Tổ trưởng dân phố nuôi lợn đàn trong khu dân cư, láng giềng “lãnh” đủ!

(Baohatinh.vn) - Báo Hà Tĩnh nhận được “Đơn kêu cứu” của các hộ dân ở tổ dân phố Hậu Thượng, phường Thạch Quý (TP Hà Tĩnh), phản ánh việc tổ trưởng tổ dân phố nuôi lợn quy mô lớn trong khu dân cư, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân. Qua tìm hiểu cho thấy, phản ánh của người dân hoàn toàn có căn cứ.

“Bức tử” môi trường sống khu dân cư...

Đơn thư tập thể phản ánh: Từ cuối năm 2014 đến nay, gia đình ông Nguyễn Văn Quế - Tổ trưởng Tổ dân phố Hậu Thượng chăn nuôi chó bầy, lợn đàn trong khu dân cư; riêng đàn lợn luôn dao động từ 30-50 con. Nuôi nhiều, nhưng hệ thống chuồng trại, xử lý chất thải không được quan tâm đầu tư nên phát tán mùi hôi thối, chất bẩn ra môi trường, làm đảo lộn cuộc sống, sinh hoạt của người dân xung quanh...

Tổ trưởng dân phố nuôi lợn đàn trong khu dân cư, láng giềng “lãnh” đủ!

"Đơn kêu cứu" của bà Phạm Thị Hồng và các hộ dân sinh sống xung quanh khu vực chăn nuôi lợn của gia đình ông Quế

Bà Phạm Thị Hồng, hàng xóm chung tường với hộ chăn nuôi này bức xúc: “Mấy năm nay, gia đình tôi sống vô cùng khổ cực vì mùi hôi thối, nhất là những lúc thay đổi thời tiết, về đêm, lúc hàng xóm nấu nước rác cho lợn ăn, hay những khi chuồng lợn quên dọn. Dù nuôi lợn đàn nhiều năm, nhưng việc dọn dẹp rất sơ sài, mang tính đối phó. Và đáng lo ngại nhất là khu vực chăn nuôi chỉ cách bếp ăn, phòng ngủ của gia đình tôi một bức tường”.

Tổ trưởng dân phố nuôi lợn đàn trong khu dân cư, láng giềng “lãnh” đủ!

Khu vực bếp nấu, phòng ăn, phòng ngủ, giếng nước của gia đình bà Phạm Thị Hồng chỉ cách chuồng lợn luôn nuôi từ 30-50 con/lứa nên ngày ngày đều "lãnh đủ" mùi hôi thối từ phân lợn

“Để hạn chế ô nhiễm, ngoài việc bỏ ra hơn 80 triệu đồng để sửa chữa nhà cửa ngăn mùi, gia đình tôi đã nhiều lần trao đổi với ông Quế về việc giảm đàn, di dời chuồng trại nhưng không nhận được sự hợp tác. Việc chăn nuôi lợn đàn tại khu dân cư vượt quá mức chịu đựng, khiến hàng xóm chúng tôi phải nhiều lần có ý kiến, mang đơn thư đi nhiều nơi, nhưng vẫn không được quan tâm”- bà Hồng cho biết thêm.

Tổ trưởng dân phố nuôi lợn đàn trong khu dân cư, láng giềng “lãnh” đủ!

Bà Hồng ngao ngán nhìn sang khu vực chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường và chảy nước bẩn sang vườn nhà mình mỗi khi có mưa...

Đến thực tế tình hình tại đây chúng tôi nhận thấy, ngoài đàn chó thì hiện gia đình ông Quế đang nuôi 26 con lợn (mới bán và giết thịt 8 con), hệ thống chuồng trại chăn nuôi khá tuyềnh toàng, các ô nuôi chỉ xây lửng, bắn lưới thép gai hoặc đóng ván tạm bợ, hệ thống bioga đơn sơ; nước thải chăn nuôi được cho chảy vào mương thoát thải chung.

