Đêm nhận hàng viện trợ biến thành thảm kịch tại Gaza

Bất chấp cái lạnh vào rạng sáng, hàng nghìn người vẫn đổ về con đường ven biển của Gaza City vì nghe tin xe tải đang chở thực phẩm viện trợ tới cho họ.

30 xe tải chở hàng viện trợ được quân đội Israel (IDF) hộ tống nối đuôi nhau tiến vào Dải Gaza. Trong nhiều tháng qua, Israel đã tìm cách tránh tham gia vào việc cung cấp viện trợ nhân đạo cho Gaza khi họ đối đầu với Hamas. Tuy nhiên, IDF hôm 25/2 bắt đầu tổ chức các hoạt động viện trợ tới phía bắc Dải Gaza, trong bối cảnh nhiều cơ quan nhân đạo quốc tế liên tục cảnh báo về nguy cơ xảy ra nạn đói trong khu vực.

Khi nhìn thấy ánh đèn pha ôtô đang tiến tới vòng xoay Nabulsi vào khoảng 4h40 sáng 29/2, đám đông vội vã chen chúc nhau lao về phía đoàn xe, theo lời kể từ nhân chức và các quan chức Israel. Trong số này có người cha 6 con Abdu Ashi. Ông đến địa điểm nhận viện trợ cùng hai cậu con trai tuổi teen của mình.

"Tôi biết là nguy hiểm, nhưng chúng tôi đang chết đói", Ashi nói.

Đột nhiên, tiếng súng vang lên, khi đoàn người vây quanh những chiếc xe tải viện trợ. Một người đứng cạnh Ashi trúng đạn và đổ gục. Nhiều người xung quanh ông cũng ngã xuống, số khác hoảng hốt bỏ chạy, trên tay vẫn cầm túi bột, gạo, đậu lăng, chà là đóng hộp mà họ vừa lấy từ thùng xe tải.

AFP-20240229-34KD7GW-v8-HighRe-1666-1712-1709354053.jpg
Người đàn ông bên những chiếc túi đựng thi thể nạn nhân trong sự cố ở vòng xoay Nabulsi ở phía bắc Dải Gaza ngày 29/2. Ảnh: AFP

Gần phía cuối đoàn viện trợ, đám đông cũng bao vây những chiếc xe tải chở hàng. Quân đội Israel cho biết một số người đã áp sát xe tăng hộ tống của họ, phớt lờ mọi cảnh báo.

Binh sĩ Israel trong đoàn hộ tống cảm thấy bị đe dọa nên bắt đầu nổ súng, khiến hàng nghìn người bỏ chạy trong hoảng loạn, các sĩ quan cấp cao IDF cho hay.

Trời sáng, các nhân chứng cho biết họ nhìn thấy hàng chục thi thể nằm la liệt ở phía trước và phía sau đoàn xe. Theo lời giới chức Israel, nhiều người đã bị đám đông sợ hãi giẫm đạp đến chết, hoặc bị xe tải viện trợ cán qua trong lúc tìm cách thoát khỏi cơn hỗn loạn. Họ cho rằng các thành viên Hamas cũng đã nổ súng, dẫn đến cái chết của không ít nạn nhân.

Cơ quan y tế Dải Gaza thông báo tổng cộng 112 người đã thiệt mạng và hàng trăm người bị thương trong vụ nổ súng. Đây là một trong những sự cố gây thương vong cao nhất tại Gaza kể từ khi xung đột Israel - Hamas bùng phát hồi tháng 10 năm ngoái.

Suốt nhiều tháng qua, Liên Hợp Quốc (UN) và các nhóm viện trợ quốc tế chịu trách nhiệm về hầu như mọi hoạt động nhân đạo ở Gaza. Israel hạn chế tối đa tham gia vào nỗ lực này. Phần lớn trong 2,3 triệu cư dân trên dải đất phải di dời, bị bỏ đói và không được chăm sóc y tế đầy đủ.

Chương trình Lương thực Thế giới của LHQ cảnh báo Gaza đang đối mặt tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em tồi tệ nhất toàn cầu và đứng bên bờ vực nạn đói. Tình hình đặc biệt thảm khốc ở phía bắc, nơi vẫn là chiến trường và có 300.000-500.000 người sinh sống.

Israel đã phong tỏa hoàn toàn Gaza từ tháng 10/2023, chỉ cho phép một số mặt hàng viện trợ nhân đạo hạn chế vào khu vực, như nước, thuốc men, thực phẩm, lều trại và nhiên liệu.

Đối với chính quyền Israel, việc cho phép hàng viện trợ vào Gaza là một vấn đề nhạy cảm. Hơn 2/3 người Do Thái ở Israel phản đối việc làm này. Các đồng minh cực hữu của Thủ tướng Benjamin Netanyahu thường xuyên gây sức ép buộc ông phải cắt hoàn toàn nguồn hàng viện trợ cho Gaza.

Thảm kịch hôm 29/2 xảy ra trong chuyến viện trợ nhân đạo thứ tư mà lực lượng Israel tham gia kể từ cuối tuần trước, chuẩn đô đốc Daniel Hagari, phát ngôn viên quân đội Israel, cho hay. Ba chuyến đầu tiên diễn ra mà không gặp bất cứ vấn đề gì.

LHQ và các nhóm viện trợ quốc tế buộc phải giảm bớt hoạt động nhân đạo của họ ở phía bắc Gaza vài tuần qua vì giao tranh ác liệt và tình trạng vô luật pháp. Số hàng viện trợ vào Gaza trong tháng hai đã giảm 50% so với tháng một.

Hôm 5/2, một đoàn xe tải Mỹ mang theo thực phẩm đến phía bắc Gaza đã bị hải quân Israel bắn trong lúc họ đang đứng chờ gần một trạm kiểm soát ở khu vực ven biển Deir al-Balah, theo các quan chức LHQ. Sau sự việc, các nhóm viện trợ quốc tế đã đình chỉ việc giao thực phẩm tới phía bắc Gaza. Quân đội Israel giải thích rằng khi đó, họ đang nhắm mục tiêu vào cơ sở hạ tầng quân sự của Hamas.

Chương trình Lương thực Thế giới, một trong hai cơ quan chính của LHQ chịu trách nhiệm phân phối thực phẩm trong khu vực, đã cố gắng tiếp tục giao thực phẩm đến phía bắc Dải Gaza vào ngày 18/2. Tuy nhiên, họ bị tấn công bởi đám đông tuyệt vọng ngay sau khi vượt qua một trạm kiểm soát của Israel. Họ cũng bị đe dọa bởi hỏa lực giao tranh giữa quân đội Israel và Hamas. LHQ một lần nữa buộc phải đình chỉ hoạt động vận chuyển thực phẩm vào Gaza.

Trong bối cảnh các nhóm viện trợ gặp khó khăn, Israel đối mặt áp lực ngày càng tăng, đặc biệt là từ Mỹ, buộc họ phải tham gia giải quyết tình hình.

Các quan chức Mỹ đã yêu cầu Israel mở ít nhất một tuyến đường mới vào phía bắc Dải Gaza trong nỗ lực tăng tốc viện trợ. Tất cả hàng hóa hiện chỉ đến bằng đường đất liền qua Ai Cập và phải được kiểm tra bởi cả chính quyền Ai Cập và Israel trước khi vào Gaza.

Chính quyền Tổng thống Joe Biden cũng thúc giục Israel ngừng tấn công vào các tay súng Hamas tham gia hỗ trợ an ninh cho các đoàn xe viện trợ, sau khi họ bị lực lượng Israel liên tục tấn công.

Đêm 25/2 rạng sáng 26/2, quân đội Israel đã thực hiện sứ mệnh nhân đạo đầu tiên của mình ở Gaza, thuê các nhà thầu tư nhân mang theo thực phẩm đến phía bắc khu vực. Trong ba đợt viện trợ đầu tiên, khoảng 50 xe tải chở hàng đã đến đích thành công.

974db77322b767f3c7bbd20a22f9c9-3470-1644-1709354053.jpg
Người dân tụ tập trên một con phố ở Gaza City để chờ hàng viện trợ được thả xuống từ máy bay hôm 1/3. Ảnh: AFP

"Các tổ chức của LHQ nói họ sẽ không cung cấp hàng viện trợ nên chúng tôi hợp tác với những tổ chức khác và tận dụng khả năng phân phối hiện có bên trong Dải Gaza để đưa thực phẩm tới miền bắc", phát ngôn viên quân đội Israel Peter Lerner cho hay, thêm rằng thực phẩm viện trợ đến từ một nhà tài trợ Ai Cập và các xe tải thuộc những công ty tư nhân.

Quân đội Israel ngày càng đóng vai trò chủ động hơn trong việc tham gia bảo vệ các đoàn xe này. Vào tối 29/2, họ điều cả xe tăng hộ tống nhằm đảm bảo lối đi an toàn cho các xe viện trợ.

Vài phút sau khi đoàn xe vượt qua một trạm kiểm soát của Israel, đám đông dân thường đã nhanh chóng lao về phía họ, khiến họ phải dừng lại, chuẩn đô đốc Hagari cho hay.

Xe tăng hộ tống đã cố gắng "giải tán đám đông bằng cách bắn một số loạt đạn chỉ thiên", ông nói. "Binh sĩ Israel cũng có mặt ở đó để hỗ trợ hoạt động nhân đạo".

Belal Alisi, 28 tuổi, và anh trai Khalid cùng hàng nghìn người tập trung tại vòng xoay Nabulsi vào sáng sớm 29/2. Anh đang tìm kiếm thức ăn cho hai cô con gái nhỏ của mình, Layan, 5 tuổi, và Mila, 3 tuổi. Họ hầu như không có gì để ăn trong vài tuần qua.

Hai anh em đã lấy một số thực phẩm từ đoàn xe tải để mang về nhà. Khi họ bỏ chạy, Belal bị bắn vào sau đầu. Anh ngã xuống đất bên gói hàng viện trợ. Anh chết trước khi được đưa đến bệnh viện.

AFP-20240229-34KD72T-v3-Previe-9687-8095-1709454959.jpg
Đám đông vây quanh xe tải viện trợ trong vụ nổ súng ngày 29/2. Ảnh: IDF

Trong những giờ sau đó, hàng trăm người được chuyển đến các bệnh viện ở phía bắc Dải Gaza. Nhiều người được đưa vào viện trên những chiếc xe lừa kéo, Ahmed Almaqadma, bác sĩ tại bệnh viện Al Shifa lớn nhất khu vực, cho biết.

Almaqadma vội vã đến phòng cấp cứu. Không còn giường nào trống. Người bị thương nằm la liệt cả trên sàn. Hầu hết bệnh nhân đều chịu những vết thương do đạn bắn. Almaqadma cho biết kích thước của những vết thương khiến ông nghĩ họ bị bắn bằng vũ khí hạng nặng.

Ông cũng thấy một số bệnh nhân có vết thương do mảnh đạn. Các bác sĩ trong phòng cấp cứu sau đó báo cáo với ông rằng vài người bị gãy chân tay, có khả năng do bị xe tải cán qua.

Sami Fayyad, 40 tuổi, cũng có mặt ở vòng xoay Nabulsi để nhận hàng viện trợ. Khi vụ nổ súng xảy ra, ông nhìn thấy những người tập trung quanh xe tăng Israel ngã xuống đất. Fayyad cho hay ông còn nghe thấy tiếng súng đến từ hướng trạm kiểm soát.

Fayyad sống sót. Ông quay trở lại vào đêm hôm sau với hy vọng xe viện trợ lại xuất hiện. "Hôm nay không ai đến", ông nói vào sáng 1/3. "Công việc chính của chúng tôi mỗi ngày chỉ là cố gắng tìm miếng ăn".

vnexpress.net

Đọc thêm

Một đảo ở Bắc Cực biến mất

Một đảo ở Bắc Cực biến mất

Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, Hiệp hội địa lý LB Nga vừa thông báo hòn đảo Mesyatsev đã biến mất khỏi quần đảo Franz Josef của Nga ở Bắc Cực.
FAO cảnh báo về tình trạng mất an ninh lương thực trầm trọng tại 22 quốc gia

FAO cảnh báo về tình trạng mất an ninh lương thực trầm trọng tại 22 quốc gia

Trong một báo cáo chung được công bố ngày 31/10, hai cơ quan của Liên hợp quốc (LHQ) là Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp LHQ (FAO) cùng Chương trình Lương thực thế giới (WFP) cảnh báo rằng tình trạng mất an ninh lương thực cấp tính sẽ trở nên trầm trọng hơn ở 22 quốc gia do nhiều nhân tố đang leo thang.
Cuộc tổng tuyển cử lần thứ 60 tại Mỹ

Cuộc tổng tuyển cử lần thứ 60 tại Mỹ

Ngày 5/11/2024, cử tri Mỹ đi bỏ phiếu trong cuộc tổng tuyển cử lần thứ 60 của xứ cờ hoa, trong đó quyết định quan trọng nhất là lựa chọn tổng thống, người lãnh đạo đất nước nhiệm kỳ 4 năm tới.
Chân dung tân thủ lĩnh của Hezbollah

Chân dung tân thủ lĩnh của Hezbollah

Ông Sheikh Naim Qassem, người được bầu làm thủ lĩnh mới của Hezbollah ngày 29/10, là nhân vật đã gắn bó, cống hiến cho với lực lượng này trong hơn 30 năm.
Cuộc khủng hoảng bị lãng quên

Cuộc khủng hoảng bị lãng quên

Quốc gia Ðông Phi đang bị đẩy đến bờ vực nạn đói, khiến Liên hợp quốc phải kêu gọi cộng đồng quốc tế chú ý nhiều hơn đến "cuộc khủng hoảng bị lãng quên" này.
Philippines: 85 người chết, 41 người mất tích do bão Trà Mi

Philippines: 85 người chết, 41 người mất tích do bão Trà Mi

Được đánh giá là một trong những cơn bão nguy hiểm và tàn khốc nhất đổ bộ vào Philippines trong năm nay, cơ quan ứng phó thảm họa quốc gia cho biết cơn bão đã khiến ít nhất 85 người thiệt mạng và 41 người khác mất tích.