Tại hội nghị, các thành viên Hội đồng TGPL đã thảo luận, thống nhất đề ra nhiệm vụ trọng tâm năm 2019 như: Tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông về Luật Trợ giúp pháp lý 2017, Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT và các văn bản liên quan để nâng cao nhận thức của người dân và cơ quan tiến hành tố tụng về TGPL...
Tăng cường phối hợp, trao đổi để kịp thời phát hiện và tháo gỡ vướng mắc, bất cập nảy sinh trong thực tiễn. Niêm yết danh sách, thông tin đầy đủ về trợ giúp viên pháp lý, các luật sư cộng tác viên tại các cơ quan tiến hành tố tụng và UBND xã nhằm tạo thuận lợi cho cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng và người dân.
Các cơ quan thành viên của Hội đồng chú trọng phát hiện và giới thiệu đối tượng được TGPL đến Trung tâm TGPL Nhà nước, đảm bảo 100% đối tượng có yêu cầu đều được cử người thực hiện trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng để được bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp kịp thời.
Thường xuyên tổ chức kiểm tra liên ngành về công tác trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng tại cơ quan tiến hành tố tụng cấp huyện theo quy định của Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT. Tập trung nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng tham gia tố tụng, kinh nghiệm giải quyết vụ việc cho đội ngũ người thực hiện TGPL qua đào tạo, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ. Tập huấn, bồi dưỡng cho người tiến hành tố tụng về trách nhiệm phối hợp theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý và Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT.
Phó Cục trưởng Cục TGPL Nhà nước Cù Thu Anh giới thiệu một số nội dung Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-TANDTC-VKSNDTC
Cũng tại hội nghị, Phó Cục trưởng Cục Trợ giúp Pháp lý Nhà nước Cù Thu Anh đã giới thiệu một số nội dung Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-TANDTC-VKSNDTC.
Thông tư có hiệu lực từ ngày 1/9/2018 và thay thế Thông tư Liên tịch số 11/2013/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-TANDTC-VKSNDTC.
Thông tư liên tịch số 10/2018 gồm 6 Chương, 25 Điều (tăng 6 Điều so với Thông tư số 11) nhằm hướng dẫn thi hành các quy định về phối hợp TGPL trong hoạt động tố tụng giữa các cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền thực hiện TGPL; kế thừa những điểm còn hợp lý, khắc phục một số tồn tại của Thông tư liên tịch số 11 để đảm bảo thuận lợi cho người được TGPL, cho người TGPL tham gia tố tụng trên cơ sở đó bào chữa, bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của người được TGPL.
Hội nghị thống nhất các bên liên quan cần tăng cường phối hợp, trao đổi để kịp thời phát hiện và tháo gỡ vướng mắc, bất cập nảy sinh trong thực tiễn.
Năm 2018, các cơ quan tiến hành tố tụng đã giới thiệu về Trung tâm TGPL 135 vụ việc (tăng 94 vụ việc so với cùng kỳ). Trong đó, cơ quan điều tra các cấp và Trại tạm giam đã giới thiệu 95 vụ việc (tăng 77 vụ việc so với cùng kỳ); TAND các cấp thụ lý 85 trường hợp thuộc diện được TGPL và giới thiệu về Trung tâm 19 vụ việc (tăng 6 vụ việc so với cùng kỳ); VKDNS tỉnh thụ lý 48 trường hợp thuộc diện được TGPL và giới thiệu 21 vụ việc (tăng 14 vụ việc so với năm 2017). Công tác trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng đã góp phần làm cho hoạt động tố tụng được khách quan, toàn diện, đánh giá đúng bản chất của vụ án để xử lý đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. |