Cuộc tranh cãi bất tận về VAR: Giữ thì bứt rứt, bỏ cũng mất vui

VAR đã gây tranh cãi lớn. Nếu bạn có quyền năng phán xử, bạn sẽ loại bỏ hay vẫn tiếp tục dùng VAR? Dù thế nào, quyết định của bạn cũng sẽ gây tranh cãi không khác gì những quyết định của VAR. Phe đòi phế bỏ vai trò của VAR trong bóng đá rất đông khẳng định rằng, công nghệ video hỗ trợ trọng tài này chính là thứ tồi tệ đã xuất hiện trong thời gian gần đây.

HÃY LOẠI BỎ VAR

Trên thực tế, không hề đơn giản khi xây dựng được một bộ luật tinh tế cho môn thể thao phổ biến nhất thế giới này. Có nhiều vấn đề ngoài sân nghiêm trọng hơn: tham nhũng, công bằng tài chính, phân biệt đối xử, bạo lực, tội phạm có tổ chức nghiêm trọng… Hầu như bất kỳ khía cạnh đen tối nào của xã hội đều được phản ánh ở đâu đó trong bóng đá.

Nhưng xét trên yếu tố thực tế, từ phút 0 đến phút 90, 22 cầu thủ trên sân cố gắng đá bóng vào khung thành đối phương, sẽ có rất nhiều vấn đề gây tranh cãi nảy sinh. Khía cạnh gây tranh cãi nhất liên quan đến các quyết định việt vị, điều cho thấy sự tệ hại của VAR.

Đây là một kịch bản trong đó các quyết định đều có tính nhị phân hoặc đúng hoặc sai. Một trợ lý trọng tài khó có thể cùng nhìn được 2 nơi cùng một lúc để tham vấn hay đưa ra quyết định cầu thủ đó đã việt vị hay chưa. Nhưng VAR lại làm được chuyện tìm kiếm thông tin đó, tất nhiên đấy là trên lý thuyết. Thực tế, ngay cả khi quyết định của VAR được chiếu công khai trên màn hình, điều đó cũng không thể chắc chắn rằng VAR đang có những quyết định đúng đắn.

Nó chỉ có thể là “dự đoán tốt nhất” và có ý nghĩa tham vấn cho trọng tài chính ra quyết định mà thôi. Chứ không phải là phía ra quyết định. Thế nên, do lấy quyết định của VAR làm thượng phương bảo kiếm nên Aston Villa mới mất một bàn thắng oan trong trận gặp Burnley vào ngày Năm Mới vì Wesley - thậm chí không phải là người ghi bàn - mới có vẻ bị việt vị một phần cơ thể, thậm chí VAR cũng không chắc chắn cầu thủ này đã hoàn toàn việt vị.

Đây vẫn là một quá trình phụ thuộc rất nhiều vào nguồn nạp thông tin của con người. Đội trợ lý video chọn các điểm có liên quan, rồi dùng công nghệ để vẽ các đường vạch ngang rồi cân đo đong đếm. Xem quá trình vô tận này trên truyền hình là một trải nghiệm buồn cười như xem một bộ phim châm biếm. Nó bị truyền hình hoá khủng khiếp, thậm chí còn tồi tệ hơn những gì chứng kiến trên sân.

Có lẽ, khía cạnh đáng ngạc nhiên nhất là có bao nhiêu bàn thắng đã bị xoá sổ bởi quyết định việt vị khi không ai có thể nghi ngờ, kháng cáo hoặc thậm chí phàn nàn. Pedro Neto mất bàn thắng trong trận Wolves gặp Liverpool hồi tháng 12/2019, bởi Jonny Otto bị cho là đã việt vị bằng một đường kẻ ngang lố bịch như của học sinh lớp Một. Thế nhưng, bàn thắng kiểu đó ở mùa trước lại được công nhận. Có nhiều đề xuất khác nhau về việc giải quyết vấn đề này, nhưng không có câu trả lời nào hoàn toàn. Dù như thế nào, sẽ luôn có một biên độ tốt để tính toán việt vị. Ví dụ như biện pháp “cuộc gọi của trọng tài”, như ở môn cricket.

Sau khi trọng tài yêu cầu, VAR bắt đầu tiến hành phán xét, bằng cách đo từng milimet bằng một hệ thống không hoàn hảo và có nhiều sai số. Và công nghệ này, có vẻ không giải quyết được những lỗi việt vị mập mờ giữa lằn mong manh: Đã việt vị hoặc Không việt vị. Thế nhưng bàn thắng vẫn bị ảnh hưởng bởi phán quyết đó. Đối với các trường hợp bị phán quyết là không việt vị, lỗi nhận định của trọng tài chắc chắn đã tăng lên. Nhưng dù thế nào, khó có gì có thể biện minh cho việc trận đấu bị phá nát vụn.

Có nhiều câu hỏi lớn về mức độ mà VAR nên can thiệp, ban đầu chỉ là ở những trường hợp phức tạp, song bây giờ, VAR đôi khi lấn át các quyết định và thực sự khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn. Việc “bẻ phán quyết” đối với trường hợp của hậu vệ Aaron Cresswell trong trận West Ham gặp Bournemouth hôm 1/1 mới là kỳ lạ và khiến các cựu trọng tài bối rối.

Làm sao có thể dựa hẳn vào VAR nếu hệ thống này vẫn có khả năng đưa ra quyết định không chính xác? Cũng ở vòng đấu sau ngày Năm Mới, tiền vệ Roberto Pereyra bị tước quyền thi đấu vì hành vi bạo lực và VAR đã giữ nguyên quyết định này. Sau đó, Watford kháng cáo thành công và thẻ đỏ bị rút lại. Rõ ràng, VAR không thể cung cấp một quyết định dứt khoát trong các sự cố và vẫn mang tính chủ quan cao.

Nhưng vấn đề không dừng ở đó. Việc trận đấu phải dừng nhiều để đợi VAR phán xử khiến nhiều trận đấu phải đá bù giờ đến 8-9 phút. Tồi tệ hơn là tình trạng này ngày càng trở nên phổ biến. Đây là thảm họa cho bóng đá, bởi hưng phấn của các cầu thủ rất dễ mất vì phải dừng chơi. Để bù lại, Hội đồng Liên đoàn Bóng đá Quốc tế (IFAB) đã cố gắng tăng tốc trận đấu bằng những thay đổi về luật (buộc thủ môn phát bóng nhanh, cầu thủ ra sân từ vị trí gần đường biên nhất...).

Để đổi lại, khán giả cứ phải nhìn vào các khung hình VAR phát đi phát lại đầy nhàm chán và mang tính tự kỷ ám thị về lỗi. VAR cũng làm biến mất những màn ăn mừng bàn thắng cuồng nhiệt. Khi ghi bàn, cầu thủ lặng im như trẻ tự kỷ vì không biết bàn thắng có bị xoá bỏ hay không. Sau khi ghi bàn thắng quan trọng cho Tottenham trên sân của Dortmund ở Champions League mùa trước, Harry Kane chỉ tuyệt vọng hy vọng nó không bị VAR từ chối. Jurgen Klopp cũng đã nói như vậy: “Tôi sẽ không thể ăn mừng bàn thắng nữa vì không muốn trở thành thằng ngốc vừa cười đắc thắng đã bị cười chế nhạo”.

Những CĐV của Aston Villa cũng chuyển từ trạng thái hưng phấn tột đỉnh sau bàn mở tỉ số vào lưới Burnley sang tình trạng chết lặng vì Wesley bị VAR phán việt vị.

Cũng với Villa, khi Tyrone Mings ghi bàn thắng gỡ hoà trong trận gặp Man United hồi tháng 12 vừa qua, anh và các đồng đội cũng phải lặng lẽ chạy về phần sân nhà, không dám ăn mừng, chỉ cầu nguyện cho bàn thắng được công nhận. Đấy đâu còn gì là niềm vui của bóng đá?

Cuộc tranh cãi bất tận về VAR: Giữ thì bứt rứt, bỏ cũng mất vui

Có cảm giác rằng bóng đá đã mất đi thứ gì đó quan trọng. Không có môn thể thao nào mà một bàn thắng hay một điểm số lại được đề cao và tôn vinh như trong bóng đá, bởi vì đấy là những thành quả rất hiếm và do đó rất có giá trị, đặc biệt ở những nền bóng đá đỉnh cao. Sự tưng bừng mà một bàn thắng đem lại là một điều quý giá với con người.

