Dáng vóc thành phố trẻ

(Baohatinh.vn) - Mới đó mà đã hơn 25 năm tính từ ngày tôi trở về đầu quân cho Hà Tĩnh. Từ không khí nhộn nhịp của thành Vinh, xe chở đoàn cán bộ Hội Văn nghệ tỉnh qua cầu Bến Thủy, thị trấn Bãi Vọt, Nghèn về thị xã Hà Tĩnh. Một chút tủi thân khi dọc đường đi chỉ bắt gặp màu xanh của tre pheo, lúa lạc, thi thoảng mới thấy sáng lên dăm ba ngôi nhà cao tầng, chủ yếu là các cơ quan, công sở hai bên QL 1A.

Đường Phan Đình Phùng hôm nay, đổi thay nhiều...

Thị xã Hà Tĩnh được hình thành từ năm Minh Mạng thứ 12 (1831), khi triều đình quyết định cắt 2 phủ Đức Quang và Hà Hoa lập tỉnh mới, lấy tên là Hà Tĩnh, đã trải qua nhiều lần tách, nhập. 185 năm, khi thì mang danh thị xã, khi là đạo thành, là tỉnh lỵ, có khi chỉ là thị trấn của huyện Thạch Hà, cho mãi đến năm 1957, Chính phủ mới chính thức ký nghị định tái lập TX Hà Tĩnh như một đơn vị hành chính cấp huyện.

... so với năm 1986. Ảnh: Sỹ Ngọ

Dân số thị xã năm 1945 chỉ có 4,4 ngàn người, đến năm 1991, với dân số gần 40 ngàn người, thị xã vẫn nằm trong tình trạng “làng nhiều hơn phố”. Khó lòng tưởng tượng cảnh nghèo nàn, nhếch nhác, tạm bợ, vá dắm của những ngày đầu chia tỉnh. Khu vực đông vui, nhộn nhịp hơn cả vẫn là tuyến đường Phan Đình Phùng từ quốc lộ 1A chạy về phía Đông đến chỗ cầu Mương bắc qua Hào Thành, rẽ trái một chút là đền Võ Miếu, nhà thờ Tịnh Giang, rẽ phải về phía Nam là cầu Vồng bắc qua sông Cụt. Vù vài nhát ga xe máy là đã hết đường nhựa. Ngoài QL 1A, đường Phan Đình Phùng bấy giờ được coi là huyết mạch “hồng hào” nhất trong nội thị. Văn phòng hội may mắn được tỉnh phân về ở trong dãy nhà cũ cấp 4, lợp ngói của Công ty Vật tư tổng hợp thị xã, đối diện với Rạp 26-3, cạnh Báo Hà Tĩnh, phía sau là Cục Thống kê.

Năm 1991, điểm nhấn của TX Hà Tĩnh lúc ấy là Bến xe khách, Nhà Bưu điện tỉnh, Nhà hát Nhân dân, Rạp 26-3, Sân vận động, Khách sạn giao tế…. Nội thị chỉ có 2 phường Bắc Hà và Nam Hà với các khu phố Lâm Phước Thọ, Trần Thị Hường, Trần Đức Vịnh, Đồng Hải, Thành Đông, Bồng Sơn, Đồng Vinh, Lê Bình, Tân Lập. Gọi là khu phố cho oai như để đón đầu chứ thực chất đi tới chỗ nào cũng chỉ thấy vườn tược, tro tre, chuồng nuôi trâu bò, gà vịt…

TX Hà Tĩnh hồi ấy quá nhỏ bé, yên bình. Mới chỉ độ 8, 9 giờ tối, TX Hà Tĩnh đã vắng tanh, kể cả trên tuyến đường chính Phan Đình Phùng được rải nhựa cũng chỉ còn sót lại đôi ba ngọn đèn loe hoe, vàng ệch, vài bóng người lẻ loi đạp xe, đi bộ trên phố vắng. Chỉ một trận mưa “cóc”, các tuyến phố, đường làng trong nội thị đã ngập ngụa, nhão nhoẹt bùn đất… Đó chưa nói đến tình trạng thị xã thường xuyên bị cúp điện, cắt nước, nhất là vào những ngày chủ nhật nắng nồng. Điểm vui chơi không có, dịch vụ, thương mại lèo tèo. Thơ của ai đó đã viết rằng: “Chủ nhật đây thường mất điện và mưa/ Thị xã vắng, phố buồn như tranh lụa”.

Thị xã Hà Tĩnh những năm đầu thập niên 90 thế kỷ XX. Ảnh: Sỹ Ngọ

Dẫu sao, chuyện tách tỉnh cũng đã gieo vào người dân thị xã một niềm hy vọng. Ngay sau khi ổn định tổ chức bộ máy, công cuộc tái thiết quê hương đã bắt đầu và gần như hàng ngày, mọi người được chứng kiến cảnh hồi sinh, thay da đổi thịt của đất và người thị xã. Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và của mọi người dân, thị xã đã được quy hoạch lại, đến năm 1994 thì thêm 2 phường Tân Giang và Trần Phú. Hạ tầng được đầu tư nâng cấp, nhiều tuyến đường được mở rộng, các công trình mới - chủ yếu là cơ quan, công sở được mọc lên. Chỉ dăm năm sau ngày về, tỉnh cũng đã có chủ trương cho xây dựng khu liên cơ 4 tầng làm trú sở chung cho Báo Hà Tĩnh, Cục Thống kê, Hội Văn học nghệ thuật, Thông tấn xã Việt Nam và Hội Nhà báo tỉnh.

