Lồng nuôi ếch được xây dựng khá đơn giản, không tốn nhiều chi phí đầu tư.
Trước đây, gia đình ông Thuần chủ yếu đầu tư chăn nuôi lợn quy mô nông hộ. Tuy nhiên, việc xử lý môi trường khó khăn cộng với gần đây xuất hiện nhiều dịch bệnh hoặc rớt giá mạnh nên ông nghĩ đến việc chuyển đổi mô hình sản xuất phù hợp hơn. Tận dụng diện tích mặt nước sẵn có, ông học tập kinh nghiệm và đầu tư chăn nuôi cá, ếch, vịt.
Qua trao đổi, ông Thuần khẳng định, nuôi ếch cho hiệu quả kinh tế gấp nhiều lần so với các vật nuôi khác như cá, vịt...
Sau khoảng 3 tháng nuôi, mỗi con ếch đạt trọng lượng trung bình trên 2 lạng.
Ông Thuần chia sẻ: “Đầu tháng 4, tôi mua 3.000 con ếch giống từ Quảng Bình về thả trên 4 lồng. Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật và thời tiết ủng hộ nên ếch lớn nhanh. Đến nay, trung bình một con ếch đạt trọng lượng hơn 200g, tổng năng suất dự kiến đạt khoảng 4,5 tạ. Với giá bán hiện nay là hơn 70 nghìn đồng/1 kg, gia đình thu khoảng 30 triệu đồng.
Thời gian tới, tôi tiếp tục cải tạo lồng bè để thả giống vụ tiếp theo, tùy vào nhu cầu thị trường mà gia đình sẽ mở rộng quy mô phù hợp”.
Khách hàng đánh giá cao chất lượng của ếch nuôi bằng thức ăn tự nhiên.
Trước đó, ông Thuần đã đầu tư hơn 20 triệu đồng để mua hệ thống máy móc chế biến thức ăn chăn nuôi. Sẵn có ao lớn trong vườn, ông để cho cá rô phi phát triển tự nhiên, sau đó tận dụng làm thức ăn nuôi ếch.
Ông Thuần đầu tư hệ thống máy sản xuất thức ăn chăn nuôi để làm thức ăn cho ếch
Công thức chế biến thức ăn cho ếch rất đơn giản, chỉ cần nguyên liệu là cá rô phi hoặc ốc bươu vàng – những thứ rất có sẵn ở địa phương, trộn với một ít cám hoặc ngô, lúa rồi xay thành viên. Vì thế, ông Thuần không tốn nhiều chi phí mà chất lượng thịt ếch lại đảm bảo hơn nhờ nguồn thức ăn tự nhiên sẵn có.
Ngoài ếch, ông Thuần còn nuôi vịt và cá, thu nhập bình quân hàng năm đạt trên 150 triệu đồng.
“Nói là dễ nhưng để ếch phát triển tốt và đạt được chất lượng cũng không phải là việc đơn giản. Kỹ thuật nuôi ếch không khó nhưng đòi hỏi môi trường nuôi phải đảm bảo sạch và nguồn giống tốt. Trước khi thả xuống lồng, cần có một bể riêng, lựa chọn những con khỏe và trọng lượng đồng đều nhau để thả cùng lồng, bởi ếch có đặc tính tự ăn nhau (con lớn ăn con nhỏ), do đó, rất dễ bị hao hụt số lượng nếu không tuân thủ kỹ thuật” - ông Thuần tiết lộ bí quyết.
Cũng theo ông Thuần, nghề nuôi ếch đem lại giá trị kinh tế cao, nhưng chỉ mang tính nhỏ lẻ, người nuôi còn thiếu kỹ thuật, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm thực tiễn, đặc biệt là thiếu thị trường, đầu ra chưa ổn định. Vì thế, rất cần các ngành chức năng quan tâm hỗ trợ để mô hình mang lại hiệu quả hơn.
Mô hình nuôi ếch tại xã Cẩm Bình, Cẩm Xuyên cho thấy ếch phù hợp với điều kiện khí hậu địa phương, có hiệu quả kinh tế cao.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Cẩm Bình Nguyễn Huy Lợi cho biết, mô hình nuôi ếch của ông Thuần rất phù hợp với khí hậu của địa phương. Con ếch có lợi thế là thời gian nuôi ngắn, chi phí đầu tư ban đầu thấp, không tốn nhiều diện tích đất, ít dịch bệnh và có thể tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên nên cho thu nhập cao.
Chúng tôi coi đây là mô hình điểm để tổ chức đánh giá, triển khai nhân rộng trong thời gian tới. Tuy nhiên, trước mắt chưa thể khuyến khích phát triển đại trà mà chỉ khuyến cáo và áp dụng đối với những hộ đủ điều kiện để tránh tình trạng "cung vượt cầu".