Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 31, chiều 18/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục thực hiện phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực ngoại giao. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp.
Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tiếp tại Nhà Quốc hội và kết nối trực tuyến tới 62 điểm cầu tại các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia điều hành điểm cầu Hà Tĩnh. Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Văn Kỳ cùng dự.
Điều hành phiên chất vấn, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, trong chiều nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục thực hiện chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực ngoại giao. Trách nhiệm trả lời chính thuộc về Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn.
Theo chương trình, các vị ĐBQH chất vấn Bộ trưởng Bộ Ngoại giao về các nhóm vấn đề: công tác bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài; tình trạng vi phạm pháp luật của công dân Việt Nam ở nước ngoài và của người nước ngoài tại Việt Nam; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ngư dân Việt Nam; thực trạng việc triển khai các thỏa thuận song phương, đa phương và giải pháp thúc đẩy thực hiện các thỏa thuận hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư;
Công tác hỗ trợ mở rộng thị trường hàng hóa xuất khẩu, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tránh bị lừa đảo; hoạt động xúc tiến và quảng bá du lịch Việt Nam với thế giới và việc miễn thị thực nhập cảnh cho công dân các nước vào Việt Nam để phát triển du lịch; công tác quản lý, sắp xếp, kiện toàn, nâng cao trình độ, năng lực tổ chức bộ máy ngành ngoại giao (kể cả các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài); giải pháp tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động ngoại giao.
Phát biểu tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, thời gian qua, tình hình thế giới trải qua nhiều biến động, đặt ra nhiều nhiệm vụ mới nặng nề cho công tác đối ngoại, ngành ngoại giao.
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ngành ngoại giao đã phát huy mạnh mẽ bản sắc ngoại giao cây tre Việt Nam, triển khai đồng bộ, sáng tạo trên 4 trụ cột thuộc chức năng, nhiệm vụ của Bộ Ngoại giao.
Việc triển khai đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả 4 trụ cột ngoại giao đã đem lại những kết quả toàn diện, quan trọng. Ngành ngoại giao đã hỗ trợ và trực tiếp tham mưu, phối hợp với các bộ, ngành tổ chức các hoạt động đối ngoại, nhất là đối ngoại cấp cao diễn ra khắp các châu lục và nhiều diễn đàn, cơ chế đa phương. Qua đó, củng cố vững chắc cục diện đối ngoại thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, tạo dựng được sự tin cậy chính trị ngày càng cao, thúc đẩy hợp tác quốc tế sâu sắc và toàn diện trên nhiều lĩnh vực.
Trong phiên chất vấn chiều nay, đại biểu các địa phương kiến nghị tới Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhiều vấn đề được cử tri quan tâm như: vai trò của Bộ trong việc xin thị thực cho công dân Việt Nam; lộ trình và giải pháp thúc đẩy các thỏa thuận hợp tác, nâng cấp các cửa khẩu, phát triển KT-XH; giải pháp hỗ trợ các tỉnh biên giới nâng cấp các cửa khẩu…
Đặt câu hỏi chất vấn liên quan đến cơ chế hỗ trợ nguồn đối ngoại, đại biểu Trần Đình Gia - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh cho biết, những năm qua, nhiều địa phương có biên giới với nước bạn Lào luôn chú trọng triển khai các hoạt động đối ngoại, ưu tiên nguồn lực hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng các công trình an sinh xã hội… nhằm củng cố, thắt chặt mối quan hệ hữu nghị hợp tác với các tỉnh bạn Lào.
Tuy vậy, việc hỗ trợ này còn vướng mắc về mặt pháp lý; nội dung này các tỉnh đã nhiều lần báo cáo và đề xuất với Trung ương. Đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp để tháo gỡ; phối hợp các bộ, ngành quan tâm sớm tham mưu hoàn thiện, ban hành Nghị quyết thí điểm chính sách đặc thù về hỗ trợ các địa phương nước ngoài.
Với tinh thần trách nhiệm cao, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã trả lời rõ ràng, rành mạch, thẳng vào các vấn đề ĐBQH đoàn Hà Tĩnh cũng như các đại biểu khác quan tâm chất vấn.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cũng đã đưa ra các giải pháp góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác điều hành, lĩnh vực quản lý đáp ứng yêu cầu, kỳ vọng của cử tri và Nhân dân cả nước.
Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, sau một ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, dân chủ và trách nhiệm cao, phiên chất vấn đối với lĩnh vực tài chính và lĩnh vực ngoại giao đã kết thúc tốt đẹp. Các nhóm vấn đề thuộc 2 lĩnh vực được lựa chọn chất vấn tại phiên họp này đều là lĩnh vực rất quan trọng, thu hút sự quan tâm của cử tri và Nhân dân cả nước.
Đối với lĩnh vực tài chính, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị thời thời gian tới cần tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật và tổ chức thực hiện đồng bộ tất cả các lĩnh vực. Hoàn thiện biện pháp tổ chức quản lý Nhà nước, xác định rõ trách nhiệm của Chính phủ, của từng bộ, ngành, địa phương; đề cao nguyên tắc phối hợp trong tổ chức thực hiện. Phát huy vai trò của các hiệp hội ngành nghề dịch vụ tài chính, đề cao đạo đức nghề nghiệp của người hành nghề dịch vụ, của tổ chức và cá nhân cũng như là trách nhiệm của các thành viên hội viên trong việc chấp hành nghiêm pháp luật của Nhà nước.
Đối với lĩnh vực ngoại giao, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành liên quan tiếp thu tối đa ý kiến góp ý của các đại biểu, chỉ đạo quyết liệt thực hiện các giải pháp đề ra nhằm khắc phục các tồn tại, hạn chế. Trong đó, tập trung thực hiện các thỏa thuận, cam kết song phương, đa phương, hỗ trợ địa phương, doanh nghiệp; ngoại giao văn hóa, phát triển du lịch, chính sách miễn thị thực...
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, kết quả phiên chất vấn lần này cho thấy, nhiều vấn đề tồn tại và đang bức xúc trong xã hội đã được đưa ra diễn đàn Quốc hội bàn thảo, giúp phát hiện những bất cập, hạn chế trong quá trình thực thi pháp luật cũng như nâng cao trách nhiệm của các bộ trưởng trong việc tìm ra các giải pháp để khắc phục những tồn tại, hạn chế, góp phần thúc đẩy việc thực hiện có hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.