Đồng chí Trịnh Văn Ngọc - Chủ tịch UBND thành phố: Xây dựng TP Hà Tĩnh hiện đại, văn minh
-PV: Nhiệm kỳ 2015 - 2020, TP Hà Tĩnh đã hoàn thành “mục tiêu kép” đạt chuẩn đô thị loại II và hoàn thành xây dựng NTM. Đồng chí có thể chia sẻ thêm về kết quả đạt được?
Nhiệm kỳ qua, thành phố đã huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh và địa phương triển khai các dự án trọng điểm, xây dựng kết cấu hạ tầng; đồng hành với tỉnh thu hút đầu tư phát triển các khu đô thị mới, dự án lớn chất lượng cao, góp phần quan trọng vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu ngân sách. Đặc biệt, điểm sáng của TP Hà Tĩnh chính là phát huy hiệu quả nguồn lực xã hội hóa.
Với chủ trương “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, giai đoạn 2016 - 2020, thành phố huy động được trên 20 nghìn tỷ đồng, trong đó nguồn lực từ doanh nghiệp, Nhân dân chiếm trên 80%. Nhờ vậy, hạ tầng KT-XH được đầu tư đúng hướng, diện mạo đô thị khởi sắc, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nâng cao đời sống cho Nhân dân.
-PV: Để tiếp tục phát huy nguồn lực xây dựng TP Hà Tĩnh ngày càng văn minh, hiện đại, cần những giải pháp nào, thưa ông?
Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định “Xây dựng TP Hà Tĩnh có quy mô, kết cấu hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại, thông minh, phấn đấu trở thành một trong những đô thị trung tâm vùng Bắc Trung Bộ” là một trong năm chương trình trọng điểm; việc huy động nguồn lực là một trong 7 nhiệm vụ trọng tâm của Đại hội.
Có 5 nhóm giải pháp để huy động tốt các nguồn lực, tiếp tục xây dựng TP Hà Tĩnh ngày càng văn minh, hiện đại đó là: Quản lý quy hoạch thành phố; nghiên cứu mở rộng địa giới hành chính đảm bảo diện tích, không gian; kết nối, hài hoà giữa quản lý đô thị cũ với quy hoạch, xây dựng phát triển đô thị mới. Đa dạng hóa việc xúc tiến, thu hút nguồn lực đầu tư; thực hiện CCHC, xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số; tập trung giải phóng mặt bằng, đảm bảo môi trường đầu tư thông thoáng, ổn định. Với kinh tế đô thị là “lõi”, thành phố chú trọng phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch chất lượng cao; công nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng KHCN…
Cùng với đó, ban hành cơ chế chính sách, bố trí nguồn lực hợp lý, đồng thời tiếp tục huy động nguồn xã hội hóa để tiếp tục chỉnh trang, đầu tư hạ tầng gắn với lợi ích trực tiếp của Nhân dân. Điều hành ngân sách hiệu quả, tập trung nguồn lực cho các dự án tạo điểm nhấn cảnh quan, kết nối phát triển mở rộng không gian đô thị. Cuối cùng, xây dựng chính quyền điện tử gắn với quản lý điều hành thành phố thông minh; tranh thủ nguồn xã hội hóa và sự đóng góp về trí tuệ của cán bộ, đảng viên và Nhân dân nhằm xây dựng thành phố đáp ứng yêu cầu phát triển.
Đồng chí Lê Trung Phước - Phó Trưởng ban thường trực BQL Khu kinh tế tỉnh: Tập trung thu hút đầu tư vào KKT Vũng Áng
-P.V: Xin đồng chí cho biết một số giải pháp nhằm thu hút đầu tư vào công nghiệp sau thép, công nghiệp hỗ trợ và logistics, nâng cao hiệu quả hoạt động của KKT Vũng áng, tạo động lực phát triển nhanh và bền vững?
Khu kinh tế Vũng Áng với vai trò là “một trung tâm” gánh trên vai 2 trong 4 trụ cột đó là “công nghiệp và dịch vụ cảng biển logistics” làm trọng điểm phát triển cho giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Để đẩy mạnh thu hút đầu tư vào công nghiệp sau thép, công nghiệp hỗ trợ và logistics, nâng cao hiệu quả hoạt động của KKT Vũng áng, trước hết cần rà soát các quy hoạch chung, quy hoạch ngành, quy hoạch các khu công nghiệp để điều chỉnh phù hợp với vị trí, chức năng, nhiệm vụ của KKT; lập danh mục những dự án thuộc các lĩnh vực ưu tiên để kêu gọi thu hút đầu tư các dự án hiệu quả.
