Một góc Nhà máy Sản xuất gỗ MDF, HDF Thanh Thành Đạt đang được hoàn thiện công đoạn cuối.
Nhà máy Sản xuất gỗ MDF, HDF Thanh Thành Đạt được đầu tư xây dựng tại xã Sơn Thọ, huyện Vũ Quang, quy mô 18 ha với tổng mức đầu tư gần 1.500 tỷ đồng. Nhà máy được trang bị dây chuyền sản xuất bằng công nghệ tiên tiến của Ý, Đức, Bỉ, công suất 120 - 156 ngàn m3/năm.
Sau gần 20 tháng thi công, đến nay, các đơn vị nhà thầu đã thi công hoàn thành 90-95% khối lượng công việc.
Ông Cao Hữu Châu – Phó Giám đốc kỹ thuật Nhà máy Sản xuất gỗ MDF, HDF Thanh Thành Đạt cho biết: "Ngay sau khi khởi công dự án, chúng tôi đã huy động tối đa nguồn lực triển khai. Đến nay, hạng mục nhà xưởng sản xuất chính, kho thành phẩm, khu nhà nghỉ ca công nhân, nhà hội trường, nhà ăn… đã hoàn thành; các hạng mục lắp đặt máy móc, thiết bị đã hoàn thành 95%.. Chúng tôi tập trung phấn đấu đưa nhà máy vào chạy thử vào cuối năm 2018".
Nhiều thiết bị, máy móc hiện đại đòi hỏi lắp đặt độ chính xác cao đã được các chuyên gia nước ngoài cùng kỹ sư, công nhân người Hà Tĩnh lắp đặt thành công.
Nhằm xây dựng thương hiệu, chiếm lĩnh thị phần trong nước cũng như xuất khẩu, chủ đầu tư - Công ty CP Gỗ MDF Thanh Thành Đạt đã mạnh dạn đầu tư máy móc, thiết bị công nghệ tiên tiến, hiện đại nhất do các tập đoàn chuyên về sản xuất gỗ châu Âu cung cấp.
Để đảm bảo tiến độ, chất lượng, chủ đầu tư đã thuê Tập đoàn Imal Pal (Italia) làm tổng thầu xây dựng. Nhiều thiết bị, máy móc hiện đại đòi hỏi lắp đặt độ chính xác cao đã được các chuyên gia nước ngoài cùng kỹ sư, công nhân người Hà Tĩnh lắp đặt thành công. Dây chuyền chính của nhà máy sử dụng công nghệ tiên tiến của thế giới, tự động hóa ở mức cao, nhằm bảo đảm sản xuất sản phẩm đạt chất lượng cao, giá thành hợp lý, đáp ứng các chỉ tiêu về môi trường theo tiêu chuẩn Việt Nam và quốc tế, tiết kiệm tối đa nguyên liệu, nhiên liệu, điện năng.
“Đây là nhà máy đầu tư dây chuyền công nghệ sản xuất, chế biến gỗ hiện đại nhất hiện nay do Tập đoàn Imal Pal (Italia) lắp đặt tại Việt Nam. Các công đoạn sản xuất hầu hết được tự động hóa và sản xuất ra sản phẩm theo tiêu chuẩn châu Âu. Mặc dù thời tiết ở đây không thuận lợi nhưng chúng tôi quyết tâm hoàn thành việc lắp đặt máy móc, thiết bị và chạy thử trong tháng 12 tới” - Giám đốc công trường, Tập đoàn Imal Pal (Italia) Matteo Vilaggi nói.
Các chuyên gia nước ngoài và công nhân, kỹ sư Việt Nam trao đổi trên công trường.
Theo đại diện chủ đầu tư, mặc dù đơn vị hết sức nỗ lực để đưa nhà máy sớm vào hoạt động, nhưng đến thời điểm này vẫn đang còn một số vướng mắc, đặc biệt là nguồn điện chính cung cấp cho nhà máy hoạt động vẫn chưa có. Chủ đầu tư mong muốn chính quyền địa phương, ngành điện khẩn trương đôn đốc, chỉ đạo giải phóng mặt bằng, kéo nối đường dây, hệ thống cung cấp điện để nhà máy đi vào hoạt động theo đúng kế hoạch.
Được biết, để chuẩn bị nguồn nguyên liệu cho máy hoạt động khi hoàn thành, Công ty Thanh Thành Đạt đã tuyển dụng được 150 lao động hầu hết là con em địa phương đưa đi đào tạo trước khi vào làm việc chính thức tại nhà máy. Cùng với đó, công ty cũng đã tiến hành quy hoạch, trồng trên 47 ngàn ha gỗ nguyên liệu tại 4 huyện Hương Sơn, Hương Khê, Đức Thọ, Vũ Quang và liên doanh liên kết với hàng ngàn hộ dân để phát triển rừng nguyên liệu.
Việc xây dựng Nhà máy Sản xuất gỗ MDF, HDF sẽ chấm dứt được tình trạng sơ chế, xuất thô gỗ nguyên liệu như trước đây để chuyển sang chế biến sâu, chế biến thành phẩm, đồng thời còn khuyến khích người dân trồng, bảo vệ và phát triển rừng, nâng cao thu nhập.