Người dân vùng Bắc Thạch Hà không mặn mà với... nước sạch

(Baohatinh.vn) - Dù đã có hệ thống nước sạch từ nhiều năm nay nhưng người dân các xã vùng Bắc Thạch Hà (Thạch Hà, Hà Tĩnh) vẫn thờ ơ và chẳng mấy mặn mà với nguồn tài nguyên này.

Người dân vùng Bắc Thạch Hà không mặn mà với... nước sạch

Nguồn nước của gia đình ông Võ Tá Hòa (thôn Thống Nhất, xã Việt Tiến) lắng cặn sau khi để qua đêm.

Theo ông Võ Tá Hòa (thôn Thống Nhất, xã Việt Tiến), nhiều năm nay, gia đình ông chỉ sử dụng nước máy (Nhà máy xử lý nước sạch cụm Bắc Thạch Hà - thuộc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Hà Tĩnh) để giặt giũ, tưới rau; còn việc ăn uống thì gia đình sử dụng nước mưa.

“Đặc biệt, bắt đầu từ ngày 26/11/2020, tôi phát hiện nước máy sinh hoạt chuyển màu đỏ, đục ngầu, dính cặn và lẫn mùi bùn nên đã báo ngay cho cán bộ Nhà máy xử lý nước sạch cụm Bắc Thạch Hà đến xử lý. Từ đó đến đầu tháng 8 vừa qua, chúng tôi không thấy nguồn nước có tình trạng bất thường. Tuy nhiên trong các ngày 4/8 và 11/8, tình trạng này lại tiếp tục tái diễn”, ông Hòa cho biết.

Cũng theo ông Hòa, dù đã có nước sạch từ nhiều năm nay nhưng phần lớn các hộ dân trong thôn lại chẳng mấy mặn mà với nguồn nước này.

Người dân vùng Bắc Thạch Hà không mặn mà với... nước sạch

Việc ăn uống của các thành viên trong gia đình ông Nguyễn Ngọc Thắng (thôn Thống Nhất, Việt Tiến) cũng phụ thuộc hoàn toàn vào nước mưa.

Một hộ dân khác tại thôn Thống Nhất đã ký hợp đồng sử dụng nước máy của Nhà máy xử lý nước sạch cụm Bắc Thạch Hà là ông Nguyễn Ngọc Thắng cho hay: “Ngày 11/8/2021, nhiều hộ dân đã phản ánh với Nhà máy về tình trạng đục, bẩn của nguồn nước nên đến đêm cùng ngày, đơn vị đã có thông báo tạm ngừng cấp nước cho các hộ dân tại các địa phương: Việt Tiến, Thạch Kênh, Thạch Liên, thị trấn Thạch Hà (4 tổ dân phố thuộc vùng Thạch Thanh cũ 12, 13, 14 và 15) và Quang Lộc (Can Lộc) để sục rửa đường ống. Sự việc này khiến các hộ dân chúng tôi e ngại việc sử dụng nguồn nước máy để sinh hoạt”.

Người dân vùng Bắc Thạch Hà không mặn mà với... nước sạch

Nước máy của gia đình ông Thắng được lấy vào ngày 11/8.

Gia đình bà Nguyễn Thị Hường (thôn Nguyên, xã Thạch Liên), nhiều năm nay, do e ngại nguồn nước bị ô nhiễm, cũng không dám sử dụng nguồn nước máy để nấu nướng, ăn uống mà chỉ dùng để tưới cây, tắm giặt.

Theo bà Hường, trong một số thời điểm, lúc mới xả từ vòi ra, nguồn nước này có dính cặn và phải đợi một lúc, mới ổn định trở lại.

Người dân vùng Bắc Thạch Hà không mặn mà với... nước sạch

Gia đình bà Nguyễn Thị Hường (thôn Nguyên, Thạch Liên) chẳng mấy mặn mà với nguồn nước máy.

