Vì sao trồng rừng sản xuất ở Hà Tĩnh mới dừng lại ở bán gỗ băm dăm?

(Baohatinh.vn) - Người trồng rừng Hà Tĩnh đã và đang chủ yếu "bán non" cây keo tràm phục vụ chế biến gỗ băm dăm khi lợi ích kinh tế không cao, hiệu quả sử dụng đất thấp.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
2 - Copy.jpg
Người trồng rừng ở Hương Minh (Vũ Quang) trồng lại keo tràm sau chu kỳ khai thác.

Anh Trần Văn Trình ở thôn 6, xã Thọ Điền (Vũ Quang) có 27 ha đất rừng sản xuất. Đây là nguồn tư liệu sản xuất rất lớn, nhưng hơn 20 năm nay, anh vẫn độc canh cây keo tràm, trồng với chu kỳ ngắn (5 – 6 năm/chu kỳ) để bán xay gỗ băm dăm.

Với phương thức trồng xoay vòng, bán cuốn chiếu, bình quân mỗi ha keo tràm có đường kính từ 40 – 60 cm, gia đình anh Trình có mức thu nhập từ 30 – 45 triệu đồng, chưa tính ngày công chăm sóc (tùy địa hình, trữ lượng, giá cả thị trường từng thời điểm). Mức thu nhập này chỉ đủ lấy công làm lãi, lấy diện tích bù chất lượng nên anh Trình chưa thể làm giàu từ nguồn tư liệu sản xuất dồi dào và đáng quý này.

Anh Trình chia sẻ: “Tôi đã từng nghĩ đến việc lựa chọn một số nơi trồng keo tràm trên 10 – 12 năm/chu kỳ, có đường kính từ 100 – 130 cm để bán gỗ (2,5 – 3 triệu đồng/cây, mật độ khoảng 900 - 1.000 cây/ha) hoặc để dành cho con cháu sau này. Song, vì trên địa bàn chưa có phong trào trồng rừng gỗ lớn, sợ rủi ro, muốn thu hồi vốn nhanh... nên cứ thấy được giá là bán. Vì bán cây non, hiệu quả kinh tế mang lại không cao, sản xuất cầm chừng, không có bước đột phá”.

DSC_3712 - Copy.JPG
Người dân Vũ Quang khai thác rừng trồng bán gỗ băm dăm khi cây keo tràm mới trồng được gần 5 năm.

Ông Đặng Khánh Trình – Bí thư Đảng ủy xã Thọ Điền cho biết: “Địa phương đang có 3.200 ha rừng sản xuất nhưng đều trồng keo nguyên liệu, không có gia đình nào trồng rừng gỗ lớn hay cây bản địa. Vì áp lực kinh tế, lại sẵn có doanh nghiệp thu mua liên tục nên bà con chủ yếu bán keo non. Bán keo xay băm dăm chỉ giải quyết được vấn đề thu nhập, việc làm trước mắt chứ chưa thể khai thác tối đa lợi thế về đất rừng, không tạo được chuyển biến trong sản xuất và đảm bảo các giá trị sản xuất khác”.

Những gì đang xảy ra ở xã Thọ Điền cũng là thực trạng chung ở huyện Vũ Quang. Ông Võ Quốc Hội – Phó phòng NT&PTNT huyện cho biết: “Toàn huyện có hơn 14.000 ha rừng sản xuất - trồng keo tràm nguyên liệu. Dù đã được vận động, khuyến khích, lồng ghép các chương trình dự án, tổ chức đi tham quan học tập... nhưng hầu hết diện tích đất lâm nghiệp đều đang trồng keo băm dăm, chưa có gia đình nào trồng keo gỗ lớn. Hiện, chúng tôi đang xây dựng chương trình, kế hoạch trồng rừng gỗ lớn, theo tiêu chuẩn quốc tế FSC để tạo bước đột phá trong sản xuất”.

DSC_4678 - Copy.JPG
Người trồng rừng bán "non" cây keo tràm làm gỗ băm dăm. (Ảnh ở Hương Lâm).

