Bộ Y tế ban hành hướng dẫn mới về thanh toán tiền khám bệnh bảo hiểm y tế

Theo Bộ Y tế, điều kiện thanh toán bảo hiểm y tế, người bệnh trong cùng một lần đến khám tại cùng một cơ sở khám, chữa bệnh (có thể trong cùng một ngày sau khi khám một chuyên khoa cần phải khám thêm các chuyên khoa) thì từ lần khám thứ 2 chỉ tính 30% mức giá của 1 lần khám bệnh...

Đây là một trong những điểm mới của Thông tư số 39/2024/TT-BYT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 35/2016/TT-BYT ngày 28/9/2016 của Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Danh mục và tỷ lệ, điều kiện thanh toán đối với dịch vụ kỹ thuật y tế thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế.

Người dân huyện Văn Chấn (Yên Bái) đăng ký khám, chữa bệnh bằng thẻ bảo hiểm y tế tại Trung tâm Y tế huyện. Ảnh: Việt Dũng/TTXVN
Người dân huyện Văn Chấn (Yên Bái) đăng ký khám, chữa bệnh bằng thẻ bảo hiểm y tế tại Trung tâm Y tế huyện. Ảnh: Việt Dũng/TTXVN

Xác định số lần, mức giá và thanh toán tiền khám bệnh

Theo đó, Thông tư 39 đã bổ sung quy định xác định số lần, mức giá và thanh toán tiền khám bệnh trong một số trường hợp cụ thể.

Theo Thông tư, trường hợp người bệnh đến khám bệnh tại khoa khám bệnh sau đó được chỉ định vào điều trị nội trú theo yêu cầu chuyên môn thì việc thanh toán tiền khám bệnh thực hiện theo quy định.

Trường hợp không đăng ký khám bệnh tại khoa khám bệnh nhưng đến khám bệnh và vào điều trị nội trú tại các khoa lâm sàng theo yêu cầu chuyên môn thì không thanh toán tiền khám bệnh.

Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có tổ chức khám chuyên khoa tại khoa lâm sàng, người đăng ký khám bệnh tại khoa khám bệnh và khám chuyên khoa tại khoa lâm sàng thì được tính như khám bệnh tại khoa khám bệnh. Việc tính số lần khám bệnh, mức giá thực hiện theo quy định.

Theo Thạc sĩ Vũ Nữ Anh, Phó Vụ trưởng Vụ bảo hiểm y tế, Thông tư 39 đã bổ sung khái niệm "Một lượt khám bệnh, chữa bệnh được xác định là một lần khám ngoại trú hoặc một đợt điều trị (điều trị ngoại trú hoặc điều trị ban ngày hoặc điều trị nội trú). Số ngày của một lượt khám bệnh, chữa bệnh do người hành nghề quyết định dựa trên tình trạng bệnh của người bệnh".

Trường hợp lần khám thứ 2 trở đi trong một ngày được tính thế nào?

Thông tư 39 nêu rõ, trong cùng một lần đến khám bệnh tại cùng một cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (có thể trong cùng một ngày hoặc do điều kiện khách quan hoặc yêu cầu chuyên môn nên chưa hoàn thành được quá trình khám bệnh trong ngày, phải tiếp tục khám bệnh trong ngày tiếp theo), người bệnh sau khi khám một chuyên khoa cần phải khám thêm các chuyên khoa thì từ lần khám thứ 2 chỉ tính 30% mức giá của 1 lần khám bệnh và mức thanh toán tối đa chi phí khám bệnh của người đó không quá 2 lần mức giá của 1 lần khám bệnh.

Ví dụ, người bệnh A được khám chuyên khoa nội, sau đó được bác sĩ chỉ định khám chuyên khoa ngoại, thì giá khám chuyên khoa ngoại (khám lần 2) được tính bằng 30% mức giá của khám lần 1 (chuyên khoa nội).

Người bệnh A được khám chuyên khoa nội thần kinh, sau đó được bác sĩ chỉ định khám chuyên khoa ngoại thần kinh, thì giá khám chuyên khoa ngoại thần kinh (khám lần 2) được tính bằng 30% mức giá của khám lần 1 (chuyên khoa nội thần kinh).

Người bệnh A khám chuyên khoa nội tim mạch, sau đó được bác sĩ chỉ định khám chuyên khoa nội tiêu hoá, thì giá khám chuyên khoa nội tiêu hóa (khám lần 2) được tính bằng 30% mức giá của khám lần 1 (chuyên khoa nội tim mạch).

Người bệnh A được khám chuyên khoa tai mũi họng, sau đó được chỉ định khám chuyên sâu về thính học (khám tiền đình/ tai trong), thì giá khám chuyên sâu về thính học (khám lần 2) được tính bằng 30% mức giá khám lần 1 (chuyên khoa tai mũi họng).

Theo Thông tư, người bệnh đến khám bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, đã được khám bệnh, cấp thuốc về điều trị nhưng sau đó có biểu hiện bất thường, đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đó để khám lại ngay trong ngày hôm đó và được tiếp tục thăm khám thì lần khám này được coi như là lần khám thứ 2 trở đi trong một ngày, trừ trường hợp cấp cứu được tính là một lần khám mới. Việc thanh toán thực hiện theo quy định của Thông tư.

Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán đối với các bàn khám trên 65 lượt khám/8 giờ/ngày thế nào?

Thông tư 39 nêu rõ, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải điều phối, bố trí nhân lực, số bàn khám bệnh theo yêu cầu để bảo đảm chất lượng khám bệnh. Đồng thời, quy định tính số lần khám bệnh tối đa được cơ quan bảo hiểm xã hội thanh toán đối với các bàn khám trên 65 lượt khám trong thời gian mỗi 8 giờ/ngày, trước kia quy định 65 lượt khám/ngày.

Theo đó, đối với các bàn khám mà khám trên 65 lượt khám trong thời gian mỗi 8 giờ/ngày: cơ quan bảo hiểm xã hội chỉ thanh toán bằng 50% mức giá khám bệnh từ lượt khám thứ 66 trở lên của bàn khám đó.

Trong thời gian tối đa 3 tháng liên tiếp, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh vẫn còn có bàn khám bệnh trên 65 lượt/ngày thì cơ quan bảo hiểm xã hội không thanh toán tiền khám bệnh từ lượt khám thứ 66 trở lên của bàn khám bệnh đó.

Ví dụ thời gian tổ chức khám bệnh là 10 giờ (do làm thêm 2 giờ) thì số lượt khám của mỗi bàn khám cho 10 giờ làm việc là 65:8x10 = 81 lượt.

Thông tư 39 của Bộ Y tế có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025.

baotintuc.vn

Đọc thêm

Tôn vinh di sản "Y thánh của Việt Nam”

Tôn vinh di sản "Y thánh của Việt Nam”

Thông qua triển lãm "Di sản của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác" tại Hà Tĩnh, người dân sẽ có cái nhìn sâu sắc hơn về cuộc đời, sự nghiệp và những giá trị di sản của Hải Thượng Lãn Ông, từ đó tiếp tục bảo tồn và phát huy những giá trị mà Đại danh y để lại.
 Vinamilk - 30 năm đồng hành hỗ trợ bệnh nhân nghèo

Vinamilk - 30 năm đồng hành hỗ trợ bệnh nhân nghèo

Hơn 1.300 trường hợp bệnh nhân nghèo đã được hỗ trợ phẫu thuật tim và mắt từ chương trình của Vinamilk đồng hành cùng Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TP. Hồ Chí Minh với tổng kinh phí hơn 8,2 tỷ đồng.
Vinmec cứu sống bệnh nhân ung thư thực quản giai đoạn muộn

Vinmec cứu sống bệnh nhân ung thư thực quản giai đoạn muộn

Bệnh nhân 54 tuổi mắc ung thư thực quản giai đoạn muộn, lại bị huyết áp cao, tiểu đường. Ngỡ không qua được cửa tử khi bị nhiều bệnh viện từ chối phẫu thuật, nhưng may mắn, nhờ đội ngũ bác sĩ Vinmec Times City (Hà Nội), bệnh nhân đã được cứu sống.