Cùng trẻ đón Tết

(Baohatinh.vn) - Tết là dịp để người lớn “gieo” vào lòng trẻ những hiểu biết về phong tục truyền thống tốt đẹp của dân tộc, về ý nghĩa thiêng liêng của Tết cổ truyền.

Khi những cành đào, cành mai bung nụ… ấy là khoảnh khắc báo hiệu một mùa xuân mới đã đến. Trong thời gian này, việc các bậc phụ huynh cùng con đón Tết, các thầy cô giáo truyền đạt cho học sinh về ý nghĩa của Tết… sẽ góp phần giúp các em hiểu rõ hơn về văn hóa truyền thống dân tộc.

bqbht_br_di-chup-anh-tet-noi-chuyen-ve-tet-goi-banh-chung-la-cach-chi-ho-phuong-thao-chi-day-cac-con-ve-y-nghia-cua-tet-co-truyen-dan-toc.jpg
Đi chụp ảnh tết, nói chuyện về tết, gói bánh chưng... là cách chị Hồ Phương Thảo chỉ dạy các con về ý nghĩa của tết cổ truyền dân tộc.

Chị Hồ Phương Thảo (thị trấn Thạch Hà) chia sẻ: “Mỗi dịp Tết, gia đình tôi thường chuẩn bị các nguyên liệu để gói bánh chưng và các con cũng sẽ được tham gia hoạt động này cùng với ông bà, bố mẹ. Các con dù còn nhỏ nhưng cũng rất thích thú khi được tự tay gói những chiếc bánh chưng nhỏ xinh. Từ việc chọn lá dong xanh mướt, gạo nếp thơm lừng đến khâu gói bánh… chúng tôi đều hướng dẫn các cháu rất tỉ mỉ”.

Cùng với hoạt động gói bánh chưng, dọn dẹp nhà cửa, trang trí bàn thờ…, nhiều phụ huynh còn đưa trẻ về thăm quê, chúc Tết ông bà nội ngoại, mừng tuổi cho người cao tuổi trong gia đình… Những hoạt động này không chỉ giúp trẻ hiểu hơn về truyền thống văn hóa của dân tộc mà còn là cơ hội để các em thể hiện lòng biết ơn đối với ông bà, cha mẹ. Qua đó, tình cảm gia đình càng thêm gắn kết, tạo nên những kỷ niệm đẹp đẽ trong lòng trẻ thơ.

Em Nguyễn Hoàng Yến (13 tuổi, trú phường Đại Nài, TP Hà Tĩnh) cho biết: “Trong năm, bố mẹ bận rộn với công việc, còn em tập trung học tập. Vì vậy, mỗi khi Tết đến, em rất háo hức vì được cùng bố mẹ sắm sửa cho ngày Tết, được về quê thăm ông bà. Với em, đây không chỉ là khoảng thời gian được “xả hơi” mà còn là dịp để cả gia đình sum họp, chia sẻ những câu chuyện vui buồn trong năm qua và cùng nhau đón chờ một năm mới an lành, hạnh phúc”.

bqbht_br_hd200664.jpg
Trường THPT Hương Sơn tổ chức "Tết sum vầy - Xuân ơn Đảng" năm 2025.

Để giúp học sinh được trải nghiệm sâu sắc về những giá trị truyền thống của Tết cổ truyền, nhiều trường học trên địa bàn Hà Tĩnh cũng đã tổ chức các hoạt động ngoại khóa phong phú. Từ việc tỉ mỉ gói từng chiếc bánh chưng, khéo léo bày mâm ngũ quả, đến việc tập viết thư pháp và tham gia các trò chơi dân gian… đã giúp học sinh không chỉ được vui chơi mà còn được học hỏi, rèn luyện nhiều kỹ năng sống.

