[Điều lệ Đảng] Thông qua tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV

(Baohatinh.vn) - Ngày 3/2/1930, một sự kiện lịch sử đã đánh dấu bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam, đó là việc thành lập Đảng ta, Đảng Cộng sản Đông Dương, được đổi tên là Đảng Lao động Việt Nam từ năm 1951, và ngày nay là Đảng Cộng sản Việt Nam. Đảng quang vinh do Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ vĩ đại của giai cấp công nhân và của dân tộc, sáng lập, giáo dục và rèn luyện.

thi-hanh-dieu-le-dang-3664.png

Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam

Đảng và những vấn đề cơ bản về xây dựng Đảng

Ngày 3 tháng 2 năm 1930, một sự kiện lịch sử đã đánh dấu bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam. Đó là việc thành lập Đảng ta, Đảng Cộng sản Đông Dương, được đổi tên là Đảng Lao động Việt Nam từ năm 1951, và ngày nay là Đảng Cộng sản Việt Nam, Đảng quang vinh do Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ vĩ đại của giai cấp công nhân và của dân tộc, sáng lập, giáo dục và rèn luyện. Từ đó đến nay, trải qua gần nửa thế kỷ, Đảng đã lãnh đạo nhân dân cả nước đoàn kết chiến đấu, vượt qua muôn vàn thử thách gian lao, đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Cách mạng Tháng Tám thành công đã lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á.

Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ oanh liệt, đã giải phóng một nửa nước, đưa miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội và mở đầu sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ.

Thắng lợi trọn vẹn của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, với cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, kết thúc bằng Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đã giải phóng hoàn toàn đất nước, thành lập nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đưa nước nhà bước vào kỷ nguyên độc lập, thống nhất và chủ nghĩa xã hội. Thắng lợi vĩ đại đó có ảnh hưởng to lớn đối với phong trào cách mạng thế giới, đã nâng dân tộc Việt Nam lên hàng các dân tộc tiên phong trong cuộc đấu tranh vì lý tưởng cao cả của loài người và báo hiệu sự phá sản hoàn toàn không thể tránh khỏi của chủ nghĩa thực dân mới do đế quốc Mỹ đứng đầu.

Những thắng lợi có ý nghĩa quốc tế và có tính chất thời đại trên đây chứng tỏ Đảng ta thật sự là một đảng Mác - Lênin vững mạnh, một đội ngũ kiên cường của phong trào cộng sản quốc tế.

Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng của giai cấp công nhân Việt Nam, là đội tiên phong, bộ tham mưu chiến đấu có tổ chức và là tổ chức cao nhất của giai cấp công nhân Việt Nam. Đảng đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của cả dân tộc; đồng thời Đảng làm tròn nghĩa vụ của mình đối với phong trào cộng sản quốc tế.

Đảng gồm những người ưu tú nhất, có giác ngộ cộng sản chủ nghĩa, gương mẫu, dũng cảm và hy sinh nhất trong giai cấp công nhân, giai cấp nông dân tập thể, tầng lớp trí thức xã hội chủ nghĩa và các tầng lớp lao động khác, tự nguyện đứng trong hàng ngũ Đảng để phấn đấu cho mục đích và lý tưởng của Đảng.

Mục đích của Đảng là thực hiện chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản ở Việt Nam.

Đảng Cộng sản Việt Nam lấy chủ nghĩa Mác - Lênin làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động của mình. Đảng vận dụng một cách sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của cách mạng Việt Nam, coi trọng việc tổng kết những kinh nghiệm đấu tranh cách mạng của Đảng và của dân tộc, tiếp thụ những kinh nghiệm tốt của các đảng anh em, những tinh hoa trí tuệ của thời đại, đề ra đường lối, chính sách một cách độc lập, tự chủ để lãnh đạo thắng lợi cách mạng Việt Nam.

Đảng ra sức giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin và đường lối, chính sách của Đảng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, làm cho tư tưởng của chủ nghĩa Mác - Lênin chiếm ưu thế tuyệt đối trong đời sống tinh thần của xã hội và trở thành hệ tư tưởng của toàn dân.

Đảng không ngừng nâng cao trình độ lý luận và thực tiễn, bồi dưỡng kiến thức khoa học, kỹ thuật và quản lý cho cán bộ, đảng viên.

Đảng bảo vệ sự trong sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin, chống mọi khuynh hướng cơ hội hữu và "tả", và khắc phục mọi biểu hiện của chủ nghĩa kinh nghiệm, chủ nghĩa giáo điều và bệnh chủ quan một chiều.

Đảng Cộng sản Việt Nam là hạt nhân lãnh đạo nền chuyên chính vô sản ở nước ta. Đảng có nhiệm vụ thống nhất, lãnh đạo mọi hoạt động của Nhà nước và của xã hội, tập trung nỗ lực của toàn dân, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội trong cả nước, bảo vệ độc lập, thống nhất vĩnh viễn của Tổ quốc.

Toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta phải tăng cường đoàn kết, ra sức phấn đấu xây dựng Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa có công, nông nghiệp hiện đại, quốc phòng vững mạnh, văn hoá và khoa học tiên tiến, có cuộc sống văn minh và hạnh phúc.

Để đạt mục tiêu đó, phải nắm vững chuyên chính vô sản, phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động, tiến hành đồng thời ba cuộc cách mạng: cách mạng về quan hệ sản xuất, cách mạng khoa học - kỹ thuật, cách mạng tư tưởng và văn hoá, trong đó cách mạng khoa học - kỹ thuật là then chốt; đẩy mạnh công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa là nhiệm vụ trung tâm của cả thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội; xây dựng chế độ làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa, xây dựng nền sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa, xây dựng nền văn hoá mới, xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa; xoá bỏ chế độ người bóc lột người, xoá bỏ nghèo nàn và lạc hậu; không ngừng đề cao cảnh giác, thường xuyên củng cố quốc phòng, giữ gìn an ninh chính trị và trật tự xã hội; xây dựng thành công Tổ quốc Việt Nam hoà bình, độc lập, thống nhất và xã hội chủ nghĩa; góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội.

Đảng Cộng sản Việt Nam kết hợp một cách đúng đắn chủ nghĩa yêu nước chân chính với chủ nghĩa quốc tế vô sản, chống mọi biểu hiện của chủ nghĩa dân tộc tư sản và tiểu tư sản.

Đảng chăm lo tăng cường tình đoàn kết chiến đấu và quan hệ hợp tác tương trợ giữa nước ta và các nước xã hội chủ nghĩa anh em, làm hết sức mình để góp phần tăng cường sự đoàn kết, thống nhất giữa các đảng cộng sản và công nhân trên thế giới; ra sức ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc chống đế quốc xâm lược, chống chủ nghĩa thực dân cũ và mới; ra sức ủng hộ sự nghiệp chính nghĩa của giai cấp công nhân và nhân dân lao động các nước tư bản; xây dựng mối quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa nước ta và các nước khác trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền dân tộc, bình đẳng và cùng có lợi.

Đảng Cộng sản Việt Nam liên hệ chặt chẽ với quần chúng, không ngừng chăm lo xây dựng chế độ làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa, phát huy mọi khả năng sáng tạo của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, phát huy cao nhất sức mạnh tổng hợp của hệ thống chuyên chính vô sản.

Đường lối, chính sách của Đảng phải thể hiện ý chí và nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Đảng và mỗi đảng viên phải tôn trọng và phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân, chăm lo đời sống của nhân dân, đi sâu, đi sát quần chúng, tuyên truyền, giáo dục, vận động quần chúng làm tròn nghĩa vụ đối với Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Đảng kiên quyết đấu tranh chống bệnh quan liêu, mệnh lệnh, chuyên quyền, độc đoán, xa rời thực tế, xa rời quần chúng.

Đảng coi trọng việc tổ chức cho quần chúng góp ý kiến vào đường lối, chính sách của Đảng, tích cực tham gia sinh hoạt chính trị và quản lý nhà nước, góp phần kiểm tra sự hoạt động của tổ chức Đảng và Nhà nước, kiểm tra tư cách của cán bộ, đảng viên. Đảng khuyến khích và hoan nghênh quần chúng phê bình công việc của Đảng, của Nhà nước, phê bình cán bộ, đảng viên và thành khẩn tiếp thụ ý kiến phê bình đúng đắn của quần chúng.

Đảng chăm lo xây dựng và củng cố chính quyền, phát huy một cách có hiệu quả chức năng quản lý của Nhà nước chuyên chính vô sản, Nhà nước thật sự của dân, do dân, vì dân, thể hiện quyền làm chủ của nhân dân, và thông qua chính quyền mà thực hiện sự lãnh đạo của Đảng đối với xã hội.

Đảng chăm lo xây dựng và củng cố Đoàn thanh niên, Công đoàn, Hội phụ nữ và các đoàn thể cách mạng khác của quần chúng, xây dựng Mặt trận dân tộc thống nhất trên cơ sở liên minh công nông; ra sức phát huy tính tích cực và tính chủ động của các đoàn thể và Mặt trận trong việc giáo dục, vận động và tổ chức quần chúng thực hiện đường lối của Đảng, tích cực tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế, giải quyết các vấn đề thiết thực về đời sống của quần chúng.

Đảng Cộng sản Việt Nam là một khối thống nhất về ý chí và hành động, được tổ chức theo nguyên tắc tập trung dân chủ, lấy tự phê bình và phê bình làm một quy luật phát triển và có kỷ luật nghiêm minh.

Tập trung dân chủ là nguyên tắc tổ chức cơ bản của Đảng. Nguyên tắc ấy, một mặt, bảo đảm phát huy tính tích cực và tính sáng tạo của mọi tổ chức của Đảng và đảng viên trong việc tham gia xây dựng và thực hiện đường lối, chính sách của Đảng; mặt khác, bảo đảm sự thống nhất ý chí và hành động của Đảng.

Đảng luôn luôn giữ vững lãnh đạo tập thể là nguyên tắc lãnh đạo cao nhất của Đảng, đồng thời kết hợp chặt chẽ lãnh đạo tập thể với cá nhân phụ trách, phát huy tinh thần trách nhiệm của cá nhân. Dân chủ và kỷ luật trong Đảng phải được xây dựng thành chế độ chặt chẽ. Đảng chống mọi biểu hiện tập trung quan liêu, độc đoán, dân chủ tập thể hình thức, cũng như chống mọi biểu hiện phân tán, cục bộ, bản vị, địa phương chủ nghĩa, tự do vô kỷ luật, bè phái.

Các tổ chức của Đảng từ trung ương đến cơ sở và mọi đảng viên phải nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình; cấp trên phải tự phê bình trước cấp dưới và tổ chức tốt việc phê bình từ dưới lên. Tự phê bình và phê bình phải thành thật, thẳng thắn, và nhằm mục đích hoàn thành nhiệm vụ, xây dựng tổ chức, giúp đỡ nhau tiến bộ. Đảng nghiêm cấm những hành động trấn áp phê bình, trù dập cá nhân, và có thái độ nghiêm khắc đối với bất cứ cán bộ, đảng viên và tổ chức nào phạm các khuyết điểm ấy.

Đảng coi việc giữ gìn đoàn kết nhất trí trong Đảng trên cơ sở đường lối chính trị và nguyên tắc tập trung dân chủ là sinh mệnh của Đảng, và kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, chống mọi biểu hiện chia rẽ, bè phái trong Đảng. Giữa cán bộ, đảng viên phải xây dựng tình thương yêu đồng chí sâu sắc. "Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình".

