110 hộ trồng chè bị nợ tiền bán nguyên liệu trong thời gian dài

(Baohatinh.vn) - Nhập nguyên liệu cho Tổng đội Thanh niên xung phong - xây dựng vùng kinh tế mới Tây Sơn (Hương Sơn, Hà Tĩnh) đã hơn 2 năm, nhưng 110 hộ trồng chè vẫn chưa biết đến bao giờ mới nhận được tiền!

IMG_8171.JPG
Người dân thôn Phố Tây bức xúc vì bán chè cho Tổng đội Thanh niên xung phong - xây dựng vùng kinh tế mới Tây Sơn hơn 2 năm vẫn chưa được nhận tiền.

Thôn Phố Tây (xã Sơn Tây) có 110/172 hộ dân trồng chè với tổng diện tích 113 ha. Trước đây, toàn bộ sản lượng chè búp tươi của bà con đều nhập về cho Tổng đội Thanh niên xung phong - xây dựng vùng kinh tế mới Tây Sơn (gọi tắt là Tổng đội) thuộc Tỉnh đoàn Hà Tĩnh.

Chị Nguyễn Thị Mai (SN 1991, thôn Phố Tây) cho biết: "Từ giữa năm 2021 đến đầu năm 2022, mặc dù gặp khó khăn do dịch bệnh COVID-19, nhưng việc thu mua, thanh toán giữa người dân và Tổng đội vẫn diễn ra thuận lợi. Tháng 2/2022, tôi xuất bán 190 kg chè búp tươi với giá 6,5 nghìn đồng/kg và nhận đủ số tiền hơn 1,2 triệu đồng sau đó chỉ 1 tháng. Thế nhưng, đến tháng 5/2022, Tổng đội thu mua của gia đình tôi 1,377 tấn với số tiền gần 9 triệu đồng thì nợ đến bây giờ. Sau thời điểm đó, các hộ trồng chè phải kết nối các đơn vị khác để bán sản phẩm”.

IMG_8190.JPG
Chị Nguyễn Thị Mai (người bên trái) thu hoạch chè búp của gia đình.

Cũng lâm vào cảnh phải đi đòi nợ nhiều lần nhưng không được, ông Đào Viết Lân (SN 1972, thôn Phố Tây) rất bức xúc vì đơn vị này đã thu mua của gia đình ông 1,7 tấn chè, trị giá hơn 11 triệu đồng nhưng suốt hơn 2 năm nay vẫn chưa trả.

Theo ông Nguyễn Hồng Sơn - Trưởng thôn Phố Tây, toàn thôn có 110 hộ dân bị Tổng đội nợ tiền thu mua chè búp tươi với tổng sản lượng 60 tấn. Ở nhiều cuộc họp dân, tiếp xúc cử tri, người dân đã báo cáo, đề xuất kiến nghị nhưng đến nay mọi việc vẫn chưa được giải quyết.

IMG_8199.JPG
Ông Hoàng Thế Lộc - Tổng đội trưởng Tổng đội Thanh niên xung phong - xây dựng vùng kinh tế mới Tây Sơn (người bên trái) làm việc với ông Nguyễn Hồng Sơn - Trưởng thôn Phố Tây.

Trao đổi về vấn đề này, ông Hoàng Thế Lộc – Tổng đội trưởng Tổng đội TNXP - xây dựng vùng kinh tế mới Tây Sơn thừa nhận, đơn vị còn nợ tiền mua chè búp tươi của 110 hộ dân với tổng số 395 triệu đồng.

Theo ông Lộc: "Từ khoảng đầu năm 2021, do ảnh hưởng dịch COVID-19, chúng tôi gặp khó khăn trong hoạt động nên đã đề xuất với cấp trên là Tỉnh đoàn Hà Tĩnh xin được liên kết với Công ty TNHH Chè Trường Thịnh (TP Vinh - Nghệ An) để có thêm nguồn lực, thu mua, tiêu thụ chè cho bà con.

Sau khi được chấp thuận, ngày 3/2/2021, Tổng đội ký kết Hợp đồng số 01HĐ/CGCN-TTSP với Công ty TNHH Chè Trường Thịnh về việc hợp tác chuyển giao công nghệ chế biến chè xanh và cam kết bao tiêu sản phẩm chè búp khô. Theo đó, Tổng đội sau khi thu mua chè búp từ người dân sẽ tiến hành chế biến thô và nhập lại cho Công ty TNHH Chè Trường Thịnh với giá 35,5 nghìn đồng/kg".

IMG_8229.JPG
Tổng đội Thanh niên xung phong - xây dựng vùng kinh tế mới Tây Sơn đóng tại thôn Phố Tây, xã Sơn Tây.

Theo giải thích của ông Hoàng Thế Lộc, thời kỳ đầu, việc hợp tác giữa 2 đơn vị khá nhịp nhàng nhưng về sau, do Công ty TNHH Chè Trường Thịnh nợ tiền Tổng đội nên việc hợp tác nảy sinh nhiều vấn đề. Hiện Công ty TNHH Chè Trường Thịnh còn nợ Tổng đội số tiền 858 triệu đồng nên đơn vị không có tiền trả cho người dân. Việc thu mua chè búp tươi với người dân cũng dừng hẳn từ ngày 22/5/2022 đến nay.

