50 năm trôi qua, con cháu của Người, các thế hệ tiếp nối ngày càng cảm nhận mất mát này “thật là vô hạn”. Cả dân tộc Việt Nam biến đau thương, mất mát thành hành động trong việc đưa sự nghiệp cách mạng tiến lên theo Di chúc của Người, bản Di chúc mà Hồ Chí Minh đã đặt toàn bộ niềm tin của mình vào con đường đã vạch ra và vào tương lai xán lạn của dân tộc Việt Nam.
Trong bản Di chúc lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: "Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là việc rất quan trọng và rất cần thiết”. Ảnh tư liệu
Trong Di chúc, trước tình hình quốc tế và trong nước lúc đó, Người đã phải thốt lên “đau lòng” vì sự bất hòa giữa các đảng anh em; cách mạng Việt Nam đang đứng trước khó khăn mà “đồng bào ta có thể phải hy sinh nhiều của, nhiều người…”. Nhưng Người đã truyền niềm tin bằng tư tưởng kiên định vào con đường cách mạng. Người đề cập toàn diện các vấn đề về đường lối giải phóng miền Nam, về con đường XHCN ở miền Bắc; trù tính đến công cuộc khôi phục đất nước sau chiến tranh “hơn mười ngày nay”; tin vào người chèo lái là Đảng cầm quyền thực sự trong sạch, vững mạnh, thực hành dân chủ, do dân và vì dân; là sự đoàn kết toàn dân tộc, gắn với đoàn kết quốc tế.
Trong lúc cuộc chiến tranh đang diễn ra hết sức ác liệt, đồng bào, chiến sĩ cả nước đang chịu đựng nhiều gian khổ, hy sinh, tình hình quốc tế diễn ra phức tạp, hầu như cả thế giới đều sợ Mỹ, mà Người đã khẳng định ngay trong lời mở đầu Di chúc: “Cuộc chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn. Đó là một điều chắc chắn”. Điều này cho thấy, Người có tầm nhìn xa trông rộng, đã thấy rõ và có niềm tin khoa học dựa trên xu thế phát triển của tình hình; vào tính tất yếu của cuộc chiến tranh chính nghĩa và con đường phát triển tất yếu của thời đại.
Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự lễ kỷ niệm quốc gia 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh diễn ra sáng 30/8/2019. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN
Cơ sở chủ yếu để Người có niềm tin mãnh liệt như thế là đồng bào, chiến sĩ đã đồng lòng, đồng sức, chiến đấu dũng cảm vì Tổ quốc Việt Nam độc lập, thống nhất. Niềm tin mà Người đã tự nguyện dấn thân để tìm tòi, để chiến đấu suốt cuộc đời. Niềm tin đã lắng đọng, bền bỉ, thổn thức Người trong tư duy, cảm xúc, từ con tim, khối óc đi đến hành động, để truyền lại cho cả dân tộc trong bản Di chúc. Đó là sự kiên định, sự nhất quán không gì lay chuyển được vào chiến thắng mà Người đã nhấn mạnh từ “nhất định” đến 4 lần trong bản Di chúc để khẳng định niềm tin của mình.
Di chúc Hồ Chí Minh đặt niềm tin “trước hết” vào Đảng quang vinh; một Đảng cách mạng chân chính, đã thực thi sự lãnh đạo và cầm quyền, Đảng từ dân mà ra, một lòng một dạ phục vụ nhân dân; “đã lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến lên từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”.
Đọc diễn văn tại buổi lễ kỷ niệm quốc gia 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh diễn ra sáng 30/8/2019, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Đảng ta phải thấm nhuần sâu sắc những di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh". Ảnh: Phương Hoa/TTXVN
Người cho rằng, đoàn kết trong Đảng, đoàn kết toàn dân, “là một truyền thống cực kỳ quý báu” để có cơ sở và mang đến niềm tin vào thắng lợi. Người căn dặn, để giữ trọn niềm tin vào Đảng thì: “Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thực sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. Làm được như vậy thì dù gian khổ, khó khăn đến mấy chúng ta cũng nhất định vượt qua và giành thắng lợi.
Trong Di chúc, một vấn đề có tầm chiến lược đó là cần hết sức quan tâm và tin cậy vào thế hệ trẻ. Tương lai cách mạng sẽ tiếp bước như thế nào, có giữ mãi được niềm tin thắng lợi hay không chính là ở thế hệ trẻ. Bởi vậy, Người đã viết: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”. Đảng cần phải chăm lo giáo dục bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, đạo đức cách mạng, ý chí cách mạng và qua hành động cách mạng, đào tạo họ thành những người kế thừa “vừa hồng, vừa chuyên” xây dựng CNXH. Tin vào thế hệ trẻ, cũng là gửi gắm niềm tin vào con đường cách mạng mà Đảng và Người đã vạch ra, đó là độc lập dân tộc gắn liền với CNXH.
CNXH ở Việt Nam do chính Hồ Chí Minh nêu ra là mục tiêu, là giá trị, là điều mong muốn được kết tinh ở tầm trí tuệ của việc tiếp thu xu thế phát triển của nhân loại vào thực tiễn cách mạng Việt Nam. Điều mà Người đã suy nghĩ và gửi gắm mang tính tổng kết, để khép lại bản Di chúc: “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.
Khu lưu niệm Bác Hồ về thăm Hà Tĩnh tại TP Hà Tĩnh
Thực hiện điều mong muốn và niềm tin của Người, cả dân tộc đã đoàn kết chiến đấu đưa sự nghiệp cách mạng đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Sau khi giành được độc lập dân tộc và thống nhất nước nhà, Đảng ta đã tiến hành sự nghiệp đổi mới. Cương lĩnh của Đảng trong thời kỳ đổi mới đã thể hiện trọn vẹn định hướng mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH ở Việt Nam.
Đó là một xã hội phát triển trên nền tảng nhân văn và dân tộc, gắn liền dân tộc với thời đại; một xã hội “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Mục tiêu mà Hồ Chí Minh đã đề cập trong Di chúc, dù không có từ đổi mới, nhưng chứa đựng nội dung đổi mới một cách sâu sắc và phù hợp với thực tiễn của cách mạng Việt Nam trong xu thế hội nhập quốc tế và tiến trình phát triển của nhân loại.