Đảng Cộng sản Việt Nam coi việc không ngừng xây dựng và củng cố Đảng, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng là nhiệm vụ quyết định đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng. Phải ra sức xây dựng Đảng vững mạnh về cả ba mặt: chính trị, tư tưởng và tổ chức. Công tác tư tưởng và tổ chức phải kết hợp chặt chẽ với nhau; phải xuất phát từ đường lối và nhiệm vụ chính trị, đồng thời bảo đảm cho đường lối và nhiệm vụ chính trị của Đảng được xác định đúng, được thấu suốt và thực hiện đầy đủ. Phải qua phong trào cách mạng của quần chúng, qua việc xây dựng chế độ làm chủ tập thể của quần chúng mà tiến hành công tác xây dựng Đảng, tổ chức cho quần chúng tham gia xây dựng Đảng. Coi trọng kiện toàn tổ chức, phải gắn liền việc xây dựng Đảng với việc kiện toàn tổ chức và nâng cao năng lực của Nhà nước và với việc xây dựng, củng cố tổ chức quần chúng. Coi trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên cả về phẩm chất và năng lực; bố trí, sử dụng cán bộ theo yêu cầu của nhiệm vụ chính trị, quản lý tốt cán bộ, kết hợp chặt chẽ giữa nâng cao chất lượng cán bộ, đảng viên với nâng cao chất lượng của chi bộ, đảng bộ cơ sở, với việc tăng cường cơ quan lãnh đạo và kiện toàn bộ máy tổ chức ở từng cấp, từng ngành. Trong công tác phát triển Đảng, phải coi trọng chất lượng, chống khuynh hướng chạy theo số lượng đơn thuần; phát triển Đảng luôn luôn đi đôi với củng cố Đảng; một mặt, kết nạp những người ưu tú, đủ tiêu chuẩn; mặt khác, kịp thời đưa ra khỏi Đảng những phần tử thoái hoá, biến chất và những người không đủ tư cách đảng viên. Cảnh giác đề phòng những phần tử cơ hội và phản động chui vào Đảng.

Đảng Cộng sản Việt Nam nhận rõ sứ mệnh hết sức nặng nề và rất vẻ vang của mình. Trung thành với lợi ích của giai cấp công nhân và của dân tộc, với chủ nghĩa quốc tế vô sản, Đảng được giai cấp công nhân, nhân dân cả nước hết sức yêu mến và tin tưởng, được giai cấp công nhân và nhân dân thế giới hết lòng ủng hộ. Cán bộ, đảng viên không được vì thế mà tự mãn; trái lại phải hết sức khiêm tốn, ra sức trau dồi phẩm chất, đạo đức cách mạng và nâng cao năng lực của mình để thật sự "xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân".

Toàn Đảng phải làm cho Đảng vững vàng trước mọi thử thách, qua mọi thế hệ, mãi mãi là một đảng Mác - Lênin chân chính, xứng đáng với đồng chí Hồ Chí Minh, lãnh tụ thiên tài của Đảng, của giai cấp công nhân và nhân dân ta, người anh hùng dân tộc vĩ đại, người chiến sĩ lỗi lạc của phong trào cộng sản quốc tế.

Chương I

Đảng viên

Điều 1. Những công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên, có lao động, không bóc lột, trải qua rèn luyện trong đấu tranh cách mạng đã chứng tỏ là người ưu tú nhất trong quần chúng, có giác ngộ về lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, trung thành với Tổ quốc, với chủ nghĩa xã hội, gương mẫu trong lao động sản xuất, công tác, chiến đấu và học tập, có liên hệ chặt chẽ với quần chúng, được quần chúng tín nhiệm, nếu thừa nhận và nguyện tích cực phấn đấu để thực hiện đường lối chính trị và Điều lệ của Đảng, nguyện hoạt động trong một tổ chức cơ sở Đảng, phục tùng kỷ luật của Đảng và đóng đảng phí theo quy định, đều có thể được công nhận là đảng viên.

Điều 2. Đảng viên có các nhiệm vụ như sau:

1. Suốt đời hy sinh phấn đấu vì độc lập và tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản

Phải phấn đấu với nhiệt tình cách mạng và ý thức trách nhiệm cao nhất để thực hiện đúng và có hiệu quả đường lối, chính sách, các nghị quyết của Đảng và mọi nhiệm vụ Đảng giao cho, góp phần tích cực nhất vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

Phải tích cực đấu tranh để thực hiện nhiệm vụ cải tạo xã hội chủ nghĩa, củng cố và hoàn thiện quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa, tăng cường cơ sở vật chất - kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, xây dựng nền sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa, xây dựng nền văn hoá mới, con người mới xã hội chủ nghĩa. Ra sức góp phần xây dựng lực lượng vũ trang và nền quốc phòng toàn dân, giữ gìn an ninh chính trị và trật tự xã hội.

Phải gương mẫu trong sản xuất, công tác, chiến đấu và học tập; có thái độ lao động đúng, có tinh thần chiến đấu dũng cảm, tìm cách tăng năng suất lao động, tăng hiệu suất công tác, hiệu quả chiến đấu, tích cực bảo vệ tài sản của Nhà nước, của tập thể, của nhân dân, chống lãng phí, tham ô.

2. Không ngừng học tập và rèn luyện để nâng cao giác ngộ chính trị, đạo đức cách mạng và năng lực công tác

Mỗi đảng viên phải ra sức học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, đường lối, chính sách của Đảng, học tập văn hoá, khoa học, kỹ thuật, nghiệp vụ, đúc kết kinh nghiệm công tác; không ngừng nâng cao năng lực tổ chức và quản lý kinh tế, quản lý xã hội.

Phải thường xuyên tự rèn luyện về mọi mặt, thực hiện cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, kịp thời sửa chữa những thiếu sót trong công tác và về phẩm chất cách mạng; đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, chống thoái hoá về chính trị và đạo đức.

3. Luôn luôn thắt chặt mối liên hệ với quần chúng, phát huy quyền làm chủ tập thể của quần chúng, hết lòng, hết sức phục vụ quần chúng, đặt lợi ích của Đảng, của nhân dân lên trên lợi ích cá nhân

Đảng viên phải tôn trọng và phát huy quyền làm chủ tập thể của quần chúng, chăm lo đời sống của quần chúng; đoàn kết, học tập, đi sát quần chúng, lắng nghe ý kiến và tìm hiểu nguyện vọng của quần chúng để phản ánh cho Đảng và kịp thời giải quyết một cách thích đáng.

Phải ra sức tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin, đường lối, chính sách và các nghị quyết của Đảng, thuyết phục, vận động, tổ chức quần chúng thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, của Nhà nước, phát triển ảnh hưởng của Đảng trong quần chúng; kiên quyết đấu tranh chống quan liêu, mệnh lệnh, độc đoán, chuyên quyền, xa thực tế, xa quần chúng.

Phải ra sức xây dựng chính quyền và các tổ chức quần chúng, nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp, pháp luật Nhà nước, kỷ luật của các đoàn thể cách mạng mà mình tham gia.

4. Chăm lo xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức; phục tùng nghiêm chỉnh kỷ luật của Đảng

Mọi đảng viên phải tham gia đều đặn sinh hoạt Đảng, tích cực góp phần xây dựng đường lối, chính sách, chủ trương của Đảng, bảo vệ và củng cố sự đoàn kết, thống nhất của Đảng; kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội và bè phái.

Phải chấp hành không điều kiện các nghị quyết và sự phân công của Đảng.

Phải tìm những người thật tốt để bồi dưỡng tư tưởng, nâng cao giác ngộ về Đảng, và giới thiệu để chi bộ giúp đỡ và xét việc kết nạp vào Đảng.

Phải tự phê bình và phê bình, kiên quyết đấu tranh chống mọi tư tưởng và hành động có hại đến lợi ích của Đảng, của cách mạng.

Phải chăm lo bảo vệ Đảng, bảo vệ đường lối, chính sách, bảo vệ tổ chức và uy tín của Đảng, giữ gìn bí mật của Đảng và Nhà nước, cảnh giác với mọi âm mưu phá hoại của kẻ địch.

Phải trung thực với Đảng, không giấu giếm, báo cáo sai sự thật và cũng không dung túng cho ai giấu giếm, báo cáo sai sự thật với Đảng.

5. Nêu cao tinh thần quốc tế vô sản, góp phần làm tròn nghĩa vụ quốc tế của Đảng

Đảng viên phải chấp hành đúng đường lối quốc tế của Đảng. Phải thể hiện tinh thần quốc tế vô sản trong việc phấn đấu làm tốt trách nhiệm thường xuyên của mình để góp phần làm tròn nghĩa vụ quốc tế của Đảng.

Tất cả các đảng viên chính thức và đảng viên dự bị đều phải thực hiện những nhiệm vụ nói trên.

Điều 3. Đảng viên chính thức có quyền:

1. Thảo luận một cách dân chủ, thẳng thắn các vấn đề về đường lối, chính sách, về lý luận và công tác thực tiễn của Đảng trong các hội nghị của Đảng.

2. Biểu quyết công việc của Đảng; bầu cử, ứng cử hoặc được đề cử vào các cơ quan lãnh đạo các cấp của Đảng.

3. Phê bình, chất vấn về công tác của cán bộ, đảng viên và tổ chức của Đảng trong phạm vi tổ chức. Đối với những vấn đề xét thấy cần, đều có thể báo cáo, đề đạt ý kiến hoặc khiếu nại lên các cơ quan lãnh đạo của Đảng và yêu cầu được trả lời.

4. Đối với các nghị quyết của Đảng, phải chấp hành không điều kiện, nhưng nếu có điều nào không đồng ý thì vẫn có thể đề đạt ý kiến của mình lên các cơ quan lãnh đạo của Đảng cho đến Đại hội đại biểu toàn quốc.

5. Được trình bày ý kiến khi tổ chức của Đảng quyết định kỷ luật đối với mình hay nhận xét để ra quyết định về hoạt động hoặc đạo đức của mình.

Các đảng viên dự bị được hưởng các quyền trên đây, trừ quyền biểu quyết và quyền bầu cử, ứng cử vào cơ quan lãnh đạo của Đảng.

Điều 4. - Việc kết nạp người vào Đảng phải tiến hành từng người một theo đúng các thủ tục sau đây:

1. Người xin vào Đảng phải hoàn toàn tự nguyện, phải làm đơn xin vào Đảng và phải báo cáo rõ và đúng lý lịch của mình cho chi bộ xét.

2. Phải được hai đảng viên chính thức có ít nhất hai năm tuổi đảng và đã cùng công tác một năm trở lên bảo đảm là có đủ tiêu chuẩn vào Đảng. Đoàn viên Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, nếu được chi đoàn thảo luận và nhận xét là có đủ tiêu chuẩn vào Đảng và được Ban Chấp hành của Đoàn ở cơ sở (xí nghiệp, xã, cơ quan, trường học, v.v.) bảo đảm thì chỉ cần một đảng viên chính thức có đủ điều kiện nói trên bảo đảm.

ở nơi có chi đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, người trong lứa tuổi thanh niên phải là đoàn viên mới được kết nạp vào Đảng.

Người bảo đảm phải báo cáo với Đảng về lý lịch, phẩm chất, năng lực của người mình bảo đảm và chịu trách nhiệm trước Đảng về những lời bảo đảm của mình. Nếu có điểm chưa rõ thì phải báo cáo để tổ chức Đảng điều tra, xem xét.

Người vào Đảng không được phạm những điều do Trung ương quy định về lịch sử chính trị.

3. Phải được hội nghị chi bộ xét và quyết định kết nạp vào Đảng từng người một, với sự đồng ý ít nhất của 2/3 số đảng viên chính thức của chi bộ.

Trước khi chi bộ xét và quyết định kết nạp đảng viên, thì tổ đảng, chi uỷ phải xem xét kỹ lý lịch, trình độ giác ngộ, phẩm chất, năng lực và động cơ của người xin vào Đảng, để bảo đảm là người đó có đủ tiêu chuẩn vào Đảng.

Phải tổ chức lấy ý kiến nhận xét của quần chúng về người định kết nạp vào Đảng, kiểm tra lại công tác tuyên truyền riêng đối với người xin vào Đảng và phải bảo đảm là người đó đã được giải thích kỹ về Điều lệ Đảng, được tuyên truyền, giáo dục kỹ về đường lối, chính sách của Đảng.

Sau khi chi bộ quyết định kết nạp người vào Đảng, phải công bố cho quần chúng biết, trừ trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật.

4. Nghị quyết của chi bộ về kết nạp đảng viên phải được đảng uỷ cơ sở (nếu có) đồng ý và cấp uỷ cấp trên trực tiếp của tổ chức cơ sở (thị uỷ, huyện uỷ, v.v.) chuẩn y.

