Toàn cảnh phiên thảo luận tại hội trường chiều 15/12.
Mở đầu phiên thảo luận tại hội trường, phân tích kết quả KT-XH năm 2021, đại biểu Nguyễn Thị Việt Hà - Tổ đại biểu Can Lộc cho rằng, năm 2022 là năm thứ 2 thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng các cấp dự báo còn nhiều khó khăn, nhất là diễn biến của dịch bệnh COVID-19 còn phức tạp. Cùng đó, trong năm 2021, có 8/17 chỉ tiêu chưa đạt chỉ tiêu sẽ ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ chung của cả nhiệm kỳ.
Đại biểu tham dự Kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh khóa XVIII chiều 15/12.
Để tiếp tục giữ vững những thành quả đạt được, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và phấn đấu hoàn thành 30 chỉ tiêu trong năm 2022, đòi hỏi phải có các giải pháp cụ thể, sự nỗ lực rất cao của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân và nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Hà - Tổ đại biểu Can Lộc phát biểu.
Cho rằng việc phân cấp, phân quyền giữa các cấp, ngành trên một số lĩnh vực chưa rõ ràng, cụ thể, đại biểu Nguyễn Thị Việt Hà đề nghị thời gian tới, UBND tỉnh tiếp tục nghiên cứu các quy định của pháp luật và tình hình thực tiễn để ban hành, sửa đổi, bổ sung các văn bản về phân cấp, phân quyền trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ giữa các cấp, ngành theo hướng: Phân cấp mạnh, minh bạch, thiết thực và hiệu quả hơn.
Trên lĩnh vực văn hóa - xã hội, đại biểu Việt Hà đề nghị thời gian tới, UBND tỉnh tiếp tục quan tâm về đánh giá tỷ lệ hộ nghèo và tỷ lệ giảm nghèo, hộ cận nghèo.
Đại biểu Từ Thị Hòa - Tổ đại biểu Hương Khê phát biểu tại buổi thảo luận.
Góp ý về một số dự thảo nghị quyết, đại biểu Từ Thị Hòa - Tổ đại biểu Hương Khê khẳng định, dự thảo Nghị quyết quy định chính sách khuyến khích phát triển nguồn lực chất lượng cao tỉnh giai đoạn 2022 - 2025 vô cùng cần thiết và quan trọng. Tuy nhiên, đề nghị HĐND tỉnh xem xét hỗ trợ thêm cho bác sỹ Y khoa, Đa khoa tốt nghiệp xếp loại khá tại các trường Đại học Y dược khác và hỗ trợ bác sỹ Y khoa, Đa khoa xếp loại Trung bình, Trung bình khá tại các Trường Đại học Y dược về công tác tại các huyện Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang và Kỳ Anh.
Đại biểu theo dõi thảo luận.
Đối với dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách hỗ trợ tạo nguồn lực xây dựng thành công tỉnh Hà Tĩnh đạt chuẩn nông thôn mới, giai đoạn 2022 - 2025, đại biểu Từ Thị Hòa đề nghị HĐND tỉnh xem xét, giảm định mức ngân sách cấp tỉnh hỗ trợ xi măng làm đường trục xã, liên xã để cân đối, tăng mức hỗ trợ làm đường trục thôn, liên thôn, đường ngõ xóm, đường nội đồng; đồng thời, nguồn đối ứng còn lại giao cho ngân sách cấp huyện đảm bảo.
Đề nghị UBND tỉnh ban hành Bộ tiêu chí xây dựng Tổ dân phố kiểu mẫu; đồng thời, xem xét, bổ sung chính sách hỗ trợ và thưởng trong xây dựng đô thị văn minh, Tổ dân phố kiểu mẫu.
Ngoài ra, đại biểu cũng kiến nghị các nội dung liên quan đến công tác tôn tạo, nâng cấp và quản lý Nhà nước đối với di tích lịch sử - văn hóa; xem xét, điều chỉnh tăng mức kinh phí hỗ trợ cho những người thực hiện nhóm nhiệm vụ khác ở thôn, tổ dân phố; hỗ trợ kinh phí bảo vệ rừng tự nhiên cho các hộ dân, cá nhân, tổ chức sau khi được giao đất, giao rừng...
Đại biểu Hoàng Quang Trung - Tổ đại biểu Cẩm Xuyên cho rằng, UBND tỉnh cần bổ sung giải pháp tăng cường kêu gọi, hỗ trợ doanh nghiệp liên kết với nông dân, hợp tác xã sản xuất theo cánh đồng lớn.
Tiếp tục góp ý giải pháp thực hiện nhiệm vụ năm 2022, đại biểu Hoàng Quang Trung - Tổ đại biểu Cẩm Xuyên cho rằng, UBND tỉnh cần bổ sung giải pháp tăng cường kêu gọi, hỗ trợ doanh nghiệp liên kết với nông dân, hợp tác xã sản xuất theo cánh đồng lớn; quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp tham gia đầu tư, chuyển giao ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, quy trình công nghệ mới vào sản xuất đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp.
Liên quan đến các dự thảo báo cáo, tờ trình đã được trình bày, đại biểu Trung đề nghị, HĐND tỉnh bổ sung huyện Cẩm Xuyên vào quy hoạch phát triển công nghiệp vùng phụ cận của Khu kinh tế Vũng Áng. Đề xuất tỷ lệ phân chia tiền sử dụng đất đối với quỹ đất, cụ thể: phát sinh trên địa bàn xã đề xuất tỉnh hưởng 20%, huyện 40%, xã 40% (dự thảo đề xuất tỉnh 40%, huyện 40%, xã 20%); phát sinh trên địa bàn thị trấn đề xuất tỉnh hưởng 20%, huyện 40%, thị trấn 40% (dự thảo đề xuất tỉnh 40%, huyện 50%, thị 10%); đề xuất tỷ lệ phân chia thu tiền sử dụng đất đối với quỹ đất còn lại sau khi trừ các chi phí (đầu tư hạ tầng, chi phí giải phóng mặt bằng) mới thực hiện điều tiết.
Đại biểu Đinh Thị Hồng Vân - Tổ đại biểu TP Hà Tĩnh đề cập tới các nội dung liên quan đến việc hình thành Trung tâm đào tạo nhân lực tập trung của tỉnh.
Đại biểu Đinh Thị Hồng Vân - Tổ đại biểu TP Hà Tĩnh đề cập tới các nội dung liên quan đến việc hình thành Trung tâm đào tạo nhân lực tập trung của tỉnh. Theo đó, Trường Đại học Hà Tĩnh được thành lập từ năm 2007 nhưng nhiều hạng mục theo quy hoạch chưa được đầu tư; cơ sở hạ tầng chưa được phát huy tối đa hiệu quả. Trong khi đó, một số cơ sở giáo dục như Trường dạy nghề Việt Đức; Trường cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Nguyễn Du… có số lượng học sinh, sinh viên đông, cần phải nâng cấp cơ sở vật chất, nhưng không đủ không gian, hạn chế về cơ chế quản lý và khó khăn trong huy động nguồn lực.
Vì vậy, để nâng cao chất lượng đào tạo nhằm đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới, đại biểu đề xuất cần đổi mới các mô hình quản lý, đào tạo như: Tăng cường việc liên kết đào tạo với các cơ sở sản xuất; tăng cường các chương trình trao đổi học sinh sinh viên, hợp tác quốc tế; tập trung đào tạo lao động cho các KKT, cụm công nghiệp, dịch vụ của tỉnh; đào tạo lao động chất lượng cao có khả năng làm việc trong môi trường quốc tế; việc đào tạo phải gắn với nhu cầu của xã hội…
Đại biểu Trần Thị Hoa - Tổ đại biểu Thạch Hà phát biểu.
Quan tâm đến lĩnh vực đất đai, đại biểu Trần Thị Hoa - Tổ đại biểu Thạch Hà kiến nghị UBND tỉnh cần rà soát, đánh giá hiệu quả hoạt động của việc đưa Văn phòng Đăng ký đất đai cấp huyện về tỉnh quản lý như hiện nay. Vì thực tế, mô hình này đang xảy ra tình trạng việc quản lý thiếu đồng bộ, gây không ít khó khăn cho UBND cấp huyện trong thực hiện chức năng quản lý nhà nước về đất đai ở cơ sở. Một số thủ tục thực hiện trên địa bàn huyện, nhưng UBND cấp huyện không kiểm soát được. Ngoài ra, cần có kế hoạch kiểm tra, giám sát hiệu quả thực hiện Đồ án đo đạc bản đồ năm 2012; xem xét lại giá dịch vụ đo đạc hiện nay để giảm bớt chi phí cho người dân.
Bên cạnh đó, đại biểu Hoa đề nghị, cần quan tâm đến giải pháp để nâng cao tỷ lệ huy động trẻ đến trường; có giải pháp phù hợp để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên hiện nay.
Đại biểu Đặng Văn Thành - Tổ đại biểu TX. Kỳ Anh phát biểu tại Kỳ họp.
Thảo luận về Đề án “Huy động nguồn lực xây dựng TX Kỳ Anh gắn với KKT Vũng Áng trở thành thành phố vào năm 2025”, đại biểu Đặng Văn Thành - Tổ đại biểu TX. Kỳ Anh khẳng định, việc xây dựng và triển khai thực hiện Đề án nhằm tạo động lực cho địa phương được tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển KT-XH gắn với KKT Vũng Áng sớm trở thành thành phố thuộc tỉnh.
Đại biểu gửi gắm mong muốn HĐND, UBND tỉnh, các sở, ban, ngành liên quan cần quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn TX Kỳ Anh xử lý các tồn đọng, vướng mắc; bổ sung các nguồn lực để thị xã hoàn thiện các tiêu chí của đô thị loại III, tập trung xây dựng các tiêu chuẩn, tiêu chí để xây dựng thị xã trở thành thành phố vào năm 2025.
Đối với đề án “Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất phục vụ thu hút đầu tư tại KKT Vũng Áng”, đại biểu Thành kỳ vọng, HĐND tỉnh sẽ hoạch định được cơ chế, chính sách cho phép UBND tỉnh được phép huy động ứng vốn GPMB của các nhà đầu tư thực hiện dự án Tổ hợp Nhà máy sản xuất ô tô và linh phụ kiện kết hợp cảng biển; giao nhiệm vụ UBND tỉnh tranh thủ sự giúp đỡ của Chính phủ, các bộ, ngành để đề xuất nguồn ngân sách trung ương hỗ trợ.
Đại biểu Trần Nam Phong - Tổ đại biểu huyện Kỳ Anh đã trao đổi về nghị quyết thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao.
Tham gia thảo luận tại hội trường về Nghị quyết ban hành chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn xây dựng tỉnh đạt chuẩn NTM, đại biểu Trần Nam Phong - Tổ đại biểu huyện Kỳ Anh trăn trở về một số chính sách chưa phù hợp, mức còn thấp nên tính khả thi không cao như: Hỗ trợ công tác tuyên truyền, tập huấn thực hiện tập trung, tích tụ ruộng đất; hỗ trợ địa phương quản lý kinh doanh vật tư nông nghiệp, quản lý giết mổ; chuyển đổi số cho sản phẩm OCOP; hỗ trợ xây dựng hạ tầng cho sản xuất lâm nghiệp… Về Nghị quyết thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cơ bản khắc phục những hạn chế của chính sách trước đây, đại biểu đề nghị tỉnh cần quan tâm tạo môi trường làm việc để giữ chân nhân lực.
Đại biểu Trần Quang Tuấn - Tổ đại biểu Đức Thọ đề nghị tỉnh sớm phê duyệt đề án xử lý rác toàn tỉnh.
Thay mặt Tổ đại biểu Đức Thọ, đại biểu Trần Quang Tuấn góp ý chi tiết vào dự thảo Nghị quyết quy định phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi các cấp ngân sách; tỷ lệ phần trăm (%) phân chia nguồn thu giữa các cấp ngân sách giai đoạn 2022-2025; định mức phân bổ chi thường xuyên ngân sách địa phương năm 2022; dự thảo Nghị quyết liên quan đến lĩnh vực nông thôn mới.
Liên quan đến kế hoạch biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính, số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức hội và chỉ tiêu lao động hợp đồng năm 2022, đại biểu Tuấn đề nghị quan tâm bố trí số lượng y tế học đường, số lượng giáo viên tại các trường Mầm non, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - GDTX huyện.
Đại biểu Tuấn đặc biệt nhấn mạnh vấn đề liên quan đến xử lý rác thải. Theo đó, đại biểu đề nghị tỉnh sớm phê duyệt đề án xử lý rác toàn tỉnh, trong đó, kiến nghị xây dựng Nhà máy xử lý rác tập trung để nhiều huyện vận chuyển về xử lý (chia thành các vùng bắc, trung, nam của tỉnh); đề nghị tỉnh tiếp tục ban hành chính sách hỗ trợ mua xe chuyên dụng chở rác, bổ sung thêm kinh phí vận chuyển đối với những huyện phải vận chuyển xử lý rác trên 100 km.
Đại biểu Nguyễn Việt Hùng - Tổ đại biểu Lộc Hà đề xuất ý kiến nhằm tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của tỉnh nói chung và của Lộc Hà nói riêng.
Phân tích những kết quả về phát triển của tỉnh KT-XH năm 2021, đại biểu Nguyễn Việt Hùng - Tổ đại biểu Lộc Hà cũng đề xuất các ý kiến nhằm tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của tỉnh nói chung và của Lộc Hà nói riêng.
Đại biểu theo dõi thảo luận tại hội trường.
Đại biểu Hùng đề nghị tỉnh tiếp tục giúp đỡ huyện hoàn thành các nội dung và hồ sơ xây dựng huyện đạt chuẩn NTM để trình Trung ương thẩm định; đề nghị tỉnh ban hành chính sách giải phóng mặt bằng để thu hút đầu tư các dự án tại xã Thịnh Lộc; hỗ trợ nguồn lực xây dựng đường giao thông liên xã, xây dựng hồ chứa nước.
Đồng thời, đề nghị tỉnh có chính sách phát triển nuôi trồng thủy, hải sản nước ngọt; xem xét, nghiên cứu, chuyển đổi mô hình quản lý Cảng Cửa Sót theo hướng giao doanh nghiệp quản lý, khai thác, vận hành nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế và tăng nguồn thu cho ngân sách.
Kiến nghị một số giải pháp thực hiện kế hoạch KT-XH năm 2022, thay mặt Tổ đại biểu tại Nghi Xuân, đại biểu Phan Tấn Linh cho rằng, cần sớm ban hành chính sách khuyến khích phục hồi nền kinh tế sau đại dịch COVID-19, nhất là lĩnh vực du lịch; thu hút các dự án đầu tư, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong việc quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư dự án; đẩy mạnh phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn, sản phẩm đặc sản gắn với Chương trình OCOP…
Đại biểu Phan Tấn Linh - Tổ đại biểu tại Nghi Xuân.
Về các nội dung trình tại kỳ họp, đại biểu Phan Tấn Linh đề nghị bổ sung Khu di tích Uy viễn tướng công Nguyễn Công Trứ vào danh mục đầu tư trong kế hoạch đầu tư công năm 2022. Về một số chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn, đề nghị bổ sung đối tượng sản xuất rau, củ, quả trong nhà màng được hỗ trợ cấp giấy chứng nhận VietGAP và GlobaGAP; nâng mức hỗ trợ từ 50 triệu đồng lên 100 triệu đồng đối với hạng mục hỗ trợ cho tổ chức cộng đồng.
Đại biểu Phan Tấn Linh cũng đề nghị tỉnh quan tâm, tạo điều kiện và nguồn lực để huyện Nghi Xuân đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, điển hình về văn hoá gắn với phát triển du lịch; bổ sung biên chế tại Trung tâm Dạy nghề hướng nghiệp và giáo dục thường xuyên huyện Nghi Xuân.