Tuyến đê Hữu Nghèn đoạn qua xã Thạch Kênh hiện đang xuống cấp nghiêm trọng...
Toàn huyện Thạch Hà có 2 tuyến đê Hữu Nghèn và Hữu Phủ với tổng chiều dài 38,3 km. Trong những năm qua, một số đoạn trên tuyến đã được đầu tư nâng cấp có khả năng chống bão từ cấp 9 – 10. Tuy nhiên, còn nhiều đoạn chưa được nâng cấp thì không có khả năng chống bão.
Tuyến đê Hữu Nghèn đoạn qua xã Thạch Kênh (Thạch Hà) có chiều dài hơn 6 km chạy qua thôn Chi Lưu đến thôn Trí Nang đang được đắp bằng đất. Tuyến đê này trước đây có chức năng ngăn mặn, giữ ngọt nhưng sau năm 2007, sông Nghèn đã được ngọt hóa nên chỉ còn nhiệm vụ bảo vệ cho hàng trăm ha lúa và hoa màu của người dân Thạch Kênh trong mùa mưa lũ.
... cống dưới đê cũng bị hư hỏng nặng, mất khả năng điều tiều nước.
Thế nhưng, hiện tuyến đê đang bị sạt lở nghiêm trọng và các hệ thống cống bị hư hỏng nặng. Bởi vậy, cứ vào mùa mưa bão là người dân ở đây “đứng ngồi không yên”.
Bà Từ Thị Kỷ (thôn Thượng Nguyên, xã Thạch Kênh) cho biết: Do tuyến đê bị xuống cấp nên cứ vào mùa mưa lũ, nước sông Nghèn dâng cao là toàn bộ diện tích lúa hè thu của người dân ở đây ngập trắng. Nhiều năm, lúa và hoa màu bị ngâm nước ảnh hưởng về năng suất, sản lượng nên cứ vào mùa mưa lũ lại lo.
Ông Nguyễn Duy Hoàng – Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Kênh cho rằng: Tuyến đê Hữu Nghèn từ cầu Kênh Cạn đến cống Đò Điệm được xem là điểm xung yếu nhất. Bởi vậy, hằng năm, xã phải chủ động xây dựng các phương án để bảo vệ tuyến đê trong mùa mưa lũ cho hơn 400 ha đất sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, tuyến đê có 6 cống thì hiện 4 cống mất chức năng tiêu thoát lũ nên việc “chống đỡ” với mưa bão gặp rất nhiều khó khăn.
Vào mùa mưa lũ, nhiều diện tích lúa hè thu trong đê của người dân Thạch Kênh bị "đe dọa"
Cũng xuống cấp nghiêm trọng là tuyến đê Hữu Phủ đoạn qua các xã Thạch Đỉnh, Thạch Bàn với chiều dài 7 km. Tuyến đê xung yếu này khiến cho hàng trăm người dân thuộc 2 thôn Trường Xuân và Tây Sơn (xã Thạch Đỉnh) luôn cảm thấy bất an khi mùa mưa lũ về. Cơn bão số 10 năm 2017, xã Thạch Đỉnh cũng đã phải sơ tán 50 hộ dân vùng cửa sông Rào Cái để đảm bảo an toàn tính mạng trước nguy cơ vỡ đê.
Tuyến đê Hữu Phủ đoạn qua xã Thạch Đỉnh bị sạt lở, mất an toàn cao trong mùa mưa lũ.
Sau nhiều năm hứng chịu mưa lũ, mặt đê Hữu Phủ ngày càng bị sạt lở nghiêm trọng, nhất là tại cống Rèm Phôốc. Bởi vậy, năm nay, chính quyền địa phương xã Thạch Đỉnh phải xây dựng 4 kịch bản để đối phó với bão mạnh và siêu bão. Trong đó, việc sơ tán dân tại các vùng ven biển, ven cửa sông được tính toán kỹ lưỡng theo từng cấp độ để chủ động ứng phó khi có tình huống xẩy ra do mưa bão.
Cống Rèm Phôốc ở thôn Tây Sơn (Thạch Đỉnh) bị sói lở ngầm rất nguy hiểm khi xẩy ra mưa lũ.
Theo ông Nguyễn Văn Sáu – Trưởng phòng NN&PTNT huyện Thạch Hà, qua rà soát, huyện xác định các vị trí trọng điểm của các tuyến đê và công trình cống dưới đê xung yếu. Trong đó, tuyến đê Hữu Nghèn đoạn K17 – K24 (từ cầu Kênh Cạn xã Thạch Kênh đến cống Đò Điệm xã Thạch Sơn là xung yếu nhất); các cống Cửa Trại, đập Dụ, Ngã Ba, đập Bến, Từ Văn đã xuống cấp nghiêm trọng, không có khả năng chống bão. Đối với đê Hữu Phủ đoạn từ K17 – K19+ 300 thuộc xã Thạch Đỉnh và Thạch Bàn xuống cấp nghiêm trọng, chưa được đầu tư nâng cấp; cống Đập Trấu, các cống số 1, 3, 4 và cống Rèm Phôốc xuống cấp không có khả năng chống bão.
Trước thực trạng trên, huyện Thạch Hà xây dựng phương án hộ đê, bảo vệ các điểm xung yếu nhưng để đảm bảo an toàn thì hơn hết, các đoạn đê trên phải sớm được nâng cấp, sửa chữa...