Việc chuẩn y kết nạp đảng viên phải tiến hành trên cơ sở xét từng người một sau khi đã thẩm tra lại kỹ lưỡng các kết luận của chi bộ, ý kiến của quần chúng và việc chấp hành các thủ tục kết nạp đảng viên.

5. Người được kết nạp vào Đảng phải trải qua một thời kỳ dự bị. Việc công nhận là đảng viên chính thức phải được ít nhất 2/3 đảng viên chính thức của chi bộ đồng ý.

Mấy thủ tục đặc biệt:

- ở những nơi chưa có tổ chức cơ sở Đảng, cơ quan lãnh đạo cấp trên của Đảng, có thể trực tiếp kết nạp đảng viên, nhưng vẫn phải theo đúng thủ tục: Người muốn vào Đảng phải tự yêu cầu và làm đơn xin vào Đảng, có đủ điều kiện về người bảo đảm đã quy định, và do cấp uỷ có trách nhiệm thẩm tra lại kỹ trước khi quyết định kết nạp vào Đảng và quyết định công nhận là đảng viên chính thức. Người bảo đảm có thể là đảng viên do cấp uỷ cử về để thẩm tra, tuyên truyền, giáo dục trước khi đề nghị kết nạp.

- Đối với đảng viên của đảng phái khác, Ban Chấp hành Trung ương sẽ tuỳ theo hoàn cảnh mà quyết định chủ trương có kết nạp vào Đảng hay là không. Trong trường hợp được kết nạp thì Ban Chấp hành Trung ương sẽ quy định các thủ tục riêng.

Điều 5. - Về thời kỳ dự bị quy định như sau:

1. Thời gian: một năm đối với: a) công nhân đã trực tiếp sản xuất từ 5 năm trở lên; b) cán bộ, nhân viên và chiến sĩ hoạt động chuyên nghiệp từ 5 năm trở lên trong bộ máy của Đảng, của Nhà nước, của các đoàn thể cách mạng và trong các lực lượng vũ trang nhân dân; 18 tháng đối với các thành phần và những trường hợp khác.

Đối với một số vùng có những đặc điểm khác nhau về phân hoá giai cấp xã hội, Ban Chấp hành Trung ương sẽ có những quy định cụ thể xét cần thiết để bảo đảm công tác kết nạp đảng viên được chặt chẽ.

2. Thời kỳ dự bị tính từ ngày chi bộ tuyên bố kết nạp vào Đảng.

3. Trong thời kỳ dự bị, chi bộ cần tiếp tục giáo dục, rèn luyện, thử thách để đảng viên dự bị có đủ điều kiện được công nhận là đảng viên chính thức. Người đảng viên dự bị phải được bồi dưỡng thêm những điều cần thiết về lý luận Mác - Lênin và đường lối, chính sách của Đảng, về nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt của Đảng, về quan hệ giữa đảng viên và quần chúng, về công tác vận động quần chúng của đảng viên, v.v.; chi bộ cần phân công đảng viên có uy tín, có năng lực giúp đảng viên đó tiến bộ.

Điều 6. - Khi hết thời kỳ dự bị, người đảng viên dự bị phải được xét kịp thời để được công nhận là đảng viên chính thức. Việc này phải do đảng viên dự bị đề nghị, hội nghị chi bộ thảo luận để xét từng người một và biểu quyết như khi xét kết nạp. Nếu xét thấy không đủ tư cách để được công nhận là đảng viên chính thức thì xoá tên trong danh sách đảng viên dự bị.

Nghị quyết của chi bộ về việc công nhận là đảng viên chính thức và việc xoá tên trong danh sách đảng viên dự bị phải được sự chuẩn y của cấp uỷ có thẩm quyền chuẩn y việc kết nạp người vào Đảng.

Tuổi đảng của đảng viên tính từ ngày được chi bộ quyết định công nhận là đảng viên chính thức.

Điều 7. - Việc phát và thu hồi thẻ đảng, quản lý giấy tờ về Đảng của đảng viên do Ban Chấp hành Trung ương quy định. Đảng viên chuyển đi nơi khác phải được cấp uỷ đảng giới thiệu theo đúng thủ tục do Ban Chấp hành Trung ương quy định để tham gia tổ chức Đảng nơi đến.

Điều 8. - Nếu đảng viên phạm sai lầm, khuyết điểm thì tổ chức Đảng cần kịp thời giáo dục, hoặc thi hành kỷ luật của Đảng. Đối với những người xét không đủ tư cách đảng viên thì phải kịp thời đưa ra khỏi Đảng theo đúng các thủ tục của Đảng.

Nếu đảng viên xin ra khỏi Đảng, thì hội nghị chi bộ xét, quyết định xoá tên trong danh sách đảng viên và báo cáo lên cấp trên cho đến cấp chuẩn y kết nạp đảng viên để kiểm tra lại.

Điều 9. - Đảng viên nào bỏ sinh hoạt Đảng hoặc không đóng đảng phí trong ba tháng liền mà không có lý do chính đáng thì chi bộ quyết định xoá tên trong danh sách đảng viên và báo cáo lên cấp uỷ cấp trên cho đến cấp chuẩn y kết nạp đảng viên để kiểm tra lại.

Chương II
Nguyên tắc tập trung dân chủ và hệ thống tổ chức của Đảng

Điều 10. - Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức theo nguyên tắc tập trung dân chủ. Những điều căn bản của nguyên tắc ấy là:

1. Các cơ quan lãnh đạo các cấp của Đảng đều do bầu cử dân chủ mà lập ra.

2. Cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng là Đại hội đại biểu toàn quốc, của các cấp bộ Đảng là Đại hội đại biểu các cấp, của các tổ chức cơ sở Đảng là Đại hội đại biểu hoặc Đại hội đảng viên. Giữa hai kỳ Đại hội, cơ quan lãnh đạo mỗi cấp là Ban Chấp hành do Đại hội cùng cấp bầu ra.

Các Ban Chấp hành phải báo cáo và chịu trách nhiệm trước Đại hội cấp mình, trước cơ quan lãnh đạo cấp trên và đảng bộ cấp dưới.

3. Cơ quan lãnh đạo các cấp của Đảng phải thực hiện đúng nguyên tắc lãnh đạo tập thể. Lãnh đạo tập thể phải đi đôi với cá nhân phụ trách, phát huy tinh thần trách nhiệm cá nhân.

4. Các công việc của Đảng đều phải tùy theo tính chất quan trọng của từng vấn đề mà do những cơ quan có đủ thẩm quyền của Đảng giải quyết.

Những vấn đề về đường lối, chính sách cơ bản của Đảng, những vấn đề có tầm quan trọng chung đối với toàn quốc đều phải do cơ quan lãnh đạo toàn quốc của Đảng (Đại hội đại biểu toàn quốc, Ban Chấp hành Trung ương) quyết định. Những vấn đề thuộc trách nhiệm và quyền hạn của địa phương thì các tổ chức Đảng có trách nhiệm ở địa phương phải chủ động giải quyết trong phạm vi không trái với đường lối, chính sách của Đảng và các quyết định của cấp trên.

5. Nghị quyết của các hội nghị của Đảng đều phải được biểu quyết theo đa số. Trước khi biểu quyết, các đảng viên đều được trình bày hết ý kiến của mình.

6. Các nghị quyết của Đảng phải được chấp hành không điều kiện. Cá nhân đảng viên phải phục tùng tổ chức và kỷ luật của Đảng, thiểu số phục tùng đa số, tổ chức cấp dưới phục tùng tổ chức có thẩm quyền ở cấp trên; các tổ chức Đảng trong toàn quốc phục tùng Đại hội đại biểu toàn quốc và Ban Chấp hành Trung ương. Trong Đảng, tuyệt đối không được bè phái.

Điều 11. - Tổ chức của Đảng được lập ra theo đơn vị hành chính, đơn vị sản xuất hoặc công tác. Thành lập một đảng bộ mới hoặc bãi bỏ một đảng bộ sẵn có phải do cấp trên trực tiếp quyết định và cấp trên nữa chuẩn y.

Trong những trường hợp đặc biệt, các tổ chức Đảng ở những đơn vị trực thuộc các bộ, ty, sở hoạt động lưu động và phân tán trong phạm vi nhiều địa phương mà không có địa điểm tập kết cố định, hoặc có những hoàn cảnh đặc biệt, cần giữ bí mật mà không thể giao về đảng bộ địa phương được, thì có thể được đặt dưới sự chỉ đạo của một Ban cán sự do Ban Chấp hành Trung ương hoặc cấp uỷ tỉnh, thành phố trực thuộc chỉ định, hoặc được tổ chức cùng với tổ chức cơ sở Đảng ở cơ quan thành một đảng bộ bộ, ty, sở do đảng uỷ bộ, ty, sở trực tiếp lãnh đạo. Trường hợp đảng viên ở các đơn vị ấy có ít thì nhập vào tổ chức cơ sở Đảng ở cơ quan bộ, ty, sở,... để hoạt động.

Ban Chấp hành Trung ương sẽ quy định chặt chẽ điều kiện thành lập, nhiệm vụ, quyền hạn và các mối quan hệ tùy thuộc của các tổ chức Đảng nói trên, và quy định mối quan hệ giữa các tổ chức đó với cấp uỷ địa phương.

Hệ thống chỉ đạo các tổ chức cơ sở Đảng ở cơ quan Trung ương và cơ quan cấp tỉnh, thành phố trực thuộc sẽ do Ban Chấp hành Trung ương quy định.

ở những khu vực hoặc đơn vị có tầm quan trọng đặc biệt về kinh tế, chính trị, v.v., Ban Chấp hành Trung ương có thể lập ra những tổ chức đặc biệt của Đảng và quy định nhiệm vụ, quyền hạn, cách tổ chức của các tổ chức đó.

Trong trường hợp đặc biệt và rất hạn chế, nếu được Ban Chấp hành Trung ương ra quyết định thì mới được lập tổ chức của Đảng theo hệ thống ngành dọc.

Điều 12. - Quân đội nhân dân Việt Nam đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp, về mọi mặt của Đảng. Tổ chức Đảng trong Quân đội nhân dân Việt Nam được tổ chức theo hệ thống ngành dọc từ cơ sở trở lên, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp về mọi mặt của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, hoạt động tuân theo Điều lệ Đảng và các chỉ thị, nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương.

Ban Chấp hành Trung ương chỉ định Quân uỷ Trung ương gồm một số uỷ viên Trung ương trong và ngoài quân đội. Quân uỷ Trung ương đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp về mọi mặt của Bộ Chính trị và Ban Bí thư, có nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo các mặt công tác của Đảng trong quân đội, trong phạm vi được Ban Chấp hành Trung ương uỷ nhiệm.

Tổng cục Chính trị của Quân đội nhân dân Việt Nam đảm nhiệm công tác Đảng, công tác chính trị trong quân đội dưới sự lãnh đạo của Quân uỷ Trung ương. Các Ban tổ chức, tuyên huấn, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương giúp Trung ương hướng dẫn và kiểm tra công tác chính trị và công tác xây dựng Đảng trong quân đội.

Các tổ chức Đảng trong quân đội phải quán triệt và thực hiện đường lối, chính sách của Đảng trong quân đội, lãnh đạo đơn vị thi hành chỉ thị, nghị quyết của Đảng, các mệnh lệnh, chỉ thị về chính trị, quân sự, kinh tế và mọi nhiệm vụ cấp trên giao cho đơn vị; lãnh đạo toàn quân đoàn kết chung quanh Trung ương Đảng, tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của nhân dân, sẵn sàng hy sinh chiến đấu bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, hăng hái lao động xây dựng đất nước, tăng cường đoàn kết nội bộ, đoàn kết giữa quân đội và nhân dân, đoàn kết quốc tế, củng cố kỷ luật tự giác, nghiêm minh, động viên cán bộ, chiến sĩ ra sức học tập chính trị, quân sự, kinh tế, văn hoá, khoa học, kỹ thuật, không ngừng nâng cao giác ngộ xã hội chủ nghĩa và trình độ về mọi mặt, hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ.

Các tổ chức Đảng trong các đơn vị Quân đội nhân dân đóng ở các địa phương có nhiệm vụ liên hệ chặt chẽ với các cấp uỷ đảng ở địa phương theo quy định của Ban Chấp hành Trung ương.

Tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của Quân uỷ Trung ương và cách tổ chức các cấp uỷ Đảng trong quân đội do Ban Chấp hành Trung ương quy định.

Tổ chức Đảng ở các cơ quan và đơn vị quân sự địa phương trực thuộc đảng bộ địa phương, và đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp về mọi mặt của cấp uỷ địa phương trong phạm vi do Trung ương quy định. Cơ cấu tổ chức, phạm vi trách nhiệm, quyền hạn, các mối quan hệ nội bộ giữa các tổ chức ấy và với tổ chức Đảng ở cơ quan quân sự cấp trên do Ban Chấp hành Trung ương quy định.

Điều 13. - Việc bầu cử các cơ quan lãnh đạo của Đảng phải bảo đảm đầy đủ tính chất dân chủ và phải được chuẩn bị chu đáo để việc lựa chọn các thành viên được chính xác.

Danh sách những người ứng cử và những người được đề cử phải được những người bầu cử thảo luận, người bầu cử có quyền nhận xét, chất vấn các vấn đề cần thiết về người ứng cử, bầu hay không bầu đối với mỗi người ứng cử, không một cơ quan hay một đảng viên nào được gò ép. Danh sách những người ứng cử và được đề cử phải được Đại hội thông qua.

Việc bầu cử phải được tiến hành bằng cách bỏ phiếu kín. Đoàn chủ tịch Đại hội tổ chức và hướng dẫn việc bầu cử theo đúng các nguyên tắc và thủ tục.

Điều 14. - Các đại biểu đi dự Đại hội đại biểu các cấp đều phải do bầu cử từ dưới lên.

Việc chỉ định một số đại biểu đi dự Đại hội chỉ được tiến hành đối với một số đảng bộ hoạt động trong điều kiện đặc biệt không thể mở Đại hội đại biểu để tổ chức bầu cử được, theo quy định cụ thể của Ban Chấp hành Trung ương.

Danh sách các đại biểu đi dự Đại hội đại biểu phải được Đại hội đại biểu thẩm tra và quyết định; cấp uỷ không được bác bỏ tư cách đại biểu do cấp dưới cử ra, trừ trường hợp sau khi được trúng cử, người đại biểu đó bị thi hành kỷ luật bằng hình thức lưu lại trong Đảng để giáo dục và xem xét. Những trường hợp được cử không theo đúng các nguyên tắc bầu cử do Trung ương quy định thì phải tổ chức bầu lại.

Phải có quá 2/3 số đại biểu chính thức được triệu tập đến tham dự, thay mặt cho quá 2/3 số đảng viên và quá 2/3 số đảng bộ trực thuộc thì Đại hội đại biểu mới có giá trị.

Điều 15. - Đại hội toàn quốc và Đại hội các cấp phải được triệu tập đúng kỳ hạn. Giữa hai kỳ Đại hội đại biểu, trong trường hợp đặc biệt, khi cần quyết định những vấn đề quan trọng hoặc bổ sung một số uỷ viên Ban Chấp hành thì Ban Chấp hành Trung ương và các cấp có thể triệu tập Hội nghị đại biểu (Hội nghị đại biểu toàn quốc, Hội nghị đại biểu tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, thành phố, thị xã, huyện, quận hoặc khu phố thuộc thành phố trực thuộc). Hội nghị đại biểu gồm các uỷ viên trong cấp uỷ đứng ra triệu tập và các đại biểu do cấp uỷ cấp dưới cử lên theo quy định chung của Ban Chấp hành Trung ương.

Nghị quyết của Hội nghị đại biểu phải được cấp uỷ đã triệu tập hội nghị và các đảng bộ cấp dưới chấp hành. Nếu tập thể cấp uỷ triệu tập Hội nghị đại biểu có điểm chưa nhất trí với nghị quyết về công tác của Hội nghị đại biểu, thì xin ý kiến quyết định của cấp trên. Nghị quyết Hội nghị đại biểu toàn quốc phải được Ban Chấp hành Trung ương thông qua. Những uỷ viên được bầu cử bổ sung vào các cấp uỷ địa phương phải được cấp uỷ cấp trên trực tiếp chuẩn y.

Điều 16. - Ban Chấp hành các cấp từ huyện trở lên và Ban Chấp hành những tổ chức cơ sở Đảng có trên 500 đảng viên, gồm một số uỷ viên chính thức và một số uỷ viên dự khuyết. Ban Chấp hành của các tổ chức cơ sở khác (đảng uỷ cơ sở xí nghiệp, xã, cơ quan, trường học, bệnh viện, v.v.) nếu xét cần, được các cấp uỷ tỉnh, thành phố trực thuộc đồng ý cũng có thể có uỷ viên dự khuyết. Các uỷ viên dự khuyết được tham dự và thảo luận ở Hội nghị Ban Chấp hành, nhưng không có quyền biểu quyết.

Khi uỷ viên chính thức của Ban Chấp hành các cấp thiếu thì lấy uỷ viên dự khuyết lên thay theo thứ tự số phiếu đã được bầu ở Đại hội đại biểu hoặc Đại hội đảng viên. Nếu hết uỷ viên dự khuyết mà vẫn thiếu thì Hội nghị đại biểu bầu cử bổ sung hoặc cấp uỷ cấp trên chỉ định.

Ban Chấp hành cấp dưới phải được cấp uỷ cấp trên trực tiếp chuẩn y.

Ban Chấp hành cấp trên, trong trường hợp thật cần thiết có thể điều động hoặc chỉ định một số uỷ viên của Ban Chấp hành cấp dưới. Số uỷ viên này không được quá 1/3 số uỷ viên do Đại hội cấp dưới đã cử ra.

Đối với các đảng bộ mới thành lập, nếu chưa thể tiến hành Đại hội ngay được thì Ban Chấp hành cấp trên tạm thời chỉ định Ban Chấp hành lâm thời các đảng bộ đó và định thời gian chậm nhất trong vòng 6 tháng phải tổ chức Đại hội để bầu cử Ban Chấp hành chính thức.

Điều 17. - Các cơ quan lãnh đạo của Đảng và cán bộ lãnh đạo cấp trên phải thường xuyên lắng nghe ý kiến của tổ chức cấp dưới và đảng viên, tiếp thu sáng kiến và kinh nghiệm của họ; phải báo cáo và tự phê bình trước cấp dưới, tổ chức cho cấp dưới và đảng viên phê bình, kiểm tra công tác của mình.

Cơ quan lãnh đạo cấp dưới và cán bộ, đảng viên phải tôn trọng sự lãnh đạo tập trung thống nhất của cấp trên; phải chấp hành nghiêm chỉnh, không điều kiện và triệt để các nghị quyết, chỉ thị của cấp trên, của tập thể; nếu có ý kiến khác thì phải đề đạt với cơ quan có thẩm quyền cùng cấp hoặc cấp trên xét và quyết định, nhưng đồng thời vẫn phải tuyệt đối chấp hành. Gặp các vấn đề thuộc thẩm quyền quyết định của cấp trên, của tập thể thì đề xuất ý kiến và phải kịp thời báo cáo, xin chỉ thị. Đồng thời phải hết sức phát huy tính tích cực và tính sáng tạo để giải quyết các vấn đề thuộc trách nhiệm của mình.

Mỗi tổ chức và đảng viên phải nghiêm chỉnh thực hiện chế độ dân chủ nội bộ, sử dụng đúng quyền dân chủ trong Đảng, đấu tranh chống mọi biểu hiện vi phạm dân chủ, độc đoán, gia trưởng, thẳng thắn phê bình, góp ý kiến với tổ chức và cán bộ lãnh đạo của Đảng. Phải nắm vững nguyên tắc: bộ phận phải phục tùng toàn bộ, không được bản vị, cục bộ, địa phương chủ nghĩa; các địa phương, các ngành, các tổ chức cần phát huy tinh thần hợp tác xã hội chủ nghĩa và giúp đỡ nhau trong công tác.

Điều 18. - Các tổ chức của Đảng và đảng viên, phải nói và làm theo nghị quyết của Đảng, không được giải thích sai lệch theo quan điểm riêng của mình, không được tuyên truyền ý kiến riêng của mình về các vấn đề đường lối, chính sách, chủ trương thuộc quyền quyết định của cơ quan lãnh đạo cấp trên và cấp mình.

Báo chí của Đảng phải tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng, các nghị quyết của Trung ương Đảng, của tổ chức cấp trên và của cấp mình.

Trong các hội nghị quần chúng và trên các báo chí, cán bộ, đảng viên khi phát biểu ý kiến, đều phải theo đường lối, chính sách và các nghị quyết của Đảng.

Điều 19. - Ban Chấp hành các cấp của Đảng, tùy theo sự cần thiết được lập ra các cơ quan (Ban hoặc Tiểu ban) giúp việc. Thành phần, nhiệm vụ, quyền hạn và cách làm việc của cơ quan này do cấp uỷ lập ra quyết định dựa theo quy định chung của Ban Chấp hành Trung ương.

Gặp những việc đặc biệt, các cấp uỷ có thể lập ra những ban đặc biệt, xong việc rồi thì giải tán.

Các cấp uỷ phải xây dựng và sử dụng tốt các ban, làm cho các ban thật sự là cơ quan tham mưu đắc lực của mình.

Chương III
Cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng

Điều 20. - Đại hội đại biểu toàn quốc là cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng, do Ban Chấp hành Trung ương triệu tập, thường lệ 5 năm một lần. Khi có tình hình đặc biệt, Ban Chấp hành Trung ương có thể triệu tập Đại hội sớm hơn hoặc chậm lại một thời gian, không quá 1 năm. Trong trường hợp phải chậm lại, Ban Chấp hành Trung ương thảo luận tập thể, thông tri rõ lý do cho các cấp bộ Đảng biết.

Nếu xét thấy cần, hoặc có quá 1/2 số cấp uỷ trực thuộc yêu cầu, thì Ban Chấp hành Trung ương triệu tập Đại hội đại biểu toàn quốc bất thường.

Số đại biểu chính thức và số đại biểu dự khuyết dự Đại hội đại biểu toàn quốc và cách thức ứng cử và bầu cử đều do Ban Chấp hành Trung ương căn cứ vào tình hình chính trị chung, vào số lượng đảng viên và sự quan trọng của mỗi đảng bộ trực thuộc mà quyết định.

Trước khi họp Đại hội đại biểu toàn quốc, Ban Chấp hành Trung ương nêu các vấn đề sẽ bàn ở Đại hội cho các cấp bộ Đảng thảo luận.

Điều 21. - Nhiệm vụ của Đại hội đại biểu toàn quốc là: xét và chuẩn y các báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương, định đường lối đối nội, đối ngoại của Đảng và các vấn đề cơ bản nhất về tình hình và nhiệm vụ của Đảng trong từng thời kỳ; quyết định bổ sung hoặc sửa đổi Điều lệ Đảng; cử Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Điều 22. - Giữa hai kỳ Đại hội đại biểu toàn quốc, Ban Chấp hành Trung ương là cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng. Nhiệm kỳ của Ban Chấp hành Trung ương Đảng là 5 năm.

Số uỷ viên chính thức và số uỷ viên dự khuyết của Ban Chấp hành Trung ương do Đại hội đại biểu toàn quốc quyết định.

Điều 23. - Nhiệm vụ của Ban Chấp hành Trung ương là: lãnh đạo toàn bộ công tác của Đảng trong thời gian giữa hai kỳ Đại hội đại biểu toàn quốc; chấp hành các nghị quyết khác của Đại hội đại biểu toàn quốc và Điều lệ của Đảng; quyết định các vấn đề quan trọng về kế hoạch nhà nước và các chính sách đối nội đối ngoại của Đảng; thay mặt Đảng liên lạc với các đảng anh em trên thế giới; thành lập các cơ quan chuyên môn, các Ban cán sự của Đảng, thành lập các đảng đoàn trong các cơ quan dân cử của bộ máy nhà nước và của các đoàn thể nhân dân có tính chất toàn quốc, và lãnh đạo các cơ quan, các đảng đoàn đó hoạt động; quản lý và phân phối cán bộ; định đảng phí, quản lý và phân phối tài chính của Đảng.

Ban Chấp hành Trung ương thường lệ sáu tháng họp một lần và cứ sáu tháng một lần báo cáo tình hình chung và công việc đã làm cho cấp dưới, đồng thời nêu các vấn đề cần thiết cho cấp dưới thảo luận và góp ý kiến với Trung ương.

Điều 24. - Ban Chấp hành Trung ương họp Hội nghị toàn thể cử ra Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đồng thời cử Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương. Số uỷ viên Bộ Chính trị và Ban Bí thư do Hội nghị toàn thể Ban Chấp hành Trung ương quyết định. Ngoài số uỷ viên chính thức, Bộ Chính trị có một số uỷ viên dự khuyết.

Bộ Chính trị thay mặt Ban Chấp hành Trung ương lãnh đạo công tác của Đảng giữa hai kỳ Hội nghị toàn thể Ban Chấp hành Trung ương trên cơ sở các nghị quyết của Đại hội đại biểu toàn quốc và của Ban Chấp hành Trung ương.

Bộ Chính trị, thường kỳ và theo yêu cầu của Ban Chấp hành Trung ương, báo cáo về công việc của mình và của Ban Bí thư trước Ban Chấp hành Trung ương.

Ban Bí thư giải quyết công việc hàng ngày của Đảng, chỉ đạo công tác của các tổ chức Đảng và chỉ đạo sự phối hợp giữa các tổ chức trong hệ thống chuyên chính vô sản để thi hành các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương và của Bộ Chính trị, kiểm tra việc thực hiện các nghị quyết của Đảng ở các cấp, các ngành.

Chương IV
Tổ chức Đảng ở cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, thành phố, thị xã, huyện, quận hoặc khu phố

Điều 25. - Đại hội đại biểu tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi tắt là thành phố trực thuộc), và Đại hội đại biểu thành phố trực thuộc tỉnh (gọi tắt là thành phố), thị xã, huyện, quận hoặc khu phố thuộc thành phố trực thuộc do Ban Chấp hành từng cấp (gọi tắt là tỉnh uỷ, thành uỷ trực thuộc, thành uỷ, thị uỷ, huyện uỷ, quận uỷ hoặc đảng uỷ khu phố...) triệu tập thường lệ hai năm một lần. Khi có tình hình đặc biệt, Hội nghị toàn thể Ban Chấp hành các cấp nói trên có thể triệu tập sớm hơn hoặc chậm lại một thời gian không quá sáu tháng, nhưng phải thông tri rõ lý do cho các đảng bộ cấp dưới biết để trình bày ý kiến và phải được cấp uỷ cấp trên đồng ý. Nếu quá 1/2 số cấp uỷ trực thuộc thấy vẫn cần thiết và có thể mở Đại hội đại biểu thì Hội nghị toàn thể Ban Chấp hành phải thảo luận để quyết định triệu tập Đại hội đại biểu.

Các cấp uỷ không được vì những khó khăn thông thường mà trì hoãn việc triệu tập Đại hội đại biểu. Nếu xét thấy cần, hoặc quá 1/2 số cấp uỷ trực thuộc yêu cầu mà được Ban Chấp hành cấp trên đồng ý thì cấp uỷ triệu tập Đại hội đại biểu bất thường. Trước khi tiến hành Đại hội, Ban Chấp hành phải nêu các vấn đề sẽ bàn ở Đại hội cho các cấp bộ Đảng thảo luận.

Điều 26. - Nhiệm vụ của Đại hội đại biểu các cấp nói trên là: xét và chuẩn y báo cáo của Ban Chấp hành; thảo luận và quyết định nhiệm vụ, các chủ trương công tác quan trọng thuộc phạm vi địa phương, thảo luận các vấn đề do Ban Chấp hành Trung ương hoặc cấp trên đề ra nếu có; cử Ban Chấp hành và cử đại biểu đi dự Đại hội đại biểu toàn quốc hoặc cấp trên nếu có.

Điều 27. - Nhiệm kỳ của tỉnh uỷ, thành uỷ trực thuộc, thành uỷ, thị uỷ, huyện uỷ, quận uỷ hoặc đảng uỷ khu phố thuộc thành phố trực thuộc là hai năm. Số uỷ viên chính thức và số uỷ viên dự khuyết của cấp uỷ do Đại hội đại biểu ấn định dựa theo quy định chung của Ban Chấp hành Trung ương.

Hội nghị toàn thể Ban Chấp hành tỉnh, thành phố trực thuộc do Ban Thường vụ triệu tập, thường lệ ba tháng một lần. Hội nghị toàn thể Ban Chấp hành thành phố, thị xã, huyện, quận hoặc khu phố thuộc thành phố trực thuộc,... thường lệ mỗi tháng họp một lần. Trong trường hợp thật cần thiết có thể được triệu tập bất thường.

Điều 28. - Nhiệm vụ của Ban Chấp hành là: chấp hành nghiêm chỉnh đường lối, chính sách, chủ trương của Đảng, các nghị quyết của Đại hội đại biểu đảng bộ, các nghị quyết, chỉ thị của cấp trên, lãnh đạo các tổ chức ở địa phương hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch nhà nước và mọi nhiệm vụ chính trị của địa phương; không ngừng chăm lo xây dựng, củng cố tổ chức và phát huy vai trò của chính quyền, của các đoàn thể quần chúng, bảo đảm quyền làm chủ tập thể của nhân dân; thường xuyên chăm lo xây dựng Đảng về mọi mặt: chính trị, tư tưởng và tổ chức, nâng cao chất lượng lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức đảng ở địa phương; thành lập các ban, các Ban cán sự của cấp uỷ, các đảng đoàn ở địa phương và lãnh đạo các cơ quan ấy hoạt động; chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ ở địa phương; căn cứ vào chế độ do Trung ương quy định, quản lý và phân phối cán bộ, quản lý và phân phối tài chính của Đảng; tham gia vào việc xây dựng và cụ thể hoá đường lối, chính sách của Đảng.

Các Ban Chấp hành phải báo cáo tình hình chung và công tác của mình lên Ban Chấp hành trung ương hoặc cấp uỷ cấp trên theo đúng kỳ hạn do Trung ương và cấp uỷ cấp trên quy định; và cứ ba tháng một lần, báo cáo tình hình chung và công việc đã làm cho tổ chức Đảng cấp dưới; từng thời gian, ít nhất sáu tháng một lần, nêu các vấn đề cần thiết cho cấp dưới thảo luận để đề đạt ý kiến và phê bình sự lãnh đạo của cấp trên.

Điều 29. - Hội nghị toàn thể tỉnh uỷ, thành uỷ trực thuộc, thành uỷ, thị uỷ, huyện uỷ, quận uỷ hoặc đảng uỷ khu phố thuộc thành phố trực thuộc, v.v. cử ra Ban thường vụ, bí thư và các phó bí thư.

Số uỷ viên trong Ban thường vụ và số phó bí thư do Hội nghị toàn thể Ban Chấp hành quyết định dựa theo một quy định chung của Ban Chấp hành Trung ương.

Bí thư tỉnh, thành phố trực thuộc phải có ít nhất 10 năm tuổi đảng và phải được Ban Chấp hành Trung ương chuẩn y. Bí thư thành uỷ, thị uỷ, huyện uỷ, quận uỷ hoặc đảng uỷ khu phố thuộc thành phố trực thuộc phải có ít nhất 5 năm tuổi đảng và phải được cấp uỷ cấp trên trực tiếp chuẩn y.

Ban thường vụ là cơ quan thay mặt Ban Chấp hành lãnh đạo mọi công tác của đảng bộ giữa hai kỳ Hội nghị toàn thể Ban Chấp hành, phải báo cáo tình hình chung và công việc đã làm trước Ban Chấp hành theo định kỳ, trong các phiên họp thường lệ của Ban Chấp hành và khi xét thấy cần thiết.

Bí thư và các phó bí thư căn cứ vào các nghị quyết của Ban Chấp hành, của Ban thường vụ, các chỉ thị của cấp trên, giải quyết công việc hàng ngày của Đảng và tổ chức kiểm tra việc chấp hành các nghị quyết, chỉ thị ấy.

Chương V
Tổ chức cơ sở của Đảng

Điều 30. - Các tổ chức cơ sở Đảng lập thành nền tảng của Đảng, nối liền Đảng và các cơ quan lãnh đạo cấp trên của Đảng với quần chúng công nhân, nông dân, trí thức và các tầng lớp nhân dân lao động khác, là nơi giáo dục, rèn luyện, kết nạp và sàng lọc đảng viên, nơi đào tạo cán bộ cho Đảng, nơi xuất phát để cử ra cơ quan lãnh đạo các cấp của Đảng, nơi trực tiếp đưa đường lối, chính sách của Đảng vào quần chúng, và tổ chức thực hiện đường lối, chính sách ấy.

Trong mỗi đơn vị cơ sở (như xí nghiệp, cửa hàng, hợp tác xã, bệnh viện, trường học, đơn vị cơ sở trong quân đội nhân dân, xã, phường, v.v.) nếu có từ ba đảng viên chính thức trở lên thì thành lập một chi bộ hoặc đảng bộ cơ sở gọi chung là tổ chức cơ sở Đảng.

Nếu không đủ ba đảng viên chính thức thì ghép các đồng chí ấy vào một tổ chức cơ sở gần đó mà sinh hoạt hoặc thành lập một chi bộ dự bị nếu có đủ ba đảng viên chính thức và dự bị. Chi bộ dự bị bàn biện pháp để thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, các nghị quyết, chỉ thị của cấp trên trong đơn vị mình. Chi bộ dự bị không quyết định thi hành kỷ luật đảng viên, không kết nạp đảng viên, mà chỉ đề đạt ý kiến về những công tác đó với cấp uỷ cấp trên.

Tổ chức cơ sở Đảng ở xã bao gồm các tổ chức Đảng hoạt động trong phạm vi một xã.

Điều 31. - Hình thức tổ chức của tổ chức cơ sở Đảng, căn cứ vào yêu cầu của công tác lãnh đạo và số lượng đảng viên, được quy định như sau:

a) Tổ chức cơ sở Đảng có thể gồm một hoặc nhiều chi bộ. Chi bộ là tổ chức tế bào cơ bản của Đảng, là hạt nhân lãnh đạo và chiến đấu của Đảng trong quần chúng, là trường học giáo dục, rèn luyện mọi đảng viên, nơi kết nạp đảng viên và thi hành kỷ luật đối với đảng viên, phân công và kiểm tra công tác của đảng viên.

b) Tổ chức cơ sở Đảng có 30 đảng viên trở xuống thì sau khi được cấp uỷ cấp trên trực tiếp quyết định, sẽ thành lập một chi bộ và họp Đại hội đảng viên để cử ra Ban Chấp hành chi bộ (gọi tắt là chi uỷ). Chi bộ có thể được chia ra nhiều tổ đảng.

c) Tổ chức cơ sở Đảng có trên 30 đảng viên, sau khi được cấp ủy cấp trên trực tiếp quyết định có thể họp Đại hội đại biểu hoặc Đại hội đảng viên để cử ra Ban Chấp hành của tổ chức cơ sở Đảng (gọi tắt là đảng uỷ cơ sở: đảng uỷ xí nghiệp, xã, cơ quan, v.v..). Dưới đảng uỷ cơ sở thì căn cứ theo đơn vị sản xuất, đơn vị công tác hay nơi ở mà thành lập một số chi bộ. Chi bộ họp Đại hội đảng viên cử ra Ban Chi uỷ.

Trong trường hợp đặc biệt, tổ chức cơ sở Đảng chưa có đủ 30 đảng viên, nhưng do đặc điểm về sản xuất, công tác hoặc do địa điểm phân tán, mà xét phải chia ra làm nhiều chi bộ, thì phải được tỉnh uỷ, thành uỷ trực thuộc đồng ý. Ngược lại, tổ chức cơ sở Đảng tuy đông quá 30 đảng viên cho đến 50 đảng viên, nhưng xét không cần phải thành lập đảng uỷ cơ sở, nếu được cấp uỷ cấp trên trực tiếp đồng ý thì có thể chỉ gồm một chi bộ.

d) ở những đơn vị cơ sở lớn mà trong một bộ phận tổ chức của đơn vị ấy (như phân xưởng ở xí nghiệp, khoa ở trường học, cục ở các bộ, hợp tác xã ở các xã có nhiều hợp tác xã, v.v.) có trên 30 đảng viên, nếu đảng uỷ cơ sở xét thấy cần thiết và được cấp trên trực tiếp đồng ý thì tổ chức Đảng ở bộ phận đó (như tổ chức Đảng ở phân xưởng, khoa, cục, hợp tác xã, v.v..) được chia ra làm nhiều chi bộ; tổ chức Đảng ở bộ phận họp Đại hội đảng viên hoặc Đại hội đại biểu để cử ra Ban Chấp hành của tổ chức Đảng ở bộ phận (gọi tắt là đảng uỷ bộ phận như: đảng uỷ phân xưởng, khoa, hợp tác xã, v.v.).