Cô Mã Bảo Hà - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Hương Sơn cho biết: “Chương trình ngoại khóa mang chủ đề Tết truyền thống đã trở thành hoạt động thường niên không thể thiếu của nhà trường. Mỗi dịp xuân về, giáo viên và học sinh lại cùng nhau tái hiện một làng quê Việt Nam thu nhỏ với những gian hàng, trò chơi dân gian và hoạt động gói bánh chưng quen thuộc. Qua đó, học sinh không chỉ được sống lại không khí Tết xưa ấm áp mà các em còn có cơ hội rèn luyện sự sáng tạo, khéo léo, tinh thần học hỏi, đoàn kết, bồi đắp vốn hiểu biết về văn hóa Tết cổ truyền của dân tộc”.

bqbht_br_truong-thpt-nguyen-hue-huyen-ky-anh-to-chuc-chuong-trinh-xuan-yeu-thuong-tet-sum-vay-gay-quy-an-sinh-xa-hoi.jpg
Trường THPT Nguyễn Huệ (huyện Kỳ Anh) tổ chức chương trình Xuân yêu thương - Tết sum vầy gây quỹ an sinh xã hội.

Không chỉ dừng lại ở việc trải nghiệm về ngày tết, nhiều trường học còn tích cực tổ chức các hoạt động thiện nguyện ý nghĩa. Trong không khí ấm áp của mùa xuân, các thầy cô giáo đã cùng học sinh trao những phần quà Tết đến các bạn có hoàn cảnh khó khăn. Hành động đẹp này không chỉ giúp các em nhỏ có một cái Tết ấm áp hơn mà còn góp phần lan tỏa tinh thần “tương thân tương ái”, “lá lành đùm lá rách” - một truyền thống cao đẹp của dân tộc ta.

Mùa xuân dần chạm ngõ, khắp nơi đã rộn ràng không khí Tết. Trong niềm vui chung ấy, mỗi người lớn hãy cùng trẻ đón Tết để các em hiểu rõ hơn về ý nghĩa của Tết cổ truyền. Hãy cùng nhau tạo cơ hội cho trẻ được trải nghiệm những phong tục tập quán, những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Qua đó, bồi đắp tình yêu gia đình, quê hương, đất nước, bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc cho thế hệ trẻ.

Chủ đề Chào năm mới 2025

Đọc thêm

Rửa rau sống thế nào cho sạch?

Rửa rau sống thế nào cho sạch?

Hầu hết, rau củ sau khi thu hoạch và bày bán đều phải trải qua khâu sơ chế. Tuy nhiên, người dân cần sơ chế lại để đảm bảo an toàn.
Nên dùng tăm tre hay chỉ nha khoa?

Nên dùng tăm tre hay chỉ nha khoa?

Tăm tre và chỉ nha khoa đều là dụng cụ giúp làm sạch và loại bỏ thức ăn thừa trên răng. Vậy ưu nhược điểm của chúng là gì và loại nào tốt hơn?
Check - in không gian tết cổ truyền ở đâu?

Check - in không gian tết cổ truyền ở đâu?

Nhiều quán cà phê ở TP Hà Tĩnh được trang trí với những chiếc đèn lồng, hoa đào, hoa mai... nhằm tạo không gian ấm cúng, gần gũi, mang đến không khí Tết sớm phục vụ khách hàng.
Cảnh giác chấn thương cổ chân khi chơi pickleball

Cảnh giác chấn thương cổ chân khi chơi pickleball

Cổ chân là vùng chuyển tiếp giữa trục thẳng đứng của đùi và cẳng chân với trục ngang của bàn chân. Cấu tạo của cổ chân gồm nhiều xương nhỏ nối với nhau bởi các khớp và dây chằng. Do đó khi chơi pickleball, tăng phạm vi chuyển động của chân thì rất dễ bị chấn thương.
Phân biệt cảm lạnh và cảm cúm

Phân biệt cảm lạnh và cảm cúm

Theo các bác sỹ, cảm cúm và cảm lạnh là hai bệnh lý khác nhau, tuy nhiên lại có những triệu chứng tương đồng nên rất nhiều người nhầm lẫn.