Chiều 14/1, Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Hà Tĩnh tổ chức hội nghị triển khai công tác trong hoạt động tố tụng năm 2020
Năm qua, trợ giúp viên pháp lý, luật sư ký hợp đồng thực hiện trợ giúp phát huy tối đa hiệu quả hoạt động trong thực hiện nhiệm vụ. Việc tranh luận tại phiên tòa, quan điểm bào chữa của trợ giúp viên được tòa án hai cấp ghi nhận, giảm nhẹ hình phạt cho nhiều bị cáo. Trong các vụ án dân sự, trợ giúp viên pháp lý làm tốt vai trò trong các buổi hòa giải, đề xuất hướng giải quyết phù hợp được các bên đương sự đồng tình.
Sự tham gia của đội ngũ trợ giúp viên pháp lý, luật sư ký hợp đồng thực hiện TGPL tạo điều kiện cho các cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết vụ việc nhanh chóng, chính xác; đảm bảo tính khách quan, đánh giá đúng bản chất vụ việc và hành vi phạm tội để xử lý đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Quốc Tuấn nhấn mạnh vai trò của trợ giúp viên pháp lý và luật sư ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý trong việc làm rõ các tình tiết vụ việc
Tính đến 31/12, Trung tâm TGPL đã cử và thực hiện 196 vụ việc, trong đó có 176 vụ việc hình sự, 20 vụ việc dân sự, hôn nhân gia đình.
Cơ quan điều tra hai cấp, Trại tạm giam Công an tỉnh giới thiệu về Trung tâm TGPL 140 người thuộc diện được trợ giúp. Quá trình điều tra vụ án, cơ quan điều tra giải thích cho các đối tượng về quyền, nghĩa vụ của họ cũng như quyền được TGPL theo luật định.
Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Nguyễn Phan Lệ Thúy: "Cần tăng cường phối hợp kiểm tra liên ngành nhằm nâng cao chất lượng trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng".
Là thành viên phối hợp liên ngành, TAND hai cấp đã tiếp nhận 83 vụ án với 100 đối tượng có sự tham gia của người thực hiện trợ giúp pháp lý bào chữa cho bị cáo; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại trong án hình sự và nguyên đơn trong các vụ án dân sự. VKSND hai cấp phối hợp thực hiện trợ giúp cho 140 bị can, bị cáo thuộc diện được TGPL.
Chánh án TAND tỉnh Nguyễn Văn Thắng đánh giá hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý đã chủ động, sáng tạo triển khai công việc cụ thể, kỹ lưỡng, phát huy được tính hiệu quả
Hội nghị đã dành thời gian làm rõ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện như: Công tác phối hợp TGPL tại một số đơn vị chưa thực sự chủ động, sát sao; một số cơ quan tiến hành tố tụng chưa thông tin kịp thời các vụ việc có người được TGPL; tình trạng điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán, thư ký giải thích chưa đầy đủ các quyền lợi cho người thuộc diện được trợ giúp còn diễn ra; phần lớn người được TGPL lý chủ yếu trong các vụ án hình sự...
Thời gian tới, Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông về các văn bản liên quan tới Luật Trợ giúp pháp lý; đảm bảo 100% người thuộc diện được trợ giúp có trợ giúp viên pháp lý tham gia tố tụng; tăng cường phối hợp thông tin giữa Trung tâm TGPL với các cơ quan tiến hành tố tụng; thường xuyên tổ chức kiểm tra liên ngành về công tác TGPL trong hoạt động tố tụng.
Ký kết quy chế phối hợp trong hoạt động tố tụng giữa Sở Tư pháp và TAND tỉnh
Tập trung nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực tham gia tố tụng, kinh nghiệm giải quyết vụ việc, kỹ năng thực hiện TGPL qua đào tạo, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ; bồi dưỡng cho người tiến hành tố tụng về trách nhiệm phối hợp theo quy định của Luật TGPL; tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề để trao đổi rút kinh nghiệm về chất lượng vụ việc.