“Chúng tôi về đây để trợ giúp pháp lý cho bà con”

(Baohatinh.vn) - Đó là câu đặt vấn đề của các trợ giúp viên thuộc Trung tâm Trợ giúp pháp lý (TGPL) Nhà nước tỉnh Hà Tĩnh khi đến với người dân trên địa bàn. Các cuộc hành trình dù vất vả, nhưng vì giúp bà con nâng cao kiến thức pháp luật đã khiến những con người giàu tâm huyết, trách nhiệm này tìm được niềm vui trong công việc...

“Chúng tôi về đây để trợ giúp pháp lý cho bà con”

Trợ giúp viên Nguyễn Thị Ngọc (người đeo kính) hỗ trợ người dân Sơn Lĩnh giải quyết các vụ việc bức xúc

Chúng tôi đã có dịp đi cùng đoàn TGPL miễn phí lên giúp đỡ người dân một số xã ở Hương Sơn. 7 giờ sáng, các trợ giúp viên mỗi người một việc, từ sắp xếp lại hội trường, điều chỉnh lại bàn, bổ sung thêm ghế đến chọn vị trí ngồi, kiểm tra tài liệu và các phần việc khác để sẵn sàng phục vụ người dân...

Do chưa hiểu được vai trò, trách nhiệm của đoàn TGPL nên khi buổi tư vấn chưa kịp bắt đầu bà Phạm Thị Khánh (thôn 4, xã Sơn Lĩnh) đã to tiếng bức xúc đòi hỏi chế độ cho chồng: “Chúng tôi không cần tiền bạc, chỉ cần danh dự, tôi muốn đòi danh dự cho chồng. Ông ấy đi bộ đội và được tặng huân chương hẳn hoi, nhưng khi làm hồ sơ hưởng chế độ bị sai sót, đã 3 năm rồi sao chưa được sửa?”.

Bà Khánh vừa dứt lời, trợ giúp viên cũng chỉ mới kịp lắng nghe với tinh thần rất thông cảm thì chị Dung (thôn 3) đã cầm chặt tay trợ giúp viên, vừa khóc vừa hỏi liên tục: “Khổ quá, giờ tôi phải làm sao, các anh, chị giúp tôi với“. Gạt nước mắt, chị Dung trình bày thêm: "Tôi ở góa, con nhỏ bị bệnh tim, nhà thuộc hộ nghèo, nhưng giờ các chú bắt nuôi mẹ chồng bị tai biến, nếu không thì ngôi nhà chúng tôi đang ở phải được chia ra 4 phần, mẹ con tôi chỉ được 1/4. Tôi sống không đủ ăn thì làm sao lo cho mẹ được? Đó là chưa kể đến việc để được ở trong căn nhà bố mẹ để lại, năm 2007 vợ chồng tôi đã phải vay 1,5 triệu đồng trả nợ mẹ vay HTX”.

“Chúng tôi về đây để trợ giúp pháp lý cho bà con”

Bà Phạm Thị Khánh (người cầm sổ vàng) được các trợ giúp viên hướng dẫn cách giải quyết việc gia đình để vừa đảm bảo quyền lợi cho người có công, vừa không phát sinh những rắc rối mới.

Không để trợ giúp viên có thời gian kịp xoay xở, chị Lài đã áp vào bàn đặt vấn đề nhờ được tư vấn về việc thời gian tại ngoại có tính trong thời gian phạt tù hay không; ông Lợi thì sốt sắng hỏi về việc giải quyết chế độ chính sách khi ông đi công nhân quốc phòng tại Lào; ông Quang hỏi việc con chưa lấy vợ có được tách hộ khẩu để được cấp đất không... Cùng lúc, còn có rất nhiều trường hợp khác yêu cầu được giải đáp ngay khiến bầu không khí có dấu hiệu “nóng” lên.

Trước tình hình đó, trợ giúp viên Nguyễn Thị Ngọc đứng dậy nhẹ nhàng nhưng đầy cương quyết: “Đề nghị bà con bình tĩnh, ngồi xuống ghế chờ đến lượt. Chúng tôi về đây là để tư vấn cho tất cả mọi người, bà con phải bình tĩnh trình bày thì mới giúp được”.

