Quản lý rừng phòng hộ ven biển: Khó nhiều bề!

(Baohatinh.vn) - Hành vi người dân tự ý khai thác các diện tích rừng phòng hộ ven biển ở Hà Tĩnh do chưa hiểu luật hay ranh giới giữa các loại rừng chưa rõ ràng đã tồn tại trong thời gian dài.

Vừa qua, vụ việc của ông Nguyễn Văn Thành (thôn Nam Hải) và bà Trần Thị Luyến (thôn Bắc Hải), xã Thạch Khê tự ý chặt hạ khoảng 135 cây phi lao trong khu vực rừng phòng hộ chắn cát của địa phương khiến dư luận không khỏi bức xúc. Ngay sau đó, lực lượng chức năng đã phối hợp với chính quyền địa phương lập biên bản đình chỉ việc chặt cây, tạm giữ số gỗ khai thác trái phép để tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định.

bqbht_br_anh-5-rung-da-sua.jpg
Vụ việc người dân tự ý khai thác rừng phòng hộ ven biển vừa qua tại xã Thạch Khê.

Sau vụ việc trên, nhiều người dân đã nhận thức rõ hơn về việc khai thác rừng phòng hộ ven biển là hành vi vi phạm pháp luật. Nhiều hộ từng có ý định hoặc đang khai thác cũng đã dừng lại. Tuy nhiên, một số người dân vẫn còn băn khoăn bởi diện tích rừng phi lao nói trên là do họ tự bỏ vốn trồng và chăm sóc từ trước khi được quy hoạch rừng phòng hộ. Đến khi cây lớn, đủ tuổi khai thác lại không được phép thu hoạch khiến nhiều người cảm thấy thiệt thòi.

Ông Nguyễn Văn Ái (thôn Bắc Hải, xã Thạch Khê) chia sẻ: “Tôi có khoảng 1.000 cây phi lao trồng từ năm 1989 ở đây. Hiện nay, cây đã đến thời gian thu hoạch thì tiếp nhận thông tin diện tích này thuộc rừng phòng hộ ven biển. Tôi mong cấp trên xem xét có chính sách, phương án giải quyết phù hợp".

bqbht_br_r1.jpg
Ông Nguyễn Văn Ái, thôn Bắc Hải, xã Thạch Khê (bên phải) trồng khoảng 1.000 cây phi lao trên diện tích rừng phòng hộ ven biển.

Ông Nguyễn Viết Hiền, Trưởng phòng Kinh tế UBND xã Thạch Khê cho biết: “Hiện nay, toàn xã Thạch Khê có 687 ha rừng phòng hộ ven biển, trong đó 247 ha rừng trồng, còn lại là đất trống đang thuộc quản lý của UBND xã. Thời gian qua, một số người dân chưa nắm rõ luật nên đã tự ý chặt, khai thác rừng phòng hộ. UBND xã đang tiến hành tuyên truyền, vận động người dân ký cam kết giữ lại số cây này để phát triển theo hướng rừng đa dụng để phát huy vai trò bảo vệ ven biển nhưng vẫn mang lại lợi ích kinh tế cho người dân.”

bqbht_br_4.jpg
Khu vực rừng phòng hộ ven biển ở xã Đồng Tiến.

Không chỉ tại xã Thạch Khê, tình trạng tương tự cũng đang xảy ra tại xã Đồng Tiến. Do yếu tố lịch sử, một số diện tích rừng phòng hộ đã bị người dân khai thác trái phép. Nhờ công tác tuyên truyền, vận động của chính quyền và lực lượng chức năng, tình trạng này đã cơ bản được chấn chỉnh. Song, khó khăn hiện nay là nhiều khu vực chưa xác định rõ ranh giới giữa rừng phòng hộ và rừng sản xuất, dẫn đến bất cập trong công tác quản lý.

bqbht_br_2.jpg
Chính quyền địa phương xã Đồng Tiến tăng cường tuần tra, quản lý các diện tích rừng phòng hộ ven biển.

