Thủ tướng May từ chức, nước Anh và Brexit sẽ đi về đâu?

Sau Margaret Thatcher, John Major và David Cameron, bà Theresa May là Thủ tướng mới nhất của đảng Bảo thủ (Anh) phải từ chức do không thể giải quyết những chia rẽ nội bộ đảng về vấn đề liên quan tới châu Âu. Với bà May, đó là vấn đề Brexit (Anh rời Liên minh châu Âu).

Những tính toán sai

Thủ tướng May từ chức, nước Anh và Brexit sẽ đi về đâu?

Thủ tướng Anh Theresa May tuyên bố sẽ từ chức Chủ tịch đảng Bảo thủ tại London ngày 24/5. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo tờ ChannelNewsAsia, bà May đã cố gắng đạt được một điều mà lúc nào cũng khó khăn: Đó là tôn trọng kết quả cuộc trưng cầu ý dân về Brexit năm 2016 và đưa nước Anh rời Liên minh châu Âu (EU) một cách có trật tự. Tuy nhiên, nỗ lực của bà đã bị ngăn chặn bởi chính những thành viên đảng Bảo thủ theo đường lối cứng rắn đối với vấn đề Brexit.

Họ không ủng hộ Thủ tướng May với lý do là thỏa thuận mà bà đàm phán có quá nhiều nhượng bộ với EU. Cuộc phá hoại của họ đã thành công. Vị trí của bà May đã bị lung lay một cách có hệ thống khi bà bị đẩy vào tình thế mắc một loạt sai lầm lẽ ra có thể tránh khỏi. Trong lúc khủng hoảng rối bời, bà lại không thể thuyết phục mọi người rằng mình đang đi đúng hướng.

Thứ nhất, Thủ tướng May không thể khiến cả đất nước đồng thuận về những bước tiếp theo cần phải thực hiện để rời EU khi bà nắm quyền mùa hè năm 2016. Bà cũng không thể đạt thỏa thuận với những người có quan điểm ủng hộ Brexit cứng rắn.

Tiếp đó, bà May đã viện dẫn Điều 50 của Hiệp ước Lisbon hồi tháng 3/2017 để thực hiện tiến trình nghiêm ngặt đàm phán trong 2 năm trong khi chưa thực hiện được điều gì đáng kể về thỏa thuận Brexit và không rõ thỏa thuận có được nhất trí không.

Vài tuần sau đó, bà May kêu gọi tổng tuyển cử sớm với niềm tin lớn là sẽ chiến thắng, song suýt nữa đã thất bại, khiến quyền lực của bà trong đảng Bảo thủ lung lay và chính phủ phải phụ thuộc vào sự ủng hộ của đảng Liên minh Dân chủ.

Thỏa thuận mà Thủ tướng May đàm phán bị phản đối bởi cả hai phe: liên minh những người muốn Anh càng gần gũi EU càng tốt và những người muốn tách khỏi EU một cách gọn gàng nhất có thể.

Từng nói sẽ không bao giờ đề nghị EU gia hạn hạn chót theo Điều 50 nhưng bà May đã buộc phải làm điều đó hai lần. Từng nói việc tổ chức bầu cử Nghị viện châu Âu là điều không thể chấp nhận được, nhưng bà May đã buộc phải chấp nhận vì khi Anh chưa rời được EU thì theo nghĩa vụ, Anh vẫn phải tham gia với tư cách thành viên EU.

Động thái nỗ lực cuối cùng của bà May là đàm phán với Công đảng đối lập để thống nhất quan điểm chung – điều mà lẽ ra bà phải làm ngay từ đầu tiến trình Brexit. Tuy nhiên, cuộc đàm phán đổ bể khi đảng Bảo thủ thì giận dữ còn phe đối lập thì không tin bà có thể thực hiện những gì đã cam kết.

Điều gì đến đã phải đến và cũng được dự báo từ trước. Ngày 24/5, bà May đã tuyên bố từ chức vào ngày 7/6 tới trong một bài phát biểu có cả nước mắt.

Một bộ trưởng biết rõ cuộc đấu tranh Brexit của bà May từ năm 2016 cho biết bà May đã ở trong tình thế chỉ có hai lựa chọn và cả hai đều dẫn tới một điểm đến. Bà có thể đưa đề xuất Brexit mới ra bỏ phiếu ở Hạ viện. Gần như chắc chắn đề xuất sẽ bị bác và bà sẽ buộc phải từ chức. Nếu không đưa ra đề xuất mới tức là thừa nhận mình hoàn toàn không có khả năng giải quyết vấn đề Brexit và cũng phải từ chức.

Thực tế có thay đổi?

Tuy nhiên, việc bà May từ chức không thể thay đổi được thực tại ở Anh, đó là sự chia rẽ sâu sắc trong đảng Bảo thủ cũng như quốc gia và đó là việc Anh cũng khó có thể thực hiện Brexit một cách suôn sẻ.

Thủ tướng May từ chức, nước Anh và Brexit sẽ đi về đâu?

Bà May xúc động khi tuyên bố sẽ từ chức Chủ tịch đảng Bảo thủ. Ảnh: AFP/TTXVN

Khi bà May làm thủ tướng, bà đã đặt ra hai mục tiêu chính cho bản thân và cả hai mục tiêu đều liên quan hàn gắn chia rẽ quốc gia. Mục tiêu thứ nhất là hành động nhiều hơn để giúp các gia đình lao động bình thường sống tốt. Mục tiêu thứ hai là thực hiện tiến trình Brexit. Tuy nhiên, mục tiêu thứ hai đã ngốn phần lớn thời gian, sức lực của bà May và cuối cùng đã mang cho bà cái kết buồn.

Vì Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khẳng định rằng lần gia hạn hạn chót gần đây nhất chỉ có thể kéo dài tới cuối tháng 10, nên những vấn đề của Brexit sẽ sớm nóng trở lại, đặc biệt là nếu Anh không đạt được tiến triển. Khả năng không có tiến triển là dễ hiểu vì các nhân vật quan trọng đang chạy đua vào vị trí mà bà May để lại.

Hiện chưa rõ liệu một lãnh đạo được bầu trong bối cảnh rối ren này có thể làm gì để hàn gắn rạn nứt trên chính trường Anh. Với thông báo từ chức của bà May, cuộc chiến vào cương vị bà để lại đang nóng từng ngày. Chính trường Anh lại rơi vào một cuộc chiến thậm chí còn u ám hơn để tìm người kế nhiệm. Ít nhất 20 nhân vật đã bày tỏ ý định ngồi vào "chiếc ghế nóng" nữ Thủ tướng May để lại.

Trong số đó, cựu Ngoại trưởng Anh Boris Johnson, ứng cử viên tiềm năng nhất để làm Thủ tướng Anh, đã xuất hiện không chậm trễ, khẳng định rằng dưới quyền lãnh đạo của mình, Brexit sẽ diễn ra vào mùa Thu này cho dù bất kỳ chuyện gì xảy ra. Vốn là người ủng hộ một “Brexit cứng”, ông Johnson nói: “Chúng ta sẽ rời EU vào ngày 31/10, dù có thỏa thuận hay không”.

Thủ tướng May từ chức, nước Anh và Brexit sẽ đi về đâu?

Ông Boris Johnson. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong số những cái tên có ý định chạy đua vào ghế thủ tướng còn có Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt, Bộ trưởng Y tế Matt Hancock, Bộ trưởng Phát triển Quốc tế Rory Stewart…

Nếu tới tháng 7 mà Anh chưa có thủ tướng mới và do vướng thời kỳ ngừng họp mùa hè, thì có nghĩa là sẽ không có hoạt động gì ở Quốc hội Anh trong tháng 8. Vì vậy, khả năng đạt được một thỏa thuận nào đó trong khoảng thời gian còn lại sẽ vô cùng nhỏ bé.

Câu hỏi được đặt ra là liệu EU có gia hạn hạn chót cho Anh thêm một lần nữa và liệu thủ tướng mới có muốn thời kỳ cầm quyền của mình bắt đầu bằng việc đi xin EU gia hạn.

Trong vài tuần tới, sẽ có rất nhiều lời hứa và đảm bảo được đưa ra khi các ứng cử viên thủ tướng chạy đua vào ghế nóng. Bất kỳ ai ngồi vào vị trí đó với một quốc hội chia rẽ nhất từ trước tới nay cũng sẽ thấy việc thực hiện cam kết là một thách thức.

Viết trên tờ Observer, Bộ trưởng Tư pháp David Gauke cho rằng điều đáng lo ngại là các ứng cử viên không đối mặt với thực tế mà lại chìm đắm trong mơ tưởng khi vận động phiếu bầu. Theo ông Gauke, mối nguy hiểm của việc này là những lời hứa to tát sẽ không thực hiện được, khiến công chúng thêm vỡ mộng, tức giận bởi chủ nghĩa dân túy. Ông cho rằng nhiệm vụ mà thủ tướng tiếp theo phải đối mặt sẽ tương tự như nhiệm vụ mà bà May đã phải làm suốt ba năm qua. Nói tóm lại, việc bà May ra đi sẽ không tác động gì tới việc giải quyết các vấn đề của đất nước, nếu không muốn nói là làm cho các vấn đề khó khăn hơn.

Theo Báo Tin tức

Đọc thêm

Đảng cầm quyền Hàn Quốc trước nguy cơ phân rã

Đảng cầm quyền Hàn Quốc trước nguy cơ phân rã

Sau khi Quốc hội Hàn Quốc ngày 14/12 thông qua dự luật luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol do ông đã ban bố thiết quân luật đêm 3/12, nhiều nhà lãnh đạo của đảng Quyền lực Quốc dân (PPP) cầm quyền đã nộp đơn từ chức, trong khi sự chia rẽ nội bộ giữa những người ủng hộ và phản đối việc luận tội Tổng thống Yoon có xu hướng ngày càng gia tăng, khiến PPP đứng trước nguy cơ bị phân rã.
Bệnh lạ khiến 31 người tử vong tại CHDC Congo

Bệnh lạ khiến 31 người tử vong tại CHDC Congo

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), từ ngày 24/10 đến ngày 5/12, CHDC Congo ghi nhận 406 ca mắc bệnh chưa rõ nguyên nhân với các triệu chứng như sốt, đau đầu, ho, sổ mũi và đau nhức cơ bắp.