Chuẩn bị nội dung Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV, chiều 9/5, Đoàn ĐBQH tỉnh phối hợp với Thanh tra tỉnh tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý xây dựng dự án Luật Thanh tra (sửa đổi). Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia và Chánh Thanh tra tỉnh Võ Văn Phúc chủ trì hội nghị. Các vị ĐBQH: Lê Anh Tuấn - Phó Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại của Quốc hội, Bùi Thị Quỳnh Thơ - Ủy viên Ủy ban kinh tế của Quốc hội, Phan Thị Nguyệt Thu - Chánh án TAND tỉnh; Phó Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh Nguyễn Thị Nhuần cùng một số lãnh đạo sở, ngành liên quan tham dự. |
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia và Chánh Thanh tra tỉnh Võ Văn Phúc chủ trì hội nghị.
Luật Thanh tra năm 2010 được Quốc hội thông qua ngày 15/11/2010, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2011. Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện, Luật Thanh tra đã tạo hành lang pháp lý quan trọng trong việc hoàn thiện tổ chức và nâng cao hoạt động thanh tra, góp phần ổn định, phát triển KT-XH, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Tuy nhiên, hiện nay, Luật Thanh tra năm 2010 đã bộc lộ những hạn chế, làm giảm hiệu quả, hiệu lực của hoạt động thanh tra, chưa đáp ứng tốt yêu cầu của tình hình mới. Do vậy, việc sửa đổi Luật Thanh tra năm 2010 là cần thiết.
Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) gồm 8 chương và 116 điều (trong đó bổ sung thêm 61 điều, sửa đổi 41 điều và lược bỏ 24 điều so với Luật Thanh tra 2010).
Cụ thể: Những quy định chung (gồm 9 điều); tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra (27 điều); thanh tra viên (6 điều); hoạt động thanh tra (57 điều); thực hiện kết luận thanh tra (6 điều); phối hợp trong hoạt động thanh tra, kiểm toán nhà nước, điều tra (5 điều); điều kiện bảo đảm hoạt động của cơ quan thanh tra (3 điều); điều khoản thi hành (3 điều).
Dự án Luật nhằm quán triệt và cụ thể hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác thanh tra; thể chế hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 phù hợp với chức năng, nhiệm vụ về thanh tra; đáp ứng yêu cầu về tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng...
Tại hội nghị, các đại biểu cơ bản thống nhất với việc giữ nguyên quy định về thanh tra huyện trong dự thảo; đề nghị không thành lập cơ quan thanh tra ở một số tổng cục, cục thuộc bộ nhằm đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn hiện nay; chuyển thanh tra sở hiện tại về Thanh tra tỉnh để thành lập các phòng thanh tra chuyên ngành...
Chánh Thanh tra huyện Cẩm Xuyên Đặng Hữu Nhã đề nghị bổ sung cụm từ “biên chế lực lượng của thanh tra cấp huyện tối thiểu 4 - 5 thanh tra viên trở lên” vào Điều 34 (quy định về tổ chức thanh tra cấp huyện).
Cần quy định rõ phạm vi thanh tra của các cơ quan thanh tra và hoạt động kiểm tra thường xuyên của cơ quan quản lý Nhà nước, tránh sự chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra, kiểm tra; có chế tài cụ thể trong tổ chức thực hiện các kết luận thanh tra.
Các đại biểu cũng đề xuất cần hoàn thiện các quy định về hoạt động thanh tra, hình thức thanh tra, hệ thống thanh tra, tiêu chuẩn của thanh tra viên...
Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh Nguyễn Thị Nhuần góp ý về chức năng, nhiệm vụ của thanh tra huyện; tiêu chuẩn của thanh tra viên.
Đại biểu cũng đã góp ý về các quy định liên quan đến nội dung xây dựng, ban hành kế hoạch thanh tra; thời hạn thanh tra; nguyên tắc xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra; xây dựng đề cương yêu cầu đối tượng thanh tra báo cáo; thông báo về việc công bố quyết định thanh tra; công khai kết luận thanh tra...
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia phát biểu tại hội nghị.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia ghi nhận các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, chất lượng của đại biểu, qua đó, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác lập pháp của Quốc hội.
Đoàn ĐBQH tỉnh tiếp thu, tổng hợp đầy đủ ý kiến để trình Quốc hội trong kỳ họp tới.