Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh góp ý xây dựng Luật Doanh nghiệp

(Baohatinh.vn) - Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh cho rằng, cần có thêm thành phần biểu quyết của các cổ đông ngoài nhà nước liên quan đến quyết định quan trọng của doanh nghiệp Nhà nước.

Sáng 21/5, chương trình Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV tiếp tục với phiên thảo luận về dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển.

Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh góp ý xây dựng Luật Doanh nghiệp

Toàn cảnh phiên họp (Ảnh: Quochoi.vn)

Luật Doanh nghiệp góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh

Sau khi Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Quốc hội Võ Trọng Việt trình bày Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Biên phòng Việt Nam, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Doanh nghiệp.

Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh góp ý xây dựng Luật Doanh nghiệp

Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh Nguyễn Văn Sơn chủ trì điểm cầu Hà Tĩnh.

Theo đó, đối với phạm vi điều chỉnh, quy định đối tượng hộ kinh doanh vào dự thảo Luật Doanh nghiệp (Điều 1, Điều 2 và Chương VIIa) đề nghị không quy định nội dung về hộ kinh doanh vào dự thảo luật, mà xem xét, ban hành một luật riêng về hộ kinh doanh. Báo cáo giải trình cũng đã tiếp thu các ý kiến của đại biểu liên quan đến nghĩa vụ của doanh nghiệp (Điều 8), người đại diện theo pháp luật (Điều 12), về quyền thành lập, góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp và quản lý doanh nghiệp (Điều 17), thông báo mẫu dấu của doanh nghiệp (Điều 43), doanh nghiệp nhà nước (Điều 88), quyền của cổ đông phổ thông (Điều 115), chào bán trái phiếu riêng lẻ của công ty không đại chúng (Điều 128).

Các đại biểu đánh giá, dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) đã đơn giản hóa thủ tục gia nhập thị trường, nâng cao hiệu lực quản trị và hiệu quả hoạt động doanh nghiệp nhà nước, hoàn thiện khung pháp lý về hộ kinh doanh, tạo thuận lợi hơn cho tổ chức lại doanh nghiệp.

Phiên thảo luận dự án Luật Doanh nghiệp đã ghi nhận 20 ý kiến đóng góp, tập trung vào các nội dung chính: đưa hộ kinh doanh vào dự án Luật Doanh nghiệp, mẫu dấu và doanh nghiệp Nhà nước...

“Nên hay không đưa hộ kinh doanh vào dự án Luật?” đây cũng là vấn đề được các đại biểu quan tâm tại kỳ họp. Theo đó, nhiều ý kiến phân tích không nên đưa hộ kinh doanh vào dự thảo luật bởi đây không phải là doanh nghiệp. Những quy định về hộ kinh doanh tại dự thảo luật chỉ mới giải quyết được việc kiểm soát, quản lý Nhà nước đối với hộ kinh doanh; chưa tạo thêm quyền tự do kinh doanh cũng như các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hộ kinh doanh.

Trong khi đó, số khác lại cho rằng, việc đưa hộ kinh doanh vào luật sẽ góp phần “định danh”, bảo vệ quyền lợi, bãi bỏ một số rào cản cản trở hoạt động của hộ kinh doanh. Từ đó, đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế tư nhân tốt hơn; tạo động lực để hộ kinh doanh hoạt động theo loại hình doanh nghiệp.

Đại biểu Quốc hội Hà Tĩnh đồng tình với dự án Luật

Phát biểu về Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), ĐBQH Bùi Thị Quỳnh Thơ, Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh đồng tình với dự án luật và báo cáo giải trình của UBTVQH.

Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh góp ý xây dựng Luật Doanh nghiệp

Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ tham gia thảo luận tại kỳ họp

Theo đó, đại biểu đồng tình với quy định doanh nghiệp nhà nước do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết vì phù hợp Nghị quyết số 12-NQ/TW của Hội nghị Ban chấp hành Trung ương.

Phân tích vấn đề này, đại biểu cho rằng cần thiết phải có thêm thành phần biểu quyết của các cổ đông ngoài nhà nước liên quan đến các quyết định quan trọng của doanh nghiệp bởi cho dù sở hữu trên 50% vốn thì xét cho cùng nhà nước vẫn chỉ là ý chí của 1 chủ thể. Trong khi công ty cổ phần, công ty TNHH 2 thành viên trở lên còn liên quan đến nhiều cổ đông/thành viên góp vốn nên họ có quyền biểu quyết và tham gia quyết định các vấn đề quan trọng của công ty.

Đại biểu Thơ khẳng định, việc bỏ con dấu là phù hợp với thông lệ quốc tế. Đồng thời, đưa ra ý kiến: “Qua trao đổi với cử tri cơ quan thuế và cơ quan điều tra địa phương, việc không sử dụng con dấu của doanh nghiệp không ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ quan quản lý chuyên ngành và hoàn toàn kiểm soát được. Hiện nay trong bối cảnh triển khai chứng từ điện tử, không sử dụng dấu hoàn toàn thuận tiện”.

Đối với Điểm a, Khoản 1, Điều 207 quy định: “Kết thúc thời hạn hoạt động đã ghi trong Điều lệ công ty mà không có quyết định gia hạn”, đại biểu đề nghị xem xét lại vì do trong Luật Doanh nghiệp không quy định về thời gian hoạt động của doanh nghiệp và khi công ty thành lập cũng không quy định nội dung về thời gian hoạt động nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính…

Chiều nay, Quốc hội tiếp tục làm việc xung quanh dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và Luật Giám định tư pháp.

Chủ đề Họp Quốc hội

Đọc thêm

Lãnh đạo tỉnh tiếp xúc cử tri Đức Thọ, Nghi Xuân

Lãnh đạo tỉnh tiếp xúc cử tri Đức Thọ, Nghi Xuân

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải và Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Võ Hồng Hải ghi nhận các ý kiến tâm huyết của cử tri và giao các sở, ngành Hà Tĩnh và các địa phương xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.