Vì sao 200 hộ dân ở thị trấn Thạch Hà bị cắt nước hơn 10 ngày qua?

(Baohatinh.vn) - Sau khi phản ánh về việc nguồn nước sạch bị nhiễm bẩn, 200 hộ dân tại tổ dân phố 12, thị trấn Thạch Hà (huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) đã bị cắt nước khiến cuộc sống sinh hoạt đảo lộn. Sự việc trên đã diễn ra từ ngày 11/9 đến nay.

Dân khốn khổ vì mất nước sinh hoạt dài ngày

Năm 2019, 200 hộ dân tại 2 thôn Thanh Mỹ và Hương Lộc thuộc xã Thạch Thanh cũ (nay là tổ dân phố 12, thị trấn Thạch Hà) ký hợp đồng sử dụng nước sạch với Nhà máy Xử lý nước sạch cụm Bắc Thạch Hà - thuộc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Hà Tĩnh (Nhà máy Nước Bắc Thạch Hà).

Tuy nhiên, theo Bí thư Chi bộ tổ dân phố 12 Lê Thị Liễu: “Sau một thời gian, nhận thấy một số thời điểm, nguồn nước bị nhiễm bẩn, đục ngầu và dính cặn nên người dân chỉ sử dụng để tắm giặt, tưới rau. Bà con hoàn toàn dùng nước mưa từ bể dự trữ để ăn uống”.

Vì sao 200 hộ dân ở thị trấn Thạch Hà bị cắt nước hơn 10 ngày qua?

Nhiều người dân tại tổ dân phố 12 (thị trấn Thạch Hà) ngán ngẩm khi nguồn nước máy đã bị cắt hơn 10 ngày qua.

Đầu tháng 9/2021, do phát hiện nước máy sinh hoạt tiếp tục chuyển sang màu vàng đục, dính cặn nên các hộ dân đã kiến nghị với Nhà máy Nước Bắc Thạch Hà để xử lý.

Ngày 11/9, người dân nhận được thông báo với nội dung: “Do nguồn nước sông Già cung cấp nước thô không đảm bảo chất lượng để xử lý nước sạch nên nhà máy tạm thời ngừng cấp nước sinh hoạt bắt đầu từ 12h cùng ngày cho đến khi có thông báo trở lại”.

Từ đó đến nay đã 12 ngày trôi qua, 200 hộ dân của tổ dân phố 12 vẫn đang mỏi mòn chờ được cấp lại nước máy. Tình trạng mất nước sinh hoạt kéo dài khiến các hộ dân bức xúc.

Vì sao 200 hộ dân ở thị trấn Thạch Hà bị cắt nước hơn 10 ngày qua?

Do chưa có nước máy nên việc rửa, tắm giặt của gia đình ông Hòa phải lấy từ bể nước mưa dự trữ.

Ông Mai Hữu Hòa - một người dân ở tổ dân phố 12 cho hay: “Một nghịch lý là dù phần lớn các hộ dân trong tổ dân phố đã ký hợp đồng với nhà máy nhưng lại không sử dụng nguồn nước này phục vụ việc ăn uống hằng ngày do nguồn nước thỉnh thoảng đổi màu, chúng tôi chỉ dám dùng để giặt giũ, vệ sinh. Mặc dù vậy, tình trạng mất nước kéo dài khiến đời sống sinh hoạt của các hộ dân trở nên khó khăn”.

Chỉ vào vòi nước máy cạn khô, bà Nguyễn Thị Thân e ngại: “Nhà chúng tôi có tất cả 5 người, gồm người già, trẻ nhỏ và phụ nữ mang thai; trong một số thời điểm, nước máy ngả màu vàng đục, dính cặn nên chẳng ai dám sử dụng để nấu nướng, ăn uống. Tuy vậy, việc nguồn nước máy bị cắt khiến mọi sinh hoạt bị đảo lộn. Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài, tôi lo rằng bể nước mưa dự trữ của gia đình sẽ không đủ đáp ứng”.

Vì sao 200 hộ dân ở thị trấn Thạch Hà bị cắt nước hơn 10 ngày qua?

Bà Nguyễn Thị Thân lo lắng nếu tình trạng mất nước máy tiếp tục kéo dài, bể nước mưa dự trữ của gia đình sẽ không đủ đáp ứng.

"Hiện tại, mong muốn lớn nhất của toàn bộ người dân là Nhà máy Nước Bắc Thạch Hà cần sớm cấp lại nước sinh hoạt. Đặc biệt là thay thế nguồn cấp nước thô từ sông Già sang hồ Trại Tiểu (xã Mỹ Lộc, Can Lộc) để có nguồn nước sạch đảm bảo chất lượng” - Bí thư Chi bộ tổ dân phố 12 Lê Thị Liễu trao đổi.

Lời giải đáp từ ngành chức năng

Vì sao 200 hộ dân ở thị trấn Thạch Hà bị cắt nước hơn 10 ngày qua?

Qua test nhanh, nguồn nước thô lấy từ sông Già vào ngày 19/9 chuyển sang màu đỏ do có hàm lượng sắt vượt ngưỡng cho phép.

Để đưa ra lời giải đáp, anh Lưu Văn Linh - cán bộ kiểm nghiệm chất lượng nước của Nhà máy Nước Bắc Thạch Hà đã tiến hành test nhanh nguồn nước thô lấy từ sông Già vào ngày 19/9 và nước sạch đã qua xử lý.

Kết quả, nguồn nước thô chuyển màu đỏ, hàm lượng sắt đo được vượt ngưỡng 5,6mg/L. Đối với nguồn nước sau khi xử lý, hàm lượng sắt đo được là 0,03mg/L, đủ tiêu chuẩn theo QCVN 08-MT:2015/BTNMT (quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt).

Tuy nhiên, theo anh Linh, để đánh giá chất lượng nước phải dựa trên 109 tiêu chí và hàm lượng sắt chỉ là một trong số đó. Chính vì vậy, việc xem xét hàm lượng sắt chưa đủ cơ sở để khẳng định chất lượng nước. Với nguồn nước thô vẫn đang bị ô nhiễm như hiện tại, nhà máy vẫn chưa thể tiến hành cấp nước trở lại cho người dân; trừ trường hợp có văn bản đề nghị từ phía địa phương về việc cấp nước phục vụ việc giặt rửa và công trình phụ trợ.

Vì sao 200 hộ dân ở thị trấn Thạch Hà bị cắt nước hơn 10 ngày qua?

Nguồn nước sau khi xử lý không chuyển màu...

Vì sao 200 hộ dân ở thị trấn Thạch Hà bị cắt nước hơn 10 ngày qua?

... bởi hàm lượng sắt đo được là 0,03mg/L, hoàn toàn đáp ứng tiêu chuẩn theo QCVN 01:2009/BYT.

Theo ông Lương Hữu Hải - Trạm trưởng Nhà máy Nước Bắc Thạch Hà, vào thời điểm tương tự của năm 2019, đã xảy ra tình trạng sông Già bị ô nhiễm và không đảm bảo chất lượng nguồn thô để xử lý nên nhà máy phải tiến hành cắt nước. Sau hơn 10 ngày, nhà máy nước hoàn thành xử lý sự cố để tiến hành cấp nước cho người dân.

Lý giải nguyên nhân khiến nước sông Già ô nhiễm trong những ngày qua, ông Hải cho rằng, sau khi thu hoạch vụ lúa hè thu, xác rơm rạ chất đầy hai bên sông khiến nguồn nước bị ảnh hưởng. Sau khi xử lý, xét thấy quá trình kiểm nghiệm nguồn nước vẫn chưa đạt chất lượng nên nhà máy đã tạm ngừng; đồng thời, tập trung mọi nguồn lực cho công tác kiểm tra, theo dõi.

Vì sao 200 hộ dân ở thị trấn Thạch Hà bị cắt nước hơn 10 ngày qua?

Mẫu nước từ sông Già sẽ được cán bộ nhà máy lấy hằng ngày để xét nghiệm, theo dõi.

Vấn đề cấp nước được nhà máy thực hiện song song với việc thường xuyên theo dõi, kiểm tra, xét nghiệm chất lượng. Việc cấp nước trở lại cho các hộ dân tại tổ dân phố 12, thị trấn Thạch Hà sẽ được tiến hành ngay sau khi kiểm nghiệm cho thấy nguồn nước đã đạt chất lượng.

“Theo dự báo, Hà Tĩnh sẽ xảy ra mưa lớn từ ngày 23 đến 26/9. Dù mưa lớn sẽ khiến sông Già ngầu đục, cặn lơ lửng nhiều nhưng ngược lại, trận mưa này sẽ làm “mềm” nước, giảm hàm lượng sắt trong nguồn nước thô. Hiện, chúng tôi đang hy vọng cơn mưa này sẽ đủ điều kiện để rửa phèn, đẩy trôi các chất bẩn trong sông Già" - ông Hải cho biết thêm.

Chiều 23/9, thị trấn Thạch Hà đã có văn bản đề nghị cấp nước sinh hoạt cho dân. Sau khi kiểm nghiệm, nếu nguồn nước đạt chất lượng thì Nhà máy nước Bắc Thạch Hà sẽ hoàn thành các bước chuẩn bị để cấp lại nước sinh hoạt cho các hộ dân tại tổ dân phố 12 trong thời gian sớm nhất.

Từ thực tế trên, Nhà máy Nước Bắc Thạch Hà cần tập trung cao hơn cho công tác khắc phục sự cố và tiếp tục có giải pháp mang tính bền vững, lâu dài để đảm bảo nhu cầu về nước sạch phục vụ cuộc sống sinh hoạt của người dân trong thời gian sớm nhất.

Chủ đề Tài nguyên – môi trường

Đọc thêm

Cần xem xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho gia đình ông Võ Xuân Hoa

Cần xem xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho gia đình ông Võ Xuân Hoa

Ông Võ Xuân Hoa ở xã Kỳ Khang (huyện Kỳ Anh) phản ánh đến Báo Hà Tĩnh việc ông bị người khác tranh chấp thửa đất của gia đình dẫn đến không làm được Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Qua xác minh, chúng tôi nhận thấy nội dung phản ánh ông Hoa hoàn toàn có căn cứ, cần được quan tâm giải quyết.
Gần 20 năm có bìa đỏ nhưng không được giao đất: Cần sự vào cuộc quyết liệt, “thấu lý, đạt tình”!

Gần 20 năm có bìa đỏ nhưng không được giao đất: Cần sự vào cuộc quyết liệt, “thấu lý, đạt tình”!

Đã nộp tiền 19 năm, được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng trên thực tế, ông Trần Văn Tuấn ở huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) vẫn chưa được cấp đất. Ngoài một phần lỗi của công dân thì chính quyền địa phương có nhiều sai sót, tắc trách trong vụ việc này.
Sau 16 năm, 82 lô đất ở vẫn “đắp chiếu” vì vướng quy hoạch

Sau 16 năm, 82 lô đất ở vẫn “đắp chiếu” vì vướng quy hoạch

Năm 2006, UBND huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) cấp cho các hộ dân 82 lô đất ở vùng Cồn Bia, thôn Trung Nghĩa, xã Thạch Bằng (nay là TDP Trung Nghĩa, thị trấn Lộc Hà, huyện Lộc Hà). Thế nhưng đến nay, sau 16 năm, khu đất này vẫn chưa có hạ tầng thiết yếu, khiến người dân băn khoăn, bức xúc.
Nhanh chóng tìm nguyên nhân cá chết ở hồ Bộc Nguyên

Nhanh chóng tìm nguyên nhân cá chết ở hồ Bộc Nguyên

Ngay sau khi ghi nhận hiện tượng cá chết ở hồ Bộc Nguyên, sáng 23/8, Sở TN&MT Hà Tĩnh phối hợp với các huyện Thạch Hà, Cẩm Xuyên tiến hành kiểm tra, lấy mẫu nước ở những khu vực có cá chết và thượng nguồn hồ nước để tìm nguyên nhân.
Người dân xã Đỉnh Bàn bị cấm cản trái phép khi khai thác hải sản

Người dân xã Đỉnh Bàn bị cấm cản trái phép khi khai thác hải sản

Một số người dân ở xã Đỉnh Bàn (Thạch Hà, Hà Tĩnh) đã bị cấm cản trái phép, thậm chí bị hành hung khi khai thác các loài nhuyễn thể tự nhiên ở khu vực bãi bồi ven Cửa Sót (thuộc địa phận xã Đỉnh Bàn). Sự việc chưa được giải quyết thấu đáo nên người dân viết đơn phản ánh lên Báo Hà Tĩnh.
Những yêu cầu của ông Hồ Phúc Duẩn là không có căn cứ

Những yêu cầu của ông Hồ Phúc Duẩn là không có căn cứ

Vừa qua, Báo Hà Tĩnh tiếp nhận đơn thư của ông Hồ Phúc Duẩn ở huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) yêu cầu được chi trả tiền hỗ trợ do dịch Covid-19 và xã phải đứng ra làm bìa đỏ cho gia đình ông. Tuy nhiên, qua xác minh, chúng tôi nhận thấy các yêu cầu của ông Duẩn là không có căn cứ.