Ngày mới trên vùng biển đẹp nhất nhì nam Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Bình minh lên chín hồng chân mây. Mặt trời đội đại dương vươn dậy. Những nan quạt khổng lồ vẽ màu hồng tươi. Một ngày mới bắt đầu trên vùng biển Kỳ Xuân (Kỳ Anh, Hà Tĩnh).

Ngày mới trên vùng biển đẹp nhất nhì nam Hà Tĩnh

Bình minh trên biển Kỳ Xuân. Ảnh: Quang Sáng

Muôn đời nay, hễ khi ráng đỏ đằng Đông là dân quê tôi lại hướng ra phía biển. Biển là áo cơm, là hơi thở cuộc sống để làm nên một làng biển xanh xanh bên triền sóng của đại dương bao la.

Cha truyền con nối, người Kỳ Xuân quê tôi lưng tựa sườn non, mặt hướng về biển Đông nơi muôn trùng sóng bạc. Khi ánh bình minh đỏ rực như son, làng quê xanh tươi, vệt biển xanh thẳm, non nước hữu tình kéo dài từ Tượng Lĩnh, Nam Vàng đến bên triền Mũi Trẹ là địa giới quê biển Kỳ Xuân.

Gần 13 km dài theo đầu sóng bạc, biển như vành nôi vỗ ru cuộc đời. Bao lớp người cần lao sống thủy chung với non xanh biển biếc mà tạo lập cờ đồ như ngày nay.

Qua thời chiến tranh khói lửa, qua buổi vất vả, gian lao, quê hương tôi giờ đây như buồm căng gió lộng, như con thuyền đè sóng vươn khơi. Luồng gió tươi mới của công cuộc đổi mới mấy chục năm đã mang lại sức sống mãnh liệt nơi xứ biển heo hút bao đời.

Ngày mới trên vùng biển đẹp nhất nhì nam Hà Tĩnh

Bờ biển Kỳ Xuân (Kỳ Anh). Ảnh: Tư liệu

Các bậc trưởng lão truyền rằng: Thuở xưa, dân tình vẫn gọi quê tôi là kẻ bể bởi sự hẻo lánh, đói nghèo. Nhưng bù lại, tạo hóa ban cho đất quê tôi vẻ đẹp kỳ vĩ, hoang sơ với những sản vật quý báu hiếm nơi nào có được.

Trong tờ tấu của tri phủ Lê Đức Trinh đời Bảo Đại thì quê tôi thuộc tổng Cấp Dẫn với thế núi vờn quanh biển biếc. Sau lưng núi non dựng thành, trước mặt biển xanh mênh mông. Thế núi theo mạch Tây - Đông, núi nào chừng như cũng muốn choài ra biển.

Từ đỉnh Chóp Cờ, Nam Vàng hay Mũi Trẹ, những ngọn núi như những con khủng long thuở hoang sơ đang vục đầu xuống biển. Thế núi vươn ra đại dương đã làm nên địa hình Kỳ Xuân với vô vàn rạn đá ngầm ven bờ tạo nên quần thể sản vật vô cùng phong phú và đa dạng.

Quần thể rạn đá bí hiểm và dày đặc là ngôi nhà cho sinh vật biển cư ngụ, cũng là nguồn sống của dân quê tôi.

"Cơm trắng ăn với tôm he/ Phải duyên kẻ bể thì về với anh". Đó là câu hát về vẻ chất phác mặn mòi của xứ biển quê tôi. Ánh sáng của công cuộc đổi mới đã đánh thức tiềm năng to lớn trên vùng quê hoang sơ, kỳ vĩ để Kỳ Xuân vươn mình lớn dậy.

Những con đường như tia sáng xuyên qua núi non vươn ra đầu ngọn sóng. Dân quê tôi âm thầm làm cuộc đổi đời bằng chính nội lực của mình một khi có Đảng chỉ đường.

Những con đường như những mũi tên lao về phía biển. Du khách về quê tôi để xem từng bầy cu kỳ kết đàn dạo cảnh. Mỗi buổi sáng hừng đông, lắng nghe xôn xao tiếng biển, bao ngọn bạc đầu vỗ ru bờ cát, tung bờm bên vách đá như giục ngư phủ ra khơi.

Những con thuyền đè sóng lướt trên mênh mông trùng dương. Trong màu son sóng sánh bình minh, bao cánh tay vạm vỡ buông lưới, vung chèo, in nền trong ráng đỏ.