Toàn bộ khu vực chuồng trại rất bẩn thỉu, chuồng lợn sát ngay khu vực bếp nấu của hàng xóm và cả của gia đình. Dù thời điểm chúng tôi đến đàn lợn mới được dọn vệ sinh chưa lâu, nhưng mùi hôi thối vẫn rất nặng. Quan sát rộng hơn, những hộ xung quanh đều che bạt, bắn tôn để ngăn ngừa mùi hôi thối...

Hộ nuôi chây ì, chính quyền bất lực, cơ quan chức năng không quan tâm...

Việc chăn nuôi lợn đàn trong khu vực đông dân cư làm ảnh hưởng đến môi trường sống, sinh hoạt của các hộ xung quanh là điều đã rõ, nhưng khi mới làm việc với chúng tôi, ông Quế vẫn nhất mực “kêu oan”. Ông luôn khẳng định rằng, gia đình mình nuôi lợn sạch sẽ, có ý thức bảo vệ môi trường sống, không có mùi hôi thối như hàng xóm phản ánh. Tuy nhiên, sau khi nhận thấy những lời nói của mình chỉ là bao biện, ông này lại trở giọng bất hợp tác.

Tổ trưởng dân phố nuôi lợn đàn trong khu dân cư, láng giềng “lãnh” đủ!

Ông Quế cho biết, đây là khu vực thu gom phân thải của đàn lợn từ 30-50 con/lứa, nuôi liên tục gần 5 năm của gia đình mình, liệu có thuyết phục và khiến những người hàng xóm yên tâm về môi trường?!

Ông Quế cho rằng: “Gia đình chúng tôi làm nông nghiệp thì phải nuôi lợn. Việc nuôi số lượng nhiều là có lợi cho môi trường hơn, vì tôi sẽ chăm đọn dẹp, chứ nuôi năm hay mười con thì phải đi làm việc khác kiếm sống, không có thời gian dọn vệ sinh, sẽ ô nhiễm hơn.

Còn việc di dời, trước đây tôi đã từng nghĩ đến và cũng đã mua đất ở nơi khác, nhưng tính toán lại thì thấy việc làm ăn mà cứ nhiều nơi thì không ổn, không có thời gian làm việc khác và không thể lo được việc chung cho tổ dân phố”.

Tổ trưởng dân phố nuôi lợn đàn trong khu dân cư, láng giềng “lãnh” đủ!

Nguồn nước thải từ chuồng lợn gia đình ông Quế và mương thoát thải chung khiến dòng nước ô nhiễm, mùi hôi thối lan xa

Trao đổi về việc này, ông Điện Minh Tiến - Phó Chủ tịch UBND phường Thạch Quý cho biết: "Tôi thay mặt UBND phường đã về kiểm tra, đánh giá tình hình và khẳng định phản ánh của bà con là chính xác, nguyện vọng của họ là chính đáng. Trong phạm vi chức trách, quyền hạn của mình, phường đã vào cuộc, yêu cầu ông Quế phải giảm đàn và trước ngày 30/4/2019 phải di dời chuồng trại. Thế nhưng, đến nay ông Quế vẫn không chấp hành, thậm chí thách thức “làm nông nghiệp thì phải nuôi lợn, phường thấy sai thì xuống mà bắt lợn mang đi”.

Tổ trưởng dân phố nuôi lợn đàn trong khu dân cư, láng giềng “lãnh” đủ!

Báo cáo của UBND phường Thạch Quý gửi UBND thành phố về tình trạng ô nhiễm môi trường từ cơ sở chăn nuôi của ông Nguyễn Văn Quế.

Cũng theo ông Điện Minh Tiến: “Vấn đề hiện chúng tôi đang vướng là chế tài xử phạt, nên phải có sự vào cuộc của cấp trên và các lực lượng chức năng khác. Dù công dân đã có ý kiến đến các phòng, ngành chức năng, UBND phường cũng đã có văn bản báo cáo đầy đủ theo công văn yêu cầu ngày 25/3/2019 của UBND thành phố về việc kiểm tra, báo cáo tình hình ô nhiễm môi trường, nhưng đến nay chúng tôi vẫn chưa nhận được phản hồi. Các lực lượng như Công an Môi trường, Phòng TN&MT, Phòng Quản lý đô thị... vẫn “án binh bất động” hoặc kêu khó, không vào cuộc”.