Cũng như Vũ Quang, người trồng rừng ở các địa phương trong tỉnh đều chưa sẵn sàng sản xuất theo hướng trồng gỗ lớn (trên 10 năm) để cho giá trị kinh tế cao, sử dụng đất hiệu quả, bảo vệ môi trường tốt hơn... Nguyên nhân là do kinh phí, nguồn lực đầu tư thấp, cùng đó, người trồng rừng đang chủ yếu sản xuất theo thói quen, thiếu hoạch định lâu dài, chất lượng giống chưa tốt, hạ tầng phục vụ sản xuất chưa đảm bảo. Ngoài ra, người dân chưa mạnh dạn đầu tư trồng keo tràm thành gỗ lớn vì sợ bị ảnh hưởng thiên tai, cháy rừng, đến kỳ thu hoạch bị thu mua ép giá...

Anh Nguyễn Văn Dương ở xã Cẩm Thịnh (Cẩm Xuyên) chia sẻ: “Bình quân mỗi ha keo tràm phải đầu tư hết khoảng 17 – 20 triệu đồng/5 năm. Nếu thuận lợi, không bị thiên tai, không bị cháy rừng thì đến thời điểm khai thác sẽ bán được 45 – 65 triệu đồng/ha/chu kỳ. Sau khi trừ chi phí đầu tư, người trồng chỉ thu về khoảng 35 – 45 triệu đồng. Nguồn thu này là thấp so với tiềm năng của đất rừng cũng như mặt bằng của sản xuất chung”.

DSC_1717 - Copy (2).JPG
Gỗ băm dăm được các tàu trọng tải lớn vào thu mua để xuất khẩu tại cảng Vũng Áng.

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực lâm nghiệp, khi thực hiện sản xuất theo hướng trồng rừng gỗ lớn, trồng rừng theo tiêu chuẩn quốc tế FSC, trồng cây bản địa mới có thể tạo được những bước đột phá trong sản xuất lâm nghiệp, nâng cao hiệu quả sử dụng đất rừng, tạo sinh kế bền vững cho nhiều người, đảm bảo lợi ích kinh tế cho người trồng rừng, tăng giá trị bảo vệ môi trường và mang đến nhiều lợi ích khác.

Thế nhưng, người trồng rừng ở Hà Tĩnh chưa nhận thức rõ vấn đề này để thay đổi tư duy, phương thức sản xuất cho hiệu quả cao hơn. Đại đa số người dân được giao đất rừng sản xuất vẫn đang mải miết trồng keo tràm bán gỗ băm dăm, dù hiệu quả kinh tế thấp. Thực trạng này đang diễn ra phổ biến, kéo dài nhiều năm nhưng chưa thể khắc phục.

DSC_4223 - Copy.JPG
Những rừng keo tràm lâu năm, thân lớn như thế này hiện đang rất ít ở Hà Tĩnh, chủ yếu nằm ở những vị trí khó khai thác. Trong ảnh là ở xã Gia Phố, huyện Hương Khê.

Ông Lê Hữu Tuấn – Trưởng phòng Sử dụng và Phát triển rừng (Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh) thông tin: “Toàn tỉnh hiện có khoảng 88.000 ha rừng trồng keo (trong tổng số 93.927 ha rừng trồng sản xuất), trong đó, 4 huyện có diện tích trồng lớn nhất là Kỳ Anh 25.000 ha, Hương Sơn 19.000 ha, Hương Khê và Vũ Quang đều hơn 14.000 ha. Do nhiều nguyên nhân khác nhau nên Hà Tĩnh cũng như các địa phương khác trong cả nước đều chưa có phương án, kế hoạch trồng các loại cây khác để thay thế cây keo nguyên liệu. Việc trồng rừng gỗ lớn, theo chứng chỉ FSC, trồng cây bản địa ở rừng sản xuất... dù đã được khuyến khích nhưng đang gặp khó khăn".

Chủ đề Lâm nghiệp - bảo vệ rừng

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast