Theo bác sĩ Lim ZiYi, Trung tâm ung thư PCC, Singapore, ung thư máu (hay ung thư bạch cầu) là dạng ung thư ác tính. Bình thường, bạch cầu có nhiệm vụ bảo vệ cơ thể. Khi bị ung thư, số lượng bạch cầu trong cơ thể tăng đột biến, chúng trở nên hung dữ và gây hại. Càng về sau, bạch cầu bị thiếu thức ăn, gây hiện tượng ăn hồng cầu khiến cho các hồng cầu chết dần, người bệnh bị thiếu máu dẫn đến tử vong.
Dấu hiệu dễ nhận biết nhất của ung thư máu là những mảng bầm tím trên da. Ảnh: kienthuc.
Đau bụng là một trong những triệu chứng của bệnh ung thư máu. Khi đó, các tế bào ung thư máu tích tụ trong thận, gan và lá lách, khiến bụng to ra, đau dạ dày kèm theo mất cảm giác ngon miệng và sút cân.
Một dấu hiệu điển hình nhất của ung thư máu là bệnh nhân dễ bị bầm tím trên da và chảy máu không kiểm soát được. Đó là do các tế bào máu bình thường bị thay thế bằng các tế bào bạch cầu non bất thường, các tiểu cầu (yếu tố làm đông máu) mất đi khiến máu không thể đông lại được. Bệnh nhân cũng dễ bị thiếu máu. Tế bào ung thư có thể tích tụ trong các hạch bạch huyết làm cho các hạch dưới cánh tay, bẹn, ngực và cổ sưng lên.
Biến chứng thường gặp của ung thư máu là đau ở xương và khớp. Đau nhức xảy ra do tủy xương bị lấp đầy bởi các tế bào bất thường. Ung thư máu cùng làm suy giảm chức năng của các tế bào bạch cầu vốn giúp cơ thể chống lại nhiễm trùng, làm cho bệnh nhân bị nhiễm trùng thường xuyên do vi khuẩn, virus hoặc nấm.
Với bệnh bạch cầu cấp tính tế bào T, các tế bào ung thư có xu hướng bao quanh tuyến ức, gây đau đớn và khó thở. Các biến chứng khác là thở khò khè và ho. Do sự phát triển không kiểm soát được của các tế bào ung thư, bệnh nhân thường thấy mệt mỏi và yếu ớt ngay cả khi ngồi nghỉ, dễ bị sút cân, sốt cao, chóng mặt và chảy máu mũi, ra mồ hôi nhiều, nhất là ban đêm.
Hạch bạch huyết ở cổ sưng lên là một trong những dấu hiệu của ung thư máu. Ảnh:News.
Bác sĩ Lim cho biết thống kê hàng năm tại Singapore phát hiện khoảng 2.000 ca ung thư máu mới, bao gồm bệnh bạch huyết và u bạch huyết (u lympho). Trung bình mỗi ngày có khoảng 6 bệnh nhân mới được chẩn đoán bệnh. Trước đây, các loại ung thư này được điều trị bằng hóa trị, xạ trị, cấy ghép tủy xương và cấy ghép tế bào gốc. Hiện nay có 2 phương pháp mới, đó là điều trị trúng đích và liệu pháp miễn dịch cho hiệu quả tốt hơn trong điều trị một số loại bệnh bạch huyết và u bạch huyết.
Bác sĩ Lim giải thích, nguyên lý của việc điều trị trúng đích là ""đánh trực diện"" các phân tử tham gia vào quá trình phát triển, tiến triển và lây lan của ung thư, nhờ đó ngăn chặn sự phát triển và lan rộng của ung thư. Phương pháp này mang lại hiệu quả bước đầu nhưng không phải được xem là giải pháp lâu dài vì ung thư có khả năng biến thể và kháng thuốc.
Liệu pháp miễn dịch dựa trên nguyên lý ""đánh thức"" hệ miễn dịch của cơ thể để chống lại ung thư. Tuy nhiên các tế bào ung thư rất thông minh, chúng luôn tìm cách ngụy trang nhằm lẩn trống khỏi hệ miễn dịch. Các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu ra một số loại thuốc thế hệ mới có khả năng cởi bỏ lớp áo ngụy trang của các tế bào ung thư, nhờ đó hệ miễn dịch dễ dàng nhận ra và tiêu diệt chúng. Các báo cáo cho thấy việc kết hợp liệu pháp miễn dịch với các phương pháp khác có thể mang lại hiệu quả điều trị cao hơn. Ngay cả khi dừng điều trị, liệu pháp này vẫn phát huy hiệu quả trong việc bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân gây bệnh.