Chăn nuôi lợn đàn trong khu đô thị là sai quy định, môi trường sống của người dân tổ dân phố Hậu Thượng đang bị bức tử là có thật, tổ trưởng dân phố thiếu gương mẫu trước nhân dân là điều cũng đã được thể hiện.

Đề nghị UBND TP Hà Tĩnh và các lực lượng chức năng vào cuộc xử lý ngay, tránh phát sinh những vấn đề phức tạp hơn.

Chủ đề Ô nhiễm môi trường

Đọc thêm

Cần xem xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho gia đình ông Võ Xuân Hoa

Cần xem xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho gia đình ông Võ Xuân Hoa

Ông Võ Xuân Hoa ở xã Kỳ Khang (huyện Kỳ Anh) phản ánh đến Báo Hà Tĩnh việc ông bị người khác tranh chấp thửa đất của gia đình dẫn đến không làm được Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Qua xác minh, chúng tôi nhận thấy nội dung phản ánh ông Hoa hoàn toàn có căn cứ, cần được quan tâm giải quyết.
Gần 20 năm có bìa đỏ nhưng không được giao đất: Cần sự vào cuộc quyết liệt, “thấu lý, đạt tình”!

Gần 20 năm có bìa đỏ nhưng không được giao đất: Cần sự vào cuộc quyết liệt, “thấu lý, đạt tình”!

Đã nộp tiền 19 năm, được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng trên thực tế, ông Trần Văn Tuấn ở huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) vẫn chưa được cấp đất. Ngoài một phần lỗi của công dân thì chính quyền địa phương có nhiều sai sót, tắc trách trong vụ việc này.
Sau 16 năm, 82 lô đất ở vẫn “đắp chiếu” vì vướng quy hoạch

Sau 16 năm, 82 lô đất ở vẫn “đắp chiếu” vì vướng quy hoạch

Năm 2006, UBND huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) cấp cho các hộ dân 82 lô đất ở vùng Cồn Bia, thôn Trung Nghĩa, xã Thạch Bằng (nay là TDP Trung Nghĩa, thị trấn Lộc Hà, huyện Lộc Hà). Thế nhưng đến nay, sau 16 năm, khu đất này vẫn chưa có hạ tầng thiết yếu, khiến người dân băn khoăn, bức xúc.
Nhanh chóng tìm nguyên nhân cá chết ở hồ Bộc Nguyên

Nhanh chóng tìm nguyên nhân cá chết ở hồ Bộc Nguyên

Ngay sau khi ghi nhận hiện tượng cá chết ở hồ Bộc Nguyên, sáng 23/8, Sở TN&MT Hà Tĩnh phối hợp với các huyện Thạch Hà, Cẩm Xuyên tiến hành kiểm tra, lấy mẫu nước ở những khu vực có cá chết và thượng nguồn hồ nước để tìm nguyên nhân.
Người dân xã Đỉnh Bàn bị cấm cản trái phép khi khai thác hải sản

Người dân xã Đỉnh Bàn bị cấm cản trái phép khi khai thác hải sản

Một số người dân ở xã Đỉnh Bàn (Thạch Hà, Hà Tĩnh) đã bị cấm cản trái phép, thậm chí bị hành hung khi khai thác các loài nhuyễn thể tự nhiên ở khu vực bãi bồi ven Cửa Sót (thuộc địa phận xã Đỉnh Bàn). Sự việc chưa được giải quyết thấu đáo nên người dân viết đơn phản ánh lên Báo Hà Tĩnh.
Những yêu cầu của ông Hồ Phúc Duẩn là không có căn cứ

Những yêu cầu của ông Hồ Phúc Duẩn là không có căn cứ

Vừa qua, Báo Hà Tĩnh tiếp nhận đơn thư của ông Hồ Phúc Duẩn ở huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) yêu cầu được chi trả tiền hỗ trợ do dịch Covid-19 và xã phải đứng ra làm bìa đỏ cho gia đình ông. Tuy nhiên, qua xác minh, chúng tôi nhận thấy các yêu cầu của ông Duẩn là không có căn cứ.