Ngày mới trên vùng biển đẹp nhất nhì nam Hà Tĩnh

Bến chài Kỳ Xuân nhìn từ trên cao. Ảnh: Tư liệu

Sự sống sinh ra từ biển cả. Hướng về biển mà sinh tồn mà phát triển như là máu thịt của người quê tôi. Này là áo cơm truyền đời, này là giàu có đổi mới, này là mở mang cơ nghiệp... đều từ biển mà ra cả. Thành ra, biển cả như bầu sữa muôn đời của tạo hóa ban ân cho người dân nơi đây.

Hơn lúc nào hết, kinh tế biển đang được phát huy mạnh mẽ. Một vệt biển hoang vu gần 13 km đã được đầu tư, quy hoạch cho bến thuyền bãi tắm, du lịch nghỉ dưỡng.

Một khi đường vành đai ven biển hoàn thành, bạn hãy ngắm nhìn núi non kỳ thú, biển xanh êm đềm với ghềnh đá, bãi cát mịn màng và những con người cần lao mới biết sự trỗi dậy của sức sống mới ở quê tôi. Lão ngư Dương Xuân Dục vạm vỡ đồng hun nói át cả tiếng sóng:

- Dân biển Kỳ Xuân từng đi làm ăn khắp nơi, từ Bạch Long Vỹ đến Long Hải, Phú Quốc... Một ngày không đi biển thì buồn lắm. Hy vọng Nhà nước sẽ hỗ trợ để đóng tàu 250 mã lực ra tận Hoàng Sa, Trường Sa với bạn.

Mênh mang đại dương với bao nhiêu hải sản nhưng không phải là vô tận. Việc bảo vệ ngư trường, vươn khơi xa chính là bảo vệ nguồn lợi từ biển mang tính chiến lược lâu dài. Con người biết tôn trọng biển, biển cũng nhân hậu, bao dung trả ơn người bằng chính việc nuôi sống con người, mang đến cuộc sống ấm no và giàu có.

Ngày mới trên vùng biển đẹp nhất nhì nam Hà Tĩnh

Tôm he, một trong những đặc sản của biển Kỳ Xuân. Ảnh: Thiên Vỹ

Cứ mỗi sáng, mỗi chiều, những con thuyền cập biển, vật phẩm từ biển Kỳ Xuân lại đi muôn nơi. Với thắng cảnh hấp dẫn, bãi biển đẹp và hoang sơ, kỳ ảo, biển Kỳ Xuân là điểm đến của du khách muôn nơi.

Người ta về biển Kỳ Xuân với vẻ đẹp tự nhiên trong sạch, tắm mình trong sóng xanh, biển biếc để thưởng thức hải sản phong phú. Điều này giải thích vì sao, cứ mỗi mùa hè, bãi biển ở đây đông vui, nhộn nhịp, hệ thống nhà hàng dịch vụ cũng chỉnh trang bề thế hơn.

Núi non, biển cả Kỳ Xuân đang là nguồn lợi to lớn để quê tôi rũ đói nghèo mà sánh vai với bè bạn. Cứ chiều chiều khi mặt trời khuất sau đỉnh Chóp Cờ, núi Nam Vàng, biển Kỳ Xuân đông vui như hội. Người ta tìm về vẻ đẹp thuần khiết chân quê, về vùng sơn thủy hữu tình đầy thân thiện và mến khách.

Quê biển thanh bình đang từng ngày đổi mới. Dăng dăng ngọn sóng khơi xa vỗ ru triền xanh bên chân núi. Nắng chiều lấp lánh trên vệt biển mênh mang. Này ngọn Nam Vàng với khe Ồ Ồ long lanh nước chảy. Đây Thành Vạn Chỉ dấu tích vẫn còn ghi.

Nọ hòn Mụ Ông duyên tình đằm thắm. Kia động Đá Theo, Kẻ Bể rồi động Bún, hòn Trẹ… Đất thiêng vẫn sừng sững muôn đời. Bao đời tiền nhân mở mang trấn giữ để cháu con có được cơ đồ như hôm nay. Bái vọng ân đức người xưa là để tiếp bước cha ông mở mang xây dựng quê hương ngày một phồn thịnh, văn minh.

Chủ đề Làng nghề LĐVL

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast