Đánh giá CBCC là việc làm khó, đòi hỏi phải đồng bộ, khách quan và cốt lõi là xây dựng được cơ chế đánh giá và tiêu chí đánh giá. Từ trước tới nay, chúng ta chủ yếu xây dựng cơ chế đánh giá theo cách thức từ trên xuống và tự mình đánh giá, thiếu một kênh hết sức quan trọng đó là người dân và doanh nghiệp (đối tượng được phục vụ) tham gia đánh giá.
Một kênh có tính khách quan, phản biện và dân chủ là cấp dưới đánh giá hiệu quả lãnh đạo, quản lý của cấp trên. Phương thức lâu nay chủ yếu là thông qua hội nghị góp ý rồi đánh giá bằng cảm tính của người lãnh đạo, việc bỏ phiếu kín còn hình thức, thiếu thực chất và chung chung nên hiệu quả đánh giá công chức hết sức hạn chế.
Để nâng cao hiệu quả trong việc đánh giá CBCC, các cơ quan, đơn vị cần xây dựng quy chế đánh giá, phiếu đánh giá. Trên cơ sở nhiệm vụ được giao, Luật Công chức và đặc điểm công việc của cơ quan, đơn vị để xây dựng quy chế đánh giá, phiếu đánh giá cho phù hợp với đơn vị công tác của mình. Điều quan trọng là xây dựng phương án đánh giá.
Đối với CBCC lãnh đạo, đứng đầu ngành cần phải lấy nhiều kênh đánh giá như người dân, doanh nghiệp; trên xuống, dưới lên, đánh giá chéo. Việc xây dựng phiếu đánh giá phải bằng điểm hết sức cụ thể và chi tiết để định lượng được thực chất hiệu quả công việc. Nhất thiết phải bỏ phiếu kín và phải được giao cơ quan độc lập kiểm tra việc bỏ phiếu. Đây là cách làm dân chủ, tránh được ý kiến chủ quan của cá nhân (cảm tình, hay mặc cảm trong đánh giá của lãnh đạo).
Cần xây dựng cơ chế đánh giá đối với tập thể cơ quan, đơn vị. Việc hoàn thành công việc của cơ quan, đơn vị là thước đo năng lực người đứng đầu cơ quan, đơn vị, là chỉ số đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị đó.
Việc đánh giá năng lực, trách nhiệm, thái độ phục vụ và hiệu quả công việc được giao là một cơ sở quan trọng để làm tốt công tác thi đua khen thưởng, đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển và đặc biệt phục vụ cho tinh giản biên chế theo tinh thần Kết luận 05 –KL/TU ngày 29/6/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.