Sau 25 năm khăn gói trở về quê, ngoảnh đầu nhìn lại mới thấy một sự thay đổi đến không ngờ. Dạo quanh một vòng thành phố mà chợt thấy yêu thêm vóc dáng Thành Sen đã hồng hào khởi sắc. Không chỉ có tuyến đường Phan Đình Phùng mà rất nhiều tuyến phố mới như đường 26/3, Phan Đình Giót, Hải Thượng Lãn Ông, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Du, Đại lộ Xô Viết Nghệ Tĩnh, Trần Phú, Hà Huy Tập, Xuân Diệu, đường mới Hàm Nghi, Lê Duẩn, Vũ Quang… đều tươi lên bởi những công trình mới, rực rỡ đèn hoa. Những công trình mới hoành tráng vút lên chiếm lĩnh khoảng không, phá vỡ đi cảm giác lè tè, đơn điệu như Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện thành phố, Công viên Trần Phú, các ngân hàng, Khách sạn Ngân Hà, Sailing, Khu sinh thái Green… các trụ sở cao tầng trên đại lộ Xô Viết Nghệ Tĩnh, Trung tâm thương mại BMC và mới đây là Khu phức hợp Vincom với điểm nhấn là trung tâm thương mại cao chọc trời…

Phần lớn cơ quan hành chính trên đường Phan Đình Phùng được chuyển ra Khu đô thị Bắc Nguyễn Du với đại lộ Xô Viết Nghệ Tĩnh rông 70m

Trước đây, làng nhiều hơn phố, giờ phố rộng hơn làng. 10 phường, 6 xã với nhiều tuyến đường bê tông, đường nhựa, nhiều trụ sở, nhà dân đủ kiểu dáng thi nhau mọc lên san sát. Cây xanh dọc hai bên hè phố cũng đã vươn cao, tỏa bóng mát. Điện đèn xanh, vàng, trắng, đỏ rộn rã giăng mắc trên các tuyến phố, nhấp nháy cả trong những lối phố nhỏ, trước cửa, trong nhà của mỗi gia đình. Đặc biệt, 10 năm qua đã đánh dấu những nỗ lực vượt bậc của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố để hôm nay, chúng ta có được vóc dáng một Thành Sen trẻ trung, sôi động nhưng vẫn giữ được vẻ duyên dáng, kín đáo như một thiếu nữ chân quê bước vào tuổi dậy thì.

Trong lần gặp gỡ gần đây, Chủ tịch UBND thành phố Hà Văn Trọng cho tôi biết: Thời gian tới, quyết tâm chính trị của cán bộ và nhân dân thành phố là hướng tới mục tiêu xây dựng thành phố đạt đô thị loại II vào năm 2018 và phát triển theo hướng văn minh, hiện đại, bền vững. Còn quá nhiều việc phải làm để phát triển sản xuất, bảo đảm an sinh xã hội; hoàn thành một số dự án trọng điểm về nâng cấp kết cấu hạ tầng, chỉnh trang đô thị, các công trình thuộc chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới, đẩy mạnh xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị. Bên cạnh đó, vừa phải thực hiện tốt các chính sách xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; giữ vững QPAN, đảm bảo an ninh chính trị và TTATXH trên địa bàn.

Năm 2017, thành phố sẽ tiếp tục thực hiện chủ đề Chính quyền trách nhiệm, kỷ cương, Công dân văn minh, thân thiện. Chỉ đạo thực hiện có hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, thực hiện đề án “Nâng cao chất lượng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị” gắn với xây dựng tiêu chí hình ảnh người Thành Sen “Năng động, trách nhiệm, văn minh, thân thiện”. Việc đưa thành phố Hà Tĩnh đạt các tiêu chí đô thị loại II vào năm 2018, giờ đã trở thành trách nhiệm và quyết tâm của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở.

Ngắm những chùm bằng lăng tím ngát đang tưng bừng khoe sắc trên những tuyến đường trải rộng của thành phố trẻ trong nắng hạ, chợt thấy thêm yêu mảnh đất một thời chịu thương chịu khó, anh dũng, kiên cường trong mưa bom bão đạn, nay đang hồi sinh, khởi sắc. Hy vọng, quê hương của những tên tuổi như: Lê Bình, Trần Đức Vịnh, Lê Bá Cảnh, Nguyễn Huy Lung, Trần Thị Hường, danh họa Nguyễn Phan Chánh, nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh, nhà nghiên cứu Hồ Tôn Trinh, các nhà văn Văn Linh, Nguyệt Tú, Cẩm Lai cùng nhiều nhà văn, nhạc sĩ, họa sĩ đã chọn thành phố làm quê… cùng những địa danh sông Phủ, núi Nài, cầu Mương, hồ Dâu… sẽ vững bước đi lên để diện mạo thành phố trẻ thực sự xứng tầm với trung tâm chính trị, KT-XH của tỉnh nhà.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói