Thời gian qua, trên địa bàn Hà Tĩnh có tình trạng các cơ sở băm dăm hoạt động không phép, nhất là tại các huyện Hương Khê, Hương Sơn, Vũ Quang, Đức Thọ.
Trước thực tế đó, UBND tỉnh đã có các Văn bản số 769/UBND-KT1 ngày 07/2/2024 về việc kiểm tra, báo cáo tình hình hoạt động các cơ sở chế biến gỗ băm dăm trên địa bàn tỉnh; Văn bản số 1823/UBND-KT1 ngày 04/4/2024 về việc chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước đối với các cơ sở chế biến gỗ băm dăm trái phép; Văn bản số 5264/UBND-KT1 ngày 09/9/2024 về việc kiểm tra xử lý dứt điểm các cơ sở băm dăm hoạt động không phép trên địa bàn.
Trong đó, yêu cầu các ngành chức năng, các địa phương tập trung vào cuộc kiểm tra, chấn chỉnh nhằm thắt chặt quản lý trong sản xuất gỗ dăm.
Thực hiện các văn bản chỉ đạo của tỉnh, UBND huyện Hương Khê vào cuộc kiểm tra, rà soát. Qua kiểm tra, có 4 cơ sở gồm: Công ty Dịch vụ thương mại Ngàn Phố tại xã Gia Phố; Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Trà My tại xã Hương Bình; Công ty TNHH Hoàng Sơn Hải tại xã Hương Long và hộ ông Nguyễn Đức Thiện tại xã Phúc Trạch hoạt động chế biến băm dăm khi chưa được cấp có thẩm quyền cấp phép theo quy định.
Ngày 4/10/2024, UBND huyện Hương Khê có Văn bản số 2532/UBND-TNMT về việc chấm dứt hoạt động liên quan đến chế biến băm dăm gỗ rừng trồng (gỗ keo) tại các cơ sở: Công ty Dịch vụ thương mại Ngàn Phố tại xã Gia Phố; Công ty TNHH TM và DV Trà My tại xã Hương Bình và Công ty TNHH Hoàng Sơn Hải tại xã Hương Long; không cho cơ sở của hộ ông Nguyễn Đức Thiện tại xã Phúc Trạch tái sản xuất trở lại.
Sau khi Văn bản số 2532/UBND-TNMT được ban hành, các doanh nghiệp bị chấm dứt hoạt động chế biến băm dăm gỗ đã bày tỏ không đồng tình và có văn bản gửi lên chính quyền huyện.
Ông Trần Viết Hùng – đại diện Công ty Dịch vụ thương mại Ngàn Phố cho biết: Công ty chuyên thu mua, cưa xẻ gỗ thanh và ván bóc keo tràm từ năm 2021 trên diện tích 3.000m2 thuộc đất quy hoạch Cụm công nghiệp Gia Phố. Đến đầu năm 2023, đơn vị đầu tư thêm 1 dây chuyền sản xuất băm dăm, đảm bảo việc làm và thu nhập ổn định cho 29 lao động địa phương.
Hoạt động chính của cơ sở là bóc ván gỗ rừng trồng, còn xay băm dăm chỉ là để xử lý các sản phẩm phụ. Vì thế, công ty chọn mua cây keo to, đã đến kỳ khai thác để đảm bảo chất lượng thành phẩm. Tuy nhiên, nếu chỉ đơn thuần lựa chọn phần thân, những khúc gỗ tốt để bóc ván thì chắc chắn bị lỗ nên phải tận dụng tối đa từ cành, ngọn, vỏ, gỗ vụn… để làm băm dăm mới có lợi nhuận, tăng giá trị gỗ rừng trồng.
“Cách đây gần 1 năm, cơ sở đã làm hồ sơ thủ tục xin thay đổi giấy phép kinh doanh, bổ sung thêm nội dung thu mua, chế biến phụ phẩm từ gỗ rừng trồng (băm dăm) nhưng do một số vướng mắc, tồn đọng nên chưa được các phòng, ngành chức năng giải quyết. Vì vậy, chúng tôi mong muốn, khi doanh nghiệp đang hoàn thiện hồ sơ thì các cấp, ngành cần sớm có phương án tháo gỡ hợp lý, hợp tình; thậm chí xem xét cho tạm hoạt động để tránh thiệt hại” - ông Hùng cho biết thêm.
Năm 2016, Công ty TNHH Hoàng Sơn Hải mua lại toàn bộ tài sản do ngân hàng phát mại là cơ sở thu mua, chế biến gỗ rừng trồng của Công ty TNHH Vạn Thành (gồm đất đai, giấy phép đăng ký kinh doanh, xưởng cưa, máy bóc ván, máy xay dăm) ở thôn 9, xã Hương Long – thuộc quy hoạch Cụm công nghiệp Hương Long giai đoạn 2. Đồng thời, duy trì hoạt động đến nay, sử dụng 15 lao động.
Ông Trần Quang Đại – đại diện Công ty TNHH Hoàng Sơn Hải cho rằng, huyện cần xem xét cho phù hợp khi yêu cầu chấm dứt hoạt động vì công ty chế biến băm dăm trên nền tảng máy móc, mặt bằng đã được cấp phép từ doanh nghiệp trước đó.
Công ty mong muốn được tự bỏ kinh phí giải phóng mặt bằng Cụm công nghiệp Hương Long giai đoạn 2 để nhà máy đảm bảo nằm trong vị trí quy hoạch. Đồng thời, đề nghị các sở, ngành chức năng tiếp tục cấp phép cho sản xuất dăm như trước đây để tránh dư thừa máy móc tiền tỷ đã đầu tư, có thể tận dụng tối đa các phụ phẩm gỗ rừng trồng và giúp người trồng keo bao tiêu sản phẩm.
Ngoài 2 doanh nghiệp nêu trên còn có cơ sở của Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Trà My (thôn Bình Thành, xã Hương Bình) với quy mô sản xuất 13.000 m2 và nhiều loại máy móc khác, riêng 2 dây chuyền băm dăm hoạt đầu từ đầu năm 2023. Cùng đó là hộ kinh doanh Nguyễn Đức Thiện ở thôn 11, xã Phúc Trạch, với mặt bằng 7.000 m2, có nhiều loại máy móc, trong đó 1 máy băm dăm hoạt động vào đầu năm 2024.
Trao đổi với phóng viên, đại diện các doanh nghiệp có liên quan cho rằng, các cơ sở này chủ yếu hoạt động bóc ván, xẻ gỗ thanh, nếu không tận dụng được phụ phẩm để làm băm dăm thì bị lỗ và gây lãng phí máy móc, mặt bằng được đầu tư tiền tỷ. Các cơ sở thu mua, chế biến gỗ rừng trồng (trong đó có băm dăm) trên địa bàn góp phần đảm bảo thị trường đầu ra cho sản phẩm keo tràm của người trồng rừng địa phương, nhất là những thời điểm rừng trồng bị đổ gãy do thiên tai, hoặc thu hoạch đại trà. Việc chấm dứt hoạt động băm dăm của các cơ sở sẽ ảnh hưởng đến tình hình sản xuất kinh doanh của đơn vị, hàng trăm lao động tại chỗ mất việc làm …
Về vấn đề này, ông Ngô Xuân Ninh - Chủ tịch UBND huyện Hương Khê (vừa có quyết định điều động về công tác tại Sở Tư pháp) khẳng định: Nguyên nhân dẫn đến việc một số cơ sở thu mua, chế biến gỗ rừng trồng có hoạt động băm dăm khi chưa được cấp có thẩm quyền cấp phép là do cấp ủy, chính quyền một số xã chưa quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường quản lý nhà nước về đất đai, khoáng sản, môi trường; công tác tuyên truyền, hướng dẫn đối với các chủ sử dụng đất chưa được chú trọng; UBND các xã thiếu kiểm tra, giám sát, phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định.
"Việc huyện kiểm tra, rà soát và yêu cầu chấm dứt hoạt động đối với các cơ sở chế biến gỗ rừng trồng có xay băm dăm trái phép trên địa bàn là thực hiện theo chỉ đạo của UBND tỉnh và các sở, ngành chức năng. Chúng tôi đã nghe các doanh nghiệp phản ánh, đề xuất các vấn đề có liên quan và huyện cũng đã ghi nhận, báo cáo tình hình lên tỉnh để xin ý kiến tháo gỡ. Huyện đang chờ ý kiến chỉ đạo cụ thể từ UBND tỉnh. Địa phương luôn đồng hành, hỗ trợ để doanh nghiệp sớm hoàn thiện các loại hồ sơ, được các ngành chức năng cấp phép và tiếp tục sản xuất” - ông Ngô Xuân Ninh thông tin.
Chủ trương thắt chặt quản lý hoạt động của các cơ sở băm dăm trên địa bàn toàn tỉnh nói chung, Hương Khê nói riêng là việc cần làm để hướng tới một nền sản xuất lành mạnh, an toàn, đúng pháp luật, đúng định hướng phát triển và góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất của ngành lâm nghiệp. Đây không chỉ là trách nhiệm của các sở, ngành chức năng, chính quyền các cấp mà bản thân các doanh nghiệp cũng phải có ý thức và chấp hành nghiêm túc.
Do vấn đề tồn đọng từ lịch sử, công tác quản lý trước đây chưa thực sự chặt chẽ, những vướng mắc trong khâu quy hoạch, bất cập trong thu hút đầu tư và nhiều yếu tố khác nên một số cơ sở sản xuất đã bỏ nhiều công sức, kinh phí đầu tư sản xuất băm dăm khi chưa được cấp có thẩm quyền cấp phép, dẫn đến phải chịu tổn thất khi tỉnh thực hiện chủ trương thắt chặt quản lý hoạt động. Trách nhiệm này trước hết thuộc về các doanh nghiệp. Tuy vậy, trong trường hợp này, thiết nghĩ khi thực hiện chủ trương thắt chặt quản lý hoạt động chế biến gỗ băm dăm, các cấp, ngành nên xây dựng lộ trình thực hiện cụ thể, có giải pháp xử lý phù hợp thực tiễn và xem xét, tạo điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp ổn định sản xuất kinh doanh, tránh những lãng phí, tổn thất không đáng có.