Chuyện ở làng chài đá Kỳ Xuân…

(Baohatinh.vn) - Tôi vẫn thường gọi làng chài Kỳ Xuân (huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) là làng chài đá theo cách riêng của mình. Mỗi lần ngắm những con thuyền cá neo mình bên những bãi đá lô nhô nơi làng chài này, tôi lại nghĩ đến sự kiên gan và tình yêu biển của những ngư dân nơi đây.

Chuyện ở làng chài đá Kỳ Xuân…

Vẻ đẹp của làng chài Kỳ Xuân. Ảnh tư liệu

Có lẽ không bãi biển làng chài nào lại có nhiều ghềnh đá như ở Kỳ Xuân. Suốt chiều dài 13 km bờ biển lô nhô đá tảng ấy là 6/8 thôn làm nghề đánh bắt. Không biết ai đã đem những tảng đá ấy dựng ngay bờ biển để nơi đây thành vùng biển độc đáo nhất của Hà Tĩnh. Những tảng đá sừng sững như muốn che chở cho dân làng chài qua những phong ba của đại dương xanh thẳm, đồng thời cũng là tiếng lòng của lớp lớp ngư dân bao đời kiên định một tình yêu với biển.

Nghề biển tuy lắm gian nan và thăng trầm nhưng người Kỳ Xuân luôn có cách để gắn bó và yêu biển một cách nồng nhiệt. Hiện tại, toàn xã Kỳ Xuân có trên 600 hộ dân làm nghề biển với 160 thuyền đang hoạt động. Thu nhập bình quân của mỗi gia đình làm nghề biển từ 6-15 triệu đồng/tháng, tùy vào thời điểm trong năm.

Chuyện ở làng chài đá Kỳ Xuân…

Ngư dân Cao Trọng Tình (thôn Lê Lợi, xã Kỳ Xuân) đã có hơn 40 năm gắn bó với biển.

Trở về từ biển một sớm đầu xuân Canh Tý, với mẻ cá đù vẫn còn lấp lánh ánh bạc, lão ngư Cao Trọng Tình ở thôn Lê Lợi không giấu nổi niềm hân hoan. Bởi, với lão ngư có hơn 40 năm kinh nghiệm bám biển này, ra khơi đầu năm đã mang về “lộc biển” như thế này, báo hiệu một năm thuận lợi.

Ngắm nhìn gương mặt rắn rỏi, làn da mặn mòi vị biển và ánh mắt kiên trung của ông Tình, lắng nghe tiếng nói âm ba sóng biển của ông, tôi biết rằng, ông và biển đã ở trong nhau. Cuộc đời ông sinh ra là để dành cho biển và biển cũng vậy, đã trở thành nhà của ông, trở thành người bạn tri kỷ của ông. Tôi mường tượng về những lần ông nhổ neo ra khơi, những đêm tối ông nương náu vào biển, những ngày mưa, ngày nắng lênh đênh cùng sóng nước.

Ông Tình tâm sự: “Lần ra khơi đầu tiên là những năm 1980, lúc đó tôi vừa học xong cấp 3 và cũng là những ngày đầu tiên theo cha học nghề đánh cá. Những năm đó, biển Kỳ Xuân nhiều cá lắm, chúng tôi chỉ việc chèo thuyền ra nửa cây số là đã có thể đánh bắt được bao nhiêu là hải sản. Mỗi lần trở về đất liền đợi chờ chuyến đi mới, tôi thấy mình như càng gắn bó với biển nhiều hơn”.

Chuyện ở làng chài đá Kỳ Xuân…

“Hải sản Kỳ Xuân dồi dào, với nhiều đặc sản nổi tiếng nên ngư dân sống khỏe với biển”.

Trong lời kể chất chứa niềm tự hào về biển của ông Tình, tôi chợt nhớ đến những lý giải từ các chuyên gia Hải dương học về nguồn cơn về sự giàu có hải sản của vùng biển này. Với bờ biển trải dài, hầu hết dựa lưng vào núi, biển Kỳ Xuân có rất nhiều ghềnh đá và rặng san hô phong phú…

Đây là nơi trú ngụ yêu thích của rất nhiều loại hải sản như: Tôm hùm, cua, ghẹ, ốc, sò và các loại cá… Đặc biệt, vào mùa sinh sản, nhiều loài như mực, tôm hùm… tìm vào vùng biển này để sinh sôi, mùa biển động thì vào ẩn nấp. Vì thế, biển Kỳ Xuân mùa nào hải sản cũng dồi dào.

Thế nhưng, nghề biển cũng có những nốt trầm, nhất là dưới tác động của con người khiến môi trường biển có nhiều thay đổi.

