Được bố sung 2 nhân viên y tế học đường, Trạm Y tế Kỳ Thọ hiện có 6 người, nhưng lại thiếu bác sỹ
Trạm Y tế xã Kỳ Thọ được xây dựng trên khuôn viên khá rộng, thế nhưng, với mô hình thiết kế từ cách đây hàng chục năm, các phòng chức năng lại nhỏ hẹp. Cùng đó, do nằm ở vùng thấp trũng, thường chịu sự tàn phá của thiên tai nên đến nay, hầu như các phòng làm việc đều xuống cấp, không còn thực hiện được chức năng của nó.
Phòng tiêm, nơi triển khai các đợt tiêm phòng cho trẻ trong độ tuổi đã dột nát nhiều năm nay. “Theo quy định, sau khi tiêm phòng, trẻ phải lưu lại trạm ít nhất 30 phút để theo dõi, phòng tránh những tai biến có thể xảy ra. Tuy nhiên, do phòng vừa bị dột, vừa bị mưa tạt từ phía các cửa sổ đã mục nát, nên nếu không may lịch tiêm phòng rơi vào ngày mưa thì vất vả vô cùng. Có những lần gặp trận mưa to, không còn chỗ để lưu trẻ tiêm phòng để theo dõi nên chúng tôi phải sơ tán các cháu sang hội trường UBND xã cách trạm vài trăm mét”- chị Phạm Hoa Sâm - điều dưỡng Trạm Y tế Kỳ Thọ chia sẻ.
Phòng điều trị xuống cấp, nền nhà bị sụt lún khiến bệnh nhân không yên tâm
Các phòng chức năng khác như: phòng điều trị, phòng sản cũng chung cảnh xập xệ, nhếch nhác. Phòng điều trị thì tường nhà bong tróc nham nhở, nền nhà sụt lún khiến người dân khi đến khám đều có tâm lý không yên tâm. Còn phòng sản cũng không còn đáp ứng các yêu cầu về hạ tầng, vệ sinh nên hơn 1 năm nay đã không còn đón sản phụ đến sinh con ở trạm y tế xã.
Ngoài khó khăn về cơ sở vật chất, đến nay, Trạm Y tế xã Kỳ Thọ chưa được bổ sung bác sỹ kể từ khi bác sỹ của trạm không may bị mất do tai nạn hơn 1 năm qua. “Mặc dù đội ngũ cán bộ, nhân viên của trạm luôn cố gắng làm tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho người dân, nhưng vì không có bác sỹ, bản thân tôi cũng như các y tá, điều dưỡng vẫn thiếu tự tin, lúng túng khi gặp phải những tình huống phức tạp. Chúng tôi mong muốn cấp trên sớm bổ sung bác sỹ cho trạm” - y sỹ Cao Thị Hồng, Trạm trưởng Trạm Y tế xã chia sẻ.
Phòng sản không đủ điều kiện hoạt động hơn 1 năm nay
Được biết, mỗi năm Trạm Y tế xã Kỳ Thọ có khoảng 2.000 bệnh nhân đến khám, điều trị; mỗi đợt tiêm chủng cho trẻ em trong độ tuổi, trạm phục vụ khoảng 50-60 trẻ. Để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân, địa phương đã đầu tư sửa chữa một số hạng mục nhưng sự đầu tư nhỏ lẻ này không cải thiện bao nhiêu so với sự xuống cấp về tổng thể của Trạm Y tế xã.
Chị Nguyễn Thị Bình, thôn Sơn Tây (Kỳ Thọ) bày tỏ: "Mặc dù cán bộ của trạm rất tận tình với bệnh nhân, nhưng với điều kiện hạ tầng của trạm hiện nay, chúng tôi chủ yếu chỉ đến khám, lấy thuốc về. Có lúc muốn nằm lại để theo dõi, điều trị cũng thấy không yên tâm".
Sớm được bố trí nguồn lực, con người để xây dựng trạm y tế đạt chuẩn, đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân là mong muốn chung của cả người dân, cán bộ, nhân viên ở Trạm Y tế và cấp ủy, chính quyền xã Kỳ Thọ, nhất là trên lộ trình địa phương phấn đấu đạt chuẩn NTM vào cuối năm 2019.