Với chiều dài 137 km trải dài từ Cửa Hội (Nghi Xuân) đến Hoành Sơn (Kỳ Anh), biển Hà Tĩnh ghi dấu trong lòng du khách những ấn tượng khó quên. Tìm về chiều sâu văn hóa biển lại càng thấy thêm yêu mến và tự hào về một dải non nước quê hương.
Các bãi biển Hà Tĩnh được nhiều người biết đến là: Xuân Thành (Nghi Xuân), Thạch Bằng (Lộc Hà), Thạch Hải (Thạch Hà), Thiên Cầm (Cẩm Xuyên), Kỳ Xuân, Mũi Đao - Hoành Sơn (Kỳ Anh) và gần đây bãi biển Kỳ Ninh (TX Kỳ Anh) vừa mới được đưa vào khai thác. Các bãi biển này đều có chung đặc điểm là địa hình bằng phẳng, nước trong xanh, hầu hết đều gắn với các dải núi ăn lan ra biển, tạo nên những bức tranh sơn thủy hữu tình khổng lồ.
Video: Kỳ Xuân - biển hẹn (Nguồn: Sở TT&TT Hà Tĩnh)
Mũi Đao (Kỳ Nam - TX Kỳ Anh). Ảnh: Nguyễn Thanh Hải
Bình minh trên biển Xuân Yên - Nghi Xuân - Ảnh: Đặng Thiện Chân
Đua thuyền trên cửa Khẩu Kỳ Ninh - TX Kỳ Anh. Ảnh: Công Việt
Ngư dân Thạch Kim (Lộc Hà) rộn ràng ngày mới. Ảnh: Nguyễn Thanh Hải.
Biển Thiên Cầm gắn với núi Cầm Sơn - Cao Vọng, biển Mũi Đao - Hoành Sơn gắn với dải Hoành Sơn nằm ngang, biển Thạch Bằng gắn với núi Bằng Sơn đều có phong cảnh rất nên thơ… Đặc biệt, bãi biển Kỳ Xuân, Mũi Đao - Hoành Sơn còn có bãi đá lô nhô đủ hình dạng ven bờ rất đẹp để du khách có thể thỏa thích ngắm nhìn và ghi lại hình ảnh kỷ niệm.
Biển ngang Hà Tĩnh có nguồn hải sản rất dồi dào. Ảnh: Hoài Nam
Các bãi biển đều gần với cửa sông (Cửa Hội, Cửa Sót, Cửa Nhượng, Cửa Khẩu) và các làng nghề đánh cá truyền thống như Xuân Hội, Thạch Kim, Cẩm Nhượng, Kỳ Ninh... nên có nguồn hải sản dồi dào phục vụ du khách. Mực, cá, tôm, cua, ghẹ... rất ngon nhờ vị trí biển ngang.
Mực nhảy Vũng Áng (TX Kỳ Anh) hấp dẫn du khách gần xa. Video: Trang Tấn Tuấn
Đặc biệt, mực nhảy Vũng Áng (gần bãi biển Kỳ Ninh, bãi biển Hoành Sơn) ngon nổi tiếng, chưa có nơi nào sánh được; chim cu kỳ, cụp, tôm hùm ở biển Kỳ Xuân, cá và nước mắm Nhượng Bạn... đều đã đi vào tâm thức của rất nhiều người bởi dư vị riêng. Đến các bãi biển, du khách còn có thể đi chợ cá Cồn Gò (Cẩm Nhượng), chợ cá Thạch Kim, thăm các cơ sở chế biến nước mắm truyền thống ở Kỳ Xuân, Kỳ Ninh v.v…
Nằm trên vùng đất cổ Việt Thường thời xa xưa, lại là biên giới phía Nam của nước Đại Việt, nơi dừng chân của nhiều đoàn xa giá nhà vua đi về phương Nam nên bờ biển Hà Tĩnh gắn nhiều với truyền thuyết, sự tích, huyền thoại. Tên gọi Thiên Cầm được dân gian lý giải bởi hai sự tích: chuyện thứ nhất là Vua Hùng thứ 13 trong một lần đi qua đây, ngủ lại một đêm, nghe tiếng gió vi vu và tiếng thông reo hòa cùng tiếng sóng vỗ như tiếng đàn trời nên đặt tên là Thiên Cầm (Đàn Trời).
Biển Thiên Cầm. Ảnh: Huy Tùng
Chuyện thứ 2 gần với hiện thực hơn, đó là vào năm 1407, thời kỳ giặc Minh sang xâm lược nước ta, cha con Hồ Quý Ly thua trận phải bỏ thành nhà Hồ ở Thanh Hóa chạy vào bờ biển Cẩm Nhượng ẩn náu, đến đây, giặc Minh truy đuổi và bắt được trên núi Cầm Sơn (cầm có nghĩa là bị giữ lại, sơn là núi). Trên núi này, hiện còn có một cái hang được gọi là hang Hồ Quý Ly.
Biển Kỳ Ninh gắn với truyền thuyết trung thần liệt nữ Nguyễn Thị Bích Châu, vợ của vua Trần Duệ Tông khi theo chồng xa giá về phương Nam đã gặp chiến thuyền địch. Trong cơn nguy biến, bà cũng xung trận như nam tướng và hy sinh. Thi hài bà lúc đầu an táng ở đền Eo Bạch cạnh cảng Vũng Áng, sau đó trên đường chiến thắng trở về, nhà vua mới cho làm lễ và rước sang bên kia sông, ở vị trí đền Chế Thắng phu nhân (Bà Hải) bây giờ.
Bãi biển Kỳ Xuân lại gắn với truyền thuyết vua Quang Trung khi hành quân ra Bắc đánh quân Thanh đã cho quân lính dừng chân nghỉ tại đây để dưỡng sức. Vì vậy mà bãi biển này còn gọi là bãi biển Nguyễn Huệ (tên húy của vua). Ngày nay, để tưởng nhớ vị minh quân, ở đây có một ngôi làng mang tên Nguyễn Huệ.
Lễ hội Đền Chiêu Trưng Đại vương Lê Khôi. Ảnh: Huy Tùng
Gắn với các truyền thuyết này, người dân đã lập đền, chùa thờ cúng các vị quân thần. Chính vì thế, gắn với các bãi biển này còn có các di tích lịch sử văn hóa như chùa Yên Lạc, chùa Cầm Sơn, đền Bà Hải, đình Hội Thống, dấu tích thương cảng cổ Hội Thống (Xuân Hội), đền Chiêu Trưng Đại vương Lê Khôi v.v…
Cùng với hệ thống di tích danh thắng, các bãi biển Hà Tĩnh còn gắn với các lễ hội, sinh hoạt văn hóa như lễ hội Cầu Ngư (Cẩm Nhượng), lễ hội đền Lê Khôi (Thạch Hải), lễ hội đền Bà Hải (Kỳ Ninh)... thể hiện đời sống tinh thần phong phú, đa dạng của người dân vùng biển. Đây cũng là nét đặc trưng riêng, hấp dẫn du khách.
Nhận rõ tiềm năng và thế mạnh của các bãi biển Hà Tĩnh, với cơ chế thu hút đầu tư của tỉnh, nhiều tổ chức, cá nhân, đặc biệt là các tập đoàn lớn đã đầu tư nhằm phát triển du lịch. Hiện nay, toàn tỉnh có 265 khách sạn, nhà nghỉ với trên 5.000 phòng. Thiên Cầm - khu du lịch trọng điểm quốc gia được đầu tư lớn nhất với 19 khách sạn, nhà nghỉ, số lượng gần 800 phòng.
Biển Xuân Thành (Nghi Xuân). Ảnh: Đậu Hà
Tại vùng biển Lộc Hà, Tập đoàn Vingroup đầu tư dự án Vinpear Cửa Sót với hệ thống biệt thự nghỉ dưỡng đẳng cấp 5 sao, công viên nước hiện đại và hấp dẫn. Gần đây, Tập đoàn Hà Mỹ Hưng cũng đầu tư 50 tỷ đồng xây dựng khu biệt thự nghỉ dưỡng, khách sạn, nhà hàng cao cấp Cánh Buồm ở bãi biển Thạch Bằng.
Khu du lịch biển Xuân Thành sau thời gian bị lãng quên nay đang trỗi dậy sức sống mới bởi dự án Hoa Tiên Paradise Xuân Thành Golf và Resort với các chức năng nghỉ dưỡng, giải trí, thể thao cao cấp...
Triển khai Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn và Chiến lược biển Việt Nam, ngày 17/12/2017, BTV Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về phát triển du lịch đến năm 2025 và những năm tiếp theo. HĐND tỉnh cũng ban hành nghị quyết về một số chính sách phát triển du lịch đến năm 2025 và những năm tiếp theo.
Nhiều địa phương cũng đã tích cực thu hút đầu tư, xây dựng hạ tầng cho các khu du lịch biển. Đây là những “cú hích” lớn giúp các khu du lịch biển phát triển, nhằm khai thác hết tiềm năng du lịch biển Hà Tĩnh, góp phần đưa Chiến lược biển Việt Nam trở thành hiện thực.
Ảnh: PV - CTV
thiết kế: huy tùng