Chúng ta đến xem các trận đấu bóng đá để chứng kiến những màn phô diễn kỹ thuật chơi bóng chất lượng cao, những cuộc đua thể chất và bầu không khí hưng phấn đầy hoang dã khi đội nhà ghi được một bàn thắng. NHM đã phải mất rất nhiều tiền để đến sân và hưởng các giá trị đó, nhưng giờ chúng đã bị tước đoạt.

VAR VẪN TỐT ĐẤY CHỨ

VAR giờ là đứa con hoang của các nhà quản lý máu lạnh và các quan chức quá nhiệt tình, luôn muốn bóng đá được giám sát một cách chính xác như hệ thống phạt nguội người vi phạm luật giao thông bằng video. Thật dễ hiểu tại sao sự phẫn nộ này đã nhanh chóng chiếm lĩnh suy nghĩ của đa số NHM Premier League.

Nó hoàn toàn hòa hợp với niềm tin phi logic nhưng vẫn được “chém gió” đầy sâu sắc trong các quán rượu, qua tin nhắn điện thoại và các phòng quay truyền hình bởi những người được ủy thác xây dựng và thực thi luật của một môn thể thao, nhưng cốt lõi họ lại không hiểu mình đang làm gì.

Cho dù sự thiếu tôn trọng mang tính bản năng này được thúc đẩy bởi một khát khao vô thức của thời trung cổ, khi “những trận bóng đá làng” máu lửa giữa các thôn làng được tiến hành một cách vui vẻ mà không cần bất kỳ sự can thiệp nào của luật lệ hay luật pháp. Do đó, nổi lên một quan niệm mang tính dân tuý là, chính VAR đã xuất hiện để loại bỏ vai trò của trọng tài (đại diện cho cái gọi là luật lệ hay luật pháp) trong bóng đá, trả lại giá trị cốt lõi nguyên thuỷ của bóng đá: là một thể thao thực tế được tiến hành giữa các cầu thủ với nhau.

Tất nhiên, trong sự theo dõi của khán giả, những dân làng xưa kia. Như thế, bóng đá lại trở về thời hồng hoang, nhưng là thời hồng hoang 4.0. Những cầu thủ sẽ lại tranh cãi vì một tình huống việt vị. Nhưng ai sẽ là người đưa ra phán quyết nếu thiếu những trọng tài biên chạy con thoi. Yên tâm, đã có VAR và cái màn hình xử lý chuyện đó. Quá nhiều NHM và HLV mệt mỏi với chuyện “đổ lỗi cho trọng tài”. Nhưng trọng tài, với quyết định của họ, luôn làm vui hoặc buồn một bên.

Đối với NHM của Bayern Munich, họ đã khóc vì Cristiano Ronaldo có hai bàn thắng việt vị ở tứ kết Champions League 2017. Nhưng họ lại vui khi nhớ lại Miroslav Klose ghi bàn thắng việt vị vào lưới Fiorentina (2010) hoặc một quyết định đá phạt gián tiếp đáng ngờ đã giúp Hùm Xám vô địch năm 2001. Nhưng họ vẫn nhớ nhất tới những sai lầm của trọng tài gây hại cho đội bóng của mình. Hầu hết các tin tức trên truyền hình, đài phát thanh, báo in và báo mạng được thúc đẩy bởi nhu cầu kéo dài xung đột sau khi trận đấu kết thúc.

Phóng đại các sai lầm của trọng tài là cách dễ nhất đặc biệt ở các trận đấu lớn, quan trọng. Trọng tài, không giống như hàng triệu khán giả, đã không thấy những khoảnh khắc quyết định ở nhiều góc quay chậm, và họ cũng không được phép giải thích lý do đưa ra quyết định của mình.

Trọng tài không được bảo vệ trên truyền thông, luôn nhận lương thấp và phải đối mặt với một biển thù địch mênh mông. VAR, do đó, được hiểu rõ nhất là một cơ chế phòng thủ, một mạng lưới an toàn. Nó không đảm bảo độ chính xác hoàn hảo hoặc kết thúc mọi tranh cãi hoặc bất kỳ tranh luận nào của những gã đàn ông “giỏi trình bày, hay kể chuyện”, nhưng nó làm giảm đáng kể khả năng trọng tài bị biến thành thú săn. Nó không thể tranh luận rằng vì sao lại việt vị, vì sao bàn thắng bị từ chối.

