Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Quốc Vinh điều hành điểm cầu Hà Tĩnh.
Trong thời gian qua, cùng với sự đổi mới trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, công tác cải cách TTHC đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông đã được triển khai đồng bộ, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy phát triển KT-XH của đất nước.
Với chủ trương, quan điểm chuyển từ Chính phủ quản lý sang Chính phủ phục vụ, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 61/2018/NĐ-CP (ngày 23/4/2018) về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC.
Từ đó, bảo đảm tính hiệu quả của việc giải quyết TTHC tại các cơ quan hành chính nhà nước từ trung ương đến địa phương; tạo cơ chế ứng dụng công nghệ thông tin trong việc giải quyết TTHC.
Trung tâm Hành chính công tỉnh Hà Tĩnh đáp ứng nhu cầu giải quyết các thủ tục hành chính của người dân, doanh nghiệp.
Nghị định cũng tạo cơ sở pháp lý cho việc mở rộng phạm vi và đối tượng áp dụng tại các bộ, cơ quan ngang bộ thay vì chỉ ở địa phương như trước đây; hoàn thiện các quy định về tổ chức, hoạt động của bộ phận một cửa các cấp.
Bên cạnh đó, quy định rõ toàn bộ quy trình giải quyết TTHC; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết TTHC thông qua việc thiết lập cổng dịch vụ công quốc gia và xây dựng cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin một cửa điện tử được xây dựng tập trung, thống nhất cấp bộ, cấp tỉnh và kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin này với nhau và với các cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành; quy định việc đánh giá chất lượng giải quyết TTHC của cơ quan hành chính nhà nước để đánh giá chính xác, khoa học, công khai.
Tại hội nghị, đại biểu các bộ, ngành, địa phương tập trung thảo luận các giải pháp khắc phục tồn tại trong giải quyết TTHC về: Công tác tuyên truyền thực hiện TTHC qua hệ thống công nghệ thông tin; khó khăn trong triển khai hoàn thiện phần mềm ứng dụng dịch vụ công; mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp tại các trung tâm hành chính công và bộ phận một cửa chưa cao…
Đại biểu các sở, ngành, địa phương tham gia thảo luận tại hội nghị.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình yêu cầu thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương cần ban hành một số văn bản hướng dẫn, bảo đảm thực hiện Nghị định 61/2018/NĐ-CP như: Thông tư hướng dẫn, quy định chi tiết một số điều của Nghị định 61/2018/NĐ-CP; thông tư hướng dẫn về chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại bộ phận một cửa...
Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình cũng đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương nghiêm túc xử lý các phản ánh của tổ chức, cá nhân trong giải quyết TTHC; kiện toàn tổ chức và bố trí trụ sở, trang thiết bị cho bộ phận một cửa các cấp; ban hành quy trình nội bộ, quy trình điện tử trong việc giải quyết TTHC; đẩy mạnh công tác đánh giá mức độ hài lòng của doanh nghiệp, cá nhân đối với dịch vụ công trực tuyến.
Bộ Thông tin và Truyền thông cần hoàn thành sớm việc đánh giá, công bố phần mềm một cửa điện tử tiêu chuẩn và ban hành các tiêu chí, quy định thống nhất chức năng, tính năng kỹ thuật của cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh. Trên cơ sở đó, các bộ và địa phương được lựa chọn triển khai thí điểm chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng hoặc nâng cấp phần mềm một cửa điện tử bảo đảm đạt tiêu chuẩn công bố.
Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương còn lại căn cứ theo công bố tiêu chuẩn về phần mềm một cửa điện tử của Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai xây dựng hoặc nâng cấp các phần mềm một cửa điện tử của bộ, địa phương mình.