Hiện có đến 8 ứng viên thay thế bà May lãnh đạo đảng Bảo thủ (qua đó nghiễm nhiên trở thành Thủ tướng Anh) nhưng mọi sự chú ý đang đổ dồn về phía cựu Ngoại trưởng Boris Johnson.
Ông Boris Johnson đã tuyên bố tranh cử chức lãnh đạo đảng Bảo thủ ngay cả trước khi bà May tuyên bố từ chức hôm 24-5. Nhưng sau đó có đến 7 người khác cùng tham gia cuộc đua với ông. Trong số các ứng cử viên cạnh tranh với ông Johnson, có những chính khách khá nổi bật, như Ngoại trưởng Jeremy Hunt, cựu Bộ trưởng Việc làm và Hưu trí Esther McVey, Bộ trưởng Môi trường Michael Gove.
Ở Anh, việc chọn ra một thủ tướng mới không nhất thiết phải tổ chức bầu cử quốc hội. Chỉ cần thay người lãnh đạo đảng lớn nhất trong quốc hội và người lên thay này đương nhiên trở thành Thủ tướng Anh. Điều này từng xảy ra khi ông David Cameron từ chức vào năm 2016 và bà May lên thay thế ông.
Trong cuộc đua năm nay, ông Johnson sẽ phải đối mặt thử thách khó khăn hơn nhiều, bởi ngoài 7 ứng viên đã tuyên bố ra tranh cử còn một số người khác đang có ý định nhưng chưa chính thức tham gia cuộc đua. Vòng đầu tiên của cuộc đua, các nghị sĩ thuộc đảng Bảo thủ sẽ loại dần các ứng viên để chọn ra 2 người cuối cùng vào đấu vòng chung kết, tại đó 124.000 thành viên đảng Bảo thủ sẽ chọn ra người thắng cuộc.
Johnson hiện đang chiếm ưu thế lớn để giành chiến thắng, bởi theo kết quả thăm dò của hãng YouGov, ông đang là ứng viên ưa thích nhất của các thành viên đảng Bảo thủ với tỉ lệ vượt khá xa so với các ứng viên khác. Ngay cả những người không thích tính cách gây tranh cãi của ông Johnson vẫn nhìn nhận ông chính là sự lựa chọn tốt nhất của họ để đánh bại thành phần dân túy.
Ông Boris Johnson trong chiến dịch vận động Brexit
Ông Boris Johnson tên đầy đủ là Alexander Boris de Pfeffel Johnson, năm nay 55 tuổi, sinh trưởng tại New York, mang quốc tịch Mỹ cho đến năm 2006 thì chuyển sang quốc tịch Anh. Ông từng theo học ngôi trường tư thục danh tiếng nhất nước Anh, Trường Eton và Đại học Oxford, cũng danh tiếng nhất nước Anh, trước khi bắt đầu sự nghiệp làm nhà báo tại tờ The Times of London vào thập niên 1980.
Tuy nhiên, làm việc không lâu thì Boris bị đuổi việc vì bịa ra một câu phát ngôn của nhân vật nổi tiếng gây phương hại đến uy tín tờ báo. Sau đó, Boris được tờ báo Daily Telegraph tuyển dụng và cho làm phóng viên thường trú tại Brussels. Cho đến nay, dù đã chuyển sang làm chính khách và hiện đang là nghị sĩ nhưng hằng năm Boris vẫn được nhận mức lương 275.000 bảng từ tờ báo này cho việc tham gia viết bài chính luận hằâng tuần trên tờ báo.
Báo chí Anh nhận định, cho dù ông Johnson hay ai khác giành chiến thắng cuối cùng và trở thành Thủ tướng Anh thì vấn đề cần phải giải quyết ngay lập tức chính là củng cố lại nội bộ đang phân hóa cao độ của đảng Bảo thủ do vấn đề Brexit. Brexit cũng đã gieo tai họa cho đảng Bảo thủ tại cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu vừa diễn ra. Kết quả vừa công bố cho thấy đảng Độc lập Anh (UKIP) chủ trương Brexit của ông Nigel Farage dẫn đầu cuộc bầu cử tại Anh, với 29 nghị sĩ được bầu, tiếp theo là sự vươn lên mạnh mẽ của đảng Xanh, đồng thời đảng Bảo thủ bị đẩy xuống vị trí thứ năm - một cơn địa chấn kỳ bầu cử, theo nhận định của tờ The Guardian (Anh).
Một thử thách nan giải khác, chính là vấn đề Brexit. Bộ trưởng Tài chính Philip Hammond vừa đưa ra lời cảnh báo cho ông Johnson rằng nhiều nghị sĩ thuộc đảng Bảo thủ trong Quốc hội Anh đang chuẩn bị có hành động quyết liệt để ngăn chặn một Brexit không thỏa thuận. Ông Hammond cho rằng bất kỳ ai lên làm Thủ tướng Anh sẽ khó trụ lại lâu nếu theo đuổi một Brexit không thỏa thuận mà không được sự đồng thuận của Quốc hội.
Tạo được sự đồng thuận trong các nghị sĩ đảng Bảo thủ cũng là điều nhiều người băn khoăn ở ông Johnson. Hãng thăm dò YouGov đánh giá ông khó lòng tạo sự đồng thuận cao trong đảng, không chỉ bởi tính cách thích tạo ra những đột biến gây tranh cãi của ông mà còn vì lập trường thiếu nhất quán trong một số vấn đề xã hội quan trọng.
Thăm dò của hãng YouGov cho thấy 32% người có ý kiến tích cực về Johnson, tỉ lệ cao nhất đối với bất kỳ chính khách nào ở Anh hiện nay nhưng cũng có đến 46% suy nghĩ tiêu cực về ông, một tỉ lệ không nhỏ. “Ông ấy là một người gây chia rẽ sâu sắc. Ông có thể là chính khách được ưa thích nhất nhưng cũng là người bị ghét nhiều nhất” - giáo sư chính trị học Scott Lucas tại Đại học Birmingham nhận xét.
Một điểm dễ nhận thấy nhất ở ông Johnson thời gian qua, nhất là khi ông làm Thị trưởng London và sau đó là Bộ trưởng Ngoại giao Anh, chính là những phát ngôn ngớ ngẩn, những câu bông đùa “trật chìa” gây phẫn nộ của ông. Năm 2016, ông đã gọi Tổng thống Mỹ Barack Obama là “một phần của Kenya” và cho rằng “tổ tiên ông Obama đã căm ghét đế quốc Anh”.
Trước đó, năm 2002, ông đã buộc miệng nói rằng Nữ hoàng Anh Elizabeth II có lẽ thích đi vòng quanh khối Thịnh vượng chung bởi “có nhiều đám trẻ da đen reo hò vẫy cờ chào đón”. Rồi ông cũng từng viết rằng Thủ tướng Anh Tony Blair sẽ gặp phải những “nụ cười dưa hấu” khi đến thăm nước Congo. Ông cũng mô tả phụ nữ Hồi giáo mang mạng che mặt là những “chiếc hộp thư biết đi”.
Có những lúc ông Johnson hành động như một người yêu nước “vĩ đại”. Năm 2008, khi mới được bầu làm Thị trưởng London, ông đã đến Bắc Kinh tham dự Thế vận hội mùa hè. Tại đó, sau khi tiếp nhận cờ đăng cai Thế vận hội mùa hè London 2012, ông đã thông báo cho cả thế giới biết ông là Thị trưởng London và phất mạnh lá quốc kỳ Liên hiệp Anh khổng lồ trên sân khấu bế mạc.