Điều 32. - Đại hội đại biểu hay là Đại hội đảng viên của tổ chức cơ sở Đảng, của tổ chức Đảng ở các bộ phận và của chi bộ thường lệ mỗi năm họp một lần. Trong trường hợp cần thiết được cấp trên trực tiếp đồng ý hoặc do quá 1/2 số cấp uỷ trực thuộc yêu cầu thì đảng uỷ cơ sở, đảng uỷ bộ phận triệu tập Đại hội bất thường. Chi bộ thường lệ họp mỗi tháng một lần.

Điều 33. - Đại hội đại biểu hay là Đại hội đảng viên của tổ chức cơ sở Đảng, của tổ chức Đảng ở bộ phận hay của chi bộ, xét và chuẩn y báo cáo của đảng uỷ cơ sở, của đảng uỷ bộ phận hoặc của chi uỷ; thảo luận và quyết định các vấn đề về chủ trương công tác quan trọng trong đơn vị mình; thảo luận các vấn đề do cấp trên đề ra nếu có; đến kỳ hạn cử đảng uỷ cơ sở, đảng uỷ bộ phận hoặc cử chi uỷ và cử đại biểu đi dự Đại hội đại biểu cấp trên nếu có.

Điều 34. - Nhiệm kỳ của đảng uỷ cơ sở là hai năm, của đảng uỷ bộ phận và của chi uỷ là một năm. Số lượng uỷ viên sẽ do Đại hội đại biểu hay Đại hội đảng viên quyết định, dựa theo quy định chung của Ban Chấp hành Trung ương và sự hướng dẫn của cấp trên.

Đảng uỷ cơ sở, đảng uỷ bộ phận trong đơn vị cơ sở, chi uỷ cử bí thư, phó bí thư. Những đảng uỷ cơ sở có từ chín uỷ viên chính thức trở lên được cử ra Ban thường vụ. Trước khi bầu cử, các đảng uỷ, chi uỷ, tổ chức cơ sở Đảng cần lấy ý kiến của quần chúng về những người mà quần chúng xét thấy xứng đáng được bầu vào cấp uỷ.

Chi bộ dưới bảy đảng viên chính thức chỉ cử một bí thư, nếu cần thì cử thêm một phó bí thư.

Bí thư đảng uỷ cơ sở, bí thư đảng uỷ bộ phận phải có ít nhất 3 năm tuổi đảng; bí thư đảng uỷ cơ sở, bí thư đảng uỷ bộ phận, bí thư chi bộ phải được cấp uỷ cấp trên trực tiếp chuẩn y.

Điều 35. - Những nhiệm vụ cơ bản của tổ chức cơ sở Đảng là:

1. Theo chức trách lãnh đạo của mình, bảo đảm cho đường lối, chính sách của Đảng, các nghị quyết, chỉ thị của cấp trên, các chủ trương, chính sách và pháp luật của Nhà nước được thực hiện ở cơ sở.

Các tổ chức cơ sở Đảng nói chung phải đặt trọng tâm sự lãnh đạo của mình vào việc hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch nhà nước, không ngừng củng cố và hoàn thiện quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa, tiến hành cải tạo xã hội chủ nghĩa (nơi chưa tiến hành); tăng cường công tác quản lý, củng cố kỷ luật lao động, tăng cường cơ sở vật chất - kỹ thuật và cải tiến kỹ thuật, đẩy mạnh cách mạng tư tưởng và văn hoá, nhằm tăng năng suất lao động, hiệu suất công tác, hiệu quả chiến đấu, từng bước cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của quần chúng.

2. Bảo đảm quyền làm chủ tập thể của quần chúng, thắt chặt mối liên hệ giữa Đảng với quần chúng, phát huy tính tích cực và tính sáng tạo của quần chúng. Các tổ chức cơ sở Đảng phải chăm lo củng cố tổ chức và phát huy vai trò của chính quyền và của các đoàn thể quần chúng, xây dựng và nắm vững lực lượng vũ trang nhân dân và lực lượng an ninh nhân dân của địa phương, đơn vị; không ngừng nâng cao giác ngộ và trình độ mọi mặt của quần chúng, tuyên truyền vận động quần chúng thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, chấp hành pháp luật Nhà nước.

3. Thường xuyên chăm lo xây dựng tổ chức đảng về mọi mặt: chính trị, tư tưởng và tổ chức, ra sức xây dựng các đảng uỷ, các chi bộ thật sự thành hạt nhân lãnh đạo chính trị của Đảng ở cơ sở.

Thường xuyên giáo dục nhằm nâng cao trình độ mọi mặt của đảng viên; tăng cường đoàn kết nội bộ, thực hiện tự phê bình và phê bình; phân công và kiểm tra công tác của đảng viên, quản lý chặt chẽ đảng viên, kết nạp đảng viên mới, thi hành kỷ luật nghiêm minh của Đảng.

4. Ra sức xây dựng và cùng với cấp trên xây dựng đội ngũ cán bộ cơ sở có phẩm chất, có năng lực, có kiến thức văn hoá, chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ và quản lý tốt đội ngũ cán bộ đó.

5. Thảo luận và tham gia ý kiến vào việc quyết định các vấn đề thuộc về đường lối, chính sách chung của Đảng; tập hợp ý kiến, kinh nghiệm sáng tạo của cán bộ, đảng viên và quần chúng để phản ánh lên cấp trên.

Các tổ chức cơ sở Đảng phải theo đúng chế độ, báo cáo tình hình chung và công việc đã làm lên cấp trên, thu đảng phí và nộp tài chính lên trên theo quy định.

Điều 36. - Các tổ chức cơ sở Đảng ở các đơn vị cơ sở sản xuất, kinh doanh, bệnh viện, trường học, xã, phường, đơn vị cơ sở trong quân đội, v.v. phải lãnh đạo tổ chức chính quyền và tổ chức quần chúng trong đơn vị mình thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của tổ chức đảng và cơ quan nhà nước cấp trên và những nhiệm vụ khác của đơn vị mình.

Tổ chức Đảng phải theo đúng chức trách và cương vị lãnh đạo của mình mà quyết định nhiệm vụ, các chủ trương, biện pháp chủ yếu và toàn diện, nhằm thúc đẩy các mặt công tác trong đơn vị, và kiểm tra việc thực hiện, nhưng không bao biện làm thay công việc của chính quyền và tổ chức quần chúng. Đối với các vấn đề về phương hướng, nhiệm vụ, chủ trương, biện pháp thuộc quyền quyết định của cơ quan nhà nước cấp trên, tổ chức Đảng góp ý kiến với cấp trên và phải bàn biện pháp chấp hành.

ở những đơn vị thực hiện chế độ thủ trưởng thì tổ chức Đảng phải phát huy đầy đủ chế độ đó. Tổ chức Đảng không quyết định các vấn đề thuộc phạm vi chỉ huy sản xuất, kinh doanh và quản lý công việc hàng ngày của thủ trưởng và của cơ quan quản lý.

Tổ chức cơ sở Đảng ở cơ quan không quyết định chủ trương biện pháp về công tác chuyên môn của cơ quan, nhưng có trách nhiệm góp ý kiến về việc xây dựng kế hoạch công tác hàng năm và việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong cơ quan, tăng cường kỷ luật công tác, động viên cải tiến công tác của cơ quan, tích cực đấu tranh chống chủ nghĩa quan liêu, làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng đối với đảng viên và người ngoài Đảng. Phải giám sát tình hình đảng viên trong cơ quan, kể cả người phụ trách, thực hiện đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, chấp hành pháp luật Nhà nước, kịp thời phát hiện những việc làm sai trái để góp ý kiến với người phụ trách và báo cáo những vấn đề cần thiết với cơ quan lãnh đạo của Đảng cấp trên. Đảng uỷ, chi uỷ ở cơ quan có trách nhiệm tham gia ý kiến vào việc lựa chọn, cất nhắc cán bộ trong cơ quan theo quy định của Ban Chấp hành Trung ương.

Điều 37. - Các đảng uỷ cơ sở, đảng ủy bộ phận, chi ủy có nhiệm vụ thay mặt tổ chức đã cử ra mình để thống nhất lãnh đạo các mặt công tác ở đơn vị theo chức năng quy định cho từng loại tổ chức cơ sở Đảng; chấp hành các nghị quyết của Đại hội đại biểu, Đại hội và hội nghị đảng viên ở đơn vị mình và các nghị quyết, chỉ thị của cấp trên; lãnh đạo các tổ chức Đảng trực thuộc hoạt động; căn cứ vào chế độ do cấp trên quy định mà quản lý tổ chức, quản lý cán bộ, đảng viên và quản lý tài chính của tổ chức đảng; thay mặt tổ chức cơ sở Đảng báo cáo lên cấp trên theo quy định.

Đảng uỷ các tổ chức cơ sở Đảng có từ 500 đảng viên trở lên nếu được cấp uỷ tỉnh, thành phố trực thuộc đồng ý, thì được quyền như huyện uỷ đối với việc chuẩn y kết nạp đảng viên và thi hành kỷ luật đảng viên. Những trường hợp đặc biệt khác phải do Trung ương quy định.

Chương VI
Ủy ban kiểm tra các cấp

Điều 38. - Hội nghị toàn thể Ban Chấp hành Trung ương, tỉnh, thành phố trực thuộc, thành phố, thị xã, huyện, quận hoặc khu phố thuộc thành phố trực thuộc và cấp tương đương cử ra Uỷ ban Kiểm tra của cấp mình gồm một số uỷ viên trong Ban Chấp hành và một số uỷ viên ngoài Ban Chấp hành. ở các tổ chức cơ sở Đảng có từ 500 đảng viên chính thức và dự bị trở lên, nếu được tỉnh uỷ, thành uỷ trực thuộc đồng ý thì đảng uỷ cơ sở cũng được cử Uỷ ban kiểm tra. ở các tổ chức cơ sở khác, đảng uỷ cơ sở phân công một đảng uỷ viên giúp đảng uỷ theo dõi vấn đề thi hành kỷ luật đảng viên, giải quyết thư tố cáo và khiếu nại về thi hành kỷ luật đối với đảng viên.

Danh sách Uỷ ban Kiểm tra cấp dưới phải được cấp uỷ cấp trên chuẩn y.

Điều 39. - Nhiệm vụ của Uỷ ban Kiểm tra các cấp là: kiểm tra những vụ đảng viên (kể cả cấp uỷ viên) vi phạm Điều lệ, kỷ luật của Đảng và pháp luật Nhà nước, kiểm tra việc thi hành kỷ luật của tổ chức Đảng ở cấp dưới, kiểm tra tài chính của Đảng; giải quyết thư tố cáo đối với đảng viên về những vấn đề có quan hệ đến công việc nói trên và thư khiếu nại về thi hành kỷ luật trong Đảng; căn cứ vào quyền hạn quy định ở chương IX mà chuẩn y, thay đổi hoặc xoá bỏ kỷ luật đối với đảng viên. Uỷ ban Kiểm tra của các tổ chức cơ sở Đảng (ở nơi được phép thành lập) không được quyền chuẩn y hoặc xoá bỏ kỷ luật đảng viên, mà chỉ kiểm tra, xem xét để đề xuất ý kiến về những công tác đó với đảng uỷ cơ sở và Uỷ ban Kiểm tra cấp trên.

Điều 40. - Uỷ ban Kiểm tra các cấp làm việc dưới sự lãnh đạo của cấp uỷ Đảng.

Uỷ ban Kiểm tra cấp trên có quyền kiểm tra công việc của Uỷ ban Kiểm tra cấp dưới, chuẩn y, thay đổi hoặc xoá bỏ quyết định của Uỷ ban Kiểm tra và của các tổ chức Đảng cấp dưới về các vụ kỷ luật đối với đảng viên theo các quy định ở chương IX của Điều lệ Đảng.

Chương VII
Sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức Nhà nước và tổ chức quần chúng

Điều 41. - Đảng lãnh đạo Nhà nước một cách toàn diện bằng đường lối và các chính sách của Đảng, bằng các nghị quyết và chỉ thị của Đảng về mục tiêu phấn đấu, chủ trương, biện pháp chủ yếu trên mọi lĩnh vực hoạt động của Nhà nước và xã hội, và về những vấn đề quan trọng nhất trong công tác tổ chức và cán bộ. Đường lối, chính sách của Đảng phải được thể hiện trong Hiến pháp và pháp luật của Nhà nước. Đảng kiểm tra sự hoạt động của bộ máy nhà nước, giáo dục, động viên quần chúng hăng hái xây dựng chính quyền, chấp hành Hiến pháp và pháp luật, thực hiện kế hoạch nhà nước. Đảng bắt buộc các tổ chức Đảng và đảng viên tôn trọng quyền hạn, trách nhiệm và các chế độ của cơ quan nhà nước, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật và các quyết định của Nhà nước, coi đó là kỷ luật của Đảng.

Điều 42. - Đảng không ngừng củng cố và tăng cường sự lãnh đạo của mình đối với các đoàn thể và tổ chức quần chúng bằng cách làm cho đường lối, chính sách và các nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước được quán triệt và biến thành hành động tự giác của quần chúng, thông qua công tác giáo dục, tuyên truyền, vận động, thuyết phục của cán bộ, đảng viên trong các tổ chức đó. Đảng thường xuyên chỉ rõ cho các tổ chức quần chúng những yêu cầu, nhiệm vụ và những công tác quan trọng cần vận động quần chúng thực hiện trong từng thời gian; không ngừng làm cho các tổ chức Đảng và tổ chức Nhà nước tôn trọng và biết phát huy tính tích cực, tính chủ động và sáng tạo của các tổ chức quần chúng; tổ chức cho quần chúng tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và quản lý kinh tế, quản lý nhà nước.

Điều 43. - Trong các cơ quan lãnh đạo của Nhà nước, của các tổ chức quần chúng, do bầu cử mà lập ra (như Quốc hội, Hội đồng Nhân dân các cấp, Ban Chấp hành các đoàn thể quần chúng, trừ Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh), Đảng lập ra các Đảng đoàn gồm những đảng viên hoặc một số đảng viên hoạt động trong các tổ chức nói trên.

Nhiệm vụ của Đảng đoàn là bằng công tác thuyết phục, vận động quần chúng thực hiện đường lối, chính sách và các nghị quyết của Đảng, tăng cường ảnh hưởng của Đảng, tăng cường đoàn kết và mối liên hệ chặt chẽ giữa cán bộ, đảng viên và người ngoài Đảng trong các tổ chức mình hoạt động, nghiên cứu để đề nghị cấp uỷ quyết định phương hướng, chủ trương công tác đối với tổ chức ấy và quản lý cán bộ theo quy định của Trung ương.

Đảng đoàn có bí thư và nếu cần có thể có phó bí thư; bí thư và phó bí thư Đảng đoàn do cấp uỷ chỉ định. Đảng đoàn phục tùng sự lãnh đạo của cấp uỷ Đảng, tập thể ra quyết định và chịu trách nhiệm trước cấp uỷ.

Do sự giới thiệu của các cấp uỷ, Đảng đoàn cấp trên và Đảng đoàn cấp dưới có thể liên hệ với nhau để trao đổi ý kiến và kinh nghiệm công tác.

ở các cơ quan khác của Nhà nước, hoặc ở các lĩnh vực công tác khác trong trường hợp xét thấy cần thiết, Ban Chấp hành Trung ương hoặc các cấp uỷ địa phương có thể lập ra các Ban cán sự gồm những cán bộ do Ban Chấp hành Trung ương hoặc cấp uỷ chỉ định để đảm nhiệm những công việc của Đảng do Ban Chấp hành Trung ương hoặc cấp uỷ uỷ nhiệm.

Tổ chức, quyền hạn, nhiệm vụ cụ thể của Đảng đoàn, Ban cán sự sẽ do Ban Chấp hành Trung ương quy định.

Chương VIII
Đảng đối với Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh

Điều 44. - Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh là cánh tay đắc lực và đội hậu bị tin cậy của Đảng, là trường học cộng sản chủ nghĩa của thanh niên.

Đoàn có nhiệm vụ tổ chức thanh niên thành lực lượng xung kích đi đầu trong mọi lĩnh vực hoạt động mới mẻ, khó khăn, phức tạp nhất của cách mạng, góp phần tích cực vào việc tuyên truyền, kiểm tra và đấu tranh để thực hiện đúng đắn, có hiệu quả đường lối, chính sách và các nghị quyết của Đảng. Trong khi thực hiện các chính sách và chủ trương của Đảng, tổ chức của Đoàn cần chú ý đề đạt ý kiến và kinh nghiệm của mình với tổ chức Đảng.

Đoàn phải giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin, đường lối, chính sách của Đảng, giáo dục về Đảng cho đoàn viên và tầng lớp trẻ, bồi dưỡng những đoàn viên ưu tú thành đảng viên và đào tạo những cốt cán của Đoàn thành cán bộ để cung cấp cho Đảng, cho các yêu cầu của sự nghiệp cách mạng.

Điều 45. - Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh hoạt động dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng.

Ban Chấp hành Trung ương và các cấp của Đoàn chịu sự lãnh đạo trực tiếp của Ban Chấp hành Trung ương và của cấp uỷ Đảng cùng cấp. Các tổ chức của Đoàn phải báo cáo tình hình chung và công việc của mình với cấp uỷ Đảng cùng cấp.

Điều 46. - Tổ chức các cấp của Đảng có nhiệm vụ lãnh đạo tổ chức các cấp của Đoàn về mọi mặt: trong việc giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin và đường lối, chính sách của Đảng cho đoàn viên, trong việc giữ gìn mối liên hệ chặt chẽ giữa Đoàn với đông đảo thanh niên, trong việc xây dựng và củng cố tổ chức, cải tiến hình thức và phương pháp hoạt động của Đoàn, trong việc bồi dưỡng, chọn lọc, cất nhắc cốt cán lãnh đạo của Đoàn,...

Trong công tác lãnh đạo của mình, tổ chức Đảng phải, nắm vững tính chất, vị trí, vai trò, chức năng của Đoàn, chú ý đầy đủ những đặc điểm của quần chúng thanh niên. Phải tích cực phát huy ý thức làm chủ tập thể của thanh niên và tính chủ động, tính sáng tạo của tổ chức Đoàn.

Điều 47. - Sau khi đoàn viên Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh được kết nạp vào Đảng và được công nhận là đảng viên chính thức, nếu không làm công tác lãnh đạo hoặc công tác chuyên môn trong tổ chức của Đoàn và nếu xét thật cần thiết thì chi bộ mới quyết định cho đảng viên thôi ở tổ chức của Đoàn.

Chương IX
Việc thi hành kỷ luật trong Đảng

Điều 48. - Kỷ luật của Đảng là để giữ vững sự thống nhất ý chí và hành động của Đảng, tăng cường sức chiến đấu của Đảng. Việc thi hành kỷ luật là để bảo đảm cho kỷ luật của Đảng được nghiêm minh, đồng thời cũng là để giáo dục đảng viên và tổ chức của Đảng đã phạm sai lầm, giáo dục đảng viên, cán bộ khác và giáo dục quần chúng. Mọi biểu hiện buông lỏng kỷ luật của Đảng đều làm yếu Đảng, phá hoại tính chặt chẽ và sự thống nhất về tổ chức của Đảng, làm suy yếu mối quan hệ giữa Đảng với quần chúng và hiệu lực của hệ thống chuyên chính vô sản. Các tổ chức Đảng và đảng viên phải đấu tranh chống mọi biểu hiện lệch lạc trong việc thi hành kỷ luật của Đảng.

Điều 49. - Tùy theo tình hình cụ thể, mức độ và tính chất các sai lầm của đảng viên và của tổ chức Đảng, tổ chức có thẩm quyền của Đảng sẽ áp dụng các hình thức kỷ luật như sau:

Đối với đảng viên: khiển trách, cảnh cáo, cách chức, lưu lại trong Đảng một thời gian để giáo dục và xem xét (gọi tắt là lưu Đảng), khai trừ ra khỏi Đảng.

Đối với tổ chức của Đảng: khiển trách, cảnh cáo, giải tán.

Thời gian lưu một đảng viên lại trong Đảng để giáo dục và xem xét là một năm. Trong thời gian đó, đảng viên không được quyền biểu quyết, bầu cử và ứng cử vào các cơ quan lãnh đạo của Đảng. Hết thời gian đó, nếu chi bộ thấy người đảng viên phạm kỷ luật đã thật sự tích cực hoạt động để sửa chữa sai lầm và đã tiến bộ thì khôi phục lại quyền biểu quyết, bầu cử và ứng cử; tuổi đảng vẫn giữ nguyên; trái lại, nếu xét thấy không còn đủ tư cách đảng viên, thì khai trừ ra khỏi Đảng.

Điều 50. - Về thẩm quyền thi hành kỷ luật:

1. Đối với từng đảng viên:

- Kỷ luật đối với đảng viên phải do hội nghị chi bộ thảo luận và quyết định. Trong trường hợp áp dụng hình thức lưu Đảng thì phải được cấp uỷ cấp trên trực tiếp của chi bộ chuẩn y; nếu dùng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng thì phải được ít nhất 2/3 tổng số đảng viên chính thức biểu quyết đồng ý và được cấp uỷ có thẩm quyền chuẩn y việc kết nạp đảng viên chuẩn y. Uỷ ban Kiểm tra của huyện uỷ và cấp uỷ tương đương được chuẩn y, thay đổi hoặc xoá bỏ việc thi hành kỷ luật của tổ chức cơ sở Đảng đối với đảng viên; riêng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng thì phải được cấp uỷ chuẩn y.

- Việc thi hành kỷ luật đối với đảng viên là cán bộ do cấp uỷ cấp trên quản lý, nhưng không phải là uỷ viên hoặc uỷ viên dự khuyết của Ban Chấp hành các cấp của Đảng, phải tùy theo phạm vi sai lầm (theo quy định của Trung ương) mà do chi bộ hoặc cấp uỷ quản lý cán bộ đó quyết định.

Trường hợp thuộc phạm vi thi hành kỷ luật của chi bộ thì chi bộ có quyền quyết định các hình thức khiển trách, cảnh cáo, còn đối với các hình thức kỷ luật khác thì đề nghị với cấp uỷ quản lý cán bộ. Uỷ ban Kiểm tra được xét để chuẩn y, thay đổi hoặc xoá bỏ kỷ luật đối với đảng viên là cán bộ do cấp uỷ cấp mình quản lý bằng các hình thức khiển trách, cảnh cáo; còn việc áp dụng các hình thức kỷ luật cách chức, lưu Đảng hoặc khai trừ ra khỏi Đảng thì phải do cấp uỷ quyết định. Việc cách chức và thi hành kỷ luật bằng các hình thức khác thuộc về kỷ luật hành chính trong công tác chuyên môn đối với đảng viên là cán bộ khác phải do cơ quan quản lý cán bộ đó quyết định.

- Việc thi hành kỷ luật đối với các uỷ viên và uỷ viên dự khuyết Ban Chấp hành các cấp (kể cả uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng) bằng các hình thức khiển trách, cảnh cáo và cách các chức vụ thuộc quyền quyết định của Ban Chấp hành phải do Hội nghị toàn thể Ban Chấp hành quyết định. Nếu xử trí bằng các hình thức cách chức uỷ viên chính thức hoặc uỷ viên dự khuyết, lưu Đảng, khai trừ ra khỏi Đảng thì phải do Đại hội đại biểu hoặc Đại hội đảng viên quyết định, giữa hai kỳ Đại hội thì do Hội nghị toàn thể Ban Chấp hành quyết định, với sự đồng ý ít nhất của 2/3 số uỷ viên chính thức và phải được cấp uỷ cấp trên trực tiếp chuẩn y; đến kỳ Đại hội gần nhất cấp uỷ phải báo cáo với Đại hội.