“Chúng tôi về đây để trợ giúp pháp lý cho bà con”

Trợ giúp viên Phan Ngọc Trâm phát tờ rơi cho người dân Sơn Tiến

Sau lời nhắc nhở và thái độ của trợ giúp viên Ngọc, dường như mọi người đã ý thức được vấn đề, tất cả về chỗ ngồi yên lặng chờ đến lượt của mình. Để rồi, họ hiểu được công việc đầy ý nghĩa của đoàn và chính nhờ sự tư vấn, hướng dẫn, giúp đỡ đó mà các vấn đề khúc mắc đã cơ bản được giải quyết, những bức xúc dần được êm xuôi, những lo lắng tan biến, các hoài nghi được giải đáp... nên tất cả phấn khởi ra về.

Hơn 11h30 mới kết thúc buổi làm việc tại xã Sơn Lĩnh, các thành viên trong đoàn ăn vội bữa cơm trưa để tiếp tục hành trình về với người dân xã miền núi Sơn Tiến.

Tai đây, các tư vấn viên tiếp tục giúp bà con gỡ rối nhiều vấn đề cả đơn giản lẫn phức tạp trong cuộc sống thường ngày liên quan đến luật pháp như: Đền bù vườn tược khi làm đường, chính sách hỗ trợ sản xuất, tranh chấp đất rừng, bình xét hộ nghèo, giải quyết các chế độ chính sách...

“Chúng tôi về đây để trợ giúp pháp lý cho bà con”

Các tư vấn viên lắng nghe người dân Sơn Tiến trình bày sự việc với tinh thần trách nhiệm cao, thấu hiểu và chia sẻ, giúp bà con gỡ rối những vấn đề phát sinh trong cuộc sống có liên quan đến pháp luật

Trong ngày, Trung tâm TGPL còn bố trí một đoàn khác về giúp bà con ở xã Sơn Lễ và Sơn Hồng.

Kết thúc ngày làm việc, Phó Giám đốc Trung tâm TGPL tỉnh Trịnh Diệu Oanh phấn khởi thông báo: “Dù đường xá xa xôi, công việc vất vả nhưng trong đợt này 2 đoàn chúng ta đã giúp gần 600 người dân miền núi tiếp cận được những kiến thức pháp luật. Đặc biệt đã có 115 vụ việc của nhân dân 4 xã được đoàn hướng dẫn, giúp đỡ kịp thời, tránh những rắc rối pháp lý và phát sinh kiện cáo không cần thiết”

Dù khá mệt nhọc nhưng khi nghĩ đến việc mình đã góp phần giúp nhân dân tránh được những phức tạp do thiếu hiểu biết về pháp luật, các thành viên trong đoàn ai cũng vui và sẵn sàng xung phong đi chuyến tiếp.

Được biết, những năm gần đây Trung tâm TGPL tỉnh đã tổ chức 570 cuộc TGPL miễn phí cho các địa phương trên địa bàn, cấp phát hàng chục ngàn tài liệu các loại. Bình quân hàng năm trung tâm tư vấn pháp luật miễn phí cho hơn 1.000 người dân, cử cán bộ tham gia tố tụng 50 vụ án.

Chủ đề Chủ trương - Chính sách

Đọc thêm

“Đi bão” - khi không còn là hiện tượng?

“Đi bão” - khi không còn là hiện tượng?

Thời gian gần đây, một số nhóm thanh thiếu niên tụ tập đi xe máy mang theo hung khí, lạng lách, đánh võng, rú ga trên một số tuyến đường ở Hà Tĩnh đã gióng lên hồi chuông báo động.
Hứa… không giữ lời hứa!

Hứa… không giữ lời hứa!

Lừa góp vốn đầu tư làm ăn rồi chiếm đoạt của một bị hại ở huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) số tiền 1,6 tỷ đồng, nhưng bị cáo Nguyễn Đức Hứa (trú tỉnh Bình Dương) vẫn quanh co chối tội.
Đội quân tiên phong trên mặt trận pháp lý

Đội quân tiên phong trên mặt trận pháp lý

Nhiệm kỳ qua, Hội Luật gia Hà Tĩnh đã phát huy trí tuệ, trách nhiệm trong việc tích cực tham gia xây dựng chính sách pháp luật; góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu KT-XH, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.
“Phông bạt” để lừa đảo

“Phông bạt” để lừa đảo

Không có chức quyền trong xã hội nhưng Tô Thị Vĩnh vẫn “phông bạt”, tự tạo cho mình một vỏ bọc hoàn hảo để lừa đảo, kết cục là bị Tòa án nhân dân tỉnh Hà Tĩnh tuyên 18 năm tù giam.