Cùng với đó, tập trung huy động nguồn lực đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng và đầu tư sản xuất trong KKT. Mở rộng các tuyến đường giao thông huyết mạch trong KKT; đầu tư thêm các cầu cảng và tập trung nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng, hình thành trung tâm logistics cảng Vũng áng - Sơn Dương, kết nối cảng container trong và ngoài nước; khai thác tiềm năng thị trường vận chuyển, trung chuyển hàng hóa từ nước Lào và vùng Đông Bắc Thái Lan với các nước trong khu vực. Đây là nhiệm vụ rất quan trọng thúc đẩy thu hút đầu tư các dự án SXKD vào KKT, đặc biệt là công nghiệp sau thép, công nghiệp hỗ trợ.
Kiên trì và đa dạng hóa công tác xúc tiến đầu tư, quảng bá tiềm năng, lợi thế trên nhiều diễn đàn, kênh thông tin khác nhau; tăng cường công tác cải cách hành chính. Cơ quan quản lý nhà nước phải thực sự đồng hành là chỗ dựa bền vững của nhà đầu tư, doanh nghiệp.
Tập trung phối hợp chặt chẽ giữa các bên, Ban Quản lý KKT với địa phương và nhà đầu tư trong công tác giải phóng mặt bằng. Huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, tăng cường tuyên truyền, vận động Nhân dân đồng hành, ủng hộ xây dựng và phát triển KKT.
Ngoài các chính sách của Trung ương, tỉnh cần có chính sách đủ mạnh hỗ trợ về hạ tầng; tín dụng; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; KHKT, chuyển giao công nghệ; nghiên cứu và phát triển. Đồng thời, sớm thành lập quỹ giải phóng mặt bằng KKT để giải phóng mặt bằng sạch cho các nhà đầu tư, nhất là các dự án trọng điểm. Thực hiện cơ chế “một cửa tại chỗ” tại Ban Quản lý KKT nhằm giải quyết nhanh chóng các thủ tục hành chính, tạo đột phá về cải cách hành chính tại KKT.
Nguyễn Thị Thanh Hải - Bí thư Đảng ủy xã Xuân Viên: Nỗ lực xây dựng Xuân Viên thành xã nông thôn mới kiểu mẫu
-PV: Xuân Viên là xã đầu tiên của Nghi Xuân về đích NTM và đang xây dựng xã NTM kiểu mẫu, bà có thể chia sẻ cách làm hiệu quả mà cấp ủy, chính quyền và Nhân dân đã thực hiện?
Năm 2015, Xuân Viên là một trong 2 xã của Nghi Xuân được tỉnh chọn xây dựng xã NTM kiểu mẫu giai đoạn 2015 – 2020. Đảng bộ và Nhân dân xã xác định đây là vinh dự đồng thời là trách nhiệm lớn lao và quyết tâm thực hiện. Theo đó, Đảng bộ đã ban hành nghị quyết, UBND xã xây dựng lộ trình thực hiện, củng cố từng tiêu chí. Ngoài khơi dậy nội lực trong Nhân dân, xã đã ban hành kịp thời các chương trình, chính sách hỗ trợ, tạo động lực thi đua với tổng kinh phí hàng trăm triệu đồng…
Với nỗ lực không mệt mỏi, cuối năm 2019, Xuân Viên được công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Đến nay, chất lượng các tiêu chí được nâng lên. Toàn xã có 5/7 khu dân cư NTM kiểu mẫu, 30 vườn mẫu, 60 hộ xây dựng phát triển kinh tế vườn; thu nhập bình quân đầu người năm 2019 đạt trên 43,7 triệu đồng, năm 2020 ước đạt 54 triệu đồng. Chúng tôi đang tập trung cao cho công tác xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu ở 2 thôn Xuân Áng và Nam Viên; đồng thời đề nghị đoàn công tác NTM của tỉnh về kiểm tra, đánh giá vào ngày 20/10 tới.
-PV: Nghi Xuân đã được công nhận huyện NTM vào năm 2018 và đang xây dựng huyện NTM kiểu mẫu, điển hình về văn hóa, bà con nhân dân Xuân Viên và huyện nhà đã có những đóng góp như thế nào?
Bằng quyết tâm cao trong lãnh đạo, chỉ đạo và quyết liệt trong hành động, Nghi Xuân đã trở thành huyện NTM đầu tiên của Hà Tĩnh vào năm 2018, trước 2 năm so với kế hoạch. Với mục tiêu là huyện NTM kiểu mẫu, điển hình về văn hóa trong nhiệm kỳ 2020 – 2025, hiện nay, Xuân Viên cùng 16 xã, thị trấn đang nỗ lực củng cố, xây dựng NTM gắn với đô thị văn minh.
Không chỉ ra sức thi đua, phát triển sản xuất, làm giàu thêm đời sống văn hóa tinh thần, mỗi người dân Xuân Viên nói riêng, Nghi Xuân nói chung đều hăng hái góp công, góp của xây dựng NTM. 5 năm qua, Nhân dân huyện nhà đã hiến hàng chục ngàn m2, hàng chục ngàn mét tường rào và vật kiến trúc trên đất trị giá hàng chục tỷ đồng để tạo nên những khu dân cư khang trang, sạch đẹp. Hiện nay, họ đang tiếp tục nỗ lực để có thêm nhiều “vùng quê đáng sống”.
Với nhiều giải pháp đồng bộ trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, Nghi Xuân đã có sự bứt phá đáng tự hào về tốc độ phát triển KT-XH. Tôi cho rằng, đây là tiền đề quan trọng để Đảng bộ và Nhân dân hoàn thành mục tiêu huyện NTM kiểu mẫu, điển hình về văn hóa trong nhiệm kỳ 2020 – 2025.
Đồng chí Phạm Đăng Nhật - Bí thư Huyện ủy Cẩm Xuyên: Tích tụ ruộng đất - bước đi tất yếu của nông nghiệp
-P.V: Nhiệm kỳ 2015-2020, Hà Tĩnh thực hiện tích tụ, tập trung ruộng đất. Vậy, nhiệm vụ này được huyện Cẩm Xuyên triển khai như thế nào, thưa đồng chí?
Nhiệm kỳ qua, Hà Tĩnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, ưu tiên cao về nguồn lực và tập trung chỉ đạo quyết liệt thúc đẩy nông nghiệp phát triển. Trong đó, tập trung dồn điền đổi thửa, tích tụ, tập trung ruộng đất bằng nhiều hình thức; chỉ đạo cơ cấu sản xuất, mùa vụ, cây trồng, vật nuôi hợp lý; phát triển mạnh các sản phẩm nông nghiệp chủ lực nhằm thay đổi mạnh mẽ diện mạo nông thôn, nâng cao đời sống cho người nông dân.
Cẩm Xuyên là huyện đi đầu trong công cuộc tích tụ ruộng đất, khai thác lợi thế để phát triển nông nghiệp. Đến thời điểm này, toàn huyện tập trung ruộng đất trên 1.000 ha đất trồng lúa theo hình thức phá bờ thửa liền kề tạo cánh đồng lớn để sản xuất tập trung và bước đầu cho hiệu quả kinh tế tăng 20% về năng suất, chất lượng.
-P.V: Từ thực tiễn của Cẩm Xuyên, nhiệm kỳ tới, để tích tụ ruộng đất, khai thác các lợi thế nhằm phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững theo đồng chí Hà Tĩnh cần triển khai những giải pháp gì?
Để tạo bước chuyển biến thực sự về tích tụ ruộng đất nhằm phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, nông nghiệp hữu cơ, trước mắt, Hà Tĩnh cần đẩy mạnh hình thức tập trung ruộng đất bằng phá bờ thửa liền kề; khuyến khích thành lập các tổ hợp tác, HTX; thu hút doanh nghiệp, các thành phần kinh tế khác đầu tư vào nông nghiệp. Đồng thời, rà soát để bổ sung, điều chỉnh, hoàn thiện các cơ chế, chính sách và xem xét ban hành nghị quyết, chỉ thị khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ cao gắn với tích tụ ruộng đất quy mô lớn giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo.
Tỉnh cần mạnh dạn rà soát, ban hành chính sách đặc thù thí điểm mô hình quy hoạch và xây dựng quỹ đất công, tạo nguồn cung đất nông nghiệp nhằm kêu gọi, thu hút, thúc đẩy mạnh mẽ doanh nghiệp đầu tư quy mô lớn vào lĩnh vực nông nghiệp.
Bên cạnh đó, tỉnh cần tiếp tục tổng hợp đề xuất Quốc hội, Chính phủ sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật liên quan đến tích tụ ruộng đất. Để tạo ra cuộc cách mạng trong tích tụ ruộng đất, tỉnh cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách. Nhà nước, chính quyền các cấp cần tạo hành lang pháp lý và thực hiện vai trò trung gian đến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp để phong trào đạt hiệu quả cao nhất.