Nhà máy xử lý nước sạch cụm Bắc Thạch Hà (đóng tại xã Thạch Liên, huyện Thạch Hà - do Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Hà Tĩnh quản lý) hoạt động từ tháng 12/2016 với công suất 3.000 m3/ngày đêm, sử dụng nguồn nước sông Già để cung cấp nước sạch cho tổng toàn bộ 6.000 hộ dân của thị trấn Thạch Hà và cá xã Thạch Liên, Thạch Kênh, Việt Tiến (Thạch Hà), Quang Lộc (huyện Can Lộc). Riêng thị trấn Thạch Hà, chỉ có 4 tổ dân phố gồm các tổ: 12, 13, 14, 15 ký hợp đồng nước với Nhà máy; 11 tổ còn lại sử dụng nguồn nước của Trung tâm nước sạch và Vệ sinh môi trường Nông thôn tỉnh Hà Tĩnh.

Công trình lấy nguồn nước thô từ sông Già, được xử lý qua hệ thống trước khi cung cấp cho người dân. Hiện nay, giá nước ở mức 4.400 đồng/m3.

Người dân vùng Bắc Thạch Hà không mặn mà với... nước sạch

Sau khi xả được một thời gian, nước máy tại nhà bà Hường bắt đầu xuống cặn.

Tuy đã ký hợp đồng và trả tiền nước máy hàng tháng song có một nghịch lý tồn tại là, phần lớn các hộ dân ở các xã vùng Bắc Thạch Hà không sử dụng nguồn nước này việc ăn uống hàng ngày.

Theo tìm hiểu của PV, do trước đây, e ngại các trang trại chăn nuôi sát bờ sông Già cùng với việc trong một số thời điểm, nước con sông này chuyển màu nâu đục nên dù nguồn nước thô đã được Nhà máy xử lý nước sạch cụm Bắc Thạch Hà xử lý, song người dân vẫn bất an.

Người dân vùng Bắc Thạch Hà không mặn mà với... nước sạch

Chủ tịch UBND xã Việt Tiến Nguyễn Văn Hướng

Xác nhận sự việc này, Chủ tịch UBND xã Việt Tiến Nguyễn Văn Hướng cho biết: “Thời gian vừa qua, bên cạnh việc đề nghị Nhà máy xử lý nước sạch cụm Bắc Thạch Hà sớm xử lý tình trạng nói trên; địa phương đã đề xuất với huyện để cử đoàn về kiểm tra, đánh giá và khắc phục. Do e ngại nguồn nước từ sông Già, trong các cuộc tiếp xúc cử tri, người dân bày tỏ cần sớm đẩy nhanh tiến độ dự án thay thế nguồn nước thô từ hồ Trại Tiểu (Mỹ Lộc). Chính quyền địa phương đã tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan để khắc phục sự cố, song còn chưa triệt để”.

Người dân vùng Bắc Thạch Hà không mặn mà với... nước sạch

Nhà máy xử lý nước sạch cụm Bắc Thạch Hà cung cấp nước sạch cho các hộ dân ở Thạch Liên, Thạch Kênh, Việt Tiến (huyện Thạch Hà) và xã Quang Lộc (huyện Can Lộc).

Ông Lương Hữu Hải - Trạm trưởng Nhà máy xử lý nước sạch cụm Bắc Thạch Hà cho biết: "Từ chiều 11/8, chúng tôi nhận được thông tin từ các hộ dân của thôn Thống Nhất (xã Việt Tiến) rằng nguồn nước bị đục màu, dính cặn nên đã thông báo cắt nước để xử lý.

Nhân viên của nhà máy đã tiến hành đào bịt xả cặn tại các đường ống để sục rửa, khử trùng đường ống. Nguyên nhân dẫn tới tình trạng nói trên là do quá trình mở rộng đường giao thông nông thôn, một số đường ống bị đào vỡ dẫn tới việc kéo theo cặn bẩn, đất cát và thường xuất hiện tại các van xả nằm ở cuối tuyến. Hiện, đơn vị đang tích cực tiến hành các giải pháp khắc phục".

Được biết, cán bộ, nhân viên của Nhà máy xử lý nước sạch cụm Bắc Thạch Hà đã kiểm tra tình trạng nước hàng ngày đồng thời, lấy mẫu xét nghiệm để kiểm định.

