Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Sở Nông lâm Hà Nội và sử dụng chiếc máy cấy tại ruộng thí nghiệm của sở (tháng 7/1960). Ảnh tư liệu
Thực hiện lời dạy của Bác Hồ kính yêu “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua, những người thi đua là những người yêu nước nhất”, trong thời gian qua, Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh luôn coi công tác thi đua, khen thưởng là một trong những giải pháp quan trọng trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển KT-XH trên địa bàn.
Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh đã thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước như: “Luyện quân lập công, tự túc ăn mặc, diệt giặc dốt và xây dựng đời sống mới”, “Tuần lễ quân dân nhất trí”, “Hũ gạo tiết kiệm chống Mỹ cứu nước”, “Ba sẵn sàng”, “Ba đảm đang”, “Hai giỏi”, “Xẻ núi mở đường”, “Xe chưa qua, nhà không tiếc”, “Địch phá một thì ta làm mười”, “Tất cả cho tiền tuyến”, “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”… Qua đó, tập hợp được mọi tầng lớp nhân dân chung sức xây dựng, giữ vững hậu phương, phát huy tối đa mọi tiềm lực tại chỗ, chi viện cao nhất cho tiền tuyến, thực hiện tốt 2 nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN.
Nữ thanh niên xung phong Hà Tĩnh dũng cảm vừa chiến đấu, vừa đảm bảo giao thông thông suốt trên tuyến đường trọng điểm Ngã ba Đồng Lộc trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. (Ảnh: Văn Sắc/TTXVN)
Từ năm 1975-1991, Hà Tĩnh và Nghệ An hợp nhất thành tỉnh Nghệ Tĩnh. Thời kỳ này, Tỉnh ủy Nghệ Tĩnh đã lãnh đạo phát động nhiều phong trào thi đua yêu nước đạt chất lượng, hiệu quả, phát triển sâu rộng trong phạm vi toàn tỉnh và đã được tổng kết, tôn vinh, như: “Phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật”, “Xây dựng tổ đội lao động XHCN”, “Rèn luyện thân thể và xây dựng nếp sống mới”, “Làm nghìn việc tốt”, “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, “Người nông dân mới làm chủ tập thể”, “Ba mẫu mực”... Có những phong trào thi đua trở thành điển hình tiêu biểu của toàn quốc như “Dạy tốt, học tốt” ở xã Cẩm Bình (Cẩm Xuyên).
Từ sau ngày tái lập tỉnh (tháng 8/1991) đến nay, Tỉnh ủy Hà Tĩnh tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện các phong trào: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Xóa đói giảm nghèo”, “Xóa nhà tranh tre dột nát”, “Lao động giỏi, sáng kiến cải tiến kỹ thuật”, “Động viên và giúp Nhân dân di dời tái định cư, giải phóng mặt bằng, triển khai các công trình, dự án”, “Lao động giỏi, lao động sáng tạo trong công nhân, viên chức, lao động”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Đền ơn đáp nghĩa”…
Các phong trào thi đua yêu nước đã tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương, góp phần thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh qua các thời kỳ cách mạng.
Các doanh nghiệp ở Hà Tĩnh vừa phòng dịch, vừa duy trì sản xuất, kinh doanh. Ảnh P.V
Trong giai đoạn hiện nay, nhất là trong điều kiện thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa đảm bảo phát triển KT-XH, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, BTV Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã ban hành Chỉ thị 08-CT/TU, ngày 24/5/2021 về đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025. Lúc này, công tác thi đua đang thực sự trở thành động lực khuyến khích các cấp, ngành, MTTQ và các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội, các cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và người dân nỗ lực phấn đấu, vươn lên hoàn thành mọi chỉ tiêu, nhiệm vụ. Để thực hiện được mục tiêu đó, cần thực hiện tốt một số nội dung sau:
Quán triệt sâu sắc tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua ái quốc, các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về công tác thi đua, khen thưởng. Nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và quần chúng nhân dân về vị trí, vai trò quan trọng trong việc tổ chức và thực hiện các phong trào thi đua yêu nước để giải quyết những nhiệm vụ khó khăn của tỉnh. Trong giai đoạn hiện nay, khi tình hình dịch Covid-19 có những diễn biến phức tạp thì việc đảm bảo thực hiện tốt 2 nhiệm vụ, vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa đảm bảo phát triển KT-XH có ý nghĩa hết sức quan trọng.
Ngành y tế Hà Tĩnh đang tiếp tục khẩn trương, thần tốc truy vết các F1, F2 của các ca bệnh để cách ly và lấy mẫu xét nghiệm theo đúng quy định. Ảnh P.V
Phong trào thi đua cần phải được tổ chức một cách thiết thực, sâu rộng và bao quát toàn bộ các lĩnh vực của đời sống xã hội. Chú ý tính nhân dân, tính phổ biến trong các chủ trương thi đua của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thi đua là dùng lực lượng của dân, tinh thần của dân để mang lại hạnh phúc cho dân. Thi đua phải trở thành trách nhiệm chung của các cấp ủy Đảng, chính quyền, mỗi cơ quan, đơn vị và mỗi người dân.
Hà Tĩnh đã có nhiều mô hình sản xuất trong nhà màng, nhà lưới áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ, nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh P.V
Cần phát động các phong trào thi đua gắn chặt với việc thực hiện các nhiệm vụ về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng có hiệu quả theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, đặc biệt là người đứng đầu các cơ quan, tổ chức.
Các phong trào thi đua phải xác định được đúng mục tiêu, nội dung hấp dẫn, có chủ đề, tên gọi dễ nhớ, có tiêu chí, chỉ tiêu thi đua cụ thể, thiết thực, phù hợp đặc điểm, tình hình và yêu cầu nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị trong từng giai đoạn, nhất là các phong trào thi đua ở cơ sở. Thực hiện nghiêm túc việc đôn đốc, kiểm tra, sơ kết, tổng kết phong trào; lựa chọn các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu để biểu dương, khen thưởng kịp thời. Coi việc phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân rộng điển hình tiên tiến phải là nhiệm vụ thường xuyên, trọng tâm trong việc tổ chức chỉ đạo các phong trào thi đua. Có kế hoạch cụ thể để bồi dưỡng, xây dựng các mô hình mới, nhân tố mới, các điển hình tiêu biểu, xuất sắc, toàn diện để nêu gương học tập. Chú ý việc phát hiện và xây dựng điển hình tiên tiến từ cấp cơ sở.
Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Hà Tĩnh đang phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Ảnh P.V
Chủ động phát hiện, biểu dương, khen thưởng kịp thời các điển hình tiên tiến về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Biểu dương, khen thưởng cần kịp thời, công tâm, khách quan, công bằng, minh bạch, đúng người, đúng việc, lấy hiệu quả, kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị làm thước đo. Chú trọng khen thưởng cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và quần chúng nhân dân ở cấp cơ sở, khen thưởng những tập thể, cá nhân có nhiều sáng tạo, nhiều cách làm hay, mô hình mới trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Các cơ quan thông tấn báo chí trên địa bàn cần tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, chủ động định hướng dư luận, phát hiện, tôn vinh gương người tốt, việc tốt, tạo sự lan tỏa theo phương châm “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”.
--------------------
Tài liệu tham khảo:
1. Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 7, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2011, tr. 407.
2. Lịch sử Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh, tập 1,2, 3.
3. Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI, XVII, XVIII.