có nguồn kinh phí hỗ trợ hoạt động cho lực lượng này.
Trường hợp không bố trí ngân sách thì đề nghị Chính phủ ban hành cơ chế đóng góp của người dân cho hoạt động của đội ngũ này theo quy chế dân chủ cơ sở.
Thứ tư, tiếp tục chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai trong đó nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo thiên tai; ưu tiên bố trí nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án ứng phó biến đổi khí hậu, nhất là đảm bảo an toàn hồ đập, đê, kè biển…
Tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; kiểm soát chặt chẽ nguồn xả thải, giảm thiểu rác thải nhựa; quy hoạch tổng thể và bố trí nguồn lực thu gom, vận chuyển, xử lý, tái chế chất thải rắn, nghiên cứu công nghệ bảo đảm môi trường cho phát triển và môi trường sống cho người dân.
Vấn đề cuối cùng đại biểu muốn gửi đến kỳ họp là kiến nghị khẩn thiết của cử tri vùng mỏ và nhân dân Hà Tĩnh, tại Kỳ họp thứ 5 - khóa XIV Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh đã đề cập vấn đề này để Quốc hội, Chính phủ xử lý. Dự án khai thác và tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê là một trong những dự án trọng điểm cấp quốc gia, phục vụ phát triển KT-XH, là kỳ vọng của nhiều thế hệ lãnh đạo Trung ương cũng như nhân dân địa phương mấy chục năm qua.
Tuy vậy, qua quá trình khảo sát, đánh giá, triển khai cho thấy dự án còn rất nhiều bất cập, nhất là trong giai đoạn hiện nay. Theo nghiên cứu của Bộ Tài nguyên - Môi trường, Bộ Kế hoạch - Đầu tư và Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đánh giá nếu xử lí đầy đủ các vấn đề về môi trường thì dự án đến nay không còn hiệu quả.
Trước tình hình đó, Hà Tĩnh đã nhiều lần trực tiếp báo cáo và có nhiều văn bản kiến nghị dừng dự án gửi Ban Bí thư Trung ương, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Ủy ban Kinh tế Quốc hội và Bộ Kế hoạch - Đầu tư cũng đã có văn bản đồng quan điểm.
Gần đây, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có Văn bản số 6190/BKHĐT-KTCN ngày 29/8/2019 báo cáo và tiếp tục đề nghị Thủ tướng xem xét chủ trương dừng dự án.
Theo công nghệ hiện tại, việc khai thác mỏ sắt Thạch Khê không thể đảm bảo môi trường vùng mỏ, ảnh hưởng đến cuộc sống gần 6.000 hộ dân, phải di dời khoảng 4.000 hộ dân. Sau 10 năm triển khai, nhưng dự án đã gián đoạn nhiều năm, hiện chỉ mới di dời được 113 hộ dân; dân cư trong vùng mỏ bị ảnh hưởng hết sức nặng nề, đời sống dân sinh đặc biệt khó khăn. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã xuống thăm trực tiếp và rất chia sẻ với bà con cử tri vùng mỏ.
Tại diễn đàn Quốc hội lần này, đại biểu thay mặt Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh chuyển tải tâm tư, nguyện vọng của cử tri tỉnh nhà tha thiết đề nghị Chính phủ kịp thời báo cáo Bộ Chính trị cho kết thúc dự án, chỉ đạo giải quyết tồn đọng, khôi phục phát triển kinh tế khu vực, bảo đảm đời sống ổn định cho nhân dân vùng ảnh hưởng.
Đồng thời cho rà soát, điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn thực hiện Đề án phát triển bền vững các xã chịu ảnh hưởng của dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê và hỗ trợ kinh phí đầu tư để triển khai thực hiện các công trình cấp bách thuộc đề án.