“Phòng Kinh tế UBND xã Đồng Tiến đã cử cán bộ thường xuyên túc trực, kiểm tra các diện tích rừng phòng hộ ven biển. Đồng thời, tuyên truyền, giải thích cho người dân hiểu việc trồng cây trên diện tích rừng phòng hộ thuộc quản lý của nhà nước không được tự ý chặt phá, khai thác. Hiện nay, ranh giới mốc rừng phòng hộ và các loại rừng khác chưa có nên việc tuần tra, xử lý gặp nhiều khó khăn. Địa phương đang phối hợp với lực lượng kiểm lâm để đo đạc” - ông Nguyễn Xuân Thái, Trưởng phòng Kinh tế UBND xã Đồng Tiến cho biết.

bqbht_br_r7.jpg
Lực lượng Hạt Kiểm lâm Kỳ Anh tăng cường công tác tuần tra, giám sát.

Thực tế cho thấy, hành vi người dân tự ý khai thác các diện tích rừng phòng hộ ven biển do chưa hiểu luật hay ranh giới giữa các loại rừng chưa rõ ràng đã tồn tại trong một thời gian dài. Tuy nhiên: “Hiện nay, việc khó khăn nhất là chế tài để xử lý hành vi người dân tự ý khai thác rừng phòng hộ ven biển khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép. Bởi chưa có quy định nào rõ ràng về xử phạt hành vi này nên người dân rất dễ tái diễn các hành vi tương tự” - ông Nguyễn Đình Lưu, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Kỳ Anh cho biết.

bqbht_br_r6.jpg
Rừng phòng hộ ven biển xã Kỳ Anh.

“Trong thời gian tới, lực lượng kiểm lâm sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân; tăng cường các lực lượng phối hợp với địa phương như UBND xã, công an xã, lực lượng an ninh cơ sở để ngăn chặn kịp thời các hành vi sai phạm. Về lâu dài tiếp tục đề xuất các cơ quan ở Trung ương có chế tài xử lý cụ thể để công tác quản lý rừng được hiệu quả hơn.” - ông Lê Hữu Tuấn, Trưởng phòng Sử dụng và Phát triển rừng (Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh) cho hay.

Video: Thực trạng diện tích rừng phòng hộ ven biển Hà Tĩnh.

Đọc thêm

Sớm "hồi sinh" vùng nuôi trồng thủy sản Thạch Bàn

Sớm "hồi sinh" vùng nuôi trồng thủy sản Thạch Bàn

Việc bố trí nguồn lực để đầu tư hạ tầng cho vùng nuôi trồng thủy sản Thạch Bàn (xã Thạch Khê, Hà Tĩnh) là yêu cấp thiết để hình thành vùng nuôi trồng tập trung, nâng cao thu nhập cho người dân.
Giải pháp nào để tái sinh vùng đất muối?

Giải pháp nào để tái sinh vùng đất muối?

Thời gian gần đây nhiều diêm dân đã bỏ nghề để tìm kế mưu sinh khác. Hệ quả là hàng trăm ha đất làm muối bị bỏ hoang, điều này không chỉ gây nên tình trạng lãng phí tài nguyên đất mà còn làm mất đi sinh kế, mất đi nghề truyền thống của nhiều vùng quê ven biển Hà Tĩnh.
Cấp bách trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng

Cấp bách trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng

Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm túc trách nhiệm quản lý nhà nước về lâm nghiệp của địa phương; tăng cường kiểm tra, giám sát công tác PCCCR trên địa bàn.
Ngư dân Hà Tĩnh học cách chuyển đổi số

Ngư dân Hà Tĩnh học cách chuyển đổi số

Hà Tĩnh đang chú trọng ứng dụng công nghệ số vào quản lý và giám sát hoạt động khai thác thủy sản thông qua phần mềm truy xuất nguồn gốc điện tử (eCDT VN),