Định vị GPS - “Bít lỗ hổng” trong giám sát xe vận chuyển chất thải

(Baohatinh.vn) - Những năm gần đây, lượng chất thải rắn sinh hoạt và chất thải rắn công nghiệp thông thường trên địa bàn Hà Tĩnh ngày càng có khối lượng phát sinh lớn.

Đáng nói, hiện nay, việc quản lý về vận chuyển chất thải đang chủ yếu dựa trên báo cáo của các đơn vị thu gom, vận chuyển, xử lý. Cơ quan chức năng chưa thể theo dõi, giám sát một cách trực tiếp, chặt chẽ. Điều này, tạo ra một “lỗ hổng” dẫn tới nguy cơ chất thải có thể bị đổ ra môi trường mà chưa qua xử lý...

Công an Hà Tĩnh bắt quả tang một xe tải đổ rác trái phép trên địa bàn dân cư ở thị xã Kỳ Anh (tháng 3/2016).

Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh ta hiện nay, bình quân lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh khoảng 732 tấn/ngày (tương đương 267.180 tấn/năm). Hiện nay, công tác thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt tại các địa phương do 162 HTX, tổ đội vệ sinh môi trường và 4 công ty môi trường đô thị thực hiện. Số liệu tổng hợp của Sở TN&MT cho thấy, khối lượng rác thải sinh hoạt đã được thu gom, xử lý là 464,5 tấn/ngày (tương đương 168.542 tấn/năm), tỷ lệ thu gom và xử lý bình quân đạt 63,5%.

Riêng về chất thải rắn công nghiệp, ông Đặng Bá Lục - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Tĩnh cho biết: Hiện nay chưa được thống kê, kiểm kê một cách cụ thể. Tuy nhiên, với tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp giai đoạn 2011-2015 là 38%, đến năm 2015, khối lượng chất thải rắn công nghiệp phát sinh ước khoảng 260.000 tấn/năm.

Tuy nhiên, công tác xử lý chất thải công nghiệp trên địa bàn tỉnh ta cũng còn nhiều bất cập. Toàn tỉnh hiện chưa có khu xử lý chất thải rắn công nghiệp tập trung hoặc theo vùng nên việc xử lý chất thải công nghiệp và chất thải nguy hại trên địa bàn còn gặp nhiều khó khăn. Chất thải rắn công nghiệp phát sinh tại các cơ sở hầu như do đơn vị tự xử lý hoặc lưu kho, một số xử lý chung với chất thải sinh hoạt. Hiện nay, mới chỉ có một doanh nghiệp đầu tư xây dựng 1 nhà máy xử lý chất thải công nghiệp tại xã Kỳ Tân (Kỳ Anh) với công suất 1.060 tấn/ngày, trong đó, công suất xử lý chất thải nguy hại khoảng 500 tấn/ngày.

Điều đáng quan tâm, việc quản lý về vận chuyển chất thải hiện nay đang chủ yếu dựa trên báo cáo của các đơn vị thu gom, vận chuyển, xử lý - tức là phụ thuộc vào ý thức tự giác của họ, cơ quan quản lý nhà nước chưa thể giám sát một cách chặt chẽ các đơn vị tiếp nhận nguồn thải rồi sau đó vận chuyển, xử lý như thế nào… Điều này dẫn tới nguy cơ chất thải có thể bị đổ ra môi trường mà chưa qua xử lý. Được biết, để khắc phục tình trạng nêu trên, ở một số địa phương như: Đồng Nai, Bình Dương… đã yêu cầu các doanh nghiệp, đơn vị tham gia thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải phải đăng ký và kết nối hệ thống định vị toàn cầu (GPS) cho tất cả các xe vận chuyển chất thải với Sở TN&MT để cơ quan này quản lý, theo dõi và giám sát.

“Về mặt công nghệ, tôi cho rằng, đây là một vấn đề mà chúng ta nên tiến hành làm, khi được kết nối, lắp đặt định vị GPS, cơ quan quản lý nhà nước có thể kiểm soát trực tiếp hoàn toàn quá trình vận chuyển của xe chở thải, các hành vi vận chuyển, đổ thải ngoài “luồng” (nếu có) sẽ bị phát hiện ngay tức thì…” - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Đặng Bá Lục khẳng định.

Thời gian tới, dự kiến lượng chất thải rắn phát sinh sẽ tăng do các dự án lớn đi vào hoạt động, đặc biệt là ở thị xã Kỳ Anh có dự án luyện cán thép của Tập đoàn Formosa, các nhà máy nhiệt điện… Vì vậy, công tác quản lý, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước về thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải đòi hỏi càng phải chặt chẽ. Việc yêu cầu các doanh nghiệp đăng ký xe chở thải, lắp đặt hệ thống định vị GPS trên xe để cơ quan quản lý nhà nước theo dõi, giám sát thường xuyên sẽ là một giải pháp hữu hiệu.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói