Điểm trường mầm non tại bản Phú Lâm thuộc Trường Mầm non xã Phú Gia cách trung tâm thị trấn Hương Khê hơn 17 km. Đây là nơi học tập của hơn 30 trẻ mầm non dân tộc Lào, Nùng, Tày, Kinh và Chứt. Theo khảo sát, điểm trường sẽ tiếp tục đón nhận thêm 30 cháu trong năm học tới.
Kể từ khi được xây dựng cách đây hơn 15 năm, điểm trường chưa một lần được tu sửa và trở nên xuống cấp trầm trọng, ảnh hưởng tới công tác dạy và học.
Điểm trường bao gồm 2 căn nhà cấp 4, một căn được sử dụng làm phòng học, căn còn lại là nơi ăn và ngủ bán trú của học sinh.
Trải qua thời gian, nhiều hạng mục đã xuống cấp, hư hỏng: Tường, sàn nhà bong tróc, cửa gỗ bị mối mọt ăn...
Cô Lê Thị Hữu - người đã gắn bó với điểm trường gần 25 năm, cho biết: "Dù rất muốn các cháu được học trong một mái trường sạch sẽ, khang trang nhưng kinh phí không có, các cô chỉ còn cách hỏng chỗ nào thì sửa chỗ đấy".
Cứ một thời gian, giáo viên tại điểm trường phải mua xi măng và tự mình trám các vị trí bong tróc trên sàn nhà.
Những cánh cửa bị mối một ăn, hư hỏng phải chắp vá
"Vào những đợt nắng nóng, dù có sử dụng tới 3 chiệc quạt cũng không thể xua tan cái nóng trong căn nhà lợp mái tôn này. Nhìn nhiều em trằn trọc không ngủ được, dù rất thương nhưng cũng không biết phải làm sao" - cô Lê Thị Hữu chia sẻ
Không có mái che, những thiết bị vui chơi của trẻ phải phơi nắng, mưa nên rất nhanh bị hư hỏng
Mong rằng, trong thời gian tới, các cấp, ngành sẽ có phương án huy động các nguồn lực, nhất là nguồn xã hội hóa từ các tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm... để trùng tu, sửa chữa, cải tạo dãy nhà học, giúp các cháu mầm non nơi vùng biên được học tập trong điều kiện tốt hơn