Những vết nứt toác như thế này xuất hiện khá nhiều trên tuyến đê Tả Nghèn
Theo đó, xuyên suốt chiều dài tuyến đê đã xuất hiện những vết nứt tách giữa mặt đê bê tông với hai bên mái, trong đó có những đoạn kéo dài hàng chục mét. Đặc biệt, ở khu vực cách cầu Thạch Sơn khoảng 700m (về phía thôn Vĩnh Phú, xã Hộ Độ) đã xuất hiện vết nứt lớn tạo ra kẻ hở giữa các phần bê tông 4-6 cm, phần mái đê bị sụt lún so với mặt đê 3-5 cm, phần nền đất phía dưới đã bị trôi 7-10 cm.
Đoạn bị sụt lún mái nặng nhất cách cầu Thạch Sơn (nối giữa huyện Thạch Hà với Lộc Hà) khoảng 700m, gần thôn Vĩnh Phú, xã Hộ Độ
Hệ thống gờ chắn bánh được xem là hạng mục rất quan trọng trong việc đảm bảo an toàn giao thông, kết cấu và thẩm mỹ công trình. Thế nhưng, hệ thống này nhiều đoạn đã bị đập bỏ, xe húc hư hỏng từ lâu nhưng không được hàn gắn lại.
Tình trạng này xuất hiện nhiều nhất là ở các ngã ba, điểm nối giữa đê với các tuyến đường dân sinh, đường vào khu trang trại, khu nuôi trồng thủy sản.
Hệ thống gờ chắn bánh bị hư hỏng, húc đổ
Nhưng đáng lo nhất là hệ thống mặt đê kết hợp với đường giao thông đang đồng loạt bị xuống cấp. Mặt đê nhiều đoạn đã bị bong tróc, đá dăm trồi trụt từng mảng lớn nhỏ.
Mặt đê hư hỏng
Điều đáng nói hơn là Dự án đê Tả Nghèn, có chiều dài hơn 10km, với tổng kinh phí gần 81 tỷ đồng đã được triển khai xây dựng từ gần 10 năm nay nhưng hiện còn khoảng 2km đang dang dở, thân đê bằng đất, thường xuyên bị sạt lở, không đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ.
Gần 10 năm thi công nhưng vẫn còn khoảng 2km đê Tả Ngèn (đoạn cuối, thuộc xã Hộ Độ) vẫn chưa được triển khai
Hiện, chủ đầu tư là Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình NN&PTNT tỉnh đang chờ Trung ương phê duyệt nguồn vốn để hoàn thiện công trình. Nhưng nếu nguồn vốn bố trí chậm, công trình không được bảo vệ, duy tu thường xuyên như hiện nay thì nguy cơ làm xong được chỗ này hỏng chỗ khác, không phát huy được công năng sử dụng là điều hiện hữu.