Ngày 28/8/2023, Tổng đội có văn bản gửi Công ty TNHH Chè Trường Thịnh yêu cầu phối hợp giải quyết vướng mắc trong hợp tác sản xuất và tiêu thụ chè. Theo đó, yêu cầu chấm dứt Hợp đồng số 01HĐ/CGCN-TTSP để tìm đối tác liên kết mới. Từ đó đến nay, Tổng đội đã làm việc, liên lạc nhưng không nhận được sự hợp tác giải quyết của lãnh đạo Công ty TNHH Chè Trường Thịnh.

Về việc giải quyết số tiền nợ của người dân, ông Lộc cho biết: "Hiện Tổng đội không có tiền trả cho bà con. Chúng tôi cũng cố gắng liên lạc với doanh nghiệp nhưng mỗi lần gọi điện họ không nghe máy".

Việc liên kết giữa Tổng đội và doanh nghiệp tư nhân bắt đầu từ mục đích liên kết hợp tác làm ăn, đôi bên cùng có lợi; đồng thời, cũng tiêu thụ nông sản cho bà con nông dân. Tuy nhiên, thương vụ làm ăn đã "đứt gánh giữa đường"! Hậu quả là hơn 2 năm qua, 110 người trồng chè ở thôn Phố Tây vẫn chờ đợi và chưa biết đến khi nào mới nhận được tiền mồ hôi, công sức của mình!

UBND huyện Hương Sơn đã nhiều lần làm việc, đôn đốc Tổng đội về việc trả số tiền còn nợ cho người dân; đồng thời đề nghị Tỉnh đoàn Hà Tĩnh chỉ đạo giải quyết dứt điểm, tuy nhiên, đến nay mọi việc vẫn chưa được xử lý.

Rõ ràng, về khoản nợ đối với bà con nông dân, lý do mà Tổng đội đưa ra là chưa thuyết phục. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sinh hoạt, đời sống của người sản xuất mà còn có thể gây ra những hệ lụy về tình hình an ninh trật tự tại địa phương. Để giải quyết dứt điểm vụ việc đảm bảo thượng tôn pháp luật và quyền lợi chính đáng của người dân, đề nghị các cấp, ngành liên quan vào cuộc điều tra, làm rõ.

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Gần 20 năm có bìa đỏ nhưng không được giao đất: Cần sự vào cuộc quyết liệt, “thấu lý, đạt tình”!

Gần 20 năm có bìa đỏ nhưng không được giao đất: Cần sự vào cuộc quyết liệt, “thấu lý, đạt tình”!

Đã nộp tiền 19 năm, được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng trên thực tế, ông Trần Văn Tuấn ở huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) vẫn chưa được cấp đất. Ngoài một phần lỗi của công dân thì chính quyền địa phương có nhiều sai sót, tắc trách trong vụ việc này.
Sau 16 năm, 82 lô đất ở vẫn “đắp chiếu” vì vướng quy hoạch

Sau 16 năm, 82 lô đất ở vẫn “đắp chiếu” vì vướng quy hoạch

Năm 2006, UBND huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) cấp cho các hộ dân 82 lô đất ở vùng Cồn Bia, thôn Trung Nghĩa, xã Thạch Bằng (nay là TDP Trung Nghĩa, thị trấn Lộc Hà, huyện Lộc Hà). Thế nhưng đến nay, sau 16 năm, khu đất này vẫn chưa có hạ tầng thiết yếu, khiến người dân băn khoăn, bức xúc.
Nhanh chóng tìm nguyên nhân cá chết ở hồ Bộc Nguyên

Nhanh chóng tìm nguyên nhân cá chết ở hồ Bộc Nguyên

Ngay sau khi ghi nhận hiện tượng cá chết ở hồ Bộc Nguyên, sáng 23/8, Sở TN&MT Hà Tĩnh phối hợp với các huyện Thạch Hà, Cẩm Xuyên tiến hành kiểm tra, lấy mẫu nước ở những khu vực có cá chết và thượng nguồn hồ nước để tìm nguyên nhân.
Người dân xã Đỉnh Bàn bị cấm cản trái phép khi khai thác hải sản

Người dân xã Đỉnh Bàn bị cấm cản trái phép khi khai thác hải sản

Một số người dân ở xã Đỉnh Bàn (Thạch Hà, Hà Tĩnh) đã bị cấm cản trái phép, thậm chí bị hành hung khi khai thác các loài nhuyễn thể tự nhiên ở khu vực bãi bồi ven Cửa Sót (thuộc địa phận xã Đỉnh Bàn). Sự việc chưa được giải quyết thấu đáo nên người dân viết đơn phản ánh lên Báo Hà Tĩnh.
Những yêu cầu của ông Hồ Phúc Duẩn là không có căn cứ

Những yêu cầu của ông Hồ Phúc Duẩn là không có căn cứ

Vừa qua, Báo Hà Tĩnh tiếp nhận đơn thư của ông Hồ Phúc Duẩn ở huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) yêu cầu được chi trả tiền hỗ trợ do dịch Covid-19 và xã phải đứng ra làm bìa đỏ cho gia đình ông. Tuy nhiên, qua xác minh, chúng tôi nhận thấy các yêu cầu của ông Duẩn là không có căn cứ.