Ông Phú sản xuất giá thể từ nguyên liệu.
Ý tưởng sản xuất đông trùng hạ thảo đã manh nha cách đây 4 năm nhưng do bận rộn công việc ở Phòng Giáo dục & Đào tạo huyện Nghi Xuân nên ông Trịnh Văn Phú (tổ dân phố 7, thị trấn Xuân An, Nghi Xuân) phải chờ đến khi nghỉ hưu mới có đủ điều kiện để hiện thực hoá kế hoạch của mình.
Tháng 10/2020, ông Phú nhận bàn giao quy trình sản xuất đông trùng hạ thảo từ thầy giáo Nguyễn Tất Sơn (Trường Đại học Công nghiệp TP HCM) - người bạn thân thiết từ thời học tại Khoa Sinh - Trường Đại học Sư phạm Vinh (Nghệ An).
Hệ thống máy móc thiết hiện đại trị giá 1,2 tỷ đồng được ông Phú đầu tư để sản xuất.
Đến cuối năm 2020, cựu giáo chức Trịnh Văn Phú đầu tư hệ thống máy móc thiết bị trị giá 1,2 tỷ đồng và bắt đầu triển khai sản xuất loại nấm quý hiếm đông trùng hạ thảo, trên diện tích khoảng 200m2.
Nguyên liệu để sản xuất gồm nhộng tằm, lòng đỏ trứng gà, nước cốt chiết từ khoai tây, gạo lứt, nước cốt dừa và 1 số loại vitamin khác.
Các công đoạn sản xuất được ông Phú tuân thủ theo kỹ thuật được chuyển giao.
Sau khi sơ chế, nguyên liệu được đưa vào lò hấp ở 135 độ C trong khoảng thời gian 1 giờ rồi đưa vào phòng cấy và cấy giống vào. Tiếp đó, nguyên liệu đã cấy giống được đưa vào phòng tối (hay còn gọi là phòng chạy tơ) ở nhiệt độ 19 - 22 độ C để tế bào nấm phát triển trên giá thể trong khoảng thời gian 15 ngày.
Sau khi sợi nấm phát triển đều sẽ được chuyển sang phòng chiếu sáng cho đến khi bề mặt xuất hiện các chồi nấm màu vàng và được duy trì trong phòng lạnh từ 45 – 55 ngày, sau đó cho thu hoạch.
Đông trùng hạ thảo sinh khối tươi.
Theo ông Phú, “quy trình nuôi trồng cũng như sản xuất nấm đông trùng hạ thảo rất phức tạp, phải thường xuyên theo dõi, điều chỉnh các yếu tố như: độ ẩm, ánh sáng, nhiệt độ. Khó nhất là khâu tạo giống vì đây là yếu tố quyết định thành bại của sản phẩm. Sau 3 tháng nuôi cấy, mẻ đông trùng hạ thảo đầu tiên đã thành công nên tôi càng thêm phấn khởi để sản xuất”.
Nhờ thực hiện nghiêm quy trình được chuyển giao nên từ đầu năm đến nay, gia đình ông Phú đã sản xuất được 15kg đông trùng hạ thảo khô, trong đó, bán ra thị trường 10kg với doanh thu 1 tỷ đồng.
Ngoài đông trùng hạ thảo khô, cơ sở sản xuất của cựu giáo chức Trịnh Văn Phú còn sản xuất đông trùng hạ thảo tươi với mức giá 250 ngàn đồng/hộp trọng lượng 200 gam.
Đông trùng hạ thảo khô được đóng gói trong lọ nhựa có trọng lượng 15 gam/hộp.
“Từ thành quả bước đầu, chúng tôi đang dự định thuê 3 - 5 ha đất tại thị trấn Xuân An để mở rộng diện tích và nghiên cứu sản xuất thêm các dòng sản phẩm như: rượu đông trùng hạ thảo, mật ong đông trùng hạ thảo” - ông Phú bày tỏ.
Theo ông Lê Thanh Bình - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Nghi Xuân, đây là mô hình kinh tế áp dụng thành tựu của khoa học kỹ thuật vào sản xuất mang lại thu nhập cao. Thành công của mô hình mở ra hướng phát triển kinh tế nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn Nghi Xuân. Bước đầu, cơ sở đã tạo thêm việc làm cho 8 lao động địa phương với mức thu nhập 5,5 triệu đồng/người/tháng.