Đối với uỷ viên hoặc uỷ viên dự khuyết của Ban Chấp hành các cấp của Đảng, nếu phạm kỷ luật thuộc phạm vi chi bộ thì chi bộ có quyền quyết định hình thức khiển trách, cảnh cáo và báo cáo lên cấp uỷ mà uỷ viên đó là thành viên, chuẩn y; còn đối với các hình thức kỷ luật khác thì chi bộ có quyền đề nghị.

Việc thi hành kỷ luật một chi uỷ viên phải do hội nghị chi bộ quyết định, nhưng đối với hình thức cách chức chi uỷ viên, lưu Đảng, thì phải được cấp uỷ cấp trên chuẩn y; nếu khai trừ ra khỏi Đảng thì phải được cấp uỷ có quyền chuẩn y việc khai trừ đảng viên chuẩn y.

- Trong trường hợp xét thấy cần thiết, sau khi đã yêu cầu chi bộ hoặc cấp uỷ cấp dưới xét để quyết định kỷ luật đối với đảng viên (kể cả cấp uỷ viên) mà chi bộ hoặc cấp uỷ đó thi hành kỷ luật chưa đúng mức hoặc không thi hành kỷ luật, thì cấp uỷ cấp trên sau khi đã cân nhắc kỹ lưỡng, có thể quyết định nâng mức kỷ luật hoặc thi hành kỷ luật đảng viên, và theo quy định của Trung ương, báo cáo lên cấp uỷ hoặc Uỷ ban Kiểm tra cấp trên chuẩn y đối với các hình thức kỷ luật thuộc quyền chuẩn y của cấp trên.

- Ngoài các quy định trên đây, Ban Chấp hành Trung ương sẽ quy định cụ thể phạm vi quyền hạn của Uỷ ban Kiểm tra các cấp trong việc chuẩn y, thay đổi hoặc xoá bỏ quyết định của tổ chức Đảng cấp dưới về các vụ thi hành kỷ luật đối với đảng viên.

2. Đối với tổ chức của Đảng:

Việc thi hành kỷ luật một tổ chức của Đảng phải do cơ quan lãnh đạo cấp trên của tổ chức đó quyết định sau khi đã nghe tổ chức đó tự kiểm điểm và trình bày ý kiến về ưu điểm, khuyết điểm của mình.

Việc giải tán một chi bộ hoặc một tổ chức cơ sở Đảng phải do cấp uỷ tỉnh, thành phố trực thuộc quyết định trên cơ sở đề nghị của thị uỷ, huyện uỷ, quận uỷ hoặc đảng uỷ khu phố thuộc thành phố trực thuộc hoặc cấp uỷ cấp trên của tổ chức cơ sở sau khi đã trực tiếp kiểm tra, xem xét kỹ lưỡng; quyết định đó phải được Ban Chấp hành Trung ương chuẩn y.

Việc thi hành kỷ luật giải tán một cấp uỷ phải do Hội nghị toàn thể Ban Chấp hành cấp trên trực tiếp quyết định, với sự đồng ý ít nhất của 2/3 số uỷ viên chính thức Ban Chấp hành và được cấp uỷ cấp trên của cấp uỷ đã quyết định việc giải tán chuẩn y; đối với tỉnh uỷ, thành uỷ và đảng uỷ trực thuộc Trung ương thì do Ban Chấp hành Trung ương quyết định.

Chỉ giải tán một tổ chức Đảng trong các trường hợp sau đây: có từ 2/3 đảng viên hoặc uỷ viên chính thức trở lên phạm sai lầm đến mức cần phải thi hành kỷ luật khai trừ ra khỏi Đảng; tập thể tổ chức đó đã có hành động chống lại đường lối của Đảng một cách có ý thức, hoặc có đủ bằng chứng là không còn đủ tin cậy về mặt chính trị.

Những đảng viên không có khuyết điểm hoặc không phạm sai lầm đến mức phải khai trừ ra khỏi Đảng ở những chi bộ hoặc tổ chức Đảng bị giải tán, được cấp uỷ có thẩm quyền quyết định kỷ luật giải tán cho đăng ký lại vào tổ chức mới được thành lập nếu có, hoặc được giới thiệu sinh hoạt ở một chi bộ khác.

Điều 51. - Việc thi hành kỷ luật của Đảng phải được bảo đảm chặt chẽ, kịp thời. Nhưng khi quyết định kỷ luật đối với đảng viên và tổ chức của Đảng, nhất là khi quyết định khai trừ ra khỏi Đảng hoặc giải tán tổ chức là những hình thức kỷ luật cao nhất của Đảng, các tổ chức có trách nhiệm của Đảng phải hết sức thận trọng; phải điều tra, nghiên cứu kỹ càng, đi sâu tìm hiểu bản chất, tránh chỉ nhìn hiện tượng và phải căn cứ vào những bằng chứng xác thực. Trước khi quyết định kỷ luật, tập thể tổ chức có thẩm quyền phải nghe người phạm kỷ luật hoặc người đại diện cho tổ chức bị thi hành kỷ luật trình bày ý kiến.

Sau khi hình thức kỷ luật đã được chính thức quyết định hoặc chuẩn y, cần giải thích cho người hoặc tổ chức bị thi hành kỷ luật hiểu rõ lý lẽ; nếu người hoặc tổ chức bị thi hành kỷ luật không đồng ý thì trong vòng sáu tháng có quyền yêu cầu tổ chức đã quyết định hoặc chuẩn y kỷ luật đó xét lại và có thể khiếu nại lên cấp uỷ hoặc Uỷ ban Kiểm tra cấp trên của các tổ chức đó. Sau đó nếu xét cần thì có thể khiếu nại cho đến Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Các cơ quan của Đảng, khi nhận được các thư khiếu nại yêu cầu giải quyết hoặc đề nghị chuyển lên cấp trên, cần kịp thời giải quyết hoặc chuyển đi ngay, không được dìm bỏ. Khi nhận được thư khiếu nại, cơ quan có trách nhiệm phải báo cho người gửi thư biết, và chậm nhất là trong vòng một tháng phải tổ chức điều tra nghiên cứu để xem xét. Cấp uỷ Đảng cấp dưới phải theo định kỳ ba tháng một lần, báo cáo lên cấp uỷ cấp trên số lượng và tình hình giải quyết thư khiếu nại về kỷ luật của đảng viên và của tổ chức Đảng; cấp uỷ cấp trên phải tổ chức kiểm tra việc giải quyết các thư khiếu nại đó của cấp trên.

Điều 52. - Khi nghị quyết về khai trừ đảng viên ra khỏi Đảng hoặc giải tán một tổ chức Đảng chưa được cấp uỷ có thẩm quyền chuẩn y thì đảng viên đó vẫn được tham gia sinh hoạt, tổ chức đó vẫn được quyền hoạt động. Việc tạm đình chỉ sinh hoạt Đảng của đảng viên hoặc tạm đình chỉ hoạt động của một tổ chức Đảng chỉ được áp dụng trong trường hợp hết sức đặc biệt và phải được cấp uỷ có thẩm quyền chuẩn y kỷ luật khai trừ đảng viên hoặc kỷ luật giải tán tổ chức ấy đồng ý.

Điều 53. - Những đảng viên vi phạm pháp luật của Nhà nước phải chịu thi hành kỷ luật nghiêm minh của Đảng và Nhà nước, không ai được dung túng, bao che.

Trong trường hợp đảng viên bị truy tố trước toà án thì tổ chức Đảng có thẩm quyền sẽ kịp thời xét việc thi hành kỷ luật về Đảng, và tội trạng của họ sẽ do các cơ quan hành chính hoặc tư pháp xét xử về mặt Nhà nước. Nếu đảng viên bị xử tù thì tổ chức Đảng phải khai trừ ra khỏi Đảng.

Trong trường hợp đảng viên bị bắt, bị xử trí oan, sau khi đã có đủ bằng chứng để kết luận là bị xử trí sai, tổ chức Đảng, tổ chức chính quyền phải minh oan và khôi phục mọi quyền chính đáng đã bị tước.

Điều 54. - Một thời gian, sau khi đảng viên bị thi hành kỷ luật, tổ chức Đảng đã quyết định kỷ luật hoặc chi bộ nơi đảng viên sinh hoạt cần thảo luận về việc sửa chữa khuyết điểm của đảng viên, nếu xét thấy đảng viên thật sự đã sửa chữa và tiến bộ, thì quyết định hoặc đề nghị lên cấp đã quyết định thi hành kỷ luật công nhận đảng viên đã sửa chữa khuyết điểm. Tổ chức Đảng không có định kiến trong việc sử dụng, cất nhắc những đảng viên đó.

Chương X
Tài chính của Đảng

Điều 55. - Tài chính của Đảng gồm đảng phí do đảng viên đóng và các khoản thu nhập khác của Đảng do Ban Chấp hành Trung ương quy định.

Điều 56. - Ban Chấp hành Trung ương ra quyết định về chế độ thu đảng phí theo tỷ lệ từng loại thu nhập cơ bản của đảng viên.

Điều 57. - Tài chính của Đảng phải thống nhất. Ban Chấp hành Trung ương lập ra cơ quan tài chính của Đảng và quy định những nguyên tắc thu chi và quản lý tài chính của Đảng một cách chặt chẽ. Cơ quan tài chính có quyền kiểm tra nghiệp vụ công tác tài chính của tổ chức Đảng ở các cơ quan cùng cấp và của tổ chức Đảng cấp dưới, đồng thời chịu sự kiểm tra tài chính của Uỷ ban Kiểm tra cấp trên hoặc Uỷ ban Kiểm tra cùng cấp.

Các cấp bộ của Đảng phải nộp tài chính thu được lên cấp trên theo tỷ lệ do Ban Chấp hành Trung ương quy định và phải nghiêm chỉnh tuân theo những nguyên tắc và quy định về tài chính của Đảng.

Chương XI
Chấp hành điều lệ Đảng

Điều 58. - Mọi đảng viên và tổ chức của Đảng đều phải nghiên cứu kỹ lưỡng và nghiêm chỉnh chấp hành Điều lệ Đảng, kịp thời đấu tranh chống mọi hiện tượng vi phạm Điều lệ Đảng.

Điều 59. - Chỉ có Đại hội đại biểu toàn quốc mới có quyền sửa đổi Điều lệ này.

Chủ đề ĐẠI HỘI ĐẢNG CÁC CẤP

Đọc thêm

Không ngừng đổi mới, sáng tạo, bắt kịp xu thế báo chí hiện đại

Không ngừng đổi mới, sáng tạo, bắt kịp xu thế báo chí hiện đại

Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đề nghị Đảng ủy - Ban Biên tập và đội ngũ cán bộ, phóng viên Báo Hà Tĩnh tiếp tục nỗ lực trong thực hiện nhiệm vụ, giữ vững vị trí tốp đầu hệ thống báo Đảng toàn quốc, xứng đáng là cơ quan ngôn luận của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh nhà.
Công bố quyết định của Bộ Chính trị về chức năng, nhiệm vụ của 13 cơ quan, đơn vị ở Trung ương

Công bố quyết định của Bộ Chính trị về chức năng, nhiệm vụ của 13 cơ quan, đơn vị ở Trung ương

Ngày 30/12, tại Hà Nội, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị công bố Quyết định của Bộ Chính trị về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, mối quan hệ công tác của 13 cơ quan ban đảng, đơn vị sự nghiệp của Đảng, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị-xã hội ở Trung ương. Tổng Bí thư Tô Lâm dự và trao các quyết định.
Thị trấn Nghèn - dấu ấn tuổi 40

Thị trấn Nghèn - dấu ấn tuổi 40

40 năm kể từ ngày thành lập, phát huy truyền thống cách mạng của quê hương, Đảng bộ và Nhân dân thị trấn Nghèn (Can Lộc - Hà Tĩnh) đã nắm bắt chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, đoàn kết một lòng xây dựng quê hương ngày càng hiện đại, văn minh.