Chiều 30/12, Sở Tư pháp tổ chức hội nghị triển khai công tác tư pháp năm 2025. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh cùng dự.
Năm 2024, công tác chỉ đạo, điều hành của ngành Tư pháp Hà Tĩnh tiếp tục được đổi mới, bám sát mục tiêu phát triển KT-XH của địa phương. Trong năm, UBND tỉnh giao Sở Tư pháp thực hiện 184 nhiệm vụ; đã hoàn thành 178 nhiệm vụ, đang thực hiện 6 nhiệm vụ, không có nhiệm vụ quá hạn.
Công tác xây dựng văn bản QPPL được triển khai đúng quy định, đảm bảo tính dự báo và ưu tiên giải quyết những vấn đề cấp bách, bức thiết. Toàn tỉnh đã ban hành 82 văn bản QPPL; trong đó, có 58 văn bản QPPL cấp tỉnh, 15 văn bản cấp huyện và 9 văn bản cấp xã.
Công tác thẩm định, góp ý văn bản QPPL tiếp tục được chú trọng, có nhiều đổi mới trong cách thức thực hiện, ngày càng đi vào chiều sâu. Trong năm, Sở Tư pháp đã thẩm định 86 dự thảo văn bản QPPL, góp ý trên 160 dự thảo văn bản QPPL của Trung ương và của tỉnh; thực hiện tự kiểm tra 27 văn bản QPPL, tham mưu, giúp Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra 17 văn bản QPPL của HĐND, UBND cấp huyện; tham mưu kiểm tra, cho ý kiến đối với 39 hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính theo chỉ đạo của UBND tỉnh.
Các cơ quan, đơn vị, địa phương đã thực hiện 6.343 cuộc phổ biến pháp luật trực tiếp với 917.711 lượt người tham dự; cấp phát 583.794 tài liệu PBGDPL cho cán bộ, Nhân dân trên địa bàn.
Toàn tỉnh có 112 báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, 296 báo cáo viên cấp huyện và 2.952 tuyên truyền viên pháp luật ở cấp xã. Công tác hòa giải ở cơ sở huy động được sự tham gia của những người có uy tín, kinh nghiệm, có kiến thức pháp luật và kỹ năng nghiệp vụ hòa giải. Toàn tỉnh tiếp nhận 403 vụ việc hòa giải, trong đó hòa giải thành 368 vụ việc, hòa giải không thành 30 vụ việc, 5 vụ việc chưa giải quyết xong.
Ngành đã tích cực, chủ động triển khai kịp thời, hiệu quả liên thông 2 nhóm thủ tục hành chính: đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi và liên thông đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, trợ cấp mai táng phí, hỗ trợ chi phí mai táng trên phạm vi toàn tỉnh.
Tại hội nghị, các đại biểu đã tham gia thảo luận, nhìn nhận những khó khăn, hạn chế để đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ trong thời gian tới.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh thông tin về những thành tựu phát triển KT-XH của tỉnh; đồng thời nhấn mạnh, kết quả đó có được nhờ sự đóng góp rất lớn của ngành tư pháp.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đề nghị, toàn ngành chủ động, tập trung triển khai thực hiện các nội dung kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh tại buổi làm việc với Sở Tư pháp, đảm bảo về tiến độ, chất lượng.
Tập trung cho công tác hoàn thiện thể chế, đổi mới quy trình xây dựng văn bản QPPL của địa phương; nâng cao hơn nữa chất lượng công tác thẩm định, góp ý văn bản QPPL; tuân thủ quy trình xây dựng, ban hành văn bản QPPL. Ngành Tư pháp cùng các sở, ngành, địa phương chủ động trong tham mưu hoàn thiện thể chế liên quan đến tổ chức bộ máy của đơn vị, địa phương khi sắp xếp tổ chức bộ máy.
Tập trung thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; nâng cao quản lý nhà nước trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, nhất là luật sư, công chứng, đấu giá tài sản; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ thực hiện công tác tư pháp; tăng cường chuyển đổi số; phát huy vai trò, trách nhiệm của ngành trong thực hiện Đề án 06...