Ngay cả khi các cầu thủ, HLV, giới chuyên môn và NHM xếp hàng để đấu tố sai lầm của VAR, thì các trọng tài vẫn được vô can, không bị chế biến thành những món ăn để truyền thông nấu cho công chúng ăn nữa. Điều này có thể không cảm nhận được ngay lập tức, nhưng chắc chắn đấy là một sự tiến bộ. Các HLV thấy khó khăn hơn để đổ lỗi thất bại cho người khác. Các trọng tài hiếm khi bị mắng bởi những cầu thủ bực tức trên sân. Họ có thể thoải mái thổi penalty cho đội khách ở phút 90 hay tước bàn thắng của đội chủ nhà do lỗi việt vị cho dù đó là trận đấu then chốt ở Champions League.

Vì đã có VAR. Cũng có nảy một cuộc tranh luận, dù chưa được hỗ trợ đầy đủ bởi dữ liệu, rằng chính VAR với phương thức hoạt động của mình, đã làm giảm các lợi thế tâm lý chủ nhà đối với các trọng tài và đội khách. Những quyết định của VAR, hơn một nửa là có lợi cho các đội khách.

Cuộc tranh cãi bất tận về VAR: Giữ thì bứt rứt, bỏ cũng mất vui

Có những lợi ích khác mà hầu như không được chú ý, đó là dấu hiệu của một chế độ hoạt động tốt. Cầu thủ phải suy nghĩ hai lần trước khi định ăn vạ kiếm một quả phạt đền hay đánh kín đối thủ. Một khi họ thấy rằng việc ngã lăn, cào mặt trong vòng cấm là vô ích, VAR đã chứng tỏ được hiệu quả của mình. VAR chỉ phục vụ những trường hợp gây tranh cãi như bóng chạm tay, khi quyết định của nó bị giằng xé giữa 2 yêu cầu chủ yếu không thể hòa giải về tính nhất quán (nhị phân) và ý thức chung (bối cảnh, ý định).

Không có giải pháp dễ dàng nào cho câu hỏi hóc búa này, ít nhất là thực hiện tùy chọn xem xét lại từng sự cố một cách chi tiết một lần nữa. Thật đáng ngạc nhiên khi thấy rằng việt vị, một trong số ít các quyết định nhị phân mà VAR có thể giải quyết mà không gặp nhiều khó khăn, lại là nguồn gốc của rất nhiều sự tức giận ở Premier League.

Các đánh giá nên được đưa ra càng nhanh càng tốt, nhất là những hình ảnh hữu ích được chiếu kèm trên màn hình khổ lớn. Không thể yêu cầu VAR đưa ra độ chính xác hoàn toàn. Không thể có tiêu chuẩn ấy. Nhưng không ai có thể tranh cãi nghiêm túc về quy trình tạo ra một điểm tham chiếu tốt hơn nhiều so với mắt thường, không phân biệt tốc độ khung hình. Trên thực tế, một trong những vấn đề của nó là công nghệ đã quá chính xác. Khi các đường kẻ ngang được hiệu chỉnh tốt để hiển thị rõ ràng trên TV bằng cách đổ màu, các quyết định nhị phân rõ ràng có thể đột nhiên trông đáng ngờ, đặc biệt là nếu góc máy ảnh có vấn đề.

Nhưng rồi vấn đề này sẽ được giải quyết khi mà công nghệ phát triển ở mức cao hơn. VAR đang thực hiện chính xác công việc mà các trọng tài biên đã luôn làm: tìm ra cầu thủ đội tấn công đứng dưới hậu vệ cuối cùng của đội bị tấn công với phần cơ thể có thể ghi bàn thắng. Bởi vì tiền đạo thường chạy khi bóng được chuyền đi – khâu tiếp xúc đầu tiên là những gì có liên quan đến mục đích của VAR, chứ không phải lúc bóng rời khỏi chân.

Điều này có nghĩa các trọng tài luôn nhìn vào phần thân trên, trong khi nhìn vào vị trí bàn chân khó hơn nhiều. Do đó, trục tung mà họ vẽ là tại điểm mà cánh tay (không liên quan đến lỗi việt vị) dừng lại và vai (có liên quan). Vì những lý do khó quan sát, những kẻ gièm pha VAR đã thành công một cách đáng tiếc trong việc xác định sai điểm này trên cơ thể và chế giễu toàn bộ hệ thống. Luật lệ có nên thay đổi để các quyết định của VAR được chấp nhận dễ hơn không?

Nhưng dù thế nào, VAR chỉ biết kiểm tra để xem hành vi của cầu thủ có vi phạm luật không mà thôi. Ví dụ với trường hợp bóng chạm tay, đâu phải cứ chạm trong vòng cấm là có penalty. Nhưng còn những cái gọi là cảm xúc bị phá huỷ? Đó là sự thật - lợi ích của VAR phải trả giá bằng sự không chắc chắn về cảm xúc tại thời điểm mà NHM nên cảm thấy ngây ngất nhất - khi một bàn thắng được ghi.

Vì bóng đá giờ như một sản phẩm giải trí dựa trên việc sản xuất những cảm xúc tức thời và thực tế, sự tạm dừng này không can thiệp đến cốt lõi của sự hứng thú. Nhưng câu hỏi đặt ra là liệu điều đó có đủ để giết chết bóng đá hay không?

Theo số liệu của ESPN, hơn 2/3 tất cả các trận đấu đã trôi qua mà không có bất kỳ sự can thiệp nào của đội ngũ VAR trong phòng video. Cảm giác về những kẻ theo dõi trận đấu trên màn hình rồi lạnh lùng xoá bỏ hàng tấn bàn thắng chỉ là ảo tưởng. 38 bàn thắng đã bị phủ nhận trong 250 trận nhưng vẫn còn đó 689 bàn đã được ăn mừng. Tỉ lệ là 1/18, có nghĩa cứ 18 bàn thắng xuất hiện, mới có 1 màn ăn mừng hụt. Các CĐV vẫn được ăn mừng đến 95% số bàn thắng được ghi.

Theo thời gian, NHM sẽ nhận ra VAR không đáng sợ như họ tưởng. VAR cũng đã giúp 18 bàn thắng được công nhận và đó là một chi tiết lớn thường bị bỏ qua trong cuộc tranh luận. VAR có thể hạn chế sự hưng phấn của cầu thủ ghi bàn thắng nhưng để dựa vào đó để phản đối tất cả thì thật không công bằng cho VAR.

Có NHM của Man United nào không vui khi trọng tài hỏi ý kiến VAR trước khi trao cho họ quả penalty đem lại chiến thắng trước Paris Saint-Germain. Hoặc một NHM nào của Tottenham phàn nàn về VAR sau khi đội nhà vượt qua Man City ở phút cuối cũng nhờ những quyết định của VAR.

Trong thực tế, những cảm xúc mà bóng đá tạo ra, sự phấn khích của chiến thắng và tổn thương hủy diệt linh hồn của thất bại, quá mạnh mẽ và lâu dài. Và nó ảnh hưởng đến sự phán xét công bằng của mỗi con người. Thế nên, chính VAR mới là đối tượng bị ảnh hưởng của những nhận định đầy thiên kiến và sai lầm.

Theo Bongdaplus

Đọc thêm

Mùa giải đáng quên của bóng chuyền Hà Tĩnh

Mùa giải đáng quên của bóng chuyền Hà Tĩnh

Kết thúc giải vô địch quốc gia năm 2024, dù rất nỗ lực nhưng việc gặp quá nhiều khó khăn đã khiến bóng chuyền Hà Tĩnh xếp ở vị trí thứ 8, qua đó xuống giải hạng A.
Năm “bùng nổ” của điền kinh Hà Tĩnh

Năm “bùng nổ” của điền kinh Hà Tĩnh

Năm 2024, điền kinh Hà Tĩnh gặt hái được nhiều huy chương tại các giải đấu. Ngoài sự tỏa sáng của những trụ cột còn có nhiều vận động viên trẻ, hứa hẹn là lứa kế cận đầy triển vọng.
Huyền thoại Nadal

Huyền thoại Nadal

Ai có thể quên hình ảnh một chàng trai trẻ, với mái tóc xù và chiếc áo không tay, tung hoành trên các sân đất nện, khuấy đảo làng quần vợt thế giới? Đó là Rafael Nadal.