Ông Tình kể: Những năm 1990 (thế kỷ XX), ngư dân Kỳ Xuân có sự thay đổi lớn về phương tiện đánh bắt. Thay thế những con thuyền chèo truyền thống là những con thuyền máy với công suất lớn hơn. Tuy nhiên, cũng vào thời điểm này, ngư trường bị phá hoại bởi một số thuyền ngoại tỉnh đến đánh bắt bằng nhiều hình thức tận diệt… Vì thế mà nguồn hải sản có lúc trở nên khan hiếm. Nhiều ngư dân Kỳ Xuân phải đến các vùng biển khác như Nha Trang, Phú Quốc… để mưu sinh.

Chuyện ở làng chài đá Kỳ Xuân…

Nhiều ngư dân nhờ biển, sắm được thuyền mới để tiếp tục ra khơi khai thác hải sản. (Trong ảnh: Ông Cao Trọng Tình và bạn nghề chuẩn bị cho chuyến ra khơi).

“Trong giai đoạn đó, tôi và nhiều bạn chài khác vẫn bám biển. Ngư trường lúc thắng, lúc thua, nhưng chúng tôi tin rằng, biển đã nuôi sống cha ông chúng tôi bao đời thì không có lý gì lại không cưu mang chúng tôi cả. Và thế là chúng tôi lại kiên trì bám trụ với nghề” - ông Tình chia sẻ thêm.

Còn ông Võ Hồng Nam ở thôn Xuân Tiến thoáng chút bần thần khi kể về sự cố môi trường biển năm 2016: “Đó là lúc chúng tôi thất vọng, nghĩ sẽ không bao giờ còn được làm công việc suốt cuộc đời mình và ông cha mình đã gắn bó. Nhưng rồi biển đã hồi sinh, đã trở lại là nơi mưu sinh cho người dân làng tôi. Những chuyến đi biển đều đặn hơn. Thậm chí, nhiều gia đình đã chuyển đổi tàu công suất nhỏ sang công suất lớn để đánh bắt xa bờ. Chỉ cần biển lặng thôi, ra khơi lúc nào về cũng có tôm, có cá. Hải sản Kỳ Xuân thơm ngon, có giá, đánh bắt dễ dàng nên người dân làng tôi đang và sẽ sống khỏe với biển…”.

Kỳ Xuân với những đặc sản ngon nổi tiếng giờ đây còn trở thành điểm đến yêu thích của khách du lịch. Những bãi đá tưởng chừng như vật cản lại trở thành điểm nhấn thu hút du khách. Hải sản của làng chài đá đánh bắt không đủ để cung cấp cho các nhà hàng sở tại, chính vì thế, ngư dân không còn phải vất vả trong tiêu thụ nguồn lợi đánh bắt nữa.

Chuyện ở làng chài đá Kỳ Xuân…

Với lợi thế bãi biển đẹp, độc đáo, Kỳ Xuân sẽ được xây dựng thành khu đô thị ven biển trong tương lai. Ảnh tư liệu

Chủ tịch UBND xã Kỳ Xuân Nguyễn Thành Chung cho biết: “Hiện nay, chúng tôi đang trong quá trình hoàn thành đề án xây dựng Kỳ Xuân thành khu đô thị ven biển của tỉnh. Trong đó, nội dung rất được quan tâm là phát triển bền vững nghề cá truyền thống của địa phương.

Đặc biệt, với những ưu thế độc đáo riêng biệt của những làng chài nơi đây, dự án còn hướng tới xây dựng mô hình du lịch trải nghiệm. Mô hình này không chỉ giúp du khách có những khám phá thú vị đối với công việc đánh bắt hải sản khi đến với biển Kỳ Xuân mà còn giúp ngư dân có thêm thu nhập song hành cùng nghề cá”.

Đến Kỳ Xuân trong một ngày đầu xuân Canh Tý, lắng nghe những câu chuyện thăng trầm của nghề đi biển, ngắm nhìn hình ảnh phối cảnh quy hoạch khu đô thị ven biển, tôi như nghe muôn lớp sóng đang vỗ vào lòng mình những thanh âm đẹp đẽ nhất của tình yêu quê hương, đất nước.

