Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đặng Quốc Vinh chủ trì điểm cầu Hà Tĩnh
Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cho kỳ thi đã sẵn sàng, việc tập huấn được thực hiện với phương châm rõ người, rõ việc. Năm nay, cả nước có gần 880 ngàn thí sinh dự thi. Để đảm bảo kỳ thi diễn ra nhẹ nhàng, trung thực, khách quan theo tinh thần chỉ đạo của Bộ, hiện tại, các tỉnh, thành đã thành lập ban chỉ đạo thi tại các điểm, việc phân công, phân nhiệm cũng rõ ràng, công tác phối hợp với các trường đại học và các ban ngành liên quan đã được tăng cường.
Cùng với công tác đảm bảo các điều kiện chuẩn bị cho kỳ thi như vệ sinh an toàn thực phẩm, an ninh an toàn, quan tâm tạo điều kiện cho các thí sinh có hoàn cảnh khó khăn, các sở GD&ĐT cũng đã chỉ đạo các nhà trường chủ động chuẩn bị kiến thức cho học sinh trong việc học tập, ôn luyện.
Năm nay, các thí sinh tự do và bổ túc sẽ được bố trí thi chung đối với thí sinh THPT. Những điểm in sao, lưu trữ đề thi đều có camera giám sát và lực lượng an ninh bảo vệ 24/24 giờ. Việc in sao đề thi phải chia ra 3 vòng độc lập, bảo đảm tuyệt đối an toàn, bảo mật, tuyệt đối không để xảy ra sơ suất, “lộ lọt” đề thi.
Công tác ôn luyện kiến thức cho học sinh và mọi hoạt động chuẩn bị cho kỳ thi cũng đã được Hà Tĩnh triển khai chu đáo
Việc chấm thi trắc nghiệm được phân công cho các trường đại học với điều kiện các điểm chấm thi phải chuẩn bị đầy đủ điều kiện cơ sở vật chất. Chậm nhất ngày 27/6, các hội đồng thi phải bàn giao cơ sở vật chất cho đơn vị chấm thi.
Công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng năm nay cũng đã được hướng dẫn bằng nhiều văn bản. Năm nay, công tác tuyển sinh cũng có nhiều điểm mới về quy định quy trình xét tuyển, chất lượng đầu vào một số ngành xã hội quan tâm, đặc biệt là đối với các ngành sức khỏe; tăng cường công tác kiểm soát về thí sinh ảo, quán triệt nguyên tắc tự chủ, tự chịu trách nhiệm về chỉ tiêu xét tuyển, chất lượng đầu vào.
So với trước, năm nay, chỉ tiêu sư phạm tăng hơn 10 ngàn để đảm bảo số lượng giáo viên còn thiếu, do kết quả tuyển năm trước ít so với chỉ tiêu đề ra (chỉ được 44%). Tuy nhiên, Bộ cũng đã chỉ đạo các trường đại học, cao đẳng dù khó khăn trong công tác tuyển sinh cũng phải đảm bảo yếu tố chất lượng tuyển sinh.
Học sinh tập trung ôn luyện để giành kết quả tốt trong kỳ thi sắp tới
Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu cũng đã chia sẻ kinh nghiệm về công tác phối hợp với các địa phương trong công tác coi thi, giám sát kỳ thi, đồng thời đề nghị Bộ GD&ĐT chú trọng công tác tập huấn coi thi để tránh xảy ra những sai sót đáng tiếc.
Kết luận tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đề nghị các tỉnh, thành: Quan tâm công tác tập huấn cho đội ngũ cán bộ coi thi, lựa chọn và bố trí đủ về số lượng, đúng thành phần; quan tâm cơ sở vật chất tại các điểm thi, công tác phân luồng đảm bảo an ninh - an toàn cho kỳ thi. Các ban chỉ đạo cần phối hợp chặt chẽ, phân công, phân nhiệm rõ ràng, cụ thể đảm bảo đủ mọi điều kiện tốt nhất cho kỳ thi.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cũng nhấn mạnh: "Công tác chuẩn bị không được chủ quan; công tác thanh tra, kiểm tra phải được coi trọng và thực hiện đúng quy trình, bám sát quy chế. Các thầy cô giáo, các nhà trường cần tư vấn tâm lý cho học sinh, bám sát đề thi tham khảo để tự tin khi làm bài. Có như thế, kỳ thi mới giảm áp lực, khách quan, công bằng theo đúng tinh thần đổi mới".
Tại cụm thi Hà Tĩnh năm nay có hơn 16.800 thí sinh tại 55 đơn vị trường học, Trung tâm GDNN-GDTX, các trường cao đẳng, trung cấp nghề đăng ký tham gia kỳ thi THPT quốc gia (tăng hơn 400 thí sinh so với kỳ thi năm 2018). Trong số đó có hơn 600 thí sinh tự do. Ban chỉ đạo kỳ thi cũng đã bố trí 715 phòng tại 35 điểm thi trên địa bàn toàn tỉnh. Để tổ chức tốt kỳ thi này, đơn vị sở tại cũng đã có các cuộc làm việc với các đơn vị phối hợp: Học viện Tài chính (chủ trì chấm thi trắc nghiệm), Đại học Hồng Đức, Đại học Quảng Bình, Đại học Y khoa Vinh với tổng số hơn 3.100 cán bộ, nhân viên phục vụ cho kỳ thi. Ban chỉ đạo kỳ thi cũng đã làm việc với các đơn vị phối hợp, các ngành chức năng và chính quyền địa phương trong việc phục vụ tốt cho kỳ thi. |