Cứ cảm thấy dạ dày bị đau thì uống một ly sữa nóng để giảm bớt
Chắc hẳn rất nhiều người truyền tai nhau phương pháp làm giảm cơn đau dạ dày bằng một ly sữa nóng. Bạn nghĩ rằng có thể do mình đói, dạ dày rỗng và tiết nhiều dịch vị gây ra cơn đau nên không ngại ngần uống sữa như một giải pháp “chống đói” tức thời. Thực tế, cách làm này không hề có chứng minh khoa học nào. Nguyên nhân của chứng đau dạ dày không chỉ là do bạn đói mà còn có thể do nhiều yếu tố khác.
Trong khi đó, nếu bụng đang rỗng và bị đau mà uống sữa sẽ càng bị nặng hơn. Nếu đau dạ dày vì đói thì bạn nên bổ sung thức ăn dạng rắn, còn sữa bò tuy cũng có thể trung hòa axit dạ dày nhưng chỉ là tạm giảm cơn đau trong thời gian ngắn, sau khoảng 1 giờ do sự tăng kích thích dịch vị sẽ càng làm cơn đau tái phát mạnh mẽ hơn.
Cháo dễ tiêu hóa, người bị đau dạ dày nên ăn nhiều cháo
Ăn cháo đúng thực có thể giảm bớt gánh nặng cho dạ dày, nhưng bạn cần chú ý một điểm là nhiệt độ cháo không nên quá nóng. Do nhiệt độ cao sẽ kích thích gây tổn thương cho niêm mạc dạ dày. Nhiều người có thói quen ăn nóng mà không hề biết chính thói quen này cũng làm hại sức khỏe dạ dày. Khi đó, dù bạn ăn cháo để hỗ trợ tiêu hóa cũng không phát huy được tác dụng, ngược lại còn gây nhiều phiền toái hơn cho sức khỏe.
Thông thường, món cháo dưỡng dạ dày phải thực sự là cháo, chứ không phải là “cơm pha nước”. Hạt cháo không chìm xuống đáy nồi mà phải phân tán đều với nước. Đồng thời, bạn nên để cháo nguội bớt sau khi múc ra chén, ăn cháo ở nhiệt độ ấm vừa phải là thích hợp nhất để giúp dạ dày khỏe mạnh.
Ăn gừng có thể làm ấm dạ dày
Mùi vị của gừng không phải ai cũng ưa thích và không phải luôn hợp với mọi người. Tuy gừng quả thực có tác dụng sát khuẩn, tiêu viêm, làm ấm dạ dày nhưng khi dùng gừng trị liệu, bạn cần hiểu rõ thể chất của mình mới phát huy được hiệu quả và không gây tác dụng ngược không mong muốn.
Chẳng hạn nếu bạn thuộc thể chất tỳ vị hư hàn, dễ bị chướng khí, tiêu chảy thì sử dụng vài lát gừng hay một ly nước gừng ấm đều có hiệu quả cải thiện tình hình. Nhưng nếu bạn thuộc thể chất nhiệt, dễ nóng trong người thì lạm dụng gừng không đúng cách sẽ gây kích thích dạ dày, khiến tình hình nghiêm trọng hơn.
Người hiện đại với công việc bận rộn, áp lực cao nên thường có thói quen ăn nhanh, nuốt vội, đôi khi cảm thấy có thể “lót dạ” là đủ, hoặc ngược lại cũng có người không kiểm soát được lượng thức ăn và ăn theo kiểu “thỏa cơn thèm”. Cả hai cách ăn uống này đều thiếu khoa học và gây hại cho sức khỏe dạ dày lẫn cả hệ tiêu hóa.
Thực tế, một người khỏe mạnh bình thường chỉ cần ăn no khoảng 7 phần là có thể đáp ứng được nhu cầu làm việc, sinh hoạt. Bạn không cần phải ăn quá no nhưng cũng đừng kiêng ăn đến mức dạ dày luôn ở trạng thái “thiếu thốn”. Ăn quá no khiến dạ dày tăng thêm gánh nặng, còn để bụng thường xuyên đói lại làm dịch vị tăng lên, tổn thương niêm mạc dạ dày. Đặc biệt với người vốn đã bị các vấn đề về dạ dày, tiêu hóa thì việc đảm bảo ăn no 7 phần vừa đủ là cực kỳ quan trọng.