Không thích ăn cá nhưng việc đi săn cá thì lại mê. Hồi ấy, cá ở quê tôi nhiều vô kể. Hình như chỉ cần có nước là có cá. Lắm bữa mưa to, cá rô còn lóc vào tận sân nhà. Người ta bắt cá bằng đủ cách. Cứ nhìn vào đầu chái nhà thằng Cung nổi tiếng sát cá trong làng thì biết: Vó, lưới, đó, lừ, ống trúm, nơm, gàu và cơ man là câu. Riêng món câu thôi cũng đã đủ dạng: Câu gieo, câu rê, câu cắm, câu nhắp và cả câu vằng nữa.
Niềm vui tuổi thơ (Ảnh: internet)
Nhà tôi chỉ có mỗi cái nơm bé tí gác suốt trên giàn bếp và cái cần câu nhắp dựng ở đầu hồi. Cái cần câu được chọn mãi trong dãy hóp sát cạnh bờ ao nhà bà Hòa. Phía đầu ngọn câu khum khum cầu vồng được buộc một sợi cước đôi mà tôi dặn mẹ mua cho ở chợ. Hồi còn nhỏ hơn, tôi chả cần công phu như thế. Vớ đại một cành que, buộc vào đấy đoạn chỉ trắng, còn lưỡi câu thì lấy kim khâu hơ lửa uốn thành. Loại câu có cái phao bằng sống lá mía, cọng rơm khô ấy chỉ lừa được đôi chú cá nhỏ háu ăn ở giếng đình hay ở cái ao đùng đục trước nhà.
Trong xóm, nhà đứa nào cũng có một cái cần câu. Kể như Bài “què” lúc việc vá may rảnh rỗi cũng ôm câu ra đứng ở bờ ao muống nhà bà Thìn. Những lúc chúng tôi kéo nhau ra đồng lúa, Bài cũng hăm hở vác cần câu nhập bọn. Một tay chống gậy, một tay lắp nhắp, miệng lại còn giả giọng cá đớp mồi: “Pờ trắp”, pờ trắp”. Có lần cu cậu giật lên được một chú rô to. Chưa kịp cười xong một cái thì chú rô đã tuột lưỡi rơi xuống bờ ruộng. Bài vội thả gậy ném câu chụp bắt cho tới lúc cả người cả cá văng xuống ruộng lúa. Cá gặp nước thì lủi mất còn Bài thì quần áo mặt mũi bê bết những bùn.
Câu nhắp ở ruộng lúa chỉ biết cá ăn khi nghe tiếng “pờ trắp” động lên chỗ thả mồi và liền đó có cảm giác có một cái díu nằng nặng đột ngột ở đầu câu. Phải đợi thêm một chút cho con mồi vào sâu trong miệng cá thì mới được giật. Cái thú của buổi câu dồn cả vào lúc ấy, khi cần câu nhúi đầu lỏng dây và sau đó là một cú vít ngược kéo theo một sắc rô vàng óng bay vút lên khỏi thảm lúa xanh rờn.
- Này Hiếu, tối đi thả câu đêm nhé!
Một chiều, thằng Cung rủ rê. Cũng tội, từ hồi bố nó bị mất vì bom, trông nó ngơ ngác, ít nói và coi bộ lỳ lợm hơn. Cung học kém, đến lớp chỉ mải nghịch. Đến tháng xếp điểm, nó bao giờ cũng lủi thủi đi về sau cùng. Tôi học khá, năm nào cũng nhận phần thưởng tiên tiến. Cô giáo bảo tôi giúp đỡ nó. Tôi nhận lời nhưng trong bụng không mấy thích thú vì vốn ghét cái tính hay chơi trội của nó trong mọi trò vui.
- Sao lại là câu đêm? Tao sợ rắn lắm!
Tôi thành thật. Tôi ít đi đêm, phần vì sợ ma, phần thì ngại gặp rắn. Nhìn cái dáng bò oặn oẹo, da vằn vện ánh sắc ma quái, tôi phát khiếp. Khiếp đến nỗi ghét lây sang cả giống lươn, trê, chạch da nhơn nhớt mà tôi nghi là có bà con họ hàng với rắn. Lại nghe kể có những loài rắn độc chỉ mổ một nhát là không kịp chạy viện. Mà chẳng phải dọa. Năm lụt to, bà Tí trong xóm phía bên kia đê đã chết vì đang đêm rắn vào ngủ chung với người.
- Đi thả câu vằng, mang đèn pin theo cho đỡ sợ!
Cung gọi tôi đến nhà, vòng ra sau rồi chỉ vào một cái rổ nhỏ trong đó lù lù một đống dây bố cao su nối dài được vòng xếp lên nhau gọn ghẽ. Một đoạn bẹ chuối tươi đã róc lá buộc chéo lên thành rổ. Có rất nhiều lưỡi câu thép được móc lên đó đều đặn, thẳng thớm như những người lính đang xếp hàng đợi lệnh. Cung vác cuốc ra vườn đào giun. Tìm giun cũng phải có mẹo. Cung bảo cứ nhìn vào chỗ đất đùn lên thì biết. Giống giun ưa ẩm, thích tụ lại ở đống rơm, lá tấp, cạnh cầu tiêu, vại nước. Có nhát cuốc vỡ ra được dăm bảy con. Cung chỉ chọn những con to bằng đầu đũa, da nâu sậm óng ánh cho vào cái ống nứa to cắt cụt một đầu. Bê cái rổ câu xuống, Cung thoăn thoắt tra mồi vào lưỡi. Những lưỡi câu khẳng khiu được vào mồi béo tròn, nằm sít vào nhau trên đoạn bẹ chuối dài chỉ độ hai gang tay. Cái giống giun cũng lạ. Bị ngắt đôi ba như thế mà chẳng chịu chết, cứ ngọ nguậy mãi.
Đánh bắt cá trên đồng (Ảnh: Huy Tùng)
Đợi trời tối hẳn, tôi mượn đèn pin đầu loe như cái gương sen của mẹ đi sang nhà Cung. Cung đã đứng đợi trước thềm. Cái rổ câu có dây treo đu đưa trước bụng trông như cái trống con tập nghi thức Đội. Đêm cuối thu, trời se lạnh mà nó chỉ vận mỗi cái quần cộc, lại lăn nép quần lên sát tận bẹn. Ra đến đường cái, Cung bảo tôi tắt đèn. Nó bảo, để lộ chỗ thả thì cá không được ăn mà câu cũng mất. Mấy hôm trước mưa to nên côn trùng vẫn chưa thôi rỉ rả. Tiếng ì ộp đều của mấy chú ếch vọng lên từ lùm dứa dại rậm rạp phía sau hè nhà thằng Sen. Con hói trước làng tràn theo cống duềnh lên một thứ nước đùng đục như nước hến làm ngập cả đám đất trũng cạnh cái ao lớn ngăn cách nhà tôi và nhà Cung. Cung quyết định thả câu vào đó. Để tôi ngồi đợi trên bờ, nó khệ nệ bưng rổ câu lội xuống nước. Trời tối sậm, chỉ nghe rõ tiếng chân bì bõm nơi cái bóng mờ mờ của Cung đang mằn thả dây câu. Độ mươi phút, vằng câu đã rải xong. Một vệt sáng ngoằn ngoèo giữa đám cỏ bị rẽ ra làm chỗ thả mồi.
Đêm ấy, tôi xin phép mẹ “ngủ lang” nhà Cung với cái cớ ôn bài học để sáng mai đi lấy câu cho sớm. Nhà Cung tuềnh toàng nhưng rộng rãi chán. Cái bàn lim đen bóng, dọn chỗ ấm bát uống nước là thành chỗ ngồi học. Cái giường Cung nằm ở sát bên cạnh nên khỏi phải kê thêm ghế. Mới ngồi chưa đầy một tiếng, Cung đã ngáp vặt và kêu buồn ngủ, thả người đánh uỵch trên giường. Một lát, đã thấy nó tay gối đầu, ngáy pho pho. Tôi phải giắt màn, kéo chiếc chăn chiên nhàu nhò ẩm mốc đắp lên cho nó.
Tảng sáng, khi trời hãy còn mịt mù hơi lạnh, Cung đã đánh thức tôi dậy, ấn vào tay tôi cái oi đít vịt bóng nâu màu khói bếp. Dựng đứng cổ áo che lạnh, tôi thấp thỏm bước theo Cung. Bóng nó lòa nhòa trong sương sớm. Bắt đầu từ chỗ que neo câu sát lề đường. Đoạn dây đầu nhấc lên nhẹ bẫng. Không còn mồi giun, chỉ trơ lại những lưỡi câu gầy gò rỉ những giọt nước tong tong xuống mặt ao nghe như những âm thanh cười cợt. Được một quãng thì thấy Cung rạp hẳn người trên mặt nước. Chỗ ấy, cỏ bị xiết lại thành một túm. Lùa tay xuống nước, Cung gỡ ra từ đám cỏ rối ấy một chú tràu to bằng cổ tay người lớn. Chắc dính câu đã lâu nên trông bộ dạng tràu ta lờ đờ, chậm chạp. Thấy có cá, tôi vội xắn quần nhảy ào xuống nước, trao cái oi cho Cung. Con cá rớt đánh thượt vào đáy oi, nặng trĩu. Tôi và Cung tiếp tục mằn theo dây câu. Nước sóng sánh vã lên quá nửa đùi. Rồi vằng câu dễ đến mấy chục mét ấy cũng được thu về, khoanh tròn ngoan ngoãn trong chiếc rổ. Lưỡi câu xộc xệch được găm lại lên bẹ chuối cũ đã heo héo. Khi ấy, sương sớm cũng đã loãng nhợt.
Về nhà, Cung mở nắp oi đổ tất cả ra sân. Được bảy con cả tràu lẫn lươn trong đó có hai con tràu chắc mắc câu từ chập tối nên cứng đờ trắng phệch như cá chết rét. Cung gạt đám cá ấy ra làm đôi bảo tôi chọn lấy một phần. Tôi ngần ngại không dám nhận ngang phần với nó. Cung chọn lấy hai con tràu to nhất đám và một con lươn vàng hươm xâu mang rồi ấn vào tay tôi: “Mang về mà ăn, nhà tớ còn ối cá”. Nó nói thêm: “Nếu thích, mình sẽ làm cho một bộ câu khác ta cùng đi thả cho vui. Chiều sang ta làm câu nhé!”.
Được thế thì còn gì bằng. Thằng Cung tính khí thất thường mà lại rộng bụng. Cầm xâu cá, tôi ù chạy về nhà, trong đầu phơi phới ý nghĩ hình như mình đã lớn. Chợt ngoái nghĩ đến thằng Cung, cái lưng nâu bóng như phản gỗ dỗi, mái đầu cắt cua lởm chởm. Chiều nay, nhất định phải sang nhà nó.