Trại lợn của gia đình ông Nguyễn Xuân Hiệp được xây dựng với quy mô khoảng 150 m2, có thời điểm chăn nuôi lên đến 300 con.
Khi biết có phóng viên về tìm hiểu sự việc, hàng chục người dân thôn Phố Cường tạm gác công việc riêng để “kêu cứu”. Theo phản ánh của các hộ dân, trong quá trình chăn nuôi từ năm 2014 đến nay, trang trại của gia đình ông Hiệp không bảo đảm vệ sinh môi trường, thường xuyên xả thải chưa qua xử lý xuống mương và suối Bồng Bồng, khiến mùi hôi thối bao trùm cả thôn.
Người dân đã nhiều lần gặp trao đổi, có ý kiến với ông Hiệp nhưng đều bị phản ứng gay gắt, thậm chí thách thức và dọa dẫm.
Nhiều người dân thôn Phố Cường gác việc riêng để chia sẻ với phóng viên
Anh Nguyễn Đình Khánh (người dân thôn Phố Cường) chia sẻ: "Phải có đến 50 hộ dân bị ảnh hưởng bởi mùi hôi thối từ chuồng lợn nhà anh Hiệp. Cuộc sống bị đảo lộn, môi trường bị ảnh hưởng, nhưng khi bà con có ý kiến thì không những không tìm giải pháp khắc phục mà ông Hiệp còn có thái độ bất chấp, thách thức. Cực chẳng đã, chúng tôi đành phải viết đơn cầu cứu cơ quan chức năng."
Nước thải xả ra môi trường từ trại lợn ông Hiệp có màu đen, hôi thối
Nhà chị Nguyễn Thị Huấn (đối diện cổng trại lợn) – là một trong những gia đình hứng chịu hậu quả nặng nề nhất. Chị Huấn tâm sự: "Mấy năm nay, chúng tôi phải sống trong cảnh ô nhiễm, ăn cơm cũng mùi phân lợn, mất ngủ cũng vì mùi phân lợn. Chưa kể, ông Hiệp xả thải trực tiếp xuống suối Bồng Bồng khiến con suối này có những thời điểm đặc quánh phân lợn, trâu bò không có nước uống, ruộng lúa bị tốt lốp, mất mùa, cá không sống nổi".
Nước giếng của nhiều hộ dân chuyển màu và có mùi hôi tanh, không thể sử dụng.
Vài năm trở lại đây, nước giếng người dân trong khu vực chuyển màu vàng đục và mùi hôi tanh. Anh Nguyễn Đình Hộ bức xúc: "Chúng tôi không thể sử dụng nước giếng để ăn uống, sinh hoạt nữa, rất có thể là do nước suối Bồng Bồng bị ô nhiễm đã ngấm vào lòng đất. Mong rằng cơ quan chức năng sớm vào cuộc và tìm ra nguyên nhân để cứu giúp chúng tôi. Hiện tại, nhiều người dân thôn Phố Cường phải mua nước lọc để dùng hoặc đi hơn 1 km để xin nước."
Nhà ở cuả chị Trần Thị Hòa bị các quạt gió chĩa thẳng và thổi vào, không chỉ tiếng ồn mà mùi thối nồng nặc.
Đáng nói, khi chị Hòa và người dân dẫn chúng tôi đi xem thực tế (vị trí đứng từ vườn nhà chị Hòa) thì một số người từ trại lợn dùng vòi nước và vôi cục cố tình phun và ném vào người.
Trao đổi về vấn đề này, lãnh đạo xã Gia Phố thông tin, địa phương chưa hề cấp giấy chứng nhận trang trại cho gia đình ông Hiệp mà chỉ coi đây là hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Ban đầu, ông Hiệp chỉ nuôi lợn nái với số lượng nhỏ, về sau xây thêm chuồng để nuôi lợn thịt, có thời điểm quy mô lên đến 300 con. Do vậy, hệ thống xử lý môi trường bị quá tải dẫn đến gây ô nhiễm.
Phó Chủ tịch UBND xã Đặng Viết Long cho biết: "Bằng đánh giá cảm quan cũng có thể nhận thấy môi trường thôn Phố Cường đang bị ô nhiễm, mà trước đó, một số thời điểm mức độ ô nhiễm còn nặng nề hơn nhiều lần".
Suối Bồng Bồng ô nhiễm nghiêm trọng
Tính riêng năm 2019, xã Gia Phố đã tiến hành phối hợp làm việc với gia đình ông Hiệp cũng như người dân thôn Phố Cường 9 cuộc. Xã đã xử phạt hành chính với cá nhân ông Hiệp và yêu cầu gia đình di dời trại lợn ra khỏi khu dân cư trước ngày 30/6. Đến nay, đã quá thời hạn nhưng ông Hiệp chưa thực hiện di dời. Theo gia đình báo cáo, hiện họ đã tiến hành mua đất, san nền ở khu vực khác nhưng chưa xây dựng chuồng trại.
"Quan điểm của xã là khuyến khích người dân phát triển kinh tế, nhưng không được để ảnh hưởng đến môi trường. Do đó, chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc và đôn đốc gia đình ông Hiệp thực hiện di dời trại lợn theo cam kết" - ông Đặng Viết Long cho biết thêm.
UBND xã Gia Phố đã xử phạt hành chính đối với ông Hiệp do gây ô nhiễm môi trường khu dân cư