Người dân vùng Bắc Thạch Hà không mặn mà với... nước sạch

Hệ thống xử lý nước thô tại Nhà máy.

Ông Lương Hữu Hải cũng thừa nhận, nếu chỉ nhìn bằng mắt thường, những lo lắng của người dân là có cơ sở khi nguồn nước thô của công trình được lấy từ sông Già. Tuy nhiên, theo ông Hải với hệ thống lọc hiện đại, nguồn nước sông Già đã đảm bảo chất lượng khi chuyển tới các hộ dân. Định kỳ hàng năm, nhân viên Nhà máy thường xuyên vệ sinh bể lọc, bể chứa; súc rửa đường ống.

Được biết, năm 2020, tỉnh Hà Tĩnh đã phê duyệt dự án thay thế nguồn cấp nước thô cho Nhà máy xử lý nước sạch cụm Bắc Thạch Hà từ sông Già sang hồ Trại Tiểu (xã Mỹ Lộc, Can Lộc) với tổng mức đầu tư 15,9 tỷ đồng.

Tháng 4/2021, dự án này được triển khai và sau khi hoàn thành, đưa vào sử dụng sẽ cung cấp nguồn nước thô đảm bảo lưu lượng và chất lượng theo QCVN 08:2008/BTNMT cho Nhà máy xử lý nước sạch cụm Bắc Thạch Hà với công suất 3.000 m3/ngày đêm. Dự kiến, đến hết năm nay, công trình sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Chủ đề Tài nguyên – môi trường

Đọc thêm

Gần 20 năm có bìa đỏ nhưng không được giao đất: Cần sự vào cuộc quyết liệt, “thấu lý, đạt tình”!

Gần 20 năm có bìa đỏ nhưng không được giao đất: Cần sự vào cuộc quyết liệt, “thấu lý, đạt tình”!

Đã nộp tiền 19 năm, được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng trên thực tế, ông Trần Văn Tuấn ở huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) vẫn chưa được cấp đất. Ngoài một phần lỗi của công dân thì chính quyền địa phương có nhiều sai sót, tắc trách trong vụ việc này.
Sau 16 năm, 82 lô đất ở vẫn “đắp chiếu” vì vướng quy hoạch

Sau 16 năm, 82 lô đất ở vẫn “đắp chiếu” vì vướng quy hoạch

Năm 2006, UBND huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) cấp cho các hộ dân 82 lô đất ở vùng Cồn Bia, thôn Trung Nghĩa, xã Thạch Bằng (nay là TDP Trung Nghĩa, thị trấn Lộc Hà, huyện Lộc Hà). Thế nhưng đến nay, sau 16 năm, khu đất này vẫn chưa có hạ tầng thiết yếu, khiến người dân băn khoăn, bức xúc.
Nhanh chóng tìm nguyên nhân cá chết ở hồ Bộc Nguyên

Nhanh chóng tìm nguyên nhân cá chết ở hồ Bộc Nguyên

Ngay sau khi ghi nhận hiện tượng cá chết ở hồ Bộc Nguyên, sáng 23/8, Sở TN&MT Hà Tĩnh phối hợp với các huyện Thạch Hà, Cẩm Xuyên tiến hành kiểm tra, lấy mẫu nước ở những khu vực có cá chết và thượng nguồn hồ nước để tìm nguyên nhân.
Người dân xã Đỉnh Bàn bị cấm cản trái phép khi khai thác hải sản

Người dân xã Đỉnh Bàn bị cấm cản trái phép khi khai thác hải sản

Một số người dân ở xã Đỉnh Bàn (Thạch Hà, Hà Tĩnh) đã bị cấm cản trái phép, thậm chí bị hành hung khi khai thác các loài nhuyễn thể tự nhiên ở khu vực bãi bồi ven Cửa Sót (thuộc địa phận xã Đỉnh Bàn). Sự việc chưa được giải quyết thấu đáo nên người dân viết đơn phản ánh lên Báo Hà Tĩnh.