Chủ đề Du lịch Hà Tĩnh

Đọc thêm

Cụ bà U100 say mê Truyện Kiều

Cụ bà U100 say mê Truyện Kiều

Truyện Kiều có sức sống mãnh liệt trong văn học Việt Nam, phổ biến trong các tầng lớp nhân dân. Dù gần 100 tuổi, cụ Trần Thị Tám ở xã Hồng Lộc (Hà Tĩnh) vẫn thuộc và say sưa luận giải Kiều.
Có một "phố cổ" giữa lòng xã nhỏ nhất Hà Tĩnh

Có một "phố cổ" giữa lòng xã nhỏ nhất Hà Tĩnh

Giữa một vùng quê ven sông La - nơi được biết đến là xã nhỏ nhất của tỉnh Hà Tĩnh lại tồn tại một góc phố mang dáng dấp cổ kính, phảng phất hồn xưa như một “phố cổ Hà Nội” thu nhỏ.
Làng Phú Quý trù phú, xanh tươi

Làng Phú Quý trù phú, xanh tươi

Về thôn Phú Quý, xã Đông Kinh, tỉnh Hà Tĩnh. Dạo bước trên những tuyến đường bê tông nhựa rộng rãi, không chỉ cảm nhận được sự bình yên, trù phú mà còn thấy rõ sức sống mới của miền quê trù phú, xanh tươi 
Thắp sáng giá trị gia đình Việt giữa nhịp sống mới

Thắp sáng giá trị gia đình Việt giữa nhịp sống mới

Bằng nhiều cách tiếp cận và truyền tải linh hoạt, ngành VH-TT&DL Hà Tĩnh đang nỗ lực làm mới công tác gia đình, để các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp tiếp tục được khơi dậy và lan tỏa trong cộng đồng.
Khi ví, giặm "chạy show"…

Khi ví, giặm "chạy show"…

Không còn đơn thuần xuất hiện trên sân khấu hội diễn tuyên truyền, dân ca ví, giặm ở Hà Tĩnh từng bước hiện diện trong các show diễn giải trí, chuyển hóa thành sản phẩm của công nghiệp văn hóa.
Anh Nghĩa làm nhiều việc nghĩa

Anh Nghĩa làm nhiều việc nghĩa

Bằng nhiều việc làm cụ thể, thiết thực như hiến đất mở đường, giúp đỡ người nghèo, tích cực trong các hoạt động của địa phương, anh Trương Quang Nghĩa, thôn Bắc Thượng, xã Thạch Đài (TP Hà Tĩnh) đã góp sức làm cho quê hương thay da đổi thịt.
Đình làng - nơi lưu giữ những giá trị truyền thống

Đình làng - nơi lưu giữ những giá trị truyền thống

Cây đa, bến nước, sân đình là biểu tượng của làng quê trong tâm thức bao thế hệ. Trong đó, đình làng là nơi sinh hoạt văn hóa của cộng đồng, nơi lưu giữ nhiều nét văn hóa truyền thống đặc trưng của mỗi làng quê, đang cần được khôi phục và phát huy.
Người gieo "hạt giống" đoàn kết

Người gieo "hạt giống" đoàn kết

Ông Hồ Duy Lý - Bí thư Chi bộ thôn Song Hải, xã Thạch Sơn (Thạch Hà, Hà Tĩnh) luôn là tấm gương sáng về tinh thần trách nhiệm, tận tụy vì dân, sống trọn nghĩa đạo - đời.
Cô gái trẻ Hà Tĩnh 22 tuổi, 21 lần hiến máu

Cô gái trẻ Hà Tĩnh 22 tuổi, 21 lần hiến máu

Hơn 4 năm kể từ lần đầu tiên hiến máu, đến nay, ở độ tuổi 22, Hoàng Thị Hồng Thương (xã Đan Trường, Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đã có đến 21 lần tham gia hiến máu và hiến tiểu cầu.
Thuyết minh viên Đào Anh Tuân: Người “kết nối” lịch sử và hiện tại

Người “kết nối” lịch sử và hiện tại

Học Bác từ những điều bình dị, giản đơn để làm tốt chức trách, nhiệm vụ được giao, hơn 20 năm nay, anh Đào Anh Tuân - Phó Bí thư chi bộ, Phó Giám đốc Ban Quản lý Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc và Khu tưởng niệm Lý Tự Trọng (Hà Tĩnh) trở thành người “kết nối” lịch sử nơi “tọa độ lửa” Ngã ba Đồng Lộc.
Ông bí thư bán cả gia tài giúp làng quê đổi mới

Ông bí thư bán cả gia tài giúp làng quê đổi mới

Nhận trọng trách Bí thư Chi bộ thôn Tân Vĩnh Cần, xã Cẩm Thành (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh), ông Mai Văn Tường gương mẫu đi đầu, "thắp lửa" cho phong trào xây dựng nông thôn mới bằng quyết tâm cao, nghị lực lớn và cả những hy sinh để biến một làng